- 11 tháng 4 2015
Đã 40 năm trôi qua, một thời gian khá dài có những việc với trí nhớ của
con người có thể quên đi hoặc có nhớ lại hình như nó rất mơ hồ.
Nhưng có những việc người ta không quên được, mỗi một lần có dịp hồi tưởng, nó lại hiển hiện trước mắt y như vừa mới xảy ra.Sự kiện đó trở thành một dấu ấn khắc sâu vào tâm trí con người, và nó mãi mãi in đậm vào lòng có thể khi đến chết vẫn còn mang theo.
Những người thuộc thế hệ 4X của thế kỷ trước được sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, có thể nói chúng tôi là chứng nhân và cũng là nạn nhân của một cuộc chiến kéo dài trên 20 năm.
Mang bầu nhiệt huyết
Vào đầu thập niên 60 chúng tôi là những thanh niên mang bầu nhiệt quyết.Chúng tôi biết chiến tranh đang xảy ra trên quê hương.
Chúng tôi tham gia vào cuộc chiến với lý tưởng muốn phục vụ quốc gia dân tộc.
Ở lứa tuổi chúng tôi thời đó không có nhiều con đường để lựa chọn, nếu không được vào các trường đại học chuyên nghiệp như kỹ thuật, luật khoa, y, nha, dược, sư phạm… để tiếp tục con đường học vấn, thì trước sau gì cũng phải thi hành nghĩa vụ quân sự.
Nơi chiến trường chúng tôi đối diện với bom đạn mìn bẫy, với cái chết trong gang tấc.
Bao nhiêu đồng đội không trở về hậu cứ sau những cuộc hành quân. Những chiếc khăn tang trên quấn trên đầu người góa phụ.
Trong trái tim chúng tôi trở thành chai đá. Bất cần đời, sống nay chết mai.
Tưởng như nói đùa
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng Hòa Nam tuyên bố đầu hàng quân đội miền Bắc, cuộc chiến tranh kéo dài trên bảy ngàn ngày đêm giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam coi như kết thúc.
Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh làm mọi người hoang mang, mới nghe tưởng như lời nói đùa, nhưng có lời chấp thuận đầu hàng của phía bên kia và những lời phát thanh nầy được phát liên tục.
Như vậy cuộc chiến nầy không đánh nữa mà phải bỏ vũ khí đầu hàng kẻ địch. Với tôi việc ra trận mà buông súng đầu hàng địch trong khi chưa bắn một viên đạn nào là một điều sĩ nhục.
Một cuộc chiến dài nhất trong lịch sử cận đại.
Thế nhưng người ta không muốn nói đây là chiến tranh.
Đây là một cuộc chiến được tung ra dưới một hình thức hỏa mù được thực hiện bởi những thế lực đối đầu trong bóng tối
Đây là một cuộc chiến được tung ra dưới một hình thức hỏa mù được thực hiện bởi những thế lực đối đầu trong bóng tối.
Lừa dối và chua xót
Bốn mươi năm sau cuộc chiến ở Việt Nam một số tài liệu được giải mật, một số sách báo phim ảnh được ấn hành như quyển “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cũng như cuốn “Bên Thắng Cuộc” (quyển I) của nhà báo Huy Đức và Phim tài liệu “Last Day In Việt Nam của bà Rody Kennedy v.v..., người ta thấy chiến tranh Việt Nam được chấm dứt như thế nào.Chiến tranh kết thúc với nỗi vui mừng của kẻ chiến thắng cũng như đem lại sự đau buồn của những người thua trận đó là lẽ đương nhiên của cuộc chiến.
Nhưng hệ lụy của nó sau cuộc chiến đã phơi bày ra một sự thật là: nhân dân miền Bắc kẻ thắng trận đã thấy mình bị lãnh đạo lừa dối đẩy dân chúng vào một cuộc chiến vô nghĩa.
Nhân dân miền Nam chua xót hơn khi bị đồng minh phản bội. Chiến tranh Việt Nam đã tiêu hao trên ba triệu người cho cả hai bên, hơn thế nó đã phân hóa tình tự hòa hợp dân tộc một thời gian khá dài mãi đến nay đã 40 năm vẫn chưa hàn gắn được, ít lắm phải vài thế hệ kế tiếp mới có cơ may.
Bốn mươi năm trôi qua nước Việt Nam dưới chế độ độc tài Cộng sản đã từng bước đưa đất nước vào chỗ suy vong không lối thoát.
Nhiều phần của đất liền và biển đảo lần lượt lọt vào tay Trung cộng, chủ quyền quốc gia không được tôn trọng.
Việt Nam ngày nay lệ thuộc rất nhiều vào Trung cộng từ kinh tế cho đến chính trị, lẫn ngoại giao và có vẻ như đã hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc, đến nỗi, trong tương lai gần, nếu không cẩn thận, theo cảnh báo của các nhà quan sát thời cuộc tiên đoán, năm 2020 Việt Nam sẽ có thể biến thành 'một tỉnh thành' của Trung Quốc.
Con đường sau 40 năm
Hội nghị Thành Đô năm 1990 với Trung cộng có gì bí mật để các nhà lãnh đạo Việt Nam phải dấu kín?Sau nghị hội nầy có vẻ nhiều chính sách và đường lối của chánh quyền cộng sản Việt Nam như 'đều theo chỉ thị' của Trung cộng.
Con đường duy nhất của Việt Nam ngày nay, 40 năm sau sự kiện 30/4/1975 là phải thoát Trung, hoặc phải thay đổi đổi chế độ hiện hành
Thế nhưng dường như mỗi lần họ cất tiếng lên 'chửi Trung Cộng', là công an có thể bắt họ liền và họ có thể bị kết án rất nặng.
Thiết nghĩ, trước họa mất nước về tay Tàu cộng, người Việt trong và ngoài nước phải hành động ngay từ bây giờ nếu không sẽ quá muộn.
Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, nếu chúng ta không quật cường mà lại chịu cúi đầu làm nô lệ cho họ, thì con cháu đời sau sẽ phê phán chúng ta và tôi nghĩ, con đường duy nhất của Việt Nam ngày nay, 40 năm sau sự kiện 30/4/1975 là phải thoát Trung, hoặc phải thay đổi đổi chế độ hiện hành.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả đang sống tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.
'Không nên gọi 30/4 là ngày giải phóng'
Nam Phong Gửi tới BBC từ Huế
- 11 tháng 4 2015
Tôi sinh ra và lớn lên sau ngày 30/04. Trong khi phần lớn đất nước chìm trong khó khăn, hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, trong khi phần lớn người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đói khổ trong giai đoạn 1980-1990, thì tôi đã sống một cuộc sống đầy đủ và sung túc, vì ông bà tôi là những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông tôi là một người chân thành và có niềm tin sâu sắc với lý tưởng cộng sản. Ông có một người chị ở phía bên kia, và sau này di tản sang Mỹ. Ông không bao giờ liên lạc với bà, và đó là nỗi ân hận lớn nhất trong những ngày cuối đời của ông.
Là một 'hạt giống đỏ" tôi lớn lên với niềm tin chân thành về những gì được dạy dỗ, về lý tưởng cộng sản với hình mẫu Pavel Korchagin - Hình mẫu chuẩn mực cho mọi thiếu niên lớn lên dưới mái trường XHCN khi đó.
40 năm rồi, bên chiến thắng vẫn ăn mừng, vẫn diễu binh, vẫn pháo hoa...bên kia vẫn là ngày quốc hận, ngày mất nước..vết thương dân tộc vẩn rỉ máu.
Vì vậy, sự kiện 30/04 đối với tôi và các bạn tôi khi đó là một cái gì đó rất đẹp, rất anh hùng, cũng rất vẻ vang. Với thế hệ chúng tôi, Việt Nam đã đánh bại siêu cường số 1 thế giới làm "chấn động năm châu. rung chuyển địa cầu".
Nhưng sau sự kiện bức tường Berlin, mẹ tôi trở về Việt Nam (vì là con của cán bộ cao cấp, mẹ tôi và các bác, cậu của tôi đều lần lượt học ở Đông Đức, Liên Xô, Bungari...).
Với những gì đã được chứng kiến ở nước Đức và Đông Âu, mẹ tôi không tán đồng quan điểm với ông tôi. Mẹ tôi từng kể với tôi rằng, những người bạn Đức của bà nói rằng ''Mỹ là những người bạn tốt, cả thế giới muốn chơi với nó mà người Việt Nam mày lại đuổi nó đi.''
Bà kể cho tôi về những người Đức cộng sản và không cộng sản khi thống nhất đất nước đã ôm hôn nhau như thế nào. Bà kể về những người lính biên phòng Đông Đức đã tự sát chứ nhất định không bắn vào những người phía Đông muốn chạy sang phái Tây như thế nào.
Đó là bước ngoặt trong suy nghĩ của tôi! Mỹ mà tốt à? Tại sao người ở phía Đông lại chạy sang phía Tây chứ không phải ngược lại? Thế giới của tôi bắt đầu có nhiều màu sắc hơn, không còn chỉ có hai màu, cộng sản và phản động nữa.
Những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh chỉ là giao tranh giữa những người Việt (Trong ảnh là lính VNCH trong trận Xuân Lộc)
Tôi bắt đầu tìm đọc những tác phẩm viết về ngày 30/04/1975. Đọc những tác phẩm bị coi là "phản động" ở Việt Nam. Các tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Gia Kiểng...
Thông tin từ những tác phẩm này đã khiến tôi mở to mắt. Ngày 30/04 làm gì còn người lĩnh Mỹ nào ở Sài Gòn. Vậy sao còn gọi là kháng chiến chống Mỹ? Sao có thể gọi là "giải phóng"?
Và tôi khóc thương cho số phận dân tộc Việt. Khóc thương cho hàng triệu người Việt ở cả hai phía đã ngã xuống trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn". Khóc thương cho cả triệu người Việt vĩnh viễn nằm lại gữa biển khơi.
Một ngày nào đó, 30/04 trở thành ngày thống nhất, một ngày lễ cho cả dân tộc. Tổ quốc treo cờ rủ quốc tang cho những người đã ngã xuống ở cả hai phía.
Và tôi khóc thương cho lòng yêu nước nhiệt tình nhưng ngây thơ của người Việt đã bị các cường quốc lợi dụng. Đất nước trở thành bãi chiến trường. Người Việt trở thành sỹ tốt xung phong. Việt Nam thành bàn cờ, nhưng người chơi là người Nga, người Trung Quốc và người Mỹ không phải là người Việt. Một bên chiến đấu để "giải phóng" và "nhuộm đỏ thế giới". Một bên chiến đấu để bảo vệ "thế giới tự do".
"Đại thắng mùa xuân" và "giải phóng miền Nam". Đât nước thành một đống đổ nát, hoang tàn. Trường Sơn thành một nghĩa trang khổng lồ.
Những người mẹ mất con. Khăn trắng trên đầu trẻ thơ. Và một hết thương hằn sâu trong lòng dân tộc. 40 năm rồi, bên chiến thắng vẫn ăn mừng, vẫn diễu binh, vẫn pháo hoa...bên kia vẫn là ngày quốc hận, ngày mất nước... vết thương dân tộc vẩn rỉ máu.
Một ngày nào đó, 30/04 trở thành ngày thống nhất, một ngày lễ cho cả dân tộc. Tổ quốc treo cờ rủ quốc tang cho những người đã ngã xuống ở cả hai phía.
Một tượng đài nhỏ thôi, giản dị thôi nhưng tinh xảo. Và một nghĩa trang của những người lính ở cả hai phía cho thế hệ trẻ có thể tỏ lòng thành kính cho những người đã ngã xuống vì dân tộc. Hy vọng là như thế!
Còn thống nhất lãnh thổ mà không thống nhất được lòng người thì có ích gì? Nhất là khi phương Bắc, kẻ thù truyền kiếp đang trỗi dậy. Bài học mất nước của Hồ Quý Ly còn đó.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.