Hạ Trắng (Danlambao)
- Tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, chiều ngày 12/6/2016, Trịnh Đình
Dũng (Phó thủ tướng VN) đã hội kiến với Uông Dương - Ủy viên Bộ Chính
trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại thành
phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Giống như tất cả các lãnh đạo trong giới chóp bu cầm quyền, Trịnh Đình
Dũng hết lời ca ngợi mối quan hệ Việt - Trung, thực chất là mối quan của
hai đảng cộng sản mà phần thua thiệt, bất lợi nghiêng về phía Dân tộc
Việt Nam.
Dũng khẳng định “Trên cơ sở triển khai đường lối đối ngoại hòa bình,
độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đi sâu hội nhập quốc tế,
Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài với
Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác
chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển thực chất và đi vào chiều sâu”.
Phát biểu này một lần nữa cho thấy rõ quyết tâm “phò Tàu” của đảng cộng
sản VN. Hơn nữa thể hiện tầm nhìn nông cạn của tập đoàn cầm quyền này.
Đại bộ phận dân chúng Việt Nam đều ý thức rằng một khi còn duy trì chế
độc độc tài thì khó có thể hội nhập với quốc tế. Và nếu coi trọng hợp
tác toàn diện với Tàu cộng thì không thể có độc lập và tự chủ.
“Về vấn đề trên biển, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ lo ngại
trước những diễn biến gần đây ở khu vực và trên biển Đông, khẳng định
hòa bình và ổn định là hết sức cần thiết cho hợp tác và phát triển ở khu
vực”. (*)
Thái độ (ra chiều lo ngại) và phát ngôn trên đã trở thành “quy định
chung” hay nói khác đi là “mẫu câu chung” của mỗi quan chức, hàng lãnh
đạo cộng sản khi nhắc đến vấn đề này. Cứ câu ấy, ý ấy mà diễn, rồi báo
chí chỉ việc thay tên họ, chức vụ là xong. Khỏi bàn thêm.
Điều mà công luận chú ý nhất trong chuyến đi này là lời mời gọi và
khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các dự án lớn của Việt
Nam. “Dự án lớn” được hiểu là công nghệ, các dự án kết nối cơ sở hạ tầng
và triển khai hiệu quả các khoản viện trợ và vay ưu đãi của Trung Quốc
dành cho Việt Nam. Điểm chú ý nữa là quyết tâm tăng cường phối hợp quản
lý biên giới và thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương.
Như vậy là mọi “dự đoán” và hy vọng của một số người lạc quan, đặc biệt
sau chuyến thăm VN của TT Mỹ rằng CSVN sẽ từng bước (tuy yếu ớt) giảm
bớt sự lệ thuộc vào Trung cộng đã nhường chỗ cho sự tuyệt vọng. Dùng
công nghệ, vay vốn ưu đãi của Tàu có nghĩa là Tàu có thể thâu tóm mọi
hoạt động liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh… của người Việt.
Kết nối các cơ sở hạ tầng, quản lý biên giới, hợp tác giữa các địa
phương phải chăng là hành động biến diện mạo VN thành bộ mặt “nước lạ”
và mở đường cho người tàu vào tiếp quản mảnh đất này.
Hội nghị Thành Đô sắp điểm những hồi chuông cuối cùng rồi. Tương lai nào cho Dân tộc Việt Nam?