Phong trào dân chủ tiểu thương?
Lê Việt Kỳ Nhi (Danlambao)
- Suy nghĩ tiểu thương là suy nghĩ theo lối của người buôn bán nhỏ, làm
một mình được theo ý của mình, không cần lãi nhiều nên không hợp tác để
phải chia chác với người khác. Phong trào dân chủ cũng phản ảnh lối suy
nghĩ này nếu như cũng chỉ dừng ở tổ chức nhỏ lẻ, ngại thảo luận, ngại
nghe ý kiến rồi phải cả nể, sợ mất hay chia bớt quyền lợi, thích tự làm
chủ, không thích dưới quyền một ai khác. Và với suy nghĩ tiểu thương như
vậy sẽ còn lâu lắm mới đạt được mục tiêu dân chủ hóa đất nước.
Muốn tiến xa và đạt kết quả mau chóng phải suy nghĩ như một thương gia
của tập đoàn lớn. Không thể nào mục tiêu là đạt được lợi ích cho cả dân
tộc mà ngược lại mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động, không muốn cùng
tổ chức khác đứng chung sợ chia bớt lợi ích cho người trong tổ chức
khác, hoặc sợ, ganh tỵ với thành công và không hưởng ứng hay ủng hộ
nhau. Với suy nghĩ như vậy mà mục tiêu muốn cả dân tộc được lợi ích từ
sự dân chủ hóa đất nước mà sợ phải chia lợi ích của mình cho những người
thuộc nhóm khác mình... thì bạn có tin hay không nhất là những người
đứng đầu các tổ chức? Đành rằng cạnh tranh là điều kiện cần để có thể
tiến bộ. Nhưng sự cạnh tranh sẽ được đặt đúng chỗ hơn nếu là dân tộc
cạnh tranh với dân tộc vì dân tộc ta đã và đang ở phía sau rất xa các
dân tộc khác trên đà phát triển.
Suy nghĩ tiểu thương cũng phản ảnh ở Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), họ
chỉ nghĩ lợi ích cho chính họ, bỏ quên lợi ích quóc gia dân tộc. Bằng
chứng điển hình nhất có thể hiểu từ lời ông Trương Tấn Sang thừa nhận
“công tác chống tham nhũng rốt ráo, rất quyết liệt nhưng chưa đạt mục
tiêu. Chưa ai thừa nhận đã ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng” theo Báo
Tiền Phong hôm 13/10 sau Đại hội đảng khóa 12. [1] Thiết nghĩ ngoài
đảng viên và cán bộ ai có thể có hành vi tham nhũng?? Làm chính trị,
phục vụ quốc gia dân tộc lại suy nghĩ tiểu thương, đấu đá lẫn nhau. Đảng
viên nổi tiếng chống tham nhũng ông Nguyễn Bá Thanh bị ám sát chết.
Chẳng thể nào các tổ chức tranh đấu cho dân chủ lại nên đấu đá nhau như
ĐCSVN lại có thể thành tựu được mục tiêu dân chủ hóa đất nước mang lợi
ích lại cho người dân.
Trong thời điểm hiện tại, để có thể vượt qua bế tắc của xã hội và những
nguy cơ suy vong của đất nước, chẳng thể nào không nghĩ xa trông rộng về
một sự liên kết, bỏ đi thói quen suy nghĩ theo lối của những người buôn
bán nhỏ đơn độc để biến phong trào tranh đấu cho dân chủ của Việt Nam
trở thành phong trào dân chủ tiểu thương.
Làm cách nào để có thể liên kết nhau?
Các tổ chức có thể còn đang khá cẩn thận vì lo ngại những người trà trộn
và gài vào, nên chỉ nhìn một viễn cảnh liên kết ở giai đoạn cuối cùng
thí dụ như là cùng xuống đường. Song để có được sự liên kết đó mà chẳng
có sự liên hệ bàn bạc thì cũng là một khó khăn để sự việc được xếp đặt
hiệu quả. Sự liên kết cần trải qua ba (3) giai đoạn sơ lược như sau:
1. Bắt đầu bằng sự bỏ lối suy nghĩ tiểu thương, sợ mất lợi ích nhỏ nên
không có được lợi ích lớn - tinh thần dân chủ là tinh thần hòa hợp [2],
ở trong một tập thể lớn lấy sự dung hòa và phương cách đáp ứng tất cả
làm lối thoát cho mọi bất đồng. Và quan trọng nhất là suy nghĩ cởi mở,
sẵn sàng cho sự liên kết.
2. Liên kết ở mức độ giữ liên lạc trao đổi, học hỏi và cảm thông nhau.
Thời gian đã cho thấy thiên thời (trước hiện tình đất nước ở trong nguy
cơ tìm cơ hội), địa lợi (địa chính trị đang là nơi quan tâm của thế
giới) đã có, nhưng nhân không hòa thì thiên thời địa lợi vô ích. Giữa
các nhóm cần tìm sự dung hòa và tạo hòa khí, tìm hiểu và cảm thông. Mỗi
lãnh đạo tổ chức cần mở lòng mình thật rộng để kết nối nhau, ủng hộ tinh
thần của nhau, không trịch thượng trong cư xử.
3. Bước cuối cùng sau khi ”tâm” đã chuân bị và suy nghĩ thông suốt thì
”thân” có thể hành động thực sự tiến đến thảo luận thời cuộc trao đổi
chiến lược. Có thể qua hình thức mỗi tổ chức cử đại diện hoặc một hình
thức nào đó được đa số tổ chức chọn lựa.
Khi các tổ chức có thể liên kết được với nhau thì phong trào tranh đấu
cho dân chủ thực sự đã trưởng thành. Tất nhiên sẽ gặt hái được kết quả.
13.10.2015