Cư dân CC Bảy Hiền Tower nhốn nháo vì bất ngờ bị đẩy ra đường. Photo, chú thích: Phunuonline |
CTV Danlambao
- Đang sống yên ổn thì bất ngờ bị đuổi ra khỏi nhà. Đó là tình cảnh của
các hộ dân trong khu Chung cư Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình, Sài Gòn)
hôm 1/6/2016. Những hộ dân này nhận được thông báo của chính quyền địa
phương là phải dọn ra khỏi nhà “ngay lập tức”. Trước đó, lúc 10 giờ cùng
ngày, toàn bộ khu chung cư đã bị cắt điện, cắt nước và thang máy ngừng
hoạt động.
Chủ đầu tư Dự án Khu chung cư (Công ty Long Hưng Phát) không giải thích
với các hộ dân về quyết định này của chính quyền địa phương ngoài lời
“động viên” họ nên chấp hành việc “rời khỏi nhà”.
Tầng hầm để xe Bảy Hiền Tower nhếch nhác vật liệu xây dựng ngổn ngang. Photo, chú thích: Phunuonline |
Các hộ dân kéo đến UBND P.11, Q.Tân Bình tìm hiểu thì được cho biết Dự án khu chung cư Bảy Hiền Tower vừa “bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt, đình chỉ vận hành do chưa nghiệm thu, có nhiều sai phạm trong xây dựng”.
Như vậy là Dự án chung cư chưa nghiệm thu xong nhưng Chủ đầu tư vẫn cố
tình “ép” cư dân vào ở để tránh bị phạt vì giao nhà chậm, đẩy họ vào
hoàn cảnh điêu đứng. Đây là kiểu làm ăn “lưu manh” của nhiều doanh
nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động
sản. Đây là mánh lới giúp Chủ đầu tư khỏi bị phạt lãi suất hoặc giảm bớt
tiền phạt. Thuyết phục được khách hàng ký biên bản nhận nhà đồng nghĩa
với việc họ phải thanh toán nốt số tiền còn lại, vì thế Chủ đầu tư sẽ
huy động thêm được một nguồn tiền lớn. Và dù đã thanh toán hết số tiền
nhà nhưng khách hàng cũng chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, sở
hữu đất. Điều này sẽ đẩy mọi rủi ro về phía khách hàng trong trường
hợp Dự án bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Do vậy, việc khách
hàng bị đuổi khỏi nhà là điều đương nhiên.
Trên thực tế, tình trạng các Chủ đầu tư chèn ép, lừa khách hàng vào ở
các khu chung cư xây dở, chất lượng kém, chưa nghiệm thu là khá phổ
biến. Nhiều khu chung cư người dân vừa mới dọn đến ở nếu không hỏng
hóc, (dột trần, tường bị bong tróc, hỏng điện, nước...) thì cũng bị
chính quyền địa phương đuổi ra khỏi nhà vì lỗi của Chủ đầu tư.
Theo pháp luật, các doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh đều phải có giấy
phép. Việc xây dựng cũng không nằm ngoài quy định của pháp luật. Thậm
chí, một hộ dân chỉ cần cơi nới phần mái hiên hay sang sửa lại căn nhà
của mình cũng phải xin và được cấp phép của chính quyền địa phương mới
được tiến hành. Thực tế, nhiều người dù đã được cấp giấy phép xây dựng
nhưng vẫn bị chính quyền địa phương đến cưỡng chế, đập phá vì không hiểu
hoặc không tuân thủ luật đút lót cho cán bộ. Thế nên, việc một Chủ đầu
tư “có nhiều sai phạm trong xây dựng” mà không bị cơ quan chức
năng, cụ thể là chính quyền địa phương và Thanh tra Sở Xây dựng kịp thời
phát hiện và xử lý, là một điều không thể chấp nhận. Tại sao phải chờ
đến khi người dân dọn đến khu chung cư thì Thanh tra Sở Xây dựng mới
xử phạt và đình chỉ vận hành đối với Dự án?
Và chức năng của chính quyền địa phương, (cụ thể ở đây là Ủy ban nhân
dân phường 11) chẳng nhẽ chỉ là để tiếp tay cho những việc làm sai trái
của Chủ đầu tư là “đuổi” người dân ra khỏi căn nhà của họ, bất chấp cuộc
sống của họ bị khốn khổ, điêu đứng thế nào?
Trong những trường hợp như thế này, cả Luật pháp, Chủ đầu tư, Ủy ban lẫn
Thanh tra Sở Xây dựng đều đẩy dân vào chỗ chết. Và cơ quan nào cũng
nhân danh Pháp luật để yên thân, để ra giọng bề trên với nạn nhân.
Bị đuổi ra khỏi nhà, những người dân này còn có thể đi đâu? Và phải làm cách nào để sống?