Emna Fitouri * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Dưới
mắt sinh viên Emna Fitouri, cuộc nổi dậy của tuổi trẻ Tunisia vào tháng
Một 2011 còn hơn cả cuộc cách mạng - cuộc nổi dậy ấy là vấn đề sống
chết cho cả thế hệ.
Vào ngày 10 tháng Một 2011, tôi thấy trên Facebook người ta đang chuẩn
bị biểu tình ở Tunis. Các bạn học và tôi hẹn gặp nhau bên ngoài Bộ Nội
vụ vào ngày 14 tháng Một. Chúng tôi biểu tình suốt ba ngày liền, trên
đường Habib Bourguiba và ở quảng trường Place de la Kasbah, ở trung tâm
thành phố. Giống như đa số thanh niên Tunisia, chúng tôi đều sắp xếp mọi
thứ trên Facebook. Cho nên nhiều nhà bình luận gọi cuộc cách mạng của
chúng tôi là “cách mạng Facebook”. Nhưng hiện thực phức tạp hơn rất
nhiều. Thật ra những mạng xã hội này chỉ là công cụ tuổi trẻ dùng để
khởi sự, để kích hoạt thay đổi trong xã hội, để chống thất nghiệp và
những hình thức tủi nhục khác, để bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm.
Tuy nói thế, nhưng thật là sai lầm khi coi thường hoàn toàn vai trò của
internet, vì nó đã chứng tỏ là công cụ tuyệt vời trong công cuộc dân chủ
hóa các nước Ả Rập, đồng thời phản ánh sự đa dạng về chính trị và văn
hóa của họ. Và là vũ khí mạnh mẽ chống lại kiểm duyệt. Bây giờ, không ai
có thể nói "Chính tôi. Tôi là người chỉ huy." Internet sẽ cản họ lại
bằng cách tạo ra những cơ hội cho sự thảo luận mang tính xây dựng. Nó
cũng dạy chúng ta “thảo luận” thật sự nghĩa là gì.
Cuộc cách mạng trước kia ở Tunisia kết thúc bằng “chuyên chính cách
mạng”, bằng những hậu quả mà ai cũng biết. Hôm nay chúng tôi thuộc về
“cách mạng văn minh”, bất bạo động, mà đang tiến bước đến dân chủ.
Nhưng cách mạng không hoàn toàn văn minh lắm - truyền thông và các nhà
phân tích đã nói nhiều về tính chất “ôn hòa” của cuộc cách mạng này, vì
tuổi trẻ tay không xuống đường. Chúng ta cần chọn từ cẩn thận. Ôn hòa,
cho ai? Cho những người hết ngày này đến ngày khác co rúm người lại vì
sợ hãi khi đạn bay trên đầu? Cho những người lính và cảnh sát bị dằn xé
giữa bổn phận nghề nghiệp và lòng xác tín riêng? Cho những người biểu
tình trẻ tuổi chưa bao giờ thấy máu đổ quá nhiều như thế? Địa ngục chúng
tôi đã trải qua có thể không thảm khốc bằng địa ngục của anh em chúng
tôi ở Libya, Yemen và Syria, nhưng chúng tôi vẫn trải qua nhiều lúc
khủng khiếp.
Tôi thấy nhiều xác chết; tôi rất sợ hãi; tôi xỉu đi vì hơi cay…
Hàng trăm người từ Sidi Bouzid -thành phố nơi Mohamed Bouazizi tự thiêu
vào ngày 4 tháng Một, và từ đấy châm ngòi cho cuộc cách mạng- đến Kasbah
ở Tunis, để tham gia các cuộc biểu tình ở thủ đô. Nhiều người mang cả
vợ con theo. Họ đói, lạnh và khốn khổ. Tôi giúp các hướng đạo sinh mang
thực phẩm, chăn đến cho họ và giúp đỡ bác sĩ phụ trách y tế của hướng
đạo.
Nhưng điều quan trọng nhất, tôi la to. Suốt nhiều ngày liên tiếp. Tôi
gắng hết sức la to "CÚT ĐI!" cho tới khi Ben Ali ra đi. Tôi muốn kết
liễu chế độ mà đã biến tuổi trẻ trở thành nạn nhân dễ bị tổn thương nhất
của họ.
Thay vì là lực đẩy đằng sau nền kinh tế, chúng tôi đã trở thành con dê
tế thần của chế độ. Điều đấy giải thích tại sao tuổi trẻ chúng tôi là
những người đầu tiên nổi dậy. Thực vậy, chúng tôi đã lâm vào bước đường
cùng. Một mặt chúng tôi nhận được nền giáo dục được coi là tốt nhất ở
Châu Phi, nhưng, thực tế, nền giáo dục ấy không thích nghi với những nhu
cầu của thị trường luôn luôn thay đổi. Trong khi ấy, chế độ không cho
phép chúng tôi có việc làm và giữ việc làm. Nền giáo dục thường xuyên
nhằm giúp nhân viên cập nhật các kỹ năng của họ không tồn tại ở Tunisia.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực IT, khi kỹ thuật thay đổi, các công ty chỉ
cần thuê các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật phần mềm mới! Việc làm không ổn
định đã trở thành căn bệnh, trầm trọng như việc các sinh viên trẻ ra
trường ngay từ đầu đã không thể nào tìm được việc làm. Tôi tự hỏi liệu
có một gia đình nào trong cả nước mà lại không có ít nhất một sinh viên
ra trường thất nghiệp ở nhà.
Hệ thống giáo dục bấp bênh và chính sách kinh tế cực kỳ bất chấp đạo lý
đã làm cho thế hệ trẻ hơn cảm thấy bị lợi dụng, bị bóc lột và nghẹt thở.
Những cuộc nổi dậy đầu tiên của chúng tôi là những hành động sinh tồn.
Những hành động tương lai của chúng tôi sẽ góp phần vào quá trình xây
dựng quốc gia mới.
Emna Fitouri, sinh viên người Tunisia 21 tuổi, đang học tiếng Pháp năm thứ hai ở Trường Dự bị Văn khoa và Nhân văn ở Tunis.
Nguồn: Tạp chí UNESCO COURIER, số tháng Bảy-tháng Chín 2011, trang 9-10
04/12/2015