22/4/15

Gieo gì cho một ngày giải phóng thực sự?

 Gieo gì cho một ngày giải phóng thực sự?

Nguyễn Phương Uyên - Người ta vẫn luôn tin rằng thời gian là phương thuốc hữu hiệu có khả năng chữa lành mọi vết thương cả về tinh thần lẫn thể xác. 
Giống như Martin Luther King (1) nói rằng, “Thực ra, thời gian tự nó không thiên về đâu hết; nó có thể được dùng để xây dựng hay phá hoại”. Tôi cũng có một cảm nhận khác về thời gian, ở một khía cạnh nào đó, một trường hợp nào đó thời gian có thể là một con dao hai lưỡi như đối với lòng hận thù chăng?! 
Hận thù bắt đầu từ nỗi đau, sự thương tổn có thể được thời gian chữa lành bằng cách làm nhạt nhòa cho những đớn đau lui dần vào quên lãng, nhưng cũng có thể nuôi lớn hận thù từ quá khứ đau buồn nọ.
VỠ MỘNG “GIẢI PHÓNG”
Người cộng sản lấy hận thù làm động cơ thổi bùng lửa cách mạng. Khi làm như vậy người ta tin tưởng đó là động lực chủ chốt để đưa cách mạng tới thành công và giải phóng con người. Nhưng kết cục “Giải phóng” chỉ còn là cụm từ hoa mỹ không hơn không kém được đảng cộng sản - thứ gọi là lực lượng tiên phong lập đi lập lại, ngày này qua ngày khác. 
“Giải phóng” kia là cái vốn dĩ đã không những không thể giải thoát con người, lại còn đưa con người vào một xã hội bế tắt, đầy kiềm kẹp, đầy dối trá, xảo quyệt, tham nhũng, cướp bóc, thù hằn, tranh chấp, chia rẽ của tham tàn, của thành kiến, của nghi kị lẫn nhau. 
Và vì lẽ hòa bình là một giá trị dựa trên nền tảng của công lý và bác ái, nên “Giải phóng” kia chẳng những không lập lại hòa bình, lại còn kéo dài chiến tranh âm ỉ bởi sự thiếu vắng của công lý và lòng yêu thương. Đó là “Giải Phóng” hay trói buộc, nô lệ hóa con người vào lòng thù hận?
Một sự thật không thể chối cãi, sau 40 năm “giải phóng miền Nam”, những gì có được từ lòng hận thù đó là xả ra một chuỗi bi kịch, khiến đa phần con người ở những thế hệ sau trở nên hư hỏng. 
Khi hận thù được nuôi lớn không chỉ trên một cá nhân, mà còn gieo mầm vào trẻ nhỏ nó phát triển trở thành một “lề thói vốn dĩ” (2) bóp méo nhân cách hủy hoại tâm hồn trong sáng. Mọi hành động xuất ra cũng chỉ là vì sự muốn trả đũa mà thôi, và chung cục là bế tắc tư tưởng.
Trước thì người ta nhục mạ, các lãnh đạo chính quyền miền Nam, gọi họ là ngụy quân, ngụy quyền, rồi sử dụng chính sách cải tạo khổ sai, đập phá nghĩa trang của những người thuộc chế độ cũ như một phương thức trả thù. 
Về sau, người ta ngăn chặn hòng cô lập sự giúp đỡ đến với những số phận bất hạnh, những người lính chế độ cũ, những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa - người mà còn lại phần sống không trọn vẹn, người này thiếu tay, người kia thiếu chân, người thì bị mù, người thì không còn khả năng đi lại, những người mà vẫn bị nhà cầm quyền đặt nặng kỳ thị, phân biệt đối xử đè lên cuộc đời. 
Cách ứng xử như vậy đã làm cho sự hô hào “hòa hợp hòa giải dân tộc” của họ tự nó tố cáo nó chỉ là một trò bịp bợm. Làm thế nào người ta có thể “hòa hợp hòa giải dân tộc” bằng cách duy trì, nuôi nấng hận thù và cấm cản yêu thương được? 
HẬN THÙ HẠ THẤP PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Thật vậy, khi mang trong mình hận thù là lúc ngôi vị giữa người và người đã bị hoán đổi. 
Thay thế cho quan hệ Anh - Tôi, là quan hệ Ta - Nó, như vậy ngôi vật vị đã thay thế cho nhân vị (3) đó, chẳng khác gì nói rằng con người đã bị gián phẩm giá xuống và trở thành một thứ đồ vật, tệ hại hơn chỉ là súc vật.
Hận thù không sai khi nó chỉ tồn tại dưới dạng là một trong những cảm xúc của con người, nhưng nếu nó được sử dụng để phát thành một thứ động lực cực đoan là lúc lòng yêu thương đã bị phủ bỏ. 
Sẽ không một ai có thể lý luận rằng có thể xây dựng được một xã hội nhân bản cao thượng từ sự thiếu vắng tình yêu thương, lòng nhân ái cả. 
Trong quang cảnh bi thảm của một xã hội ngày càng mất đi nhân tính hôm nay, chúng ta phải tranh đấu không vì lẽ hận thù, mà chính vì mục đích để có một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, nhân bản hơn với đầy đủ các quyền tự do mà công dân của một đất nước dân chủ đáng lý ra phải có. 
Đối với mục tiêu này, hận thù sẽ chỉ là con đê nguy hiểm của sự dè biểu, ích kỷ, kè nén dòng văn minh nhân loại đến với Việt Nam. 
Quá lâu rồi Việt Nam thân thương của chúng ta sa vào vũng lầy hận thù trong khi mọi người ao ước được yêu thương. Không ai mang bên mình hận thù và cảm thấy đó là một cảm xúc dễ chịu. Liệu rồi chúng ta sẽ tiếp tục duy trì hận thù hay phát triển lòng yêu thương? 
Có một định luật bất biến trong thế giới vật lý đó là trọng lực, dưới sự ảnh hưởng của trọng lực điều gì đi lên ắt sẽ đi xuống. Và cũng có một quy luật bất biến trong thế giới loài người là nhân quả, rồi ta sẽ gặt được quả lành hay trái đắng là do thứ ta đang gieo trồng trong ô đất của chính mình.
___________________________________
* Chú Thích: 
(1). Theo Thư Viết Từ Ngục Birmingham của Martin Luther King. Ông là một mục sư người Mỹ gốc Phi cũng là một nhà hoạt động dân quyền chống phân biệt chủng tộc. 
(2). “Lề thói vốn dĩ”, ý nói một thói quen vốn có đã trở thành vô thức.
(3). Theo lời lẽ của Martin Luther King trong diễn văn kinh điển “Tiếng gõ cửa lúc nửa đêm”.