Tự do ngôn luận, tự do báo chí, nỗi khát khao chính đáng & cần thiết
Chị Mai, mẹ cháu Dư bên ngoài nhà xác. Photo by Chau Doan |
Chau Doan -
Thời gian cháu Dư nằm hôn mê suốt 5 ngày ở bệnh viện Bạch Mai, trong
khi cộng đồng FB xôn xao thì cả nền báo chí cách mạng im lặng như thể
mắc hội chứng câm điếc tập thể.
Thế nhưng khi cháu vừa qua đời, đồng loạt các báo bỗng ào lên như bị
cùng tiêm một loại thuốc động kinh, cùng đưa một nội dung, có chăng chỉ
khác vài câu chữkhông quan trọng và tên tác giả bên dưới. Điều lạ nữa là
không báo nào đưa ảnh về vụ việc, không dẫn lời người nào cung cấp
thông tin và tệ hơn cả là tuyệt nhiên không có một lời phỏng vấn những
người đang đau khổ nhất trong sự việc này, đấy là cha mẹ, anh chị của
Dư. Nếu vậy thì chúng ta cần bao nhiêu tờ báo làm gì cho tốn kém, sao
không chỉ có một tờ báo cho dễ kiểm soát? Cứ tác nghiệp kiểu này thì
phóng viên cần gì xuống hiện trường cho mệt xác, sao không nhận bài viết
của ban tuyên giáo, của bộ 4 T rồi đăng lên cho đơn giản, lại tránh
được sơ sẩy?
Tất cả như một hài kịch được đạo diễn thô thiển vụng về. Những người
hiểu biết thì không hề ngạc nhiên, chỉ đáng buồn là người dân do sống
lâu dưới sự kiểm duyệt thông tin nên tin ngay vào những gì báo chí đưa.
Ở đây, tôi không có ý trách các bạn phóng viên, biên tập viên bởi cả nền
báo chí Việt Nam chỉ là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà Nước. Đây
chính là điều đáng buồn nhất, đáng nói nhất, bởi lẽ tự do báo chí là cơ
sở cho phát triển xã hội. Chúng ta chứng kiến bao cuộc cải cách trong
giáo dục, giờ lại thêm trong báo chí nhưng tất cả chỉ là một sự loay
hoay chạy loanh quanh vỏ ngoài khi vấn đề cốt lõi không được giải
quyết.
Các vị lãnh đạo đã bao giờ tự hỏi một đất nước như Hàn Quốc lại có thể
bỏ xa tít mù tắp người anh em Bắc Hàn của họ chưa? Cùng một dòng giống
nên không thể nói người Nam Hàn thông minh hơn người Bắc Hàn để giải
thích cho sự chênh lệch này. Tạo được sự phát triển thần kỳ ấy chính là
nhờ tư tưởng khoáng đạt, động viên trí sáng tạo của mỗi con người trong
xã hội và quan trọng là tự do báo chí, bởi báo chí là công cụ tốt để
kiểm soát những việc làm sai trái của xã hội. Và hơn nữa, các vị có tự
hỏi tại sao cùng một quãng thời gian mà Hàn Quốc bỏ xa Việt Nam đến vậy,
đến nỗi mà giờ đây người dân chúng ta nhìn Hàn Quốc như một biểu tượng
lộng lẫy và kiêu hãnh của văn minh Châu Á, sản phẩm các loại và văn hoá
Hàn Quốc tràn ngập ngoài đường và trên màn hình ti vi của chúng ta.
Dân tộc Việt Nam không thiếu trí thông minh, cần cù nhưng họ cần một sự
lãnh đạo sáng suốt, sáng suốt thật qua những cải tổ táo bạo và thông
minh chứ không phải trên những khẩu hiệu đỏ loè đỏ loẹt mà rỗng toếch
chán ngán.
Thôi mà, các vị hãy thức tỉnh đi cho người dân được nhờ mà cả con cháu
các vị cũng được nhờ. Giá như Viêt Nam đừng tụt hậu quá xa so với Hàn
Quốc thì có phải các vị, con cháu các vị sẽ cùng hàng triệu người dân
Việt Nam cùng được hưởng sự thịnh vượng, văn minh không? Xin đừng chần
chừ nữa, đừng múa may hoen hoen ngoài rìa bản chất sự việc nữa, hãy thực
tâm đi vào cốt lõi.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí đồng nghĩa với minh bạch về thông tin,
đấy sẽ như một thứ ánh sáng văn minh soi rọi vào mọi ngõ ngách, sẽ lật
tẩy những ổ vi trùng, sẽ dần từng bước làm sạch xã hội, sẽ góp phần
khiến xã hội phát triển.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là nỗi khát khao chính đáng và cần thiết.
Trong ảnh là chị Mai, mẹ cháu Dư bên ngoài nhà xác. Người phụ nữ khốn
khổ này khóc cả đêm vì con trai bị đánh chết sau hai tháng tạm giam. Câu
chuyện này nếu vào một nước văn minh, có tự do báo chí sẽ được đăng
tràn ngập trên các mặt báo, và điều ấy sẽ ngăn chặn những bi kịch tương
tự trong tương lai. Và tôi tin rằng vào một nước văn minh, thì ít ra chị
Mai và gia đình, người thân không phải ngồi vạ vật như những kẻ ăn mày
khốn khổ khốn nạn trước nhà xác cả đêm như thế này. Hội phụ nữ các cấp
đâu, chả lẽ nỗi đau người phụ nữ này không đáng cho các vị quan tâm? Hay
các vị cũng chỉ là những con rối được giật ở đâu thì nhúc nhích ở đó?
Trong đêm ấy, tôi thấy quý vô cùng những người đến chia sẻ nỗi đau, động
viên chị Mai. Có những người tôi chưa bao giờ gặp, nhưng tôi coi họ như
người thân. Tôi không khóc khi chụp những tấm hình này, nhưng tôi khóc
khi về chọn ảnh để dùng cho bài viết trên FB, khi tâm được tĩnh lặng,
bởi tôi thấy thân phận người dân trong xã hội chúng ta khốn khổ quá, tăm
tối quá . Tôi không xấu hổ vì sự đa cảm của mình trong trường hợp này,
mà ngược lại tôi khinh bỉ kẻ nào cười tôi vì điều đó.
Rồi vài ngày nữa, câu chuyện về cháu Dư sẽ dịu đi, chúng ta sẽ phải quan
tâm những câu chuyện khác, nhưng người cha, người mẹ của cháu sẽ còn
mang nỗi đau đớn mất mát này nhiều năm nữa.
Thưa các bạn trên cộng đồng FB, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói
ông ta rất bức xúc, rất xúc động khi biết trong 3 năm, Việt Nam có 260
người bị chết trong thời gian tạm giam, tạm giữ, lẽ nào chúng ta không
bức xúc, xúc động? Tôi hy vọng ông Hùng sẽ có hành động đi cùng với cảm
xúc của ông, và nếu các bạn xót xa cho người phụ nữ này hay bao nạn nhân
khác thì các bạn cũng nên có hành động nào đấy. Để xã hội tiến bộ, mỗi
người trong chúng ta cần cất lên tiếng nói của mình, đừng thờ ơ với việc
đau lòng của người khác nữa, bởi những vấn đề chung của xã hội như
những cơn lũ, nếu ai cũng thờ ơ, không chung tay ngăn, những cơn lũ ấy
sẽ cuốn trôi tất cả, không trừ một ai.