Chính trị và Thơ
Nhà Chính
Trị và Nhà Thơ
(để tưởng niệm Luật sư Lê
Ngọc Chấn, phu quân nữ sĩ Vân Nương)
nt
Trên
chính trường VN từ 1940 đến 1986, có một nhà chính trị được nhắc nhở nhưng cũng
là nhà thơ mà rất ít người biết đến. Ðấy là Luật sư Lê Ngọc Chấn, một đảng viên
VNQDÐ. Làm tri huyện tại Thanh Hóa, bỏ về Hà Nội, tham gia VNQDÐ, hoạt động
chống Pháp và chống cả Cộng sản. Sau vụ Ôn Như Hầu (1), Lê Ngọc Chấn vào Nam mở
Văn phòng Luật sư (đã
cùng Luật sư Vương Quang Nhường biện hộ cho Ba Cụt Lê Quang Vinh) nhưng
hoạt động chính trị là chính, phó hết
việc nhà, việc gia đình cho vợ tận tụy đêm ngày để chồng yên tâm lo chính trị.
Lê Ngọc Chấn vốn không có
khiếu thơ. Anh không làm thơ trong thời gian hoạt động chính trị, không làm thơ
trong nhà tù. Anh chỉ bắt đầu làm thơ sau khi ra khỏi tù Cộng sản, trong cảnh
nhà và cảnh tình đất nước héo hon, tan nát, lúc tuổi đời đã quá 60. Chỉ trong
vòng không đầy hai năm, thơ của anh liên tiếp ra đời, so ra không mấy thua kém
thơ của bao người sành sõi.
Thơ của anh có thể tập trung vào hai
chủ đề chính.
A.- Tình tự Quê hương, Dân tộc.
Lớp người của anh nào Phan Văn Hùm,
Tạ Thu Thâu, Trần Văn Ân, Trần Văn Tuyên, Hồ Hữu Tường, Trương Tử Anh, Nguyễn
Bảo Toàn, Nguyễn Ngọc Huy, Lương Trọng Nhân, Hoàng Tăng, Trình Minh Thế và bao
bao nữa, tiêu biểu cho cả một giai đoạn dài loạn ly, đen tối của dân tộc. Bao
nhiêu biến chuyển dập dồn liên tiếp hầu như thoat khỏi tầm tay và năng lực của
người VN. Họ đã phải trải qua liên tiếp nào từ thời Pháp thuộc đến Nhật thuộc
đến thời Việt Minh cướp chính quyền rồi cuộc kháng chiến chống Pháp, thời bao chính phủ khập khiễng ở Miền Nam do
ý đồ của Thực dân (chính
phủ Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bữu Lộc) rồi đất nước phải cảnh chia đôi, tiếp theo là
nền Ðệ Nhất Công Hòa, rồi rồi nền Ðệ Nhị Cộng Hòa với tập đoàn tướng lãnh
chuyên quyền, rồi Mỹ rút quân, Dương Văn Minh đầu hàng, cuối cùng Cộng sản
chiếm trọn Miền Nam, phủ trùm lên dân tộc một chế độ sắt máu, đưa dân nước từ
Bắc đến Nam vào cùng độ bi đát, điêu linh, có thể sắp sửa mất nước về tay giặc
Tàu một khi tập đoàn Cộng sản còn thống trị đất nước như suốt 70 năm qua.
Lớp người đó đã từng chứng kiến, vừa
là chứng nhân vùa là nạn nhân của bao tấn tuồng thời cuộc đổi thay, đã tiếp xúc
với bao tầng lớp nhân dân, với bao nhân vật tiêu biểu cho bao khuynh hướng
Chính trị, Tôn giáo ; một số đã tham dự biết bao phong trào, hội nghị quốc
nội cũng như quốc tế, nhìn ra được những cơ mưu xảo trá cùng những thủ đoạn bất
nhân, những chủ trương, chính sách, những chiêu bài ma mị, những nhân danh quỷ
quyệt, những trò tráo trở lật lường của quốc tế cũng như của bao tập đoàn trong
nước giỡn đùa trên máu trên xương người dânViệt, trên mảnh đất nhỏ hẹp Việt Nam
điêu tàn vì hận thù và bom đạn. Một quyển tiểu thuyết ‘Chiến tranh và Hòa
bình VN’ hẳn phải dày bốn
năm lần hơn tác phẩm của Léon Tolstoi. Có lẽ nên có một ‘Tòa án Dân tộc’
hay rộng hơn một ‘Tòa án nhân loại’ gấp mấy lần hơn Tòa án
Nuremberg để xử lại tất cả từ Chủ nghia, Lý thuyết, Chủ trương, Chính sách,
Ðường lối, Chiến lược, Chiến thuật đến âm mưu, thủ đoạn, ý đồ, mánh khóe, thủ
thuật, toan tính, mưu đồ của quốc tế (Liên Xô, Trung quốc, Pháp, Anh, Mỹ, Nhật,…) và quốc nội (Chính phủ, tập đoàn, đảng
phái, tôn giáo, phong trào,…) ; từ nhũng kẻ chủ chốt trách nhiệm
đến những kẻ tay sai, a tòng ; từ Tư bản, Cộng sản, Quốc gia, tài
phiệt, đảng phiệt, giáo phiệt, quân
phiệt đến những kẻ hoạt đầu, cơ hội, đầu cơ, tích trử, lợi dụng chiến
tranh ; những tên con buôn nhỏ lớn, kể cả những nhà triết, nhà kỹ thuật,
nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc, kịch sĩ, ca sĩ, diễn viên điện ảnh, phóng viên báo
chí, truyền thanh, truyền hình, những phong trào phản chiến, tả khuynh, hữu
khuynh,…Vâng, thiết nghĩ nên có một Tòa án nhu thế, nên có ‘Cuộc Phán xét
cuối cùng’ của lịch sử để ‘trả lại cho César những gì của César’,
để trả lại Công nghĩa cho người VN, minh oan cho dân tộc VN.
-Hành tinh kiệt sức
dạt về đâu….(LNC)
Cả hành tinh nầy, trái đất nầy kiệt
sức vì hỗn mang của một VN điêu tàn, nơi tranh hùng tranh bá của số người ‘không
óc tim vì không xót đau’ (LNC).
Thơ Lê Ngọc Chấn không sôi nổi rộn ràng,
không u uất, buồn đau, ngào nghẹn, không mang chở những ẩn ức, bi lụy, thê
thiết dậy dàng cũng không hoài cảm xót xa về quá khứ mình hay ray rứt, ngậm
ngùi dĩ vãng vàng son của dân tộc. Lê Ngọc Chấn đã từng tranh đấu, đã nếm chua
cay, đã thấy mình thất bại, dân tộc mình thất bại, Lê Ngọc Chấn có ngậm ngùi
nhưng không bi thương như một Ðặng Dung, cũng không ngạo mạn vì u uất như một
Nguyễn Bính (trong
‘Bài Hành Phương Nam’).
…Thấp thoáng giai nhân
miền ảo giác
Muôn đời trần thế cháy tâm
can
Ðược thua cũng chuyện thời
cơ cả
Ta luận anh hùng giữa thế
gian
Ngồi đây gát kiếm nhìn
thiên hạ
Dĩ vãng trôi vào ánh mắt
xanh
Thế sự âu đành cơ chuyển
nước
Phong trần một kiếm nhục
hòa vnh
L.N.C. (Gió lộng bốn phương)
Sài-Gòn
vỡ, Miền Nam rơi, chế độ VNCH sụp,.., chế độ VNCH, một chế độ mà LNC cùng bao
đồng chí và người yêu nước thương nòi không mấy ưa thích nhưng nghìn lần dễ
chịu, tốt đẹp hơn so với chế độ của đối phương, và thân mình bắt buộc phải năm
năm trong trại tù Cộng sản ‘Ðêm khuya khoắc lũng sâu vuợn hú, Sáng tinh mơ
đầu rú cọp gầm, Bốn bề hiu hắt lạnh câm, Ðất xông khí đá trời ngâm sa mù’ (nt & tmx : VN
tânhuyết sử diễn ca). Rồi ngày ra khỏi trại tù, bệnh tật, đau lên đau
xuống, đôi chân từng lúc run run, nhìn nhà quạnh quẽ, nhìn vợ héo hon, nhìn dân
nước rũ mòn kiệt quệ, con người chiến sĩ ấy thấy không còn khả năng gầy dựng
lại giữa điêu tàn Ðau cho mình, đau cho đất nước, cái phong độ chiến sĩ vẫn âm
ỉ từng cơn. Không thể thể hiện cái phong độ ra cho đời được nữa thì gởi vào thơ
-bắt đầu làm thơ- để trấn át cô đơn, để giải bày, trao gởi với chính mình. Thơ
làm chỉ cho mình đọc với người vợ hiền trong căn nhà đìu hiu, mõi mòn ngày lên
đường đoàn tụ với con cái tại Pháp. Nhưng chế độ mới dễ gì buông tha. Ðối với
họ, năm năm tù của anh quá ít, cái giá trả quá thấp cho nỗi căm hờn của họ trút
đổ vào anh, vào bao người yêu nước, yêu dân. Họ biết rõ rằng với hiểu biết và
khả năng của anh, với quá trình tranh đấu của anh, với sự yêu thương và kính
mến của đồng chí, đồng bào và với uy tín cùng quen biết của anh với nhiều nhân
vật ngoại quốc, sang xứ người, nhất định anh không ‘gát kiếm’ ngồi yên mà lại
gây ra bao điều khó khăn cho chúng. Những người như anh, như Trần Văn Tuyên và
bao bao nữa, chúng không làm cho sớm chết thì cũng phải điêu đứng, đọa đày ngay
trong ‘tù ngục quê hương’(!). Và họ đã toại nguyện, anh đã phải chết trong lạnh
buồn, tê tái sau khi ra khỏi tù không quá hai năm.
Trong những ngày quạnh quẽ, vô tích
sụ đó, còn biết làm gì hơn là ‘làm thơ’ như một Phan Bội Châu một thời bị thực
dâm giam lỏng ở Huế. Làm thơ để phần nào tự mình ‘giải thoát’ cho mình vì
rằng : ‘Phong vũ hoài nhân dư ý chí, Trần ai hại ngã đản văn chương’ - Nguyễn Thượn Hiền –(Mưa gió
nhớ người thừa ý chí, Trần ai hại tớ, có văn chương – Dương Hồng Ngọc dịch –
Trích trong ‘Thơ Nguyễn Du’ của Dương Hồng Ngọc, Institut du Sud Est ấn hành
Paris 1983).
Thấp thoáng giai nhân miền ảo giác
Muôn đời trần thế cháy tâm
can (L.N.C.)
Người viết liên tưởng đến lời thơ Nguyễn
Du : ‘Trắc thân bất khuất hữu hình ngoại, Thiên tuế trường ưu vị tử
tiền’ (tạm
dịch : Hữu hình thân ấy không tồn tại, Vẫn nghĩ nghìn sau chuyện thế
trần). Trước khi chết vẫn lo nghĩ chuyện nghìn sau nhân thế, Nguyễn Du
thao thức về tấm lòng nhân đạo và lẽ chuyển dịch trớ trêu của Lẽ Ðạo đối với
diễn tiến nhân sinh. Lê Ngọc Chấn gần gũi hơn, xót xa vì tình dân cảnh nước,
không thể nào thanh thản, yên vui trước lầm than của dân tộc, giống nòi.
Nỗi buồn cho vận nước, vận mình lắng
đọng vào tim, âm ỉ đêm ngày nhưng Lê Ngọc Chấn không âm thầm chịu chết trong
nỗi buồn đó. Cho dù trong thời còn sức lực, khả năng và điều kiện đấu tranh hay
lúc ván bài ngã ngũ mà mình là kẻ thua cuộc
để cả đất nước, dân tộc phải bầm giập, tái tê thì vẫn nuôi mãi ‘muôn
đời trần thế cháy tâm can’. Cái ‘cháy tâm can muôn đời trần thế’ đó,
lúc nhìn lại mình không còn chút điều kiện vẫy vùng nào, đành gát kiếm luận anh
hùng về mình, về người, chuyển thành lời nhắn nhủ với bạn bè và vói chính cả
lòng mình :
-Quê hương mãi ở lòng ta
đó
Vàng đá là đây nhắn nhủ
lời
Lời thơ không bi lụy, không xót
xa. Lời thơ man mác ngân vang âm hưởng, mênh mang niềm tin và hướng vọng. ‘Nhắn
nhủ’, vâng, nhắn nhủ, không đóng vai một ‘kẻ đi trước’, ‘kẻ đàn anh’
để chuyển giao, phó thác trách nhiệm cho người sau mà chỉ muốn chia sẻ, gởi
trao trong thân thương, cảm thông, giao ngộ.
Lê Ngọc
Chấn không chán nản, tuyệt vọng. Anh âm thầm nhận chịu niềm đau và nỗi thất bại
của mình. Trong tình thế không cho phép mình làm đuợc bất cứ gì, anh vẫn nuôi
niềm tin và gây niềm tin đó nơi người, nơi đời :
-Ðoàn người lại thấy nắm tay nhau
Ca hát vui tươi khắp địa cầu
Chung sức chung lòng xây hạnh phúc
Từ ngày nay cho đến ngàn
sau…
Cái
‘nhìn’ của anh không còn giới hạn nơi người, nơi mảnh đất Việt Nam mà mở rộng
đến nhân loại, đến toàn thể địa cầu. Do đâu ? Do tù Thơ :
-Nhưng có hồn thơ bỗng hiện về….
Việt Nam hồi sinh, nhân loại hồi sinh
do từ Thơ. Thơ, thứ rẻ tiền nhất thế giới, thứ không cần mua sắm bất cứ phương
tiện vật liệu nào, thứ không có gía trị thực dụng nào cho cuộc sống thường
nhật, thứ không là loại hàng hóa tiêu dùng, không tạo ra văn minh,..nhưng Thơ
là ‘Tính thể’, là cái ‘Hồn’, là chất ‘Lửa thiêng’. Không có chất Lửa thiêng đó,
con người bên ngoài phình ra nhưng bên trong teo lại chẳng khác tên khổng lồ
múa may, hò hét mà không óc tim hay chỉ có óc tim của loài hổ sói.
Thơ, vâng,
Thơ là chất sống của người Việt Nam dù trí thức hay bình dân, dù xưa hay nay.
Trong lúc thế giới ngày nay hầu như quên Thơ, không lắm tha thiết với Thơ thì
người Việt Nam vẫn tiếp tục thích Thơ, nghe Thơ, ngâm Thơ, yêu Thơ và làm Thơ.
Thơ để phản ảnh, để đề kháng, để giải tỏa, để trao gởi, cảm thông, để hướng
vọng, dựng xây một trí tuệ hòa nhập khối óc với con tim, đức tin và lý trí, tình và lý, con người với
con người, con người với cuộc sống, với cuộc đời, con người với thiên nhiên,
với Thuợng Ðế, với Lẽ Ðạo huyền vi để Văn minh và Văn hóa, tiến bộ và tiến hóa
luôn luôn đồng hành, kết hợp, luôn luôn thăng hoa mình và xã hội.
-…Cùng nhau vào hội thơ nầy
Núi sông quy tụ, cỏ cây ngát mùa
Khúc đàn tuyệt diệu năm xưa
Dư âm đẹp mãi bến bờ trăng sao
Tâm tư cô đọng thưở nào
Lời thơ châu ngọc gởi vào thiên thu.
Và
Lê Ngọc Chấn làm thơ dù không năng khiếu về Thơ. Trước tiên có thể do nhu cầu
của chính mình. Trong tình thế không tể ẩn náu vào một nơi nào bình an thì ẩn
náu vào Thơ, sau đó để trao gởi, nhắn nhủ và tạo cảm thông.
-…Có những phút giây tứ dạt dào
Chuyện đời, chuyện nước, chuyện chiêm bao
Suối nguồn êm ả trôi ngoài nội
Ðể thấy người người nét nhã tao..
Ðô thị giờ đây vàng nắng úa
Mây trời lãng đãng giữa rừng thông
Ngồi đây gom lại niềm tâm sự
Nghe rộn lòng vui nỗi cảm thông..
Thơ là để
cảm thông, cảm thông những trắc trở, truân chuyên của phận người, của dòng đời
nhân thế, cảm thông dòng lịch sử hưng phế, thăng trầm của dân tộc, của nhân
loại nói chung. Có cảm thông mới có ‘hồi đầu’ để chung sức, chung lòng
xây dựng những gì tốt đẹp cho nhau.
Sống bên
người vợ từng làm thơ trước anh lâu lắm, tiếp xúc với bạn bè cũng là những nhà
thơ, bạn của vợ và bạn của mình (Mộng Tuyết, Uyển Hương, Như Hiên, Thu Nga, Tuệ Nga, Hoàng Hoa Trang,
Cao Mỵ Nhân, Trần Thiện Hiếu,…), anh làm thơ tặng họ vì chỉ có họ mới
cảm thông được tâm sự anh nhưng thật ra để ‘tự mình cảm thông, tâm sự với
mình’ và trao gởi nguồn cảm thông đó đến mọi người vừa gây tin tưởng vừa như
khuyến khích :
-…Từng lớp biển dâu từng lớp sử
Dòng đời lặng lẽ buớc kiên trinh
Tơ vàng sợi óng thương thân kén
Bàng bạc hương trời tâm hướng linh..
L.N.C.(Hoa thơ từng lớp rụng
trang đời)
-…Mặc cho vật
đổi với sao dời
Lời thơ tao nhã
Niềm
chung thủy
Mãi với thời gian, với đất trời !
L.N.C.(Tô vẻ đẹp)
Như đã nói, Lê Ngọc Chấn không
hề phản ảnh cuộc sống chìm nổi của mình, không hề nhắc đến thời ‘oanh liệt’ (tạm gọi thế) của
thuở làm quan, cáng đáng bao trách vụ trọng yếu, không phản ảnh giai đoạn bi đát của lịch sử,
cũng không nói đến thời gian khổ lụy nơi tù ngục, không hề đả động đến Cộng sản
một lời nào. Anh không hoài cảm, tiếc nuối, không phẫn nộ, hờn căm, không quy
lỗi cho ai. Hầu như nơi anh, vấn đề là do lịch sử, do cuộc đời thử thách chí
hướng và can trường của kẻ trượng phu. Vì thế, có phải cảnh ‘Ngồi đây gát
kiếm nhìn thiên hạ’ thì cái chí của kẻ anh hùng, cái hoài bảo ‘xoay bạch
ốc lại lâu đài’ như một Cao Bá Quát xưa kia cũng không lúc nào không sôi
động nơi tấm lòng con người ‘muôn đời trần thế cháy tâm can’ :
-…Nợ sông hồ ai trả ai vay
Trải bước thăng trầm cuộc tĩnh say !
Chí cả vươn theo dòng thế sự
Ðường trần đâu mõi cánh Bằng bay !
(Nợ sông
hồ)
‘Cánh
Bằng không mõi cánh’, tấm lòng trung dũng với ước non, dân tộc, không vì
gian nan mà lịm tắt. Anh đem cất giữ vào tim, vào óc, chờ lúc lại sãi cánh tung
bay. Từng đêm, từng đêm, nhìn lại quãng đời đầy gảy đổ của mình, anh có ray rứt
vì thế sự mang mang thì vẫn vang vang lời hò hẹn với non sông ;
-…Mộng hồng một thưở hương gay gắt
Rượu đắng thiên thu khó cạn sầu
Vũ trụ mang mang vòng ảo ảnh
Giang sơn hò hẹn trắng canh thâu !
(Nợ sông
hồ)
Nhìn
chung, tình tự dân tộc, quê hương, đất nước nơi Lê Ngọc Chấn rộn ràng, sôi nổi
nhưng lắng chìm vào bên trong , thể hiện ra bên ngoài bằng nỗi niềm cảm
thông trao gởi, nhắn nhủ một cách nhẹ nhàng trong lúc thâm tâm vẫn trĩu nặng thương đau cùng lúc
với lời ‘vàng đá sắt son’ cùng dân tộc, giống nòi. Dù không gặp mặt Lê
Ngọc Chấn, chỉ riêng qua thơ anh, ta thấy rõ cái ‘sĩ khí trượng phu’ của
tinh thần Nho giáo nơi một kẻ tân học, có vấp ngã, có khổ lụy nhưng nhận chịu,
không trách mình, không oán người, không tìm cách đổ lỗi và biện hộ, luôn luôn
nưôi dưỡng cái chí khí nơi mình dù thời thế đảo điên không cho mình cơ duyên
thực hiện.
Chỉ một
lần, một lần duy nhất, qua bài ‘Kiếp đọa đày’, anh mới phản ảnh ít nhiều
số kiếp lầm than của nhân dân, cái hiện thực bi đát của lịch sử bấy giờ vì không thể ‘nén’ đau
thương trước cảnh những em bé bị giập giồi vì sóng biển trên nhũng mảng bè vuợt
biển mỏng manh, èo ụt, phải làm mồi cho
kình ngư hay vùi sâu vào đáy đại duơng.
Anh có oán
trách, phẫn nộ không vì phận mình trôi nổi, thân mình bị kẻ thù tra khảo mà chỉ
vì ‘lòng nhân đạo’ nơi con người, lòng nhân đạo mà ít nhiều ai cũng có
–ngoài bọn Cộng sản- Lòng nhân đạo đã kết tụ nơi anh tấm ‘tình nhân loại’ mà
anh diễn tả trong một số bài thơ khác.Và ‘tình nhân loại’ đó lại là
động lực để anh tin tưởng, đồng thời cũng là động cơ để anh tranh đấu.
Tình tự
dân tộc còn được phản ảnh nơi anh về truyền thống lịch sử của giống nòi. Anh
gợi lại vẻ đẹp của đất nước và lịch sử dựng nước, giữ nuớc mà tất cả đều
rõ, không cần thiết trích ra nơi đây. Cái quê hương đó, cái lịch sử đó đang bị xéo
dày, tiêu tan hết mọi vẻ đẹp, mọi nét kiêu hùng bỡi lũ người chạy theo
ngoại bang, bán đứng giang san, tổ quốc :
-..Cuộc đời dâu bể đa đoan
Bao năm đất mẹ lầm than rối bời
…..
Rừng sâu biển thẳm một trời đau thương
Giáo điều áp đặt từ chương
Phuơng trình xứ lạ, Quê Hương điêu tàn..
L.N.C. (gia
tài của Mẹ)
Nhưng, mọi
người Việt Nam đang nơi quê hương lầm than hay nơi hải ngoại tha phương vẫn
-..Cùng nhau nghĩa nặng đất trời
Hồn thiêng quê Mẹ khôn rời tấc gang
thì rồi
-…Mai nầy khơi lại niềm tin
Gia tài Mẹ đấy nhịp tim phục hồi !
Niềm tin đó luôn sống động nơi
anh để càng truân chuyên, càng bị đày đọa, anh càng thấy NÓ rực sáng thêm lên.
B.- Lòng nhân đạo của loài người.
Lòng nhân đạo, dễ hiểu thôi, đấy là tình thương giữa người và người ra tay đùm
bọc, giúp đỡ, cứu vớt người qua cơn hoạn nạn, tai ương. Lòng nhân đạo trở thành
cái ‘Tình nhân loại’ nơi con người, nơi tất cả mọi người, nơi tất cả mọi
dân tộc, ngoại trừ số người ‘không óc tim vì không xót đau’. Chính đấy
là yếu tố đưa con người từ trạng thái dã thú sang trạng thái con người có văn
minh, văn hóa :
-Trong đêm dày tăm tối
Thời huyền sử mịt mùng
Bỗng con dã thú rùng mình
đứng dậy
Ði hai chân, ngửa mặt nhìn
trời
Và do một phép màu nhiệm
nào
Một ánh trí tuệ, một tia
nhân đạo
Ðã chói chang vào tim óc
Cho dã thú biết suy nghĩ,
yêu thương
Ðể trở thành CON NGƯỜI !
(Tia nhân
đạo)
Không có lòng nhân đạo đó, con người
mãi mãi là dã thú dù có văn minh đến mấy. Ngày nay, ta thường gọi một kẻ nào
đó, một nhóm nguời, một bộ tộc nào đó là
‘dã man’, ‘man rợ’ vì đã thiếu lòng nhân đạo kia, dù họ có văn minh,
tiến bộ như ta hoặc còn hơn ta nữa. Thế giới nầy đã phải trải chịu bao lần -đến
nay vẫn còn- cái ‘dã thú’, cái ‘dã man’ của con người, không riêng từng người
mà cả một lớp người tự khoác vào mình những nhân danh, nhãn hiệu tốt đẹp để
thẳng tay bóc lột, đàn áp, sát hại, giết chóc bằng mọi thủ đoạn tàn ác, bất
nhân hàng ngàn, hàng triệu sinh linh bằng mọi cách công khai hay ám tàng. Những
kẻ đó, xét cho cùng, dù văn minh, tiến bộ gấp nghìn lần hơn ta thì cũng chỉ là
những ‘dã thú’ thôi. Lịch sử thế giới đã phải trải qua bao chế độ ‘văn
minh man rợ’ cùng cái ‘man rợ của văn minh’. Và Việt Nam
đã là địa bàn phải gánh chịu cùng lúc cả hai thứ ‘man rợ’ đó, than ôi ! Vì
thế, nhân loại chỉ thực sự đáng gọi là tiến bộ, đáng gọi là văn minh, văn hóa,
thực sự trưởng thành khi lòng nhân đạo càng lúc càng nẩy nở tốt tươi. Lê Ngọc
Chấn không cần triết lý, không cần dài dòng, không cần chứng minh qua bao
thuyết tiến hóa, qua bao nguồn triết lý, tôn giáo, đạo đức, xác nhận
ngay :
-Và từ đó mỗi lần hoa
Nhân Ái bừng nở
Là một lần nhân loại LỚN
thêm lên !
(Tia nhân đạo)
Lê
Ngọc Chấn có thể đem kiến thức luật học của mình vào đây nhưng không cần thiết.
Vì đây là Thơ không là luận thuyết về luật pháp. Ðối tuợng phục vụ của luật
pháp là Công bình và sự Bình đẵng giữa nhau nhưng cứu cánh của Công bình, Bình
đẵng chẳng là Tình thương sao, tình thương giữa từng người với từng người rồi
mở rộng đến tất cả mọi người.
Tình
thương đã khiến con người thực sự là người. Tình thương thể hiện nơi một
người đối với một người không quen biết được gọi là ‘lòng nhân đạo’. Ðẹp biết
bao việc làm của bao tấm lòng thiện nguyện, của các cơ quan từ thiện, của các
Hội thiện nguyện quốc tế cùng bao kẻ vì lòng nhân đạo, vì tình yêu người, yêu
đời đã cam chịu bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn để cứu trợ, đùm bọc bao nhiêu
nạn nhân bị bão lụt, động đất, sóng thần, bị bệnh dịch hoành hành, bị chiến
tranh, bị khủng bố,…vì đã phần nào giảm thiểu đau khổ, đói nghèo, …cho bao
nhiêu người chưa hề quen mặt, biết tên. Ðấy là điều mà Ðức Phật và Chúa Jésus
đã căn dặn đệ tử mình ‘bố thí tay trao mà mắt nhắm’, ‘Tay phải trao mà không
cho tay trái biết’.
Tình Nhân loại đó đã đến với một
phần nhân dân Việt Nam đã phải trải chịu cảnh đoạn trường lệ máu, bi thảm do
cái ‘dã thú’ của một số người VN khác đang cầm quyền thẳng tay chà đạp đồng bào
mình :
-Tôi viết ra đây khúc
đoạn trường
Nước non tôi sống, nguời
tôi thương
Một cơn bão táp mờ sông
núi
Ðể giống nòi tan tác bốn
phương..
Lòng nhân đạo đó đã cứu sống hàng
trăm ngàn, hàng triệu người VN thoát khỏi tử thần và đã cho họ cuộc sống yên
bình nơi những xứ sở tự do. Họ đã từ cõi chết trở về cõi sống :
-… Vòm trời cao rộng
Ánh sáng tự do
Bàn tay người xoa dịu vết
thương đau…
(Ðất Lành)
Cảm
tạ Thượng Ðế ! Cảm tạ loài người văn minnh có lòng nhân ái. Lời cảm tạ đó
đã được người Việt hải ngoại khắp năm
châu đã nói, đã phổ vào Thơ, vào Truyện qua những trang thư, những bài báo tri
ân và cũng đã dựng tượng đài kỷ niệm những tấm lòng cao quí tuyệt vời.
Lê Ngọc Chấn không vượt biển, không
là nạn nhân của bão tố, cuồng phong, không làm mồi cho kình ngư, hải tặc. Lê
Ngọc Chấn chỉ nghe nói, nghe kể nhưng anh đã ‘sống’ cái kiếp bi thảm, thê lương
của số đồng bào mình. Lê Ngọc Chấn đã xúc động trước lòng nhân đạo của loài
nguời, cảm tạ và tri ân. Lòng cảm tạ không gởi riêng ai, riêng nhân dân và
chính phủ nước nào mà gởi chung cho tất cả. Thực
ra không riêng là lời cảm tạ mà là ‘Tiếng thốt’ cao lên từ cõi lòng sung sướng,
từ nỗi xúc động dâng tràn bằng một cử chỉ, thái độ mạnh hùng, kính cẩn, nghiêm
trang, bằng một lời tôn vinh mạnh mẽ về cái tính ‘Nhân Bản’ sâu dày nơi bao
người không quen mặt biết tên, những con người thực sự văn minh và có văn
hóa :
-Tôi đứng lên !
Cúi đầu chào thế kỷ
Ðẹp là đây ! Cao quí
cũng là đây !
Người giúp chúng tôi thoát
khỏi đọa đày
Ðể thực sự làm con người
mãi mãi…
(Ðất Lành)
Lê
Ngọc Chấn ‘cúi đầu chào thế kỷ’ vì chỉ ở thế kỷ nầy mới có sự ‘ra đi’
của người Việt Nam bất hạnh lũ lũ, đoàn đoàn, hàng hàng, lớp lớp trong bi thảm,
tuyệt vọng, một cuộc ‘liều tử sinh’ nguy hiểm, một phiêu lưu vào hiểm họa, một
mạo hiểm lao mình vào cõi chết để mong tìm được tự do sau những tháng ngày lệ
đỏ, xương phơi nơi quê nhà.
Lê Ngọc Chấn đã ‘cúi đầu chào thế kỷ’,
nhân cách hóa thế kỷ nầy (Người giúp chúng tôi) với tất cả niềm sung sướng và niềm tin.
Niềm tin vào cái tình nhân loại đó là một trong những điều mà anh đã đấu tranh không riêng cho đất nước mình mà cho Con
Người, cho nhân loại nói chung. Ðấy là một điều căn bản trong lý tưởng chiến
đấu của anh. Tiếc thay anh đã phải hiu hắt ‘ra đi’ do cố tình, cố ý của Cộng
sản để chúng ta u uất đau buồn vì mất đi một chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền,
nhân bản.
Cũng nên nói qua về ‘hình thức’ nơi thơ
anh.
Thơ người lớn tuổi và chỉ chuyên làm
chính trị thường chú ý về nội dung, về ý, về tình hơn là về kết cấu, bố cục và
lời thơ. Từ đó, Thơ không mắc phải tính cách cân nhắc từng chữ, từng lời sao
cho trau chuốt, bóng bẩy, văn hoa. Ta không tìm thấy nơi thơ anh một hình ảnh
nào nên thơ, thi vị, không một từ ngữ nào màu mè, không một biện pháp tu từ nào
sinh động ; không đảo ngữ, ẩn dụ, thậm xưng, tỷ giảo, đảo ngữ, ngoa ngôn,…
Thơ Lê Ngọc Chấn rất ‘hiền’, rất thật,
dung dị, tự nhiên, không ‘phấn son’, đẻo gọt.Thơ anh, nhìn chung, bình dị, thật
thà, gọn ghẽ, đôi khi như nói, không mang tính nhạc, không đập mạnh vào nhãn
quan, thính giác của ta. Ðây là thơ của người chiến sĩ bị ‘gảy kiếm cung’ nên
chỉ ẩn chứa cái khí phách hào hùng trang trải với mình, với đời, thường mang
tính ‘tự sự’, nói với mình, nói riêng mình nghe thôi. Ðừng tìm cái hoàn toàn cả
ý và lời nơi thơ anh. Thơ nếu được cả hai thì quá đẹp nhưng nếu lời hay mà ý
rỗng thì chỉ là kỹ thuật ; ngược lại ý hay mà lời không đẹp thì cũng là
một khuyết điểm nhưng ít ra còn khá hơn là lời hay mà ý rỗng vì mang chở cái
giản dị, thành thật chứ không cố ý ‘làm đỏm’, phô trương. Nếu trong Văn, ý
thường đi trước lời thì trong Thơ nhiều khi Lời đi trước Ý. Với thơ Lê Ngọc
Chấn, lời buộc phải theo ý mà ý của anh lại là ý của người chiến sĩ chứ không
là ý của nhà thơ đã quen sống với thơ.
Không thể đòi hỏi quá nhiều
về cách toàn bích nơi thơ một người như anh, người làm thơ với hồn thơ
sẵn có. Tuy nhiên, một người đã viết những câu :
-Muôn đời trần thế cháy
tâm can
-Một thưở ra đi đổi đất trời
-Hành tinh kiệt sức dạt về
đâu
-Tôi đứng lên ! Cúi
đầu chào thế kỷ….
thì tâm hồn hẳn phải sâu đậm, cao quí và ý chí hào hùng
biết mấy. Ðiều cốt yếu, khi đọc thơ, đọc văn là ‘thấy được, nhìn ra’ cái tâm
hồn của tác giả qua thơ văn. Mà cái sâu đậm của hồn chính là cái súc tích của
thơ.
Anh Chấn,
Cảm tạ thơ anh đã cho tôi nhìn
ra anh rõ hơn. Anh đã ra đi, đáng tiếc ! Bên kia thế giới, hẳn anh vẫn
ngậm ngùi về đất nước còn lầm than, điêu đứng ; hẳn anh vẫn kỳ vọng bao
người đem sức đem lòng dựng xây xứ sở cho toàn dân no ấm, hưởng đủ mọi quyền
người ; hẳn anh cầu nguyện cho tất cả mọi người phát huy tinh thần bao
dung, nhân ái. Và cánh cửa thế giới bên kia chỉ ‘khép hờ’ lại thôi chứ không
đóng hẳn để anh và bao bao người như anh nhìn về bên nầy, thấy được một Việt
Nam vào ngày tuơi sáng như anh từng mong.
Gởi anh đôi dòng về anh và về Việt Nam sớm đến giờ thực sự
vinh quang :
-Hỡi Người, biết nói gì
đây
Gần nhau gang tấc, xa dài trùng
dương
Mây ngàn, gió núi, trăng
sương
Thơ reo lửa dậy, tình
vương tim hồng
Bao giờ cánh én qua sông
Theo vòng nhật nguyệt,
thuận dòng luân lưu
Cho người được ở bên
người
Tình vui lại ấm cõi trời
Việt Nam
Trùng trùng thế sự đa
đoan
Xa vời con nuớc, mênh
mang bến bờ
Cánh thuyền lạc nẻo bơ vơ
Hỏi Người, Người có đợi
giờ triều lên !?
Mỗi lần nghe gọi tên Em (Việt Nam)
Chừng như vũ
trụ trở đêm vào ngày…
……..
Bài thơ viết dở.., nào hay
Cửa kia dẫu đóng nào cài
được then !
Cảm tạ Anh và Thơ anh.
nt
(Bài nầy được trích có rút gọn đôi đoạn trong tập ‘Nhớ
Một Nguời Ði’ của nữ sĩ Vân Nương thực hiện, để kỷ niệm 10 năm giỗ anh
Chấn, sau khi nhận được bài viết của tôi về thơ hai nguời)