Mai Tú Ân (Danlambao) - Bài
học về vụ cá chết là một bài học lớn cho chính quyền Việt Nam, và qua
cuộc họp báo về nguyên nhân cá chết vừa rồi thì thấy rõ ràng đây là bài
học còn tiếp tục cho những người cầm quyền. Thật khó hiểu quá khi cuộc
họp báo của chính quyền lại xuất hiện cả kẻ tội đồ Formosa, cả hai gần
như tay trong tay xuất hiện trước công chúng như cả hai đều chiến thắng
(win - win) trong cuộc chơi cá chết này. Có lẽ 500 triệu đô la mà
Formosa sẽ chi đã khiến cho chính quyền tin rằng mọi điều xấu đã qua và
Formosa xứng đáng được cùng nhau xuất hiện như một người bạn lớn. Có vẻ
như cả hai đều thở phào nhẹ nhõm khi cuộc họp báo kết thúc, và cả hai
đều coi như vụ việc cá chết rắc rối này đã qua…
Nhưng họ đã lầm. Cuộc họp báo chỉ kết thúc giai đoạn tìm kẻ thủ ác, và
giờ đây là sự phán xử tội trạng của kẻ ấy. Đã có sẵn những qui trình
trên thế giới về các vụ việc tương tự và chúng ta chỉ để cho những luật
sư Việt Nam và thế giới tham gia. Và kết quả cuối cùng sẽ lớn hơn, sâu
sắc hơn nhiều kết quả của cuộc họp báo ngày 30/6/2016 nhiều, rất nhiều.
Chúng ta cũng muốn Formosa vẫn là bạn như trước, chúng ta cũng muốn độ
lượng khoan dung với Formosa nhưng cần phải trải qua nhiều thử thách,
nhiều điều kiện, yêu cầu trước khi cùng nhau xuất hiện song đôi như vậy.
Người dân muốn nhìn thấy chính quyền phải mạnh mẽ đòi hỏi phía Formosa
bạch hóa tất cả. Từ quá trình tham gia vào Việt Nam, cho đến chi tiết
phạm lỗi, công ty nào trong Formosa làm lỗi và làm như thế nào. Cả không
gian, thời gian và phương cách sử dụng.
Không có gì quá đáng cả, vì Formosa hiện phải được coi là một kẻ sát
nhân, dù không cố ý thì cũng là một kẻ sát nhân đã ra tay giết chết môi
trường biển của Việt Nam. Chúng ta chưa nắm gì được Formosa, ngoài số
tiền hứa đền bù, lời xin lỗi và 5 điều ghi nhận. Đó toàn là lời của
Formosa và chẳng ai biết nó còn hay mất khi diễn tiến của vụ việc lại
kéo dài theo sự thẩm định về thời gian tác hại của nó. Hơn nữa các vụ
đền bù kiểu này thường trây ì, kéo dài, kèm điều kiện ngược lại hoặc lẩn
như trạch của các công ty phải đền bồi, mà quốc tế đã ghi nhận.
Điều chúng ta cần làm là một bản án pháp lý quốc tế, ngay tức thì và có
hiệu lực trên toàn thế giới cột chặt trách nhiệm của Formosa vào các
thiệt hại cho môi trường, cho người dân Việt Nam trong một thời hạn rõ
ràng và không thể bàn cãi. Tức là phải khởi kiện Formosa ra trước một
tòa án quốc tế, và phải là Tòa Án Quốc Tế. Tòa Án Quốc Tế liên quan và
có thẩm quyền...
Chính quyền Việt Nam sẽ chuẩn bị hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ của các nạn
nhân, cùng yêu cầu bồi thường gửi Tòa như một bên Nguyên Đơn chống lại
bên Bị Đơn là Formosa. Nếu chính quyền không làm việc đó thì các cá nhân
bị hại, tức người dân miền Trung sẽ làm, với sự trợ giúp của các luật
sư Việt Nam và thế giới. Chỉ có tòa án quốc tế mới có đủ sức mạnh để
triệt buộc các đại công ty nào lẩn tránh các tuyên án của họ, ở nơi mà
các chính phủ như chính phủ Việt Nam không động tới được.
Không hẳn cứ đưa đơn ra tòa là phải đợi tòa xử, mà hai phía có thể gặp
nhau và điều đình trong cái gọi là Thỏa thuận trước Tòa. Và trong những
thỏa thuận như thế thì bên nguyên đơn (Việt Nam) luôn có lợi.
Theo sự ghi nhận của người viết bài này thì lời bình luận của các giới
luật sư, quan tòa cùng giới kinh doanh thế giới thì đây sẽ là hợp đồng
hàng tỷ đô la bồi thường. Với sự thú nhận đã công khai thì Formosa sẽ
trở thành “Con bò sữa” cho VN vắt sữa. 500 triệu là không đủ và không
xứng đáng cho những thiệt hại lâu dài mà biển và người Việt Nam phải
chịu.
Chính quyền nên bắt đầu ngay với hồ sơ có tên là Formosa, và đây là việc không thể không làm...
1.7.2016