Cột mốc lòng người
Đỗ Đức
- Lúc còn ở nhà, có lần tôi đã ngồi hí hoáy vẽ theo trí nhớ thổ cư của
gia đình mình cộng với thổ canh đang xử dụng, giật mình thấy đó như một
giang sơn riêng, như một quốc gia. Những phần đất ở ngăn cách với nhà
bên bằng bờ rào, đất ruộng phân định với láng giềng là những dải bờ. Khi
đất đồi không làm hàng rào được thì lấy cây làm mốc. Vạch nối những
điểm có cây làm dấu thì đó là đường biên. Khép kín lại thì được hình đa
giác, cương vực của mình đang canh tác… Cũng như thế, nhà kế bên cũng là
một giang sơn riêng. Tự nhiên nó hình thành một thứ bản đồ địa chính về
quyền xử dụng của từng nhà như một quốc gia.
Nhưng khi đứng trên mặt đất bao quát thì là cả một vùng bao la không
biết đâu là của ai. chỉ lúc vẽ lên giấy thì có khoảnh lớn, khoảnh nhỏ
như đất liền và đảo hoang, núi non và sông ngòi, cái to cái bé, thật là
thú vị.
Bản đồ địa chính gia đình có lẽ là tế bào bé nhất. Rộng ra hơn là xóm,
xã rồi huyện tỉnh. Gộp lại thành quốc gia. Hiểu mảnh đất gia đình mình
là bố mẹ tôi, hiểu rõ đất đai của xóm là ông Trưởng xóm, của xã chắc
chắn phải là Chủ tịch xã, huyện tỉnh và quốc gia là Chủ tịch nước. Tôi
hiểu đơn sơ như vậy.
Khi đứng trên địa đầu tổ quốc, xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang giáp biên
nhìn núi rừng trùng điệp không biết đâu là ta đâu là Trung Quốc thì Vàng
Chính Lềnh, một ông già người Mông ở cận đường biên chỉ: “Đây là đất
ta, kia là đất nó. Mày đứng đái thế là đái vào đất nó rồi đấy” thì hiểu
ngay rằng Ông Lềnh chính là cái cột mốc sống ở đất này, là một thứ thổ
công thông thạo địa hình có khi còn hơn cả lãnh đạo xã, và chắc chắn
hiểu kĩ hơn cả lãnh đạo huyện, vì đất ông đang canh tác dính liền với
bên kia. Rồi vui chuyện, ông kể: "Có lần người nhà nó về trời, định mượn
đất mình chôn cho dễ đi lại. Chỉ là đất đồi nhà nước thôi, không phải
đất trồng của nhà tôi đâu, nhưng tôi vẫn bảo nó là không được, tôi không
cho, bắt lí với nó thế này: “Sống nước nào làm ma nước ấy. Mày sống ở
Tàu, chết lại mò về đất tao làm ma thì sẽ thành con ma ác quấy nhiễu,
không được”. Nói thế nó vẫn chưa chịu, tôi bảo, “thiếu tiền thì tao cho
được nhưng mày xin một sải tay đất thì không, không bao giờ!”. Nó cũng
dân tộc như mình thôi, cũng tốt thôi, nhưng nó là người bên kia mà!
Rạch ròi lắm, ông Lềnh ơi. Ông và những người như ông còng lưng phá đất,
cày xới trên đó kiếm miếng ăn, nên hiểu giá trị của đất không phải chỉ
hôm nay mà nhìn thấy cả mồ hôi xương máu từ đời ông đời cha. Ở nơi đây
chắc khá nhiều phen đụng chạm, từ lâu họ đã phải tự giải quyết nên Vàng
Chính Lềnh mới cứng rắn như thế. Tôi bảo ông nói thì biết vậy, nhưng còn
những người khác thì sao. Chính Lềnh không lưỡng lự, với một niềm tin
chắc nịch, bảo: "Đều như tao cả thôi. Không như thế không thể sống ở
biên giới này được. Đất biên giới là đất lắm ma, cả ma trong đất và cả
con ma người sống, nhiều lắm và ác lắm."
À ra vậy. Lúc này tôi mới hiểu tại sao người Mông khoan cây súng kíp khó
thế mà họ vẫn phải cố làm bằng được. Làm cây súng để giữ nhà giữ đất,
một thứ tự vũ trang bảo vệ chính mình mà không thể trông chờ vào bất cứ
ai.
Tôi từng nghe người Mông hát "Đói đến chết cũng không ăn hạt giống/
Rách đến mấy thì khi chết người Mông vẫn phải có tấm áo lanh/ Không có
váy áo lanh thì người Mông lạc mất tổ tiên". Áo lanh, vải lanh thành
tín hiệu văn hóa. Bộ váy áo lanh người mẹ Mông trao cho con ngày đi làm
dâu cất ở đáy hòm để khi chết đem ra khâm liệm là tiếng nói văn hóa đặc
sắc ít dân tộc nào có. Hoặc người đàn ông Mông khi chết phải mặc tấm
váy phụ nữ để khâm liệm nhằm đề phòng khi về âm phủ khỏi bị con ma Hán
tìm giết một lần nữa, hoặc truyện cổ tích con ve sầu của người Mông kể
rằng bị người Hán rượt đuổi, vợ chồng Mông đã phải bỏ con lại hốc đá
nhằm phương Nam tháo thân. Đứa con nằm lại hang khát sữa chết đã hóa
thành con ve sầu… Những câu chuyện lan man trên đã vẽ lên tấm bản đồ văn
hóa của người Mông trong tâm khảm và hoài niệm dân tộc khá vững bền. Hờ
A Di, một cán bộ tuyên huấn người Mông huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La khi
nghe tôi nhắc lại chuyện này đã tròn xoe mắt: "Ai bảo mà mày biết". Tôi
nói: "Nhưng điều đó có đúng không". Adi gật đầu: "Mày nói đúng nên tao
ngạc nhiên". Tôi bảo thế là được, mày không cần phải hỏi nữa. Lúc này Hờ
A Di mới cười bảo: "Không thế người Mông tao không còn đến hôm nay".
Lúc này tôi mới ngộ ra đó mới là những cột mốc bền chắc nhất của đất
biên cương mà nếu hiểu lịch sử văn hóa tộc người thì những cột mốc bê
tông cũng trở thành vụng về thô lậu chẳng bền vững và cũng chẳng giải
quyết được gì.
Cho nên tôi mới hiểu được ý tứ sâu xa khi nghe giáo sư Đặng Nghiêm vạn,
một nhà Dân tộc học đáng kính nói trong đợt du khảo Tây Bắc năm 2001
rằng, nếu không có người Mông trấn ngự ở phía Bắc thì không biết đường
biên của chúng ta bây giờ sẽ ra sao. Đúng là cột mốc nào cũng thiêng
liêng, nhưng bền vững nhất vẫn là cột mốc trong lòng dân tộc.
Đỗ Đức