Posted by adminbasam
FB Nguyễn Thị Oanh
16-2-2016
Mỗi năm, trong suốt 37 năm qua, ký ức về ngày 17/2/1979 cứ mãi âm ỉ cháy trong lòng một người đang sống ở phương Nam, là tôi!
Thời gian trôi qua, con bé 13 tuổi đen đủi gầy gò, ngày nào lếch thếch cùng mẹ đưa các em theo dòng người chạy Tàu từ Lào Cai về Yên Bái, nay đã trở thành một phụ nữ 50 tuổi. Hồi ức về ngày 17/2/1979, lạ thay, chưa bao giờ nhạt nhoà bớt đi mà lại ngày càng cắt sâu hơn vào tâm khảm của người phụ nữ ấy, theo sự hiểu biết, vỡ oà những nhận thức về số phận của đất nước, của nhân dân.
Ngày ấy, con bé 13 tuổi đang sống rất hạnh phúc với gia đình, với bạn bè ở thị xã Lào Cai xinh đẹp. Nó sinh ra ở đó, lớn lên trong thời chiến. Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến tranh với Mỹ ở miền Bắc VN, dù phải đi sơ tán, ở rừng nhiều phen, nhưng cái thị xã xinh đẹp của nó không hiểu sao chưa bao giờ bị bom Mỹ dội tới. Sau ngày 30/4/1975, nó, như tất cả mọi người dân khác, đã nghĩ rằng chiến tranh sẽ vĩnh viễn chấm dứt, mọi nỗi cơ cực rồi sẽ qua. Và nó chưa bao giờ hình dung có một ngày phải chia tay thị xã chôn rau cắt rốn của mình vì bất cứ lý do gì. Trong mắt nó, đó là thị xã đẹp nhất nước, bởi còn giữ được nguyên vẻ cổ kính, xinh xắn với những khu phố, những tòa nhà có kiến trúc tuyệt vời do người Pháp xây dựng từ khi nó còn chưa sinh ra…
Nhưng rạng sáng ngày 17/2/1979, những loạt đạn pháo đầu tiên từ bên kia biên giới đã trút không thương tiếc vào thị xã xinh đẹp này. Con bé không bao giờ nghĩ rằng cái Tết Kỷ Mùi năm ấy là cái Tết cuối cùng nó được hưởng ở đây. Và cũng như mọi người dân khác trong thị xã, trong tỉnh khi đó, nó cũng thảng thốt không tin rằng Trung Quốc lại “dám” tấn công VN, bởi vì người ta đã luôn luôn nói với dân vùng biên giới rằng: Liên Xô sẽ bảo vệ VN, Liên Xô sẽ không bao giờ để cho Trung Quốc đánh VN!
Vì thế, gia đình nó, cũng như bao nhiêu gia đình khác trong thị xã này vẫn thản nhiên, ung dung sống, mặc cho những khẩu pháo từ ông bạn láng giềng hàng ngày cứ chĩa thẳng sang đất mình. Nó cùng bạn bè vẫn ngày ngày đi học, và còn náo nức với tin đồn rằng Liên Xô đã giúp VN thiết lập hàng rào phòng vệ điện tử dọc bờ sông Hồng và sông Nậm Thi…
Vì thế nên trong đêm 16, rạng ngày 17/2 năm 79, khi những quả pháo đầu tiên từ bên kia biên giới bắn qua, cả thị xã của nó vẫn đang hồn nhiên say ngủ! Nó nhớ đã nghe những tiếng ùng oàng từ rất lâu trước đó, nhưng vẫn cứ tưởng chỉ là tiếng sấm xa báo hiệu một cơn mưa! Đến khi người ta phát loa báo động dân xuống hầm trú ẩn để tránh đạn pháo, khi ấy gia đình nó cùng với cả những người hàng xóm mới bàng hoàng tin rằng đây là sự thật: Sự thật là Trung Quốc đã chính thức “dạy cho VN một bài học” bằng cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, và không hề có Liên Xô chở che gì lúc này!
Con bé sau đó đã cùng với gia đình và tất cả mọi người dân trong thị xã bắt đầu một cuộc tháo chạy vội vã trong kinh hoàng để về tuyến sau. Lần đầu tiên trong đời, nó không ngờ rằng mình đã đi bộ được tới 40km từ Lào Cai về tới Phố Lu. Tất cả mọi người đều đi bộ, bởi vì hầu hết các xe ô tô vận chuyển và tuyến đường sắt từ Phố Lu lên Lào Cai đều đã bị đạn pháo Trung Quốc phá huỷ ngay từ đầu. Nhưng cả tới khi đó, người ta vẫn tuyên truyền rằng: Dân chỉ phải tạm lánh đi thôi! Liên Xô dứt khoát sẽ giúp VN đánh đuổi Trung Quốc. Vài ngày nữa sẽ được trở về nhà…
Và con bé không ngờ rằng gần 30 năm sau kể từ ngày tháo chạy tức tưởi đó, nó mới được trở lại Lào Cai. Thời cuộc đẩy đưa, Nhà máy điện nơi cha mẹ nó làm việc đã bị phá hủy tan nát cùng với thị xã bé nhỏ. Hàng trăm người lao động của Nhà máy được chia ra đưa về các đơn vị khác trong ngành Điện khắp cả nước. Gia đình nó chuyển vào Sài Gòn năm 1980 để bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới ở vùng đất mà hồi nào giờ nó chỉ biết đến qua sách, qua phim. 36 năm trôi qua, bây giờ con bé đã trở thành một phụ nữ ba con với cuộc sống thành đạt cùng gia đình ở quê hương mới. Nó luôn biết ơn mảnh đất hào phóng và nhân hậu đã cưu mang gia đình nó, để cho nó và những người thân yêu có được ngày hôm nay. Nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 17/2, nó vẫn thấy ngậm ngùi một nỗi buồn sâu thẳm khi nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thị xã xưa đã không còn nữa! Ngày trở về thăm lại chốn cũ cách đây 9 năm, có một người phụ nữ ngơ ngác buồn lặng lẽ. Lào Cai giờ đã lên Thành phố. Được xây dựng mới hoàn toàn. Có vẻ to hơn, rộng hơn, nhưng không còn đẹp nữa! Những dấu tích cổ kính của một thị xã thời Pháp thuộc đã hoàn toàn biến mất. Người ta hối hả xây dựng mọi thứ, hối hả làm tất cả cho Lào Cai hoành tráng hơn, tấp nập hơn. Như muốn quên đi câu chuyện cũ. Như muốn mau chóng xoá nhoà vết chém bi phẫn mà ngày 17/2 xưa để lại cho vùng đất biên ải nơi đây…
Nhưng trong dòng chảy ký ức của nhiều người, trong đó có cô bé 13 tuổi ngày nào, vẫn luôn nhức nhối một nỗi đau khi nhớ về ngày 17/2 năm ấy… Người phụ nữ 50 tuổi rồi mà vẫn ngu ngơ tự hỏi: Tại sao giờ đây người ta lại muốn quên đi ngày đó ? Vì sao mà lớp con cháu mình hôm nay không được dạy để biết rằng đó là ngày không bao giờ được quên? Bao giờ thì vong linh của những người VN đã đổ máu xương trong cuộc chiến tranh biên giới ấy có thể ngậm cười khi thấy sự hy sinh của mình được ghi nhận? Nhiều lắm những câu hỏi “Tại sao?” về cuộc chiến này mà không biết bao giờ mới được trả lời!
Nhưng xót xa hơn cả, đó là cảm nhận về một sự thật bẽ bàng: Trong các cuộc chiến vừa qua, đất nước mình chỉ như một quân cờ trong ván cờ của các nước lớn! Đến cả những người gọi là “đồng chí” cũng chỉ lợi dụng chúng ta để phục vụ cho các mục đích của họ! Trước đây chúng ta “đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”. Sau năm 1975, chúng ta lại bị cuốn vào việc của Campuchia, và cuối cùng là đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh năm 1979. Tất cả cũng bởi vì phải “tả xung hữu đột” trong mối quan hệ giữa “anh Cả” với “anh Hai”. Và khi chúng ta lâm nguy với “anh Hai”, “anh Cả” sẵn sàng làm ngơ ngoảnh mặt, bởi anh ấy chẳng việc gì phải hy sinh mối quan hệ với “anh Hai” vì chúng ta ! Ngày nay, Liên Xô không còn nữa. Chúng ta vẫn tiếp tục ở thế đối đầu chênh vênh với Trung Quốc. Biết rằng cứ tiếp tục đi với “ông bạn vàng” này sẽ còn nhiều nguy hiểm, nhưng muốn “thoát Trung” lúc này cũng không phải dễ vì đã lệ thuộc họ quá nhiều và quá lâu. Muốn “dựa lưng” vào Mỹ thì lại phải trả giá nhiều thứ, và chắc chắn cũng cần đảm bảo được những lợi ích nhất định đối với Mỹ thì họ mới cho đi cùng…
Nên, ngày 17/2, ngẫm mà thấy thương đất nước tôi quá! Chúng ta muốn chống lại Trung Quốc ư? Nhưng lấy gì mà chống khi không có đủ lực cả về quân sự lẫn kinh tế? Xảy ra một cuộc chiến như năm 1979, những người lãnh đủ mọi tổn thất, đau thương vẫn chỉ là dân thường và những người lính không được trang bị đủ cả vũ khí cũng như nguồn lực cần thiết để xung trận (một trong những nguyên nhân khiến ta bị động và để Trung Quốc chủ động tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc vào ngày 17/2/1979 là do lúc đó phải chia bớt quân chủ lực cùng một số lượng vũ khí không nhỏ cho mặt trận Campuchia).
Không có gì vững vàng hơn là phải đứng được trên chính đôi chân của mình! Vì thế, muốn chống lại Trung Quốc, không phải phụ thuộc vào ai và cũng không để mình trở thành quân cờ trong tay ai, chỉ có một con đường duy nhất là phải phát triển thành công bằng chính nguồn lực tự thân của mình. Nguồn lực ấy là sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt trong bộ máy lãnh đạo chính quyền (nếu không thể thay đổi thể chế); là sự đoàn kết hiệu quả của toàn dân trong việc thực hiện các giải pháp “thoát Trung” (trước mắt là về kinh tế)…
Nhưng trên hết và có tính chất quyết định, vẫn là một câu hỏi mà câu trả lời không thuộc về phía nhân dân: Ta có thực sự muốn “thoát Trung” hay không? Nếu chưa trả lời được câu hỏi này thì nỗi đau ngày 17/2/1979 vẫn mãi còn nhức nhối trong ký ức của những người dân như tôi!
16-2-2016
Mỗi năm, trong suốt 37 năm qua, ký ức về ngày 17/2/1979 cứ mãi âm ỉ cháy trong lòng một người đang sống ở phương Nam, là tôi!
Thời gian trôi qua, con bé 13 tuổi đen đủi gầy gò, ngày nào lếch thếch cùng mẹ đưa các em theo dòng người chạy Tàu từ Lào Cai về Yên Bái, nay đã trở thành một phụ nữ 50 tuổi. Hồi ức về ngày 17/2/1979, lạ thay, chưa bao giờ nhạt nhoà bớt đi mà lại ngày càng cắt sâu hơn vào tâm khảm của người phụ nữ ấy, theo sự hiểu biết, vỡ oà những nhận thức về số phận của đất nước, của nhân dân.
Ngày ấy, con bé 13 tuổi đang sống rất hạnh phúc với gia đình, với bạn bè ở thị xã Lào Cai xinh đẹp. Nó sinh ra ở đó, lớn lên trong thời chiến. Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến tranh với Mỹ ở miền Bắc VN, dù phải đi sơ tán, ở rừng nhiều phen, nhưng cái thị xã xinh đẹp của nó không hiểu sao chưa bao giờ bị bom Mỹ dội tới. Sau ngày 30/4/1975, nó, như tất cả mọi người dân khác, đã nghĩ rằng chiến tranh sẽ vĩnh viễn chấm dứt, mọi nỗi cơ cực rồi sẽ qua. Và nó chưa bao giờ hình dung có một ngày phải chia tay thị xã chôn rau cắt rốn của mình vì bất cứ lý do gì. Trong mắt nó, đó là thị xã đẹp nhất nước, bởi còn giữ được nguyên vẻ cổ kính, xinh xắn với những khu phố, những tòa nhà có kiến trúc tuyệt vời do người Pháp xây dựng từ khi nó còn chưa sinh ra…
Nhưng rạng sáng ngày 17/2/1979, những loạt đạn pháo đầu tiên từ bên kia biên giới đã trút không thương tiếc vào thị xã xinh đẹp này. Con bé không bao giờ nghĩ rằng cái Tết Kỷ Mùi năm ấy là cái Tết cuối cùng nó được hưởng ở đây. Và cũng như mọi người dân khác trong thị xã, trong tỉnh khi đó, nó cũng thảng thốt không tin rằng Trung Quốc lại “dám” tấn công VN, bởi vì người ta đã luôn luôn nói với dân vùng biên giới rằng: Liên Xô sẽ bảo vệ VN, Liên Xô sẽ không bao giờ để cho Trung Quốc đánh VN!
Vì thế, gia đình nó, cũng như bao nhiêu gia đình khác trong thị xã này vẫn thản nhiên, ung dung sống, mặc cho những khẩu pháo từ ông bạn láng giềng hàng ngày cứ chĩa thẳng sang đất mình. Nó cùng bạn bè vẫn ngày ngày đi học, và còn náo nức với tin đồn rằng Liên Xô đã giúp VN thiết lập hàng rào phòng vệ điện tử dọc bờ sông Hồng và sông Nậm Thi…
Vì thế nên trong đêm 16, rạng ngày 17/2 năm 79, khi những quả pháo đầu tiên từ bên kia biên giới bắn qua, cả thị xã của nó vẫn đang hồn nhiên say ngủ! Nó nhớ đã nghe những tiếng ùng oàng từ rất lâu trước đó, nhưng vẫn cứ tưởng chỉ là tiếng sấm xa báo hiệu một cơn mưa! Đến khi người ta phát loa báo động dân xuống hầm trú ẩn để tránh đạn pháo, khi ấy gia đình nó cùng với cả những người hàng xóm mới bàng hoàng tin rằng đây là sự thật: Sự thật là Trung Quốc đã chính thức “dạy cho VN một bài học” bằng cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, và không hề có Liên Xô chở che gì lúc này!
Con bé sau đó đã cùng với gia đình và tất cả mọi người dân trong thị xã bắt đầu một cuộc tháo chạy vội vã trong kinh hoàng để về tuyến sau. Lần đầu tiên trong đời, nó không ngờ rằng mình đã đi bộ được tới 40km từ Lào Cai về tới Phố Lu. Tất cả mọi người đều đi bộ, bởi vì hầu hết các xe ô tô vận chuyển và tuyến đường sắt từ Phố Lu lên Lào Cai đều đã bị đạn pháo Trung Quốc phá huỷ ngay từ đầu. Nhưng cả tới khi đó, người ta vẫn tuyên truyền rằng: Dân chỉ phải tạm lánh đi thôi! Liên Xô dứt khoát sẽ giúp VN đánh đuổi Trung Quốc. Vài ngày nữa sẽ được trở về nhà…
Và con bé không ngờ rằng gần 30 năm sau kể từ ngày tháo chạy tức tưởi đó, nó mới được trở lại Lào Cai. Thời cuộc đẩy đưa, Nhà máy điện nơi cha mẹ nó làm việc đã bị phá hủy tan nát cùng với thị xã bé nhỏ. Hàng trăm người lao động của Nhà máy được chia ra đưa về các đơn vị khác trong ngành Điện khắp cả nước. Gia đình nó chuyển vào Sài Gòn năm 1980 để bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới ở vùng đất mà hồi nào giờ nó chỉ biết đến qua sách, qua phim. 36 năm trôi qua, bây giờ con bé đã trở thành một phụ nữ ba con với cuộc sống thành đạt cùng gia đình ở quê hương mới. Nó luôn biết ơn mảnh đất hào phóng và nhân hậu đã cưu mang gia đình nó, để cho nó và những người thân yêu có được ngày hôm nay. Nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 17/2, nó vẫn thấy ngậm ngùi một nỗi buồn sâu thẳm khi nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thị xã xưa đã không còn nữa! Ngày trở về thăm lại chốn cũ cách đây 9 năm, có một người phụ nữ ngơ ngác buồn lặng lẽ. Lào Cai giờ đã lên Thành phố. Được xây dựng mới hoàn toàn. Có vẻ to hơn, rộng hơn, nhưng không còn đẹp nữa! Những dấu tích cổ kính của một thị xã thời Pháp thuộc đã hoàn toàn biến mất. Người ta hối hả xây dựng mọi thứ, hối hả làm tất cả cho Lào Cai hoành tráng hơn, tấp nập hơn. Như muốn quên đi câu chuyện cũ. Như muốn mau chóng xoá nhoà vết chém bi phẫn mà ngày 17/2 xưa để lại cho vùng đất biên ải nơi đây…
Nhưng trong dòng chảy ký ức của nhiều người, trong đó có cô bé 13 tuổi ngày nào, vẫn luôn nhức nhối một nỗi đau khi nhớ về ngày 17/2 năm ấy… Người phụ nữ 50 tuổi rồi mà vẫn ngu ngơ tự hỏi: Tại sao giờ đây người ta lại muốn quên đi ngày đó ? Vì sao mà lớp con cháu mình hôm nay không được dạy để biết rằng đó là ngày không bao giờ được quên? Bao giờ thì vong linh của những người VN đã đổ máu xương trong cuộc chiến tranh biên giới ấy có thể ngậm cười khi thấy sự hy sinh của mình được ghi nhận? Nhiều lắm những câu hỏi “Tại sao?” về cuộc chiến này mà không biết bao giờ mới được trả lời!
Nhưng xót xa hơn cả, đó là cảm nhận về một sự thật bẽ bàng: Trong các cuộc chiến vừa qua, đất nước mình chỉ như một quân cờ trong ván cờ của các nước lớn! Đến cả những người gọi là “đồng chí” cũng chỉ lợi dụng chúng ta để phục vụ cho các mục đích của họ! Trước đây chúng ta “đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”. Sau năm 1975, chúng ta lại bị cuốn vào việc của Campuchia, và cuối cùng là đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh năm 1979. Tất cả cũng bởi vì phải “tả xung hữu đột” trong mối quan hệ giữa “anh Cả” với “anh Hai”. Và khi chúng ta lâm nguy với “anh Hai”, “anh Cả” sẵn sàng làm ngơ ngoảnh mặt, bởi anh ấy chẳng việc gì phải hy sinh mối quan hệ với “anh Hai” vì chúng ta ! Ngày nay, Liên Xô không còn nữa. Chúng ta vẫn tiếp tục ở thế đối đầu chênh vênh với Trung Quốc. Biết rằng cứ tiếp tục đi với “ông bạn vàng” này sẽ còn nhiều nguy hiểm, nhưng muốn “thoát Trung” lúc này cũng không phải dễ vì đã lệ thuộc họ quá nhiều và quá lâu. Muốn “dựa lưng” vào Mỹ thì lại phải trả giá nhiều thứ, và chắc chắn cũng cần đảm bảo được những lợi ích nhất định đối với Mỹ thì họ mới cho đi cùng…
Nên, ngày 17/2, ngẫm mà thấy thương đất nước tôi quá! Chúng ta muốn chống lại Trung Quốc ư? Nhưng lấy gì mà chống khi không có đủ lực cả về quân sự lẫn kinh tế? Xảy ra một cuộc chiến như năm 1979, những người lãnh đủ mọi tổn thất, đau thương vẫn chỉ là dân thường và những người lính không được trang bị đủ cả vũ khí cũng như nguồn lực cần thiết để xung trận (một trong những nguyên nhân khiến ta bị động và để Trung Quốc chủ động tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc vào ngày 17/2/1979 là do lúc đó phải chia bớt quân chủ lực cùng một số lượng vũ khí không nhỏ cho mặt trận Campuchia).
Không có gì vững vàng hơn là phải đứng được trên chính đôi chân của mình! Vì thế, muốn chống lại Trung Quốc, không phải phụ thuộc vào ai và cũng không để mình trở thành quân cờ trong tay ai, chỉ có một con đường duy nhất là phải phát triển thành công bằng chính nguồn lực tự thân của mình. Nguồn lực ấy là sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt trong bộ máy lãnh đạo chính quyền (nếu không thể thay đổi thể chế); là sự đoàn kết hiệu quả của toàn dân trong việc thực hiện các giải pháp “thoát Trung” (trước mắt là về kinh tế)…
Nhưng trên hết và có tính chất quyết định, vẫn là một câu hỏi mà câu trả lời không thuộc về phía nhân dân: Ta có thực sự muốn “thoát Trung” hay không? Nếu chưa trả lời được câu hỏi này thì nỗi đau ngày 17/2/1979 vẫn mãi còn nhức nhối trong ký ức của những người dân như tôi!