Thơ My Thanh, nhạc Trần Bảo Như, hòa âm Nguyên Ca, tiếng hát Tố Lan,
a WE Production
My Thanh (Danlambao)
- Bài thơ được viết với đầy ắp hình ảnh của những người con yêu nước đã
hy sinh giữa tuổi thanh xuân cho quê mẹ Việt Nam, những anh hùng vị
quốc vong thân. Nó được bắt đầu và hoàn thành lâu nhất so với những bài
thơ "bình thường" khác của tôi. Đoạn được dùng làm điệp khúc tôi đã viết
từ tháng giêng của năm 2012, mở đầu trong một bài viết để tưởng niệm
các tử sĩ Hoàng Sa.
Nếu là hoa, chọn anh đào trước gió,
Đang độ xuân thì tan tác nề chi.
Hương sắc cho đời, rắc lối ai đi,
Diễm lệ đến tận cùng giây ly biệt...
Nếu là người, xin chọn làm chiến sĩ,
Quãng đời tươi đẹp nhất hiến quê hương.
Luôn xông pha dầy dạn với gió sương,
Chỉ chấm dứt khi vào chương bất tử.
Gần đây, những tác động ngoại cảnh lại khiến tôi đau xót viết tiếp và
biến nó thành một bài thơ trọn vẹn. Tôi đau xót khi nhớ đến những con
người đã đích thực lựa chọn con đường "làm chiến sĩ", "hiến quê hương"
vì họ có thể hoàn toàn không cần phải thế. Họ đã đang sống cuộc sống tự
do, sung túc ở một nước phát triển. Trong khi quê mẹ đã rơi vào họa Cộng
Sản, những làn sóng người bằng mọi cách trốn chạy ra khỏi nước thì họ
lại sẵn sàng đổi tính mạng để trở về. Đó là những anh hùng Đông Tiến đã ở
lại trong đoạn thơ, nơi "cánh đồi trọc", "ngồi mộng nhìn phương
Đông..." Đó là anh Trần Văn Bá cùng các chiến hữu bị chúng chận bắt trên
sông vào năm 1984 để muôn đời "sông quê mẹ mênh mang sóng tiếc thương
Người..."
May mắn các bạn tôi đã chắp cánh cho bài thơ của tôi thành ca khúc vào
đúng dịp tưởng niệm và trao giải Trần Văn Bá năm 2016 này. Xin nhân đây
cám ơn những tình bạn còn bao hàm nghĩa là tình chiến hữu này. Có hai
người ngoài nhóm nghệ sĩ đã chung tên trong bản nhạc nên tôi xin ghi
nhận ở đây. Cám ơn bác Bùi Xuân Quang đã đặt cho bài thơ cái tựa rất hay
và ý nghĩa "Những Vì Sao Rơi". Cám ơn tác giả Cao Đắc Tuấn đã từ cái
tựa gợi đến ý tưởng những ngôi sao rơi biểu hiện cho ước mơ thành sự
thật, để tôi "ra" được câu "lóng lánh" trong bài thơ "Ơi những vì sao rơi tóe sáng muôn triệu mơ ước".
Cái chết của những người vì nước không bao giờ là "mất". Đó là những vì sao rơi biến ước mơ thành sự thật.
PS: Xin giới thiệu với các bạn đọc muốn biết thêm về Trần Văn Bá bài viết Một Cuộc Đời Dấn Thân ở link sau:
Một cuộc đời dấn thân
- Ban Biên Tập
Vào những năm 65-69, cuộc chiến tại Việt Nam bắt đầu leo thang với sự tham dự trực tiếp của quân đội đồng minh. Phía bên kia, Việt cộng cũng đã bắt đầu tăng gia mức độ khủng bố.
Năm 1966, Việt cộng đã sát hại dân biểu Trần Văn Văn, cha anh. Cái chết của thân phụ đã bắt buộc anh phải rời bỏ quê hương, xa bạn bè thân thuộc. Sang Pháp, anh tiếp tục việc học và đậu bằng cao học kinh tế năm 1971 và làm giảng viên tại đại học kinh tế Nanterre.
Tuy vẫn tiếp tục con đường học vấn, nhưng anh không lúc nào quên được quê hương cùng bao nhiêu người thân đang ra sức chống đỡ tham vọng nuốt trọn miền Nam của cộng sản Bắc Việt. Với tấm lòng yêu quê hương tha thiết, anh đã tiếp tục đóng góp vào việc tranh đấu của toàn dân Việt Nam chống cộng sản và cho một thể chế tốt lành hơn cho miền Nam.
Song song với việc học, anh hoạt động một cách tích cực tại Pháp và đã làm chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên tại Paris nhiều lần vào những năm từ 1973 đến 1980.
Bắt đầu năm 70, tình hình chiến sự ở Việt Nam đã chuyễn sang giai đoạn khốc liệt, tình hình thế giới bên ngoài cũng không kém hoang mang. Mùa hè đỏ lửa 72, hội nghị Ba Lê diễn ra cho thấy một giải pháp chính trị có thễ đạt được đễ giải quyết chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, nhiều thế lực đã dằng co đễ lôi kéo ảnh hưởng môi trường sinh viên hải ngoại về phía mình, nhất là môi trường sinh viên tại Paris.
Chủ tịch THSV, Trần Văn Bá đã mang đến cho môi trường này một luồng sinh khí mới, gây lại một thế đấu tranh mới. Tuy nhiên THSV lúc đó cũng chỉ là một hội đoàn sinh viên, mang nhiều tính chất ái hữu. Đễ thúc đẩy lòng yêu quê hương và tạo dịp cho các sinh viên thành tài về xây dựng đất nước. THSV dưới sự hướng dẫn của anh Trần Văn Bá đã tổ chức trại hè Nối Vòng Tay Lớn, lôi kéo một số sinh viên từ các nước ở Âu châu về thăm quê hương.
Từ đó các hội đoàn ở Pháp và các nước Âu châu đã liên lạc gắn bó với nhau hơn và chuẩn bị cho sự ra đời của Đại Hội Việt Nam Âu Châu sau này. THSV lúc đó, một mặt phải đương đầu với bọn Việt cộng ở Pháp, lúc nào cũng rình rập dòm ngó tìm cách làm lũng đoạn hàng ngũ sinh viên quốc gia, một mặt phải chống đỡ với một chánh quyền miền Nam trên đà phân hóa.
Trong tình trạng khó khăn lúc ấy, THSV đã vươn lên, tờ Thông Tin Sinh Viên được phát hành đều đặn, chương trình văn nghệ được chuẩn bị kỹ càng hơn, và thái độ chính trị của THSV cũng rõ ràng và cứng chắc hơn. Nhưng rồi ngày 30-4-75 đã đến, đến trong bàng hoàng, đến trong tủi nhục. Trước đó vài ngày, anh em sinh viên đã cùng nhau đi tuần hành ở thủ đô Paris đễ tưởng nhớ đến các chiến sỉ đã nằm xuống vì tự do. Đi đầu là bàn hương án theo sau là một đoàn người đầu chít khăn tang.
Sau những giây phút bàng hoàng của những ngày đầu miền Nam sụp đổ, môi trường đấu tranh ở Paris bắt đầu chấn chỉnh và vùng dậy. Một Trần văn Bá đã bôn ba khắp nơi, khởi màn cho công cuộc đấu tranh cứu nước. Anh vẫn thường nói ‘Không thể nào ngồi yên được, bao nhiêu người đã hy sinh rồi, mình không thể để uổng phí được. Còn lá cờ vàng ba sọc đỏ, hàng ngàn người đã nằm xuống để bảo vệ nó, thì kông thể chối bỏ hoặc thay thế được’.
Vào đêm Tết Bính Thìn 1976, Đêm Tết đầu tiên sau biến cố 1975, lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới bay ở hội trường Maubert trước hơn 3 000 người, tất cả đều cùng nhau cất vang tiếng hát ‘Này công dân ơi… ‘. Đêm Tết Bính Thìn đươc đặt dưới chủ đề ‘Ta Còn Sống Đây’ thể hiện tinh thần của tất cả những người Việt không chấp nhận sự sụp đổ ngày 30-4-75 như là một sự kiện vĩnh viễn trong cuộc đấu tranh chống cộng.
Trước sự tan rã, tháo chạy, chán nản cũng như trở cờ của biết bao nhiêu người những năm sau 75, trong một tư thế chính trị cô đơn, Trần Văn Bá luôn vững chí xây dựng THSV, xây dựng Đại Hội Việt Nam Âu châu, củng cố các tổ chức bạn, thăm viếng các trại tỵ nạn ở Pháp, vận động kêu gọi đấu tranh cho nước Việt Nam đang lâm vào cảnh điêu linh gây ra bởi cộng sản Việt Nam.
Từ 75-80, anh Trần Văn Bá và các bạn đồng hành đã gầy dựng mầm mống của cộng đồng người Việt ở Paris và Âu châu. THSV thời đó đã đứng mũi chịu sào trên những trận tuyến vận động lôi kéo tổ chức đồng bào, tuyên truyền tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia. Không nhường bên kia một tấc đất và cả một tấc tường: bên kia dán bích chương đỏ lòm, phe ta lập tức dán lấp lên bằng mọi phương tiện, kể cả giấy báo. Ở THSV, tờ Nhân Bản ra đời thay cho Thông Tin Sinh Viên, Văn Đoàn Lam Sơn ra đời. Dùng ngòi bút và lời hát để khơi dậy lòng yêu nước và ý chí tranh đấu cho tự do.
Nhưng rồi môi trường hoạt động hải ngoại, tuy rằng đang sôi động tổ chức lại qua những đợt người tỵ nạn được chấp nhận định cư, đã không đủ sức hấp dẫn để giữ chân một con người vốn có tấm lòng yêu nước nồng nàn. Anh Trần Văn Bá bắt đầu dấn thân vào con đường đầy cam go nguy hiểm... Anh vẫn quan niệm 'Vấn đề của Việt Nam phải được giải quyết tại Việt Nam', và mưa thì phải 'mưa từ lòng đất mưa lên'. Anh đã không ngừng tìm kiếm, móc nối, xây dựng trong âm thầm những tấm lòng quyết tâm phục quốc.
Tuy biết ở vào một tư thế thế chính trị mong manh nhưng anh vẫn chấp nhận. Trần Văn Bá trở về nước kháng chiến giữa năm 80.
Anh Bá và đồng đội đã nhiều lần xâm nhập vào quốc nội trong suốt bốn năm trời hoạt động để liên lạc, tổ chức, đem vũ khí... Anh cũng đã có lần gởi thơ ngay từ Bưu điện Saigon nhắn nhủ đến THSV. Trong một chuyến công tác, Trần Văn Bá và đồng đội đã sa cơ và bị bắt tại Cà Mau vào một ngày tháng 09 năm 1984.
Cộng sản Việt Nam đã đem các kháng chiến quân ra xử trong một phiên tòa bịp bợm tại Saigon. Chỉ sau bốn ngày xét xử, chúng đã tuyên án tử hình ba anh: Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch, Trần Văn Bá. Anh Mai Văn Hạnh được tha và trở về Pháp, anh Huỳnh Vĩnh Sanh được cải án từ tử hình sang án tù, các kháng chiến quân khác bị những án tù đầy từ nhiều năm cho đến chung thân. Tổ chức kháng chiến này bị sụp đổ sau đó vì bị mất đi những cán bộ nồng cốt.
Trần Văn Bá hiên ngang lãnh án của cộng sàn, không xin xỏ không chối bỏ lý tưởng của mình.
Ngày 08 tháng Giêng năm 1985. Anh Trần Văn Bá đền nợ nước vào lứa tuổi 40.
Sự việc đã gây một làn sóng phẫn uất sâu rộng trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại và của dư luận thế giới. Trước lòng yêu nước và sự hy sinh dũng cảm, khắp nơi đã nhỏ giọt lệ thương tiếc cho người trai nước Việt Trần Văn Bá.
Anh Bá không phải là kháng chiến quân đầu tiên và duy nhất đã bỏ minh trên con đường cứu nước.
Trần Văn Bá chỉ sống trọn vẹn với lý tưởng của mình, sống giản dị sống chân thành với anh em và chiến hữu, bền bỉ hoạt động để tạo dựng, quyết dấn thân cho đất nước với hành trang là lòng yêu nước và một ý thức chính trị vững chắc.
Trần Văn Bá đã trở thành một biểu tượng cho các thế hệ nối tiếp.
Lưu ảnh Trần Văn Bá : Trần Đình Thục