Hoa Địa Ngục - Để tưởng nhớ nhà thơ bất khuất của Việt Nam, Nguyễn Chí Thiện
Trần Bảo Như (Danlambao) - Một lần, cùng với người bạn và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong một bữa trưa, tôi còn nhớ câu chuyện gồm ba người chúng tôi hôm đó, bạn tôi đã hồn nhiên nói: “Nếu chú ngày đó không nhận dậy thế cho người bạn môn Sử, không xảy ra chuyện giảng kết thúc Thế chiến II thì đâu có xảy ra chuyện bị tù, bắt đầu cho hàng chuỗi những tù tội trong đời chú nhỉ...” Nhà thơ đã trầm ngâm trả lời: “Nếu không xảy ra chuyện đó thì có lẽ chú chỉ sống đời là một thầy giáo chứ không có được tập thơ Hoa Địa Ngục như bây giờ.” Nghe câu trả lời này, tôi chợt hiểu ra rằng, với Nguyễn Chí Thiện, tập thơ Hoa Địa Ngục đáng trân trọng hơn là một cuộc sống êm đềm, yên ổn làm thầy giáo. Và đến giờ, khi nghĩ về ông, tôi như vẫn còn nghe tiếng nói mang âm hưởng Hà Nội rõ ràng không mảy may hối tiếc trả lời cho chúng tôi trong vô vàn những mẩu chuyện về thời sự, con người, hay những chuyện linh tinh xảy ra trong cộng đồng, đã nhạt mờ, mất thời gian tính.
Rồi nhà thơ đã ra đi, thật nhanh, chỉ vài tuần sau khi thử nghiệm ra
chứng ung thư phổi. Tôi từ đó, vẫn nuôi ý sẽ phổ một bản nhạc từ thơ
ông. Biết tài mình mọn, bản nhạc sẽ không đủ tầm để vinh danh một nhà
thơ bất khuất của dân tộc, tôi chỉ mong viết nó như là kỷ niệm mối tri
ngộ với nhiều vấp váp và thiếu sót về phần tôi với nhà thơ. Vậy mà đến
hôm nay, giỗ thứ ba của ông, tôi mới hoàn thành được ý nguyện này, nhờ
vào sự đóng góp của những người bạn trong nhóm thực hiện cũng cùng một
lòng ngưỡng mộ và thương tiếc nhà thơ như tôi.
Tựa đề Hoa Địa Ngục của nhạc phẩm là tên của tập thơ gồm 700 bài được
sáng tác trong tù Cộng Sản của Nguyễn Chí Thiện. Lời nhạc của phần phiên
khúc được phỏng từ bài thơ Thơ của Tôi do ông viết vào năm 1970.
Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27-2-1939. Ông sinh trưởng tại Hà Nội, cùng
gia đình ở lại miền Bắc sau ngày chia đôi đất nước, và sống bằng nghề
dạy học.
Một lần vào năm 1960, nhận dạy thế một người bạn giờ Sử cho các cán bộ,
ông đã ngay thẳng giảng theo sự thật nguyên nhân Nhật đầu hàng, chấm dứt
Thế Chiến II là do Mỹ thả hai trái bom nguyên tử, khác với sách giáo
khoa CS bấy giờ là Hồng quân Nga đã thắng Nhật, dẫn đến kết thúc cuộc
chiến. Chính ông cũng không ngờ được rằng với não trạng của nhà cầm
quyền CS “trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ,” thì việc giảng đúng Sử
cũng bị kết tội “phản động,” ông bị tòa CS kết án hai năm, nhưng với
chế độ "án cao su" thời đó hạn tù của ông đã kéo dài tới ba năm rưỡi.
(1)
Trong thời gian bị giam cầm, ông làm nhiều bài thơ tả lại cảnh tù cùng
các tội ác của chế độ bằng ký ức. Từ tháng 9/1964, thời gian ngắn được
thả sau lần tù đầu tiên này, ông đã truyền miệng, phổ biến những bài thơ
của mình, và bị bắt trở lại vào tháng 2/1966. Ông lại bị lưu đầy trên
khắp các trại tù lao động khổ sai tại miền Bắc Việt Nam.
Năm 1977 sau khi được thả lần thứ hai, Nguyễn Chí Thiện luôn thôi thúc
với ý nghĩ tìm đường vượt thoát, nhưng quan trọng hơn sự tự do của bản
thân, là tìm cách gửi tiếng nói của ông trong những năm tù ngục ra
ngoài. Năm 1979, ông đến lưu trú tại nhà một người cháu tại Hà nội một
thời gian ngắn, dùng nhà cháu làm nơi an toàn, ghi chép lại những bài
thơ từ ký ức mà ông đã “viết” trong suốt mười mấy năm tù. Sau đó, nhờ
cả gan và may mắn, ông đã qua được vòng đai canh gác, lọt được vào Tòa
Đại Sứ Anh, để trao gửi tập thơ của mình. Kèm trong tập thơ gồm 400 bài
viết tay là lá thư ngỏ:
“Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục
hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông
cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên
mảnh đất tự do của quý quốc. Ðó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần
lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm.” (2)
Bị bắt ngay sau khi ra khỏi Tòa Đại Sứ, ông trở lại là “thường trú dân”
của Hỏa Lò, nhưng mãn nguyện là đã đạt được mục đích chính, phổ biến tập
thơ tố cáo tội ác CS, vốn luôn bị tập đoàn thống trị bưng bít, ra thế
giới bên ngoài.
Trong lúc nhà thơ Hoa Địa Ngục trả giá cho hành động can trường của mình
trong tù, thì tập thơ của ông bay tới vùng ánh sáng, những đóa hoa từ
địa ngục vươn tới được cõi sống. Những bài thơ được chuyển qua Anh ngữ
bởi giáo sư Huỳnh Sanh Thông của Đại học Yale. Công trình này đã đoạt
được “giải thơ Quốc tế” (the International Poetry Award) tại Rotterdam
năm 1985. Ông trở thành người tù nhân lương tâm nổi tiếng được Amnesty
International bảo trợ năm 1986.
Năm 1991, mười hai năm kể từ ngày trao tập thơ tại Tòa Đại Sứ Anh, nhà
cầm quyền CS cho ông ra khỏi tù, tuy vẫn dưới sự giám sát nghiêm ngặt,
đồng thời cuộc sống và sự an toàn của ông cũng được những người bạn Quốc
tế tận tình theo dõi.
Tổng số thời gian tù đầy của nhà thơ bất khuất là 27 năm.
Nguyễn Chí Thiện được Human Rights Watch vinh danh vào năm 1995, và được
nhận tị nạn tới Mỹ cùng năm qua sự can thiệp của Noburo Masuoka, một
Đại Tá Không quân về hưu của Hoa kỳ. Ông lập tức viết lại từ ký ức Hoa
Địa Ngục II, những bài thơ sáng tác trong tù từ 1979 – 1988. Chúng đã
được xuất bản song ngữ (Việt-Anh), và sau cùng, toàn tập Hoa Địa Ngục
gồm 700 bài thơ đã xuất bản năm 2006.(3)
Ngoài Hoa Địa Ngục, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện còn có một tuyển truyện văn
xuôi với tựa đề Hỏa Lò (2007) kể lại những mẩu chuyện, những mảnh đời
rách nát mà ông chứng kiến trong đời tù của mình. Hỏa Lò được viết
trong thời gian 3 năm sống ở Pháp dưới sự bảo trợ của the International
Parliament of Writers.
Suốt khoảng đời sau khi thoát được tới thế giới tự do, Nguyễn Chí Thiện
luôn hiện diện cùng các cộng đồng tị nạn khắp nơi, với những bài diễn
thuyết lên án tội ác Cộng Sản đầy thuyết phục, hùng hồn. Với tôi, người
viết, ông không chỉ là một nhà thơ, mà còn là một nhà hùng biện có
thiên khiếu đặc biệt, đáng ngưỡng mộ. Tôi luôn tìm tới những buổi diễn
thuyết của ông bất kể chủ đề gì (hầu hết liên quan tới công cuộc tranh
đấu chống Cộng Sản) mà chưa từng một lần thấy ông cầm giấy/dàn bài trong
buổi diễn thuyết nào. Ông thường thao thao bất tuyệt hàng tiếng đồng
hồ một cách mạch lạc những dữ kiện, lịch sử, nhận định... xuất phát
thẳng từ khối óc thông tuệ và minh mẫn.
Nhà thơ đã yên nghỉ trong lòng thương tiếc của đồng bào vào ngày
2-10-2012 tại Santa Ana, California. Riêng tôi, xin được "thắp nén
hương lòng không bao giờ tắt" trước nhà thơ, người đã cho tôi định
nghĩa rõ nhất về bốn chữ "Uy Vũ Bất Năng Khuất".
Với các bạn trẻ chưa có cơ hội được nghe Nguyễn Chí Thiện nói chuyện,
xin mời các bạn cùng tưởng niệm nhà thơ khả kính của Việt Nam qua một
bài diễn thuyết của ông trong clip sau. Với kiến thức uyên bác và lòng
trăn trở hướng về quê hương dưới ách CS, những nhận định, suy nghĩ ông
đề cập trong bài vẫn rất cập nhật và giúp ích trong cuộc cuộc đấu tranh
gỡ ách độc tài Cộng Sản hôm nay.
___________________________________
Ghi chú:
(1) Nguyễn Chí Thiện trả lời phỏng vấn về nguyên nhân bị bắt lần đầu tiên
(2) Chi tiết về lần nhà thơ đột nhập vào Tòa Đại Sứ Anh với tập thơ Hoa Địa Ngục
(3) Nguyễn Chí Thiện và các giải thưởng