12/10/15

Tại sao năng suất lao động VN gia tăng yếu ớt?

 Tại sao năng suất lao động VN gia tăng yếu ớt?


Samsung (Danlambao) - Sau gần 30 năm đổi mới đường lối phát triển kinh tế và sau 21 năm Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm vận, dưới sự lãnh đạo "tài tình" của nhà cầm quyền Cộng sản, nay VN cần phải mất thêm 50 năm nữa để bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan với điều kiện là Thái Lan phải tiếp tục duy trì mức gia tăng năng suất hiện nay.
Theo dữ liệu của Bộ kế hoạch - Đầu tư CsVN, được tờ Tuổi Trẻ trích đăng ngày 09/10/2015, năng suất lao động của toàn nền kinh tế VN trong năm 2014 là 74,7 triệu đồng/người lao động. So với năm 2013, đã có sự gia tăng năng suất 4,9 phần trăm. Trung bình giai đoạn 2005-2014 tăng 3,7 phần trăm mỗi năm.
Mặc dù có sự gia tăng năng suất như vậy nhưng nếu muốn bắt kịp sự gia tăng năng suất của Phi Luật Tân thì VN phải liên tục duy trì sự tăng trưởng năng suất trung bình như vậy trong 24 năm, và trong 55 năm để bắt kịp Thái Lan.
VN thì sẽ không bao giờ có cơ hội để tranh đua với Tân Gia Ba hoặc Brunei về sự tăng trưởng năng suất rồi, nhưng với những quốc gia thuộc kèo dưới trong khu vực Đông Nam Á như Phi Luật Tân mà tình hình cũng tồi tệ không kém.
Vì sao sự gia tăng năng suất của VN lại ra nông nỗi?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (BKH- ĐT), sở dĩ có tình trạng nêu trên là vì các ngành kỹ nghệ, xây dựng, dịch vụ mang tính "động lực" hay "huyết mạch" trong nền kinh tế VN còn chiếm tỷ trọng thấp so với các nước trong khu vực.
Song song đó, tỷ trọng người lao động trong các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện còn khá cao (chiếm 46,3 phần trăm trong năm 2014) và cao hơn so với các nước trong khu vực. Phần lớn việc làm trong các khu vực này là đơn giản, nặng tính thời vụ, không ổn định nên trị giá gia tăng tạo ra không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp. Khu vực này chiếm trên 46 phần trăm lực lượng lao động cả nước nhưng chỉ tạo ra 18,1 phần trăm Tổng Sản lượng Nội địa GDP.
Cũng theo cái gọi là BKH-ĐT, cả nước có 9, 6 triệu người lao động được đào tạo trong tổng số 52,7 triệu người lao động tuổi từ 15 trở lên có việc làm trong năm 2014 (chiếm 18,2 phần trăm). Như vậy, có tới 81.8 phần trăm trong lực lượng nhân dụng chưa hề được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn, kỹ thuật nào đó.
Chúng ta cũng biết một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sự gia tăng năng suất là cơ chế kinh tế và hiệu quả quản trị của nhà cầm quyền. Theo BKH-ĐT, VN đã có nhiều nỗ lực cải cách và hoàn thiện cơ chế kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số "điểm nghẽn" và "rào cản" về cơ chế trong tiến trình chuyển đối từ nền kinh tế trung ương hoạch định sang thị trường(!).
Trong cải cách hành chánh, còn nhiều thủ tục không hợp lý, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Môi trường kinh doanh và cạnh tranh tuy có cải tiến nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực.
Bộ máy hành chánh còn cồng kềnh, đầu mối trực thuộc nhà cầm quyền tuy đã giảm nhưng bộ máy bên trong các bộ, cục còn chưa giảm. Chất lượng và năng lực đội ngũ cán sự, công chức chưa đáp ứng nổi yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập.
Về quản trị nhà nước, tuy có nhiều cải cách hành chánh, hệ thống pháp luật, trách nhiệm giải trình, quản lý chi tiêu công... nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực.
Giải pháp cho vấn đề năng suất?
Trước tệ trạng năng suất gia tăng chậm chạp nêu trên. BKH-ĐT đã tiếp xúc và thu nhận ý kiến của các doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học nhằm phân tích, đánh giá cụ thể, khách quan và cụ thể (!).
Theo ý kiến của ông Yuzou Maruyama, chủ một công ty sản xuất linh kiện phụ trợ tại VN, năng suất lao động VN thấp hơn các nước khác có thể là do nhịp sống chậm chạp, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, để đánh giá năng suất của doanh nghiệp VN cao hay thấp cũng còn tùy ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng có thể tác động đến năng suất người lao động, chẳng hạn như xem xét lại quy trình lao động; sắp xếp vật liệu, đồ dùng... để giảm thời gian duy chuyển hay tìm kiếm dụng cụ.
Trong khi đó ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan tại Sài Gòn, nói rằng tay nghề kỹ thuật của công nhân may VN cao hơn Myanmar, Campuchia, Bangladesh; ngang bằng với Indonesia; nhưng lại thấp hơn Mã Lai Á, Thái Lan và Trung quốc. Theo ông, nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao là vì nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư chuyên sâu cho máy móc, nhà xưởng, thiết bị. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm nhiều đến các phương thức cải tiến quản lý sản xuất, quản lý năng suất lao động, như áp dụng quy trình sản xuất tinh gọn.
Còn ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, thì cho rằng năng suất lao động hiện tại tăng gấp đôi so với cách đây năm năm. Ông nói để đạt được điều đó thì yếu tố con người, từ công nhân đến nhân viên quản lý từng bộ phận phải ý thức rất rõ công việc của mình đang làm để phối hợp với nhau cho thật hiệu quả.
Các ý kiến đóng góp ở trên nói chung là từ những người có kinh nghiệm thực tế trong lãnh vực kinh doanh tại VN. Kinh nghiệm của người này không nhất thiết thích hợp và khả dĩ áp dụng cho những doanh nghiệp khác. Vấn đề áp dụng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tầm cỡ doanh nghiệp, lãnh vực đầu tư và khu vực kinh tế.
Theo tôi, năng suất là một yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế vì nó phản ảnh sức sản xuất của lực lượng lao động. Dân có giàu và nước có mạnh hay không tùy thuộc rất nhiều vào năng suất của mỗi một người lao động. Tôi nghĩ chúng ta vẫn thường nghe tới tổng sản lượng quốc nội GDP nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng GDP lại chính là sự tổng cộng năng suất của lực lượng nhân dụng trong một nước, lấy GDP chia đều cho tổng số người lao động, chúng ta có được một năng suất bình quân đầu người. Vì năng suất nắm giữ một vai trò hệ trọng như vậy nên nó phải là mục tiêu ưu tiên cho mọi chính sách và đường lối phát triển kinh tế của một đất nước. Nó là thành quả của sự cộng hưởng giữa nhiều lãnh vực, bộ ngành. Nếu chúng ta nhận định rằng năng suất là một chuẩn mực để đánh giá mức độ thành công của một chế độ, một nhà nước hoặc một chính phủ, đặc biệt là trong môi trường và bối cảnh chính trị của VN, thì quả không ngoa.
BKH-ĐT quy trách sự phát triển lề mề của năng suất cho điều kiện đào tạo và huấn luyện tay nghề hoặc trình độ chuyên môn của người lao động. Theo tôi, đây không phải là lý do chính yếu. Có lẽ chúng ta đều biết là trình độ học vấn của người Việt hiện nay tăng lên khá cao. Trong khi có rất nhiều sinh viên đại học hoặc cao đẳng tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, thì lực lượng nhân dụng lại quá thiếu người có trình độ. Thế là sao? Tình trạng này phải chăng là do ba lý do hiển nhiên. Thứ nhất, đầu vào cho những ngành nghề có nhu cầu cao trong thị trường thì ít sinh viên mà cho các ngành nghề có nhu cầu thấp thì lại lôi cuốn nhiều sinh viên. Thứ hai, phải chăng nội dung giảng dạy tại các đại học không phù hợp với nhu cầu của công việc thực tế nên họ không được tuyển dụng. Thứ ba, phải chăng các công việc trong thị trường đều bị những người không có năng lực thực sự tước đoạt. Năng lực không có thì năng suất không thể nào tăng cao được. Như vậy, lỗi không phải là do người lao động mà do các bộ ngành của chính phủ?!
BKH-ĐT cho rằng sở dĩ năng suất của người lao động tăng trưởng thấp là vì cơ cấu kinh tế, là vì nền kinh tế VN còn lệ thuộc nặng nề vào các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Một lần nữa, theo ý kiến chủ quan của tôi sự quy trách đó là sai. VN đã bắt đầu phát triển nền kinh tế theo mô hình thị trường khoảng 20 năm rồi chớ không phải trong một giai đoạn ngắn. Trong thời kỹ thuật phát triển mạnh mẽ hiện nay, bất kỳ một lãnh vực nào cũng đều có thể được cơ khí hóa và năng suất gia tăng mạnh mẽ phải là điều tất nhiên. Tại sao người lao động trong các lãnh vực này còn dựa dẫm nặng vào cách thức thủ công? Đây phải chăng là thất bại của chính phủ, mà dính líu trực tiếp là BKH-ĐT. Tại sao công nợ ngày càng chồng chất và nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động lỗ lã mà nhà nước cứ mãi bù lỗ rồi không dành nổi ngân khoản để phát triển các lãnh vực phù hợp với truyền thống và điều kiện tự nhiên tại VN. Phát triển các ngành kỹ nghệ dịch vụ hoặc kỹ thuật cao tuy cần thiết nhưng những ngành sản xuất cổ truyền cũng cần được duy trì và phát huy để tăng cường thế mạnh cạnh tranh quốc tế.
BKH-ĐT cho rằng thể chế kinh tế và hiệu quả quản trị nhà nước là lý do cản trở sự gia tăng năng suất. Đó là điều chắc chắn! Nhà cầm quyền CsVN đã tiến hành nhiều cải cách và hoàn thiện cơ chế kinh tế. Nhưng chúng đều mang nặng tính chất chắp vá, tình thế và không triệt để.
Theo BKH-ĐT, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cũng ảnh hưởng tới năng suất. Hiện có sự bất bình đẳng trầm trọng trong môi trường kinh doanh ở VN vì những doanh nghiệp nhà nước luôn được ưu tiên dù hầu như tất cả những trở lực cho sự phát triển kinh tế đều hiện hữu, chẳng hạn như tham nhũng, tham ô, móc ngoặc, cửa quyền, bè phái, bao che, biển thủ ngân quỹ, hoang phí v.v... Các công ty tư doanh nội địa hiện chịu thiệt thòi nhất.
Một yếu tố then chốt khác ảnh hưởng nặng nề đến năng suất là tinh thần trách nhiệm của người lao động nhưng BKH-ĐT không hề nhắc nhở đến. Ý thức trách nhiệm này bị ảnh hưởng không ít bởi vấn đề lương bổng.
Tóm lại, những lý do mà BKH-ĐT đưa ra để biện hộ cho một nền kinh tế trì trệ nói chung và cho một sự gia tăng năng suất chậm chạp nói riêng đều quy lỗi cho người dân và chạy tội cho cơ chế. Những sai trái nền tảng và cần được chấn chỉnh triệt để thì họ không đá động tới, chẳng hạn như khu vực kinh tế quốc doanh và sự tồn tại đầy tốn kém của guồng máy cầm quyền cồng kềng, nặng nề. Một nền kinh tế một lúc phải gánh vác bốn gánh nặng thì chắc chắn không thể tăng trưởng rồi, nếu không thì chỉ ở tốc độ của một con ốc sên.
11/10/2015