LS Đào Tăng Dực (Danlambao) - Dưới
con mắt của những người Việt Nam bình thường, sự kiện hằng trăm và
trong tương lai có thể hằng ngàn tấn cá và thủy tộc bị chết phơi thây có
thể chỉ là những thiệt hại về môi sinh và kinh tế. Tuy nhiên trong cái
nhìn của những Phật tử thuần thành ăn chay, và nhất là giới tu sĩ Phật
Giáo, thì hằng triệu, hằng tỉ cá và thủy tộc phơi thây này đều là những
sinh linh trong tam giới và sự tàn sát của đảng CSVN liên kết với tư bản
đỏ từ Trung Quốc là một sự lạm sát chưa từng có và làm chư Bồ Tát cũng
phải rơi lệ...
*
I. Dẫn nhập:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đối với người Phật tử như chúng tôi thì ngày Phật Đản Sinh trong lòng
cũng vui mừng và biết ơn như những người Công Giáo hoặc Tin Lành nhân
ngày Giáng Sinh vậy. Những tôn giáo lớn như Phật Giáo, Công Giáo, Tin
Lành đều chủ trương từ bi, bác ái, vị tha thay vì hận thù và đấu tranh
giai cấp như chủ thuyết cộng sản.
Tuy nhiên niềm vui năm nay không trọn vẹn vì Đại Họa môi sinh Vũng Áng
đe dọa không những các loài thủy sản mà đe dọa ngay cả sự tồn vong của
giống nòi Việt Tộc. Chúng ta tham dự Phật Đản cũng không quên thắp nén
hương lòng, hồi hướng công đức về đồng bào tại quê nhà đang sống dưới
tai ương độc tài đảng trị.
Ớ Úc, tại vùng đô thị Sydney và trong cộng đồng người Việt mà thôi đã có
hằng chục ngôi chùa hoặc tự viện lớn nhỏ. Ngoài các ngôi chùa lớn và
nổi tiếng như Pháp Bảo, Phước Huệ, Quang Minh, Thiên Ấn, Trúc Lâm, Huyền
Quang còn nhiều chùa hoặc tự viện nhỏ hơn khác. Thông thường phật tử
ngoài việc thăm viếng và kính Phật tại chùa “ruột” của mình, cũng thường
lễ Phật tại các chùa khác.
Nhiều người không có niềm tin tôn giáo mạnh, nhưng cũng thỉnh thoảng đi
chùa tham quang thắng cảnh, chụp hình lưu niệm. Các chùa Viêt Nam đóng
góp rất nhiều vào các thắng cảnh và nền đa văn hóa của Úc Châu.
Một trong những tai họa lớn lao của nhân loại là chủ thuyết tam vô Mác
Lê. Vô gia đình, vô tổ quốc và vô tôn giáo. Sự tàn phá của ý thức hệ Mác
Lê trên đất nước Việt Nam trong gần một thế kỷ của lịch sử cận kim trở
thành một quốc nạn lớn lao và một phương trình chính trị nan giải.
Theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta học theo trí tuệ vô biên và lòng từ
bi vô lượng của chư Phật, chúng ta sẽ góp phần không nhỏ vào đáp án cho
phương trình chính trị bí hiểm nêu trên.
Như một Phật tử thuần thành, tôi tin rằng Phật pháp vô biên và sự hiểu
biết của tôi rất nông cạn. Tuy nhiên, nhân ngày lễ thiêng liêng này,
cũng xin mạo muội góp ý của mình và nêu lên vài nét chính về tôn giáo
của mình, như một trong những tôn giáo cao đẹp của nhân loại.
II. Nguồn gốc Phật Giáo:
Phật giáo khởi đầu 26 thế kỷ trước đây từ một người sinh trong một gia
đình vương giả có tên là Tất Đạt Đa, thuộc giòng họ Thích Ca. Người này
không phải là một vị thần thánh hoặc một tiên tri mà chỉ là một con
người, bằng sức mạnh của trí tuệ, đã phá tan mọi sự ràng buộc và kiềm
tỏa cố hữu của mọi chúng sinh trong hằng hà sa số đại thế giới của vũ
trụ vô thỉ vô chung này. Trong khi những chúng sinh khác đang oằn oại
trong bể khổ của các thành kiến, lòng tham, và dục vọng vị kỷ thì Đức
Phật đã vượt thoát lên trên tất cả những vô minh đó để trở thành đấng
giác ngộ. Đây chính là ý nghĩa của chữ “Phật” bởi vì theo tiếng phạn
(Sanskrit) thì chữ gốc “budh” có nghĩa là tỉnh thức và hiểu biết. Sau
khi đã đạt đến sự chánh đẳng và chánh giác thì trí tuệ của Ngài chinh
phục tất cả các huyền vi của vũ trụ cũng như soi sáng đến những điều
kiện nhân sinh bi thiết của loài người.
III. Tứ Diệu Đế:
Cũng vì lòng từ bi đối với chúng sinh và nhân loại, Đức Phật đã quyết
định đi chân hành đạo trong vùng lưu vực sông Hằng Hà tại Ấn Độ suốt 45
năm để truyền đạt một trong những luận đề giải thoát nổi tiếng nhất thế
giới, đó là “Tứ Diệu Đế”.
1. Diệu Đế thứ nhất là Khổ Đế: một sự phân tách chi tiết những sự đau khổ của chúng sinh để đưa đến định đề sinh là Khổ (tiếng Phạn là dukkha).
2. Diệu Đế thứ nhì là Tập Đế: vốn là một sự
phân tích chi tiết về nguyên nhân của sự khổ để đưa đến định đề là
nguyên nhân của Khổ chính là Dục (tiếng Phạn là tanha). Tuy nhiên như
Huston Smith có nói rõ tanha là một loại dục vọng đặc thù, có thể định
nghĩa như là dục vọng “cá nhân vị kỷ”. Theo ông, dục vọng theo Đức Phật
là “tất cả mọi sự vị kỷ, mà cốt tủy là lòng tham dục cho cá nhân, bất
chấp đến sự sống của muôn loài khác” (The Religions Of Man, Huston
Smith, 1965, tr.113-4).
3. Diệu Đế thứ ba là Diệt Đế: sự chấp nhận kết
luận dĩ nhiên là để diệt khổ và đạt đến sự giác ngộ chúng ta cần phải
giải thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng vị kỷ.
4. Diệu Đế thứ tư là Đạo Đế: nêu rõ một cách cụ thể phương pháp giải thoát. Phương pháp này theo danh từ phật học còn gọi là Bát Chánh Đạo.
IV. Bát Chánh Đạo:
Bát Chánh Đạo là một tấm bản đồ chi tiết để đưa con người và mỗi chúng
sinh đến tận bờ giác và gồm những giai đoạn sau đây mà mỗi phật tử, hoặc
tu sĩ phật giáo cần phải noi theo, từ một ngôi chùa tại Đông Kinh,
(Nhật Bản), một ngôi Wat (chùa) tai Bangkok (Thai Lan) hay tại chùa Pháp
Bảo ở Sydney (Úc Đại Lợi) do người Việt Nam xây dựng:
1. Chính Kiến.
2. Chính Tư Duy.
3. Chính Ngữ.
4. Chính Nghiệp.
5. Chính Mạng.
6. Chính Tinh Tấn.
7. Chính Niệm.
8. Chính Định.
Ý nghĩa toàn vẹn của mỗi giai đoạn được giải thích rõ trong nhiều kinh
điển của phật giáo và mỗi chúng sinh đều có thể đạt tới sự giác ngộ bằng
cách thực thi Bát Chánh Đạo.
V. Vũ trụ quan và giải thoát luận:
Trên con đường giải thoát của Phật giáo, không có chỗ đứng, hoặc vai trò
cho bất cứ một vị thần linh nào (dù thần linh hiểu theo nghĩa thần
thoại của những người Hy Lạp, của Ấn Độ hay của người Do Thái). Trong vũ
trụ quan của đạo Phật, Thiên đế hay những vị thần linh, nếu có hiện
hữu, cũng chỉ là những ảo tưởng trong tâm thức vô minh của loài người,
hoặc chính Thiên đế hay những vị thần linh đó cũng chỉ là những chúng
sinh trầm luân trong dục vọng và bể khổ và cần được giải thoát như chúng
ta mà thôi. Sự kiện những vị thần linh hay Thiên đế đó có thực hiện
được một vài phép lạ hoàn toàn không giải đáp vấn đề, mà thậm chí còn
đem lại cho các vị này một sự củng cố bản ngã vị kỷ lớn lao, đưa họ lún
sâu vào vòng vô minh phiền não. Cũng chính vì thế, thiền tông thường chú
tâm đến những sự bình thường trong cuộc sống. Cho nên thiền học chủ
trương: “Khi ta đi, hãy ý thức rằng ta đang đi”.
Sự tìm kiếm phép mầu và ham mê lý thuyết viễn vông là những điều mà Đức
Phật thường cấm đoán nghiêm cẩn. Sự giác ngộ là một sự chứng nghiệm của
cá nhân trực tiếp, khi cá nhân đó, bằng sự thực thi Bát Chánh Đạo, đã
vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của dục vọng thấp hèn, chứ không phải là tác
động có tính cách trí thức, luận lý hoặc ngôn ngữ học.
Thông điệp của Đức Phật trở nên một cuộc cách mạng về phương diện tri
thức và tâm linh đánh đổ sự cứng nhắc và những định kiến lỗi thời của Ấn
Độ Giáo lúc bấy giờ. Ngài được các vị vua chúa tôn sùng lúc sanh tiền
và suốt 1500 năm sau khi ngài mất, tức là đến khoảng năm 1000 stl. thông
điệp của ngài được hằng triệu người tại Ấn Độ tiếp nhận.
Tuy nhiên sau đó, Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo đã từ từ chiếm được ưu thế nơi
vùng đất khai sinh ra Phật pháp. Chính Trung Hoa và Viễn Đông lại trở
nên vùng đất để Phật Giáo phát triển và đóng góp vào gia sản tâm linh
của nhân loại.
VI. Đại Thừa hoặc Tiểu Thừa:
Phật giáo chia làm hai chi phái khác nhau: Đại Thừa (Mahayana) và Tiểu
Thừa (Hinayana hay Theravada). Trên bình diện nguyên tắc, Đại Thừa nhấn
mạnh đến Từ Bi (karuna) như là hạnh lớn nhất, và Tiểu Thừa nhấn mạnh đến
Trí Tuệ (bodhi). Một bên nhấn mạnh ở giác tha và một bên ở tự giác. Tuy
nhiên sự sai biệt thật sự chỉ có tính cách phiến diện bởi vì bất cứ một
phật tử đại thừa nào cũng thừa nhận ngay rằng sự từ bi vô bờ bến của
một vị Bồ Tát chỉ có thể đến từ Trí Tuệ, và trong khi đó thì bất cứ một
phật tử tiểu thừa nào cũng xác nhận rằng sự kiện Đức Phật đã bỏ ra 45
năm ròng rã của cuộc đời Ngài đi truyền chánh pháp đủ chứng minh một
cách hùng hồn sự từ bi vô lượng của Ngài. Hơn nữa sự sai biệt chỉ có
tính cách lý thuyết và có rất ít giá trị thực tiễn đối với một phật tử
hành đạo.
Lý do là vì đối với một phật tử đại thừa Nhật Bổn hay một phật tử tiểu
thừa Thái Lan, trong sự cô tịch và tĩnh mịch của chính định theo đúng
tinh thần của Bát Chánh Đạo, thì tất cả các lý thuyết đều trở nên vô ý
nghĩa bởi vì cả hai đều cố gắng để đạt tới một trạng thái tâm linh giải
thoát bất khả tư nghị mà Đức Phật đã chứng ngộ 26 thế kỷ về trước. Trạng
thái này vượt lên trên biên giới của lý thuyết, tư tưởng, khả năng nhận
thức của giác quan và ý thức con nguời.
Chi nhánh Đại Thừa (tức Bắc Tông của Ấn Độ) phát triển qua Mông Cổ, Tây
Tạng, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bổn và Việt Nam. Chi nhánh Tiểu Thừa (tức
Nam Tông của Ấn Độ) phát triển qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào
và Cam Bốt. Bởi vì sự khác biệt chỉ là một sự khác biệt về khuynh hướng
(emphasis), hơn nữa giáo điều hoặc lý thuyết chỉ giữ một vai trò thứ yếu
đối với Phật giáo, nên chưa bao giờ có chiến tranh tôn giáo hoặc ngay
cả những xung đột nhỏ giữa hai trường phái này. Ở miền nam Việt Nam,
hiện tượng người Việt đi chùa Cam Bốt hoặc người Cam Bốt đi chùa Việt
Nam là một chuyện bình thường, mặt dầu hai dân tộc vốn có sự hận thù
truyền thống.
VII. Bồ Tát Đạo:
Truyền thống Đại Thừa với khuynh hướng nhấn mạnh đến lòng Từ Bi từ từ
khai triển quan điểm những vị Bồ Tát như là những vị trợ thủ đắc lực cho
Đấng Như Lai. Các vị Bồ Tát này, mặc dầu đã thi hành Bát Chánh Đạo một
cách viên mãn và có thể tự tại bước sang bờ của giác ngộ, đã dũng cảm từ
khước sự giác ngộ cho chính cá nhân mình và quyết tâm không bao giờ
nhập niết bàn cho đến khi nào tất cả mọi chúng sinh, kể cả mỗi cọng cỏ,
con sâu hay sinh vật nhỏ nhoi nào trong vũ trụ vô thủy vô chung này đã
đạt được sự toàn giác.
Phật giáo dân gian Việt Nam nằm trong truyền thống Đại Thừa này và sự
thờ phụng các vị Bồ Tát cũng như Đức Phật như là những vị thần linh thật
sự trở thành một tập tục. Tuy nhiên thông điệp của Đức Thích Ca Mâu Ni
vẫn luôn luôn được tập thể Tăng Ni và giới trí thức phật tử tôn trọng và
bảo tồn. Ở một mức độ nào đó thì Phật giáo dân gian đáp ứng được một số
nhu cầu của đại đa số quần chúng và tạo nên một môi trường tốt để lưu
truyền những tập tục và các kinh sách có thể in ấn, trao lại cho các thế
hệ sau.
Trong đại khối dân gian, luôn luôn có những cá nhân xuất chúng, vượt lên
trên và nắm bắt được cốt tủy của thông điệp mà Đấng Giác ngộ muốn để
lại cho nhân loại.
Cuối cùng luận đề giải thoát của Đức Phật đưa đến một trạng thái giác
ngộ vượt lên trên bình diện tương đối. Chính vì thế sự khác biệt giữa
một kẻ mộ đạo và một vị Bồ Tát hay một Đấng Giác Ngộ sự thật chỉ là một
ảo tưởng trong tâm thức của những kẻ còn lăn lộn trong vòng vô minh,
trong khi đó đứng trên quan điểm của một bậc Giác Ngộ hoặc một vị Bồ
Tát, từ bình diện tuyệt đối, thì tất cả mọi chúng sinh vốn đã được giải
thoát rồi.
Trên quan điểm của các vị này thì không có sự khác biệt giữa quá khứ,
hiện tại, vị lai, đau khổ hoặc giải thoát. Bằng một sự biến thiên đột
ngột, dưới con mắt của một chúng sinh bình thường thì một vị Bồ Tát nào
đó có thể được nhận thức như là chịu muôn vàn ách nạn để đeo đuổi lời
trọng thệ phải độ cho mọi chúng sinh trong vũ trụ vô biên này, trước khi
chịu nhập niết bàn, và mọi chúng sinh đều ngưỡng mộ và thấm nhuần ơn
huệ. Tuy nhiên đối với vị Bồ Tát này, thật sự không có chúng sinh nào
cần cứu khổ, không có khổ nạn nào để tiêu trừ, không có sự ngưỡng mộ
hoặc biết ơn nào cần thiết, không có sự giác ngộ để tìm về và cũng không
có luận đề hoặc giáo điều nào để tuân theo. Kinh Kim Cang còn đó để đập
tan tất cả mọi chấp kiến của loài người trên con đường đưa đến Chánh
đẳng Chánh giác. (Kinh Kim Cang do Sa Môn Thích Thiện Hoa dịch, ấn bản
1982).
VIII. Những khuyết điểm cận kim:
Cũng cần nhấn mạnh ở đây rằng, mặc dầu Phật giáo là một tôn giáo cao đẹp
và ưu việt, nhưng chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sự kiện không phải
Phật giáo, nhất là Phật giáo Việt Nam, lúc nào cũng thể hiện đúng tinh
thần toàn thiện đó. Như bất cứ những tôn giáo nào khác đối với dân tộc
mà tôn giáo đó hội nhập, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp vĩ đại
cho tiền đồ của dân tộc vào các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.
Tuy nhiên vào thời đại Nguyễn Triều đã quá thiên về tịnh độ tông mà lơ
là khía cạnh thiền tông vốn là cốt lũy của Phật pháp. Nghiêng hẳn về
tịnh độ tông có ưu điểm là dễ dàng hội nhập vào quần chúng, nhưng có
những khuyết điểm nghiêm trọng như có khuynh hướng mê tín dị đoan, giai
cấp tăng lữ chú tâm nhiều về tụng niệm mà coi nhẹ việc trau dồi trình độ
giáo lý. Nguy hiểm nhất là tăng đoàn có nhiều khuynh hướng trở thành
nạn nhân của quá trình định chế hóa phương tiện (institutionalisation
des moyens), biến thành những tổ chức cồng kềnh, đầy quyền lực, và đôi
khi trở nên công cụ cho những thế lực chính trị có tham vọng lợi dụng từ
bên ngoài, hoặc làm công cụ cho những chính trị gia có tham vọng, đội
lốt tăng lữ, từ bên trong.
Khi chúng ta đánh giá lại quá trình tranh đấu của Phật giáo vào các giai
đoạn đệ nhất và đệ nhị cộng hòa tại miền Nam Việt Nam, chúng ta có thể
kết luận (với tất cả mọi sự dè dặt), rằng sự tranh đấu đó đã đóng góp -
dĩ nhiên là một phần chứ không phải toàn diện - vào sự thành công của
người cộng sản và sự thất bại của những người không cộng sản.
Vào tời điểm này của lịch sử, một trong những trách nhiệm hàng đầu của
người Phật Tử Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại là dũng cảm đứng lên,
lật đổ độc tài độc đảng CSVN và góp phần xây dựng một nền dân chủ hiến
định, pháp trị và đa nguyên cho đất nước, theo tinh thần Bi, Trí và Dũng
của các Bậc Thầy Tổ trong quá khứ.
IX. Kết luận:
Mừng ngày Phật Đản Sinh năm nay, chúng ta không quên nhớ tới Đại Họa
Vũng Áng tại quê hương Việt Nam. Đại họa môi sinh này là một hậu quả tất
nhiên của Ý thức hệ giáo điều Mác Lê và chế độ độc tài độc đảng CSVN.
Sự hủy diệt môi trường sống tại Việt Nam không những đem lại những thiệt
hại không thể bồi hoàn về kinh tế mà về lâu dài còn làm tàn phế giống
nòi Việt Nam như một chủng tộc, trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc
liệt với Hán Tộc để sống còn trên vòm trời Đông Á.
Dưới con mắt của những người Việt Nam bình thường, sự kiện hằng trăm và
trong tương lai có thể hằng ngàn tấn cá và thủy tộc bị chết phơi thây có
thể chỉ là những thiệt hại về môi sinh và kinh tế.
Tuy nhiên trong cái nhìn của những Phật tử thuần thành ăn chay, và nhất
là giới tu sĩ Phật Giáo, thì hằng triệu, hằng tỉ cá và thủy tộc phơi
thây này đều là những sinh linh trong tam giới và sự tàn sát của đảng
CSVN liên kết với tư bản đỏ từ Trung Quốc là một sự lạm sát chưa từng có
và làm chư Bồ Tát cũng phải rơi lệ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.