2/6/16

Dép & Giầy sau những cơn mưa

Đừng “siết” nữa, dân khổ lắm rồi! - Ký giả Phạm Hồ – báo Người Lao Động
(Danlambao) – Theo thứ tự (a/b/c/d) xin được phép mượn lời của một nhà văn để nói về dép trước:
Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Đến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn chưng đôi dép.

Vì lòng kính trọng đối với ông, không muốn rồi đây người xem sẽ nhận ra trên màn ảnh lớn diễn xuất lộ liễu, tôi tắt máy. Nghe tiếng cái Eymo 35 đang kêu xè xè đột ngột im tiếng, ông ngẩng lên nhìn tôi, nhưng ngay đó ông hiểu ra.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. California: Văn Nghệ, 1997).
Nhờ “lòng kính trọng” của tác giả đoạn văn thượng dẫn nên màn diễn “chưng dép” của ông Hồ Chí Minh đã không gây ra điều tiếng gì đáng tiếc. Thiệt là qúi hoá và may mắn. 
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự may mắn tương tự. Mới đây, một ông quan cách mạng (khác) chỉ vì sợ ướt giầy mà bị “ném đá” tơi bời hoa lá – theo như tin loan của Tuổi Trẻ Online:
"Từ chiều 25-5, trên mạng xã hội lan truyền tấm ảnh một người đàn ông vừa rời khỏi chiếc xe con biển xanh được một anh bảo vệ cõng đưa lên bậc tam cấp của hội trường
Ảnh: Facebook
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tấm ảnh được chụp trước bậc tam cấp của hội trường 1 Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (cổng 135 Nguyễn Phong Sắc - Hà Nội), sáng 25-5, nơi chuẩn bị tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng, dành cho trên 850 lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc."
Úy Trời, Đất, Quỷ, Thần ơi, báo Tuổi Trẻ có “sắp chữ lộn” không ta? Không lẽ chỉ nội trong “25 tỉnh, thành phố phía Bắc” mà có tới “trên 850 lãnh đạo các cơ quan báo chí” lận sao? Lãnh đạo ở đâu ra mà nhiều dữ vậy cà? Đã thế, ông nào cũng dùng “xe con bảng xanh” và tài xế riêng nữa chớ!
Hèn gì mà công luận cứ hậm hực hoài về chuyện thuế/phí ở Việt Nam:
Nói nào ngay thì khỏi cần ra ngõ, ngồi nhà vẫn bị "thu phí" như thường – theo lời than phiền của công dân mạng Nguyễn Đắc Quyền:
Anh bạn quen mới cho hay ảnh nhận được cái tờ thu tiền của khu phố mà không có mộc hay hóa đơn gì hết. Tụi nó lại kiếm tiền ăn tết đây. Bà con nhớ không đóng cái mả mẹ gì hết nha nếu gặp cái tờ giấy lộn này, dù đích thân ông tổ trưởng xuống vòi hay đứa CAKV xuống kiếm cũng phải đòi cho ra cái hóa đơn mộc đỏ của phường hay đại loại tờ giấy có giá trị chút nha. Tiên sư cuối năm lắm cô hồn.

Ảnh: F.B
Thảo nào mà Việt Nam được báo Dân Trí vinh danh là “đất nước cao nhất khu vực... về thuế khóa.” Tuy “thuế chồng lên thuế” và “cao gấp 3 so với các nước khác trong khu vực” nhưng Việt Nam lại là nơi duy nhất mà người có thể bắt cá (ngay trước cửa nhà) sau những cơn mưa, hay phải uống “nước sạch có giun ngoe nguẩy” xả từ vòi. 
Ảnh: Dân Trí
Như vậy là cơ sở hạ tầng ở Việt Nam có vấn đề mà nguyên do, theo Thanh Niên Online (đọc được vào hôm 21 tháng 3 năm 2016) chỉ vì “tổng thu ngân sách không đủ chi tiêu và trả nợ.” 
Ô, thì ra thế. 
Và nếu thế thì chỉ cần rà soát và khắc phục ở khâu thu/chi cho nó quân bằng là mọi việc sẽ đâu ra đó thôi. Về “thu” thì đã... “tận thu” rồi, không còn gì cần phải bàn thêm nữa. Vấn đề chỉ còn ở khoản “chi” thôi. Tôi e là đất nước đã “tiêu” hơi quá nhiều cho những chuyện hoàn toàn không cần thiết nên dân chúng mới bắt được cá ngay trước nhà, và uống nước có giun đang ngoe nguẩy.
Để chấm dứt tình trạng này tôi xin có một “đề xuất” nhỏ bằng cách tiếp tục câu chuyện còn đang bỏ dở, chuyện “850 lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc... học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng.”
Vụ này có thể thực hiện online, chớ cần gì phải bắt tài xế đưa đến Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh làm chi – hả Trời? Vừa tốn săng, vừa tốn công, và còn phiền những đồng chí bảo vệ phải cõng từng ông vô phòng họp nữa. Cứ gửi cho tất cả một cái email, đính kèm Nghị Quyết của Đảng, cùng với lời phụ chú “phải quán triệt cấp kỳ” là xong ngay. Trước giờ, có ông/bà “lãnh đạo các cơ quan báo chí” nào dám nói “không” hay nói khác ý Đảng đâu – đúng không?
Mô hình “quán triệt online” có thể áp dụng cho rất nhiều mô thức sinh hoạt chính trị khác, kể cả những kỳ họp quốc hội. Đảng lãnh đạo hết trơn, hết trọi cả ba ngành (lập pháp - hành pháp - tư pháp) Quốc Hội Việt Nam chỉ còn mỗi việc là “đồng thuận” mọi đường lối, chính sách, và chủ trương (lớn) thôi thì bầy chuyện họp hành làm chi, cho má nó khi, và thêm tốn kém. 
Hãy nghe lại câu nói để đời của đại biểu Dương Trung Quốc về chuyện khai thác bauxite Tây Nguyên: “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết rồi thì bây giờ ta chỉ bàn làm sao cho tốt, cho an toàn thôi.” Thế là tất cả các bạn đồng viện đều im phăng phắc. “Làm sao cho tốt, cho an toàn” là việc của những chuyên viên khai thác hầm mỏ và môi trường, chớ mắc mớ gì tới quốc hội – cha nội? 
Mới đây, mới tháng trước, tôi nhận được youtube trên qua email của một anh bạn, cùng lời bình và lời nhắn: “Quá tuyệt vời... xem nhanh kẻo bị kéo xuống!” Vô coi thì thấy Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Nam – sau nhiều năm “cố gắng ép suy nghĩ của mình” – trước khi chấm dứt nhiệm kỳ (và vì tuổi tác “sẽ không có cơ hội làm đại biểu nữa”) mới dám “lên tiếng” về hai vấn đề khiến ông “bức xúc” từ lâu: Chủ quyền quốc gia bị xâm phạm và nạn tham nhũng tràn lan!
Trời, đất, tưởng gì? Nguyên một nhiệm kỳ dân biểu kéo dài năm năm mà ông Lai chỉ phát biểu có ba phút thôi, về những điều mà... bà nội trợ Việt Nam nào cũng biết hết trơn. Tuy thế, cả nước vẫn vỗ tay tán thưởng và suýt xoa không ngớt là “quá tuyệt vời” rồi!
Mà nghĩ cho cùng thì cũng “tuyệt” thiệt, nếu so với hàng chục ngàn ông bà dân biểu từ khóa này đến khoá khác chưa bao giờ dám mở miệng lần nào, về bất cứ chuyện gì. Với cái thứ quốc hội câm của VN thì cứ ngồi nhà bấm nút online cũng vậy thôi. Đã là nghị gật thì ngủ (gật) ở đâu không được, cần chi phải đến nghị trường ngồi ngáy, mấy cha? 
Và khi không còn cần đến nghị trường thì cũng khỏi phải bận tâm về ngân sách để xây cất và bảo trì toà nhà quốc hội nữa. Đúng là... lưỡng tiện, và đỡ được cả đống tiền chứ không phải chuyện chơi.
Bữa rồi, ngồi nhậu với Trương Duy Nhất. Rượu vào (lời ra) tôi hăm hở trình bầy “đề xuất” (online ) của mình. Nghe xong, ông nhà báo mặt buồn rười rượi rồi nhỏ giọng tâm sự:
Trong thành phần Chính phủ, tôi cũng có quen vài người. Hôm nọ ngồi tiếp chuyện một vị, ổng bất chợt hỏi: 

– Nghe nói chú có nhiều bài viết hay lắm, tìm thế nào để đọc được? 

Tôi thật thà: 

– Ôi, anh nhiều việc thế chắc nói dài dòng không nhớ nổi đâu. Tốt nhất cứ vào gút- gồ gõ chữ Trương Duy Nhất là ra hết! 

Vậy mà ổng trợn tròn mắt: 

– Gút- gồ là cái chi rứa? 
Rứa là “bótay.com.” Rứa là nhân dân Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục bắt cá trước nhà, và nhân viên bảo vệ sẽ vẫn tiếp tục phải cõng lãnh đạo vào phòng họp (cho khỏi ướt giầy) sau những cơn mưa. Mưa ơi, sao thảm vậy?