Những trang viết giữa cơn mưa
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Thời đại đúng là của loài thú mang mặt người. Tuấn Khanh
Ông bà mình từng dậy: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn.”
Tôi không biết cái đơn vị đo lường (“một sàng”) này chứa được
cỡ bao nhiêu sự khôn ngoan nhưng nếu các cụ nói thì gần 10 ngày
qua tui chả học được thêm cái gì ráo trọi – nếu không có nét.
Hơn tuần rồi tôi không đi được đâu vì Cambodia mưa quá. Sáng mưa
tầm tã, trưa mưa lai rai, chiều mưa xối xả, đêm mưa rả rích.
Từ California, nơi mà lâu nay Trời chả ban phát cho một giọt
nước nào, vừa bước ra khỏi máy bay đã thấy phi trường Phnom
Penh mù mịt trong mưa. Tui xúc động thiếu điều muốn khóc luôn.
Thiệt là mát trời ông Địa!
Lâu quá, tui không được thấy mưa mà. Những trận mưa nhiệt đới
ào ạt, hào phóng (cỡ này) có khác gì ở Việt Nam đâu. Cứ
tưởng như là mình đã bước chân được tới cố hương rồi vậy.
Suốt đêm nằm nghe tiếng nước rào rạt đổ trên mái nhà sao mà
thấy đã quá trời, quá đất. Mất cả ngàn Mỹ Kim tiền vé máy
bay (hay hơn nữa cũng được) để chỉ được nằm nghe mưa rơi cả
tuần như vậy cũng đủ khiến cho tui cũng hả hê, sung sướng, và
mãn nguyện lắm rồi.
Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Chỉ sau vài bữa mưa tối trời
tối đất là tôi bắt đầu, thấp thoáng, nhìn thấy... quan tài. Ô
té ra, y như ở quê mình, mưa quá xá thì Cambodia cũng sẽ bị
lụt thôi.
Tuy “thế nước không lên” tới mông hay tới háng như ở Sài Gòn hay
Hà Nội nhưng Phnom Penh cũng có chỗ ngập cỡ nửa bánh xe, còn
thường thì cao hơn mắt cá.
Thế nước Cambodia cũng đang lên. Ảnh: cambodjakids
Cứ lò dò, bì bõm đi tìm quán nhậu trong mưa thì thế nào có
bữa bị lọt chân vô lỗ cống, và lọi giò là cái chắc. Thôi thì
có kiêng có lành. Tôi quyết định cứ ở yên trong nhà trọ, ăn
mì gói, uống cà phê pha liền, hút thuốc lá vặt, và “chơi” với
computer thôi.
Và đến tình cảnh này mới biết các cụ nhà ta đã bị thời thế
bỏ lại rất xa. Chả cần phải đi đâu tôi vẫn học hỏi được đôi
điều thú vị từ vài trang nét:
Chuyện thứ nhứt là công an đã tìm ra thủ phạm đánh chết thiếu niên Đỗ Đăng Dư, như tin loan của báo Vnexpress và... toàn thể đồng nghiệp:
“Theo công an Hà Nội, khoảng 8h30 ngày 4/10, Dư, Bình, Trường và Đức
Anh ăn sáng tại buồng giam. Theo lịch phân công, sau khi ăn xong Dư phải
rửa bát cho các bị can cùng buồng. Do thấy rửa bát bẩn, Bình gọi Dư đến
ngồi ở khu vực giữa 2 bệ xi măng nơi bị can ngủ tát 2 cái vào má trái,
dùng chân trái đá 3-4 lần vào đầu nạn nhân theo hướng từ trên xuống
dưới.
“Quá trình điều tra, ngày 8/10, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can Vũ
Văn Bình về tội danh Cố ý gây thương tích; đồng thời tổ chức khám nghiệm
hiện trường.”
Té ra hung thủ là một thiếu niên cùng tù, chớ đâu phải mấy
chú công an. Vụ này không hiểu sao vừa đọc tới đây tôi lại nhớ
đến một câu tuyên bố xanh rờn của nhà văn Nguyên Ngọc: “Một đảng, một nhà nước kỳ lạ. Đánh người toàn bằng đánh trộm, thụi ngầm và phi tang.”
Vậy mà tưởng đâu cái kiểu “đánh trộm, thụi ngầm và phi tang” chỉ
dành riêng cho “bọn phản động bị các thế lực thù địch ngoài nước xúi
giục chống phá nhà nước” thôi chớ. Ai dè chiến thuật này cũng
áp dụng luôn cho đám nhóc con nữa ở trong tù nữa. Thế mới
biết chính sách của nhà nước ta thiệt là nhất quán.
Chuyện thứ hai (“Không Thể Cứ Trả Lời Theo Kiểu Kangaro”) cũng thú vị không kém, qua ngòi bút duyên dáng của Tiến Sĩ Tô Văn Trường:
Xem phim Úc hơi khó nghe hơn phim Mỹ nhưng cũng hiểu nội dung. Có người
bạn lớn tuổi bảo rằng nói tới Úc lại hậm hực là cái dân Úc dùng tiếng
Anh mà sao cái từ dầu hôi (dầu hỏa) cứ một mực gọi là Parafine (trong
khi cả thế giới đều dùng từ này để chỉ sáp nến “sáp đèn cày”!
Thực tế, chẳng cứ gì dân Úc mà ngay cả dân "Anh rặc" cũng có từ sai toét
tòe loe - đó là từ kangaroo (con chuột túi). Lần đầu tiên, có người Anh
tới Úc, họ thấy con vật lạ, hỏi thổ dân bản địa và được trả lời
"kangaroo", họ bèn ghi vào tự điển tên loài vật này. Ai dè, tới mãi sau
có người nghiên cứu thổ ngữ của dân bản địa thì mới hay rằng "kangaroo"
nghĩa là: "tôi không hiểu" (ông nói gì) đã lỡ rồi nên con vật này đành
mang cái tên "tôi không hiểu". Đúng là "oan thị Kính"!
Ông T/S mở đầu bài viết đã có duyên (rồi) mà đóng lại còn bất ngờ và duyên dáng hơn nữa:
Kết luận cho bài viết này là con đường Đại hội Đảng khóa XII đang muốn mở ra cho đất nước có tên gọi là “Kangaroo”!
Mà thiệt, đọc xong bản tin của RFA (“Bế Mạc Hội Nghị Trung Ương ĐCSVN Khóa Thứ 12”) sao tui thấy mọi chuyện ngó bộ mơ hồ và mù mịt quá hà:
“Chiều ngày hôm qua, hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam khóa thứ 12 kết thúc.
Trong diễn văn bế mạc, ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nói là
ông đánh giá cao việc chuẩn bị công tác nhân sự của hội nghị này. Công
tác nhân sự đó bao gồm các báo cáo nhân sự Bộ chính trị, Ban bí thư, và
các chức danh chủ chốt từ đây đến đại hội đảng lần thứ 12 vào năm tới.
Ông Trọng nói thêm là Trung ương đảng đã thảo luận một cách dân chủ,
công tâm và toàn diện về danh sách nhân sự lần đầu tiên được giới thiệu
cho khóa 12, cùng với những phương án chọn lựa khác nhau.
Xin được nhắc lại là theo qui định hiện hành, các ủy viên trung ương
đảng của khóa cũ không thể tự ứng cử cũng như nhận đề cử vào vị trí ủy
viên trung ương của khóa mới.
Có một điều khác mà nhiều nhà quan sát chính trị Việt nam quan tâm
theo dõi là liệu các vị lãnh đạo chủ chốt hiện thời của Việt nam là Tổng
bí thư đảng, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch nước, và chủ tịch Quốc hội
có tiếp tục giữ chức vụ sau đại hội đảng sắp tới hay không!
Ông Nguyễn Phú Trọng nói trong diễn văn bế mạc rằng Trung ương đảng
đã thảo luận việc xem xét các trường hợp đặc biệt như vừa nêu để định ra
tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh.
Điều đó cho thấy là có khả năng các vị lãnh đạo chủ chốt hiện nay có
thể sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hiện hành của mình trong thời gian
tới.”
Nghĩa là “có thể” sẽ không có gì thay đổi ráo trọi. Và
chuyện dài nhân sự của ĐCSVNthì tui cũng có nghe kể trước đó
rồi, hơi dài dòng chút xíu:
Vừa qua, Ung Văn Khiêm cho tôi biết trước đây Sài Gòn là cứ địa vững bền
của Duẩn và Thọ, nhưng đến nay nó đã gần như tuột khỏi hai ông. Khiêm
cũng cho hay Thành uỷ Sài Gòn quyết hẩy đi bằng được hai người của Thọ
trong Thành uỷ là Mười Hương và Mai Chí Thọ. Cái này có ý kiến của Duẩn
không? Tôi đã hỏi và Khiêm lắc đầu, không rõ.
Tóm lại nhiều náo động quanh ghế Tổng bí thư. Vì thế không phải ngẫu
nhiên mà gần đây đâu đâu cũng kháo chuyện lý lịch Giáp có mấy vết to:
xin học bổng sang Pháp học (kiểu Nguyễn Tất Thành xin vào trường Hành
chính quốc gia Pháp), con nuôi mật thám Marti. Vào đảng không có ai giới
thiệu, nịnh Cụ Hồ để được Cụ Hồ o bế. Ngay tướng Giáp có lẽ cũng không
hiểu tại sao ông lại bị trù dữ đến như vậy?
Một buổi sáng, Lê Liêm và tôi đạp xe qua Uỷ ban nhân dân Hà Nội và Bưu
điện. Tôi hỏi Lê Liêm: Anh trông mặt tiền Uỷ ban nhân dân mới kia có
giống cái máy chém không? Liêm ngước nhìn xong nói: Ờ, nom thế mà thấy
giống máy chém thật. Rồi chợt thở dài hỏi tôi có nghe thấy người ta bôi
nhọ anh Giáp không? Tôi nói có. Liêm nói tôi đã trực tiếp hỏi anh Giáp.
Anh Giáp nói cũng nghe thấy. “Thế anh im à”, Liêm hỏi. Giáp nói Giáp đã
gửi ba thư lên cho Bộ chính trị. Xin cho Giáp gặp để làm rõ các vấn đề.
Bộ chính tri im. Thư thứ hai đề nghị Bộ chính trị cho ngăn lại những lời
đồn bậy nhưng Bộ chính trị kiên trì miễn đối thoại. Lại cái thứ ba đề
nghị Bộ chính trị cho Giáp gặp, và lại tét.
Lê Liêm bảo tôi: Thấy uy tín anh Giáp trong dân và cán bộ còn lớn nên họ bôi nhọ anh ấy.
Đến đầu Tràng Thi, Lê Liêm bảo tôi: Anh nghe tôi nói cái này xem để biết
nhé… (im một lát, mắt buồn, hạ giọng nói tiếp), mấy hôm trước, thằng
con mình (tôi không nhớ là Thao hay Công nữa) nó bảo tất cả tại bố mà
nên khổ thế này. Mình tưởng nó bảo tại mình vướng xét lại. Nhưng rồi nó
nói tiếp. Thì ra thế này. Tại bố theo một dúm các ông ấy tha về đất nước
cái chủ nghĩa nó đã bịt miệng dân không cho ăn lại còn bóp cả mồm dân
không cho nói… Thì ngay đến bố đấy mà có được ăn được nói đâu!
Từ đấy đến ngã tư Điện Biên Phủ – Hoàng Diệu, gần tới nhà Lê Liêm, chúng tôi im lặng hoàn toàn.
Chiều nay, sau khi bàn chuyện tại sao Khiêm vào lại đảng, tôi nói lại chuyện này cho Minh Việt.
Việt nghe rồi cúi xuống. Nhân sự ư? Bận tâm với nó làm gì! Thì đó, con
súc sắc tung ra, không nhất thì nhị, không nhị thì tam, không tam thì
tứ, đều cùng một xưởng tiện gọt nên, đêu cùng tay một chủ sòng bôi đen
tô đỏ rồi ném ra chiếu. (Trần Đĩnh. Đèn Cù II, Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Té ra từ thời Lê (Lê Duẩn, Lê Đức Thọ...) qua tới thời Nguyễn
(Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng...) vẫn
cũng chỉ là cái “xưởng tiện” ấy, con “súc sắc” ấy thôi. Bận
tâm với nó làm gì!
Cũng định bỏ lơ luôn thì lại nghe tiếng trách từ một ông bạn đồng nghiệp trẻ, Bùi Thanh Hiếu:
“Với cơ cấu diễn ra như trên cho thấy không có gì thay đổi đáng kể
trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Sự trông chờ ĐCSVN trao trả
dân chủ, quyền lực cho người dân tự quyết chỉ là giấc mơ hão huyền. Khi
mà việc nhân sự cấp cao lãnh đạo đất nước còn do đảng CS quyết định
trong bóng tối với nhau êm ấm, người dân thờ ơ không quan tâm, không
phản đối. Đương nhiên chả có lý gì đảng CSVN sẽ không có đại hội đảng
khoá 13, 14, 15 hay 20...”
Đúng là cái thằng phải gió. Đã định đội mưa chạy (đại) đi mua
một chai gì đó về uống cho đến say rồi ngủ mà nó lại mỉa
mai như thế khiến mình cũng phải cảm thấy có đôi chút tâm tư.
Nỗi niềm tâm tư, giữa một buổi chiều mưa, của một người (viễn
xứ) mà nhà không có rượu!