Nguyễn Thượng Long (Danlambao)
- …Khi những tiếng đì đùng của loạt đại bác đón chào ông Tập Cận Bình
Tổng bí thư đảng - Chủ tịch nước CHND Trung Hoa chưa kịp lắng xuống, kế
là hình ảnh ông này cùng bà vợ xinh đẹp hiên ngang bước trên thảm đỏ
được 2 hàng thiếu nữ Việt Nam rải hoa dẫn vào phòng Diên Hồng của Quốc
Hội CHXHCN Việt Nam, để ông lớn tiếng rao giảng cho Ban lãnh đạo Việt
Nam cùng 500 ông bà Nghị đang nhóm họp về những “Đại Cục” và "Tiểu Cục"
trong quan hệ giữa 2 nước… tất cả chưa kịp phai mờ thì chỉ ngày hôm sau
thôi trên quốc đảo Singapore xinh đẹp, ông Tập đã làm BLĐ Việt Nam ngơ
ngác trước những tái khẳng định chủ quyền là “không thể chối cãi” của
Trung Quốc đối với Biển Đông và các nhóm đảo trong vùng biển này.
Hàng thần lơ láo
Tình thế Địa - Chính Trị của Việt Nam lúc này là rất xấu. Nhiều vị trí
quan trọng trên đất liền, Biển Đông bị Trung Quốc phong tỏa, Hoàng Sa và
một phần Trường Sa đã rơi vào tay Trung Quốc, Việt Nam ngày càng lún
sâu vào sự phụ thuộc Trung Quốc…, Sự chào đón Thái Thú họ Tập nồng hậu
quá mức bình thường mang thông điệp “Đánh đổi liêm sỉ và lòng tự trọng lấy yên ổn và tiền bạc…”
đang còn là niềm cay đắng của cả dân tộc… thì ban lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại
chọn đúng thời điểm đó để đưa ra phương án sẽ tích hợp môn Lịch Sử vào
môn Giáo Dục Công Dân và môn Giáo Dục Quốc Phòng thành bộ môn mới là “Công Dân với Tổ Quốc”.
Nếu phương án này trở thành hiện thực thì hiển nhiên bộ môn Lịch Sử bị
mất đi tính độc lập vốn có của một bộ môn liên quan nhiều nhất đến ý
thức công dân, đến lòng yêu nước, đến thái độ cộng đồng…
Một “Việc Lớn” như thế, được mưu sự vào thời điểm quá nhậy cảm này, BLĐ Bộ giáo dục đã tự đưa mình vào thế “Trăm dâu đổ một đầu tằm”
và phải một mình gánh chịu sự căm phẫn của công luận trước những dự
định mà tôi dám chắc không phải chỉ một mình BLĐ Bộ GD nghĩ ra. Và uy
tín của ngành GD - ĐT những ngày này, hầu như đã hoàn toàn tan hoang
trước sự nổi giận của dư luận trong và ngoài nước và thế là…
- “Bỏ môn Sử - Một âm mưu đốt gia phả dân tộc” (KM),
- “Môn Sử cần được “Phục Sinh” vì bao nhiêu năm qua, cũng như môn Văn… môn Sử đã bị chính trị hóa đến mức tê liệt” (Bauxite. VN).
- “Hãy trả môn Sử cho chính Lịch Sử” (Hữu Nguyên)
- “Hình như BGD thích chọc tức dư luận” (Mạc Văn Trang)
- “Một kiểu tẩy xóa ký ức dân tộc” (Nguyễn Văn Tuấn)
- “Tích hợp hay phân rã” (Tương Lai)
- “Dậy môn Công Dân với Tổ Quốc nhưng Tổ Quốc tên gì?” (HSP)
- “Xóa môn Sử là triệt tiêu tinh thần dân tộc” (Văn Chu)
…….
Cuộc “Ném Đá” chỉ tạm lắng xuống khi Quốc Hội 13 đang nhóm
họp phải vội vàng đưa ra Nghị Quyết đặt môn Lịch Sử vào vị trí của một
bộ môn độc lập. Tôi nghĩ rằng sự nổi giận nào cũng không tránh khỏi sự
“Hưng Phấn” có phần thái quá do không kiểm soát được. Tôi không tin là
BLĐ Giáo Dục có thể một mình mà dám mưu sự những việc tầy đình như thế.
Dù dân tộc có bị liệt kháng đến đâu sau 70 năm bị ĐCS dắt đi như dắt
Trâu Bò thì vẫn không dễ gì dân tộc này cho phép họ có thể làm được việc
đó. Trong sự kiện này BLĐ Giáo Dục Việt Nam cũng chỉ những “Thợ dậy tầm thường”, là con tốt đen trên bàn cờ thời cuộc, một thứ “Con Ngựa thành T- roa”
của những thế lực nào đây? Câu hỏi này xin dành cho những ai vẫn còn tự
thấy lưu chuyển trong cơ thể mình là dòng máu Lạc Hồng bất tử.
“Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân”, khi BLĐ Giáo dục đưa ra phương án “Tích hợp”
cũng chính là lúc họ bầy tỏ sự coi thường môn Lịch Sử là không thể chối
cãi. Bị Quốc Hội dồn đến chân tường, ngài Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận đã tự
thể hiện mình là một BT rất yếu kém, không đủ tâm và tầm khi đưa ra một
lời chống chế quá ư lỏng lẻo, khôi hài và kém thuyết phục rằng “Tích hợp bộ môn Lịch Sử vào 2 bộ môn kia là đề cao môn Sử!”
Đem môn Sử hòa tan vào các môn GDCD và GDQP chứ không phải tích hợp 2
môn đó vào môn Sử. Chưa hết trong các nhà trường ở Việt Nam hiện nay 2
môn này còn phụ hơn là bản thân môn Sử và ở nhiều nơi, giờ học GDCD và
GD QP chỉ là giờ “Giữ Trẻ Lớn”, là giờ để cả thầy và trò xả căng thẳng mà thôi. Tôn trọng và đề cao môn Sử theo kiểu đó sao?
Ngày 20 - 11 - 2015 vừa qua, tôi mang những tâm sự này trao đổi với một
giáo viên dậy Sử năm nào cũng soán ngôi là giáo viên giỏi. Bằng một thứ
ngôn ngữ của người đã hết sinh khí khi đã giã từ bục giảng, anh nói với
tôi:
“Cuộc “Ném Đá” vừa rồi phần nào mang tính “Hội Chứng Đám Đông”. Người
ta chỉ hốt hoảng lo sợ “Gia phả - Căn cước của giống nòi bị đốt phá, sợ
tinh thần dân tộc bị triệt tiêu, sợ con cháu sau này ngoảnh mặt đi
trước ông cha. Họ không nghĩ thứ “Lịch Sử” mang đi tích hợp là thứ “Lịch
Sử” chỉ chứa đựng 30 % là sự thật 70 % là dối trá, là thứ lịch sử đã bị
chính trị hóa đến mức tê liệt và bị người học chối bỏ. Thứ Lịch Sử đó
chỉ có mỗi một chức năng kể lể công lao của đảng của Bác suốt mấy chục
năm nay.
Thử hỏi có thuyết phục được nhau không khi cái đọng lại trong đầu học
sinh sau những giờ Lịch Sử chỉ là “Ta luôn luôn thắng, Địch luôn luôn
thua” là “Ta là chính nghĩa – Địch là phi nghĩa” là “Ta là tốt đẹp –
Địch là xấu xa”, “Ta là phơi phới đi lên – Địch là ngụy, là lụi tàn và
đi xuống”.
Thử hỏi, giáo dục lòng yêu nước cái gì khi cả thầy cả trò cùng nhau
phải tung hứng những anh hùng dởm, không có thật trên cõi đời này như
kiểu anh hùng chống Pháp Lê Văn Tám, anh hùng chống Mỹ Nguyễn Văn Bé…Tôi
nghĩ rằng tích hợp thứ “Lịch Sử” đó với 2 bộ môn quá phụ GDCD –
GDQP…còn báo hại thêm cho 2 bộ môn vốn đã quá là bị coi thường này.
Phòng thi môn Lịch Sử
Một cơn mưa giấy lộn là sách vở tài liệu môn Sử…
Giáo dục lòng yêu nước cái gì mà Hai Bà Trưng chống lại ai cũng không
dám nói! Yêu nước thương nòi cái gì mà trận chiến Hoàng Sa 1974, Gạc Ma
1988, cuộc chiến biên giới Tây Nam và cuộc chiến biên giới phía Bắc
1979 không được nhắc đến. Học sinh Việt Nam nghĩ gì về bộ môn Lịch Sử mà
phòng thi chỉ có mỗi 1 thí sinh nhận thi môn môn này!
Thử hỏi Lịch Sử là Lịch Sử nào mà học trò vui mừng xé sách vở tạo nên
những cơn mưa giấy lộn trắng sân trường, khi biết không phải thi môn
Sử. Như thế thì môn Sử có xứng là Quốc Sử trong đời sống học đường ngày
nay hay không? Tôi nghĩ rằng thứ Lịch Sử đó không chỉ tạo ra những thế
hệ tật nguyền về nhân cách đối với người học mà nó cũng làm băng hoại cả
danh dự cùng uy tín của người thầy trong sứ mạng rao giảng.
Môn Lịch Sử đó… đã nhiều lần mang lại danh hiệu dậy giỏi cho tôi,
mang lại lương tháng cho tôi, nhưng chưa bao giờ mang lại sự yên ổn
trong tâm hồn tôi. Tôi lấy làm khó hiểu là những đồng nghiệp đang ngày
ngày đứng trên bục giảng bộ môn này ít người bộc lộ chính kiến riêng của
mình trong cuộc tranh luận này quá. Chỉ thấy những tiếng la ó của các
vị mũ cao áo dài trong giới Sử học ở tầng chóp bu, còn giáo viên Sử cùng
lớp lớp học trò ở mọi cấp học… hình như họ đã an phận là những con
chuột bạch cho những thí nghiệm vớ vẩn mà thôi”.
Tôi không ngờ BLĐ Bộ Giáo Dục lại dễ dàng đưa ra chủ trương “Tích Hợp” một cách hấp tấp đến thế. Theo tôi vấn đề quan trọng không phải là coi “Tích Hợp” là tốt hay “Tích Hợp”
là xấu. Vấn đề quan trọng và cần làm ngay lúc này là: Hãy trả lại những
giá trị trung thực cho bộ môn Lịch Sử, bộ môn quan trọng hàng đầu trong
việc hình thành ý thức cộng đồng như câu nói nổi tiếng:
“CÁI GÌ CỦA XÊ - DA HÃY TRẢ LẠI CHO XÊ – DA.
CÁI GÌ CỦA THIÊN CHÚA HÃY TRẢ LẠI CHO THIÊN CHÚA”.
Chỉ có con đường đó… mới chấm dứt được cảnh phòng thi Sử chỉ có 1 thí
sinh, thầy giáo dậy Sử mới thực sự được là những người nuôi dưỡng lòng
yêu nước cho thế hệ trẻ và họ mới thoát được cái sứ mạng bất đắc dĩ phải
vào vai những cán bộ tuyên giáo xoàng xĩnh của Đảng, với những giờ dậy
tẻ nhạt, lạc lõng cùng những sân trường trắng xóa là giấy lộn có nguồn
gốc là sách vở và tài liệu ôn thi dành cho môn Sử./.
Hà Đông 12 – 2015.
Nguyễn Thượng Long
- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý Hà Tây. Thanh tra Giáo Dục Hà Tây.
Nơi ở: Số nhà 4 - Ngõ 102 – Ngách 12 – Đường Văn La – Hà Đông – Hà Nội.
ĐT 0433521066 & 01652323836
Email: nguyenthuonglong571@gmail.com