10/6/16

Cá chết: Tôi có được lên tiếng cho những trăn trở xã hội không chỉ riêng tôi?

10-6-2016
Ảnh "chọn cá". Nguồn: FBẢnh “chọn cá”. Nguồn: Facebook
Bạn yêu một điều gì đó, không có nghĩa là bạn dung dưỡng cho những mặt trái của nó tồn tại.
Bạn yêu một điều gì đó, là bạn trân trọng và khuyến khích những giá trị tốt của nó. Đồng thời bạn mong muốn nó tốt hơn lên bằng cả việc thay đổi những cái chưa tốt, những cái đáng phải cải thiện của nó!
Tôi yêu đất nước tôi, không có nghĩa là tôi nên dung dưỡng cho những điều chưa tốt và cần hoàn thiện hơn!
Tôi yêu nước tôi, còn thể hiện ở việc tôi mong muốn cho tương lai nước tôi sẽ tốt hơn nữa bằng những điều đơn giản nhất quanh tôi.
Tôi không hề phủ nhận những bước tiến lịch sử của dân tộc tôi. Tôi hoàn toàn trân trọng những điều đẹp đẽ đáng để tự hào đó.

Nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc tôi không có quyền mưu cầu cho những bước tiến lịch sử khác mà cả dân tộc tôi sẽ hạnh phúc hơn, ấm no hơn, bình yên hơn. Hay tôi phải ngồi im chờ đợi trong vô vọng và hoang mang cực độ.Dân tộc tôi không thể phủ nhận việc chúng tôi cần một chế độ giáo dục tốt hơn, cần một xã hội biết quan tâm và lên tiếng cho xã hội mình hơn. Cũng như việc chúng tôi cần những chính sách thực sự vì quyền lợi, ấm no cho dân chúng hơn. Và chúng tôi cần có những con người, có tinh thần cầu tiến hơn… thay vì chỉ an phận với những điều đã là lịch sử chỉ mang giá trị trân trọng, gìn giữ, nhưng lại không được… phát huy.
“Đây là cuộc đời của bạn, đây là cuộc sống của bạn. Nếu như bạn nghĩ, mà bạn không dám nói, thì bạn hãy xem lại, xã hội bạn đang sống đang ở đâu, và nơi của bạn, có đáng sống hay không.” – một câu nói, tôi được nghe đâu đó trên mạng xã hội và tôi thấm thía giá trị cuộc sống xung quanh tôi.
Tôi đang sống trong một xã hội – nơi mà phần lớn mọi người hăm hở được qua một nước khác để có một cuộc sống tốt hơn, chế độ phúc lợi, an sinh xã hội, giáo dục cao hơn, thực phẩm an toàn hơn, không cướp giật, trộm cắp, không đánh đập, giết chóc, không nước ngập mọi ngóc ngách chỉ sau một trận mưa bình thường.
Tôi đang sống trong một xã hội – nơi mà phần lớn mọi người hăm hở được sống trong một xã hội mà họ không phải lo rằng khi sanh con, cho con tiêm ngừa ở bệnh viện, trạm y tế này thì con tôi sẽ chết không rõ nguyên nhân và hầu như không được đòi hỏi người ta có trách nhiệm với mạng sống của con tôi.
Tôi đang sống trong một xã hội – nơi mà phần lớn mọi người mong được sống ở nơi mà mọi ý kiến, phát minh được tôn trọng và khuyến khích. Nơi mà thành tích và điểm số vẫn là ưu tiên hàng đầu của giáo dục… Nơi mà, thành tích được đề cao hơn thành tựu.
Tôi đang sống trong một xã hội – nơi mà phần lớn mọi người mong sẽ không phải bận tâm rằng lòng nhân ái, thương đồng loại, và cả động vật bị xem là “thể hiện bản thân”, “quyền lực”…
Tôi đang sống trong một xã hội – nơi mà phần lớn mọi người mong muốn được nói lên tiếng nói vì xã hội, thay vì bị gán ghép 2 từ “phản động” để rồi bị dập tắt mọi hành động có bước tiến xa hơn.
Tôi đang sống trong một xã hội – nơi mà phần lớn mọi người mưu cầu những quyền cơ bản mà không một ai được quyền tước đoạt mất: ba mẹ, ông bà, xã hội, cấp trên, hay an ninh, chính quyền.
Chúng ta sinh ra đều có quyền bình đẳng về an toàn, quyền lợi, tự do và mạng sống mà không ai được quyền xúc phạm, tước đoạt hay đe dọa, dù cho có khác biệt màu da, giàu nghèo, học thức, địa vị, lý tưởng, v.v… như thế nào đi nữa.
Hãy đặt câu hỏi: Tại sao mọi người muốn chạy trốn? và Ta có thể làm gì để mọi thứ tốt hơn lên? Còn một điều, khiến tôi trăn trở không kém:
Hôm nay, 10/6/2016, sau 68 ngày cá chết, 8 ngày từ ngày công bố “phản biện” để đưa ra công bố nguyên nhân cá chết, 38 ngày từ ngày Thủ tướng tuyên bố sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ghe hoặc tàu nằm bờ. Hiện:
+ Nguyên nhân cá chết chưa được công bố.
+ Hàng trăm tấn cá chết được nhà nước thu gom không được công bố rõ quy trình xử lý như thế nào, có chôn xuống đất, và liệu có ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm không?
+ Tiền hỗ trợ ngư dân chưa nhận được, tàu bè phủ bạt trắng bờ biển, ngư dân không còn kế sinh nhai.
+ Vẫn tiếp tục phát hiện cá chết khu vực miền Trung, Sài Gòn, và cả hồ Hà Nội.
+ Phát hiện chất cực độc trong lô cá 30 tấn được thu gom sau 10 ngày cá chết.
+ Các nước nhập khẩu hải sản Việt Nam kiểm tra gắt gao hải sản, có nguy cơ trả lại hải sản từ Việt Nam.
+ Lãnh đạo nhà nước chưa có một động thái đến thăm hàng vạn ngư dân điêu đứng sau thảm họa.
+ Các tổ chức hỗ trợ gạo cho ngư dân bị canh giữ nghiêm ngặt vì lí do “phản động”.
+ Gạo nhà nước hỗ trợ ngư dân bị cắt xén, bị bắt trả tiền … vận chuyển.
+ Các buổi tuần hành yêu cầu minh bạch thông tin cá chết bị đàn áp, bắt giữ, tra tấn; người tham gia tuần hành nổi trội bị đuổi việc không lý do.
+ Các nghệ sĩ có sức ảnh hưởng không được quyền nói về việc cá chết.
+ Người dân không dám ăn cá biển suốt hơn 60 ngày qua.
+ Người dân tích trữ muối vì thảm họa.
+ Các tổ chức của nước ngoài yêu cầu hỗ trợ thảm họa môi trường, nhà nước từ chối …. Tôi có một câu hỏi: Vì sao, những chuyện trên lại đang diễn ra ngang nhiên ở một đất nước: “của dân, do dân, vì dân”… mà chúng tôi không có quyền lên tiếng?

Posted by adminbasam
Van Anh Nguyen