Trần Duy Sơn (Danlambao)
- Tôi thấy có một cách suy nghĩ tương đối mâu thuẫn của người Việt,
ngay cả những người đấu tranh Dân Chủ. Họ muốn lật đổ đảng CSVN nhưng họ
lại muốn đảng này tốt hơn!? Cả nước gần như có một ý nghĩ giống nhau,
đảng phải có người giỏi, người tài đức để đưa đất nước này tiến lên. Một
mặt họ muốn lật đổ đảng nhưng mặt khác họ lại nghĩ rằng nếu có người
lãnh đạo giỏi ngang tầm khu vực, đảng sẽ mạnh lên, thay đổi, đem lại ấm
no hạnh phúc cho dân tộc. Họ quên rằng mục tiêu của đảng độc tài và ước
mơ của người dân khác nhau.
Đảng luôn luôn xác định kiên trì chủ nghĩa Mác Lenin, tiến lên CNXH, sự
tồn vong của chế độ là sự tồn vong của đảng, đảng là chế độ, quyền lực
là thống nhất, đảng lãnh đạo tuyệt đối, đảng phải kiểm soát toàn bộ cuộc
sống của người dân. Đảng sẽ cho người dân tất cả mọi quyền, miễn sao
đừng đụng đến đảng, trong khi quyền người dân mong mỏi quyền làm chủ,
chỉ nói quyền làm chủ cá nhân thôi mà cũng chưa đạt được đừng nói chi
đến quyền làm chủ đất nước. Bởi vì quyền làm chủ cá nhân như quyền tự do
quan điểm, tự do ngôn luận vẫn đụng đến đảng, cho nên theo cách nghĩ
của đảng như vậy, đảng và nhân dân luôn mâu thuẫn lẫn nhau. Tự do của
người dân khác tự do của đảng, dân chủ của người dân khác dân chủ của
đảng.
Người dân có vẻ lầm tưởng giữa 2 vấn đề: Đảng tốt hơn xã hội sẽ tốt hơn, nhân sự đảng giỏi hơn, xã hội sẽ phát triển.
1- Đảng tốt hơn là tốt cho ai?. Họ không bao giờ xác định
rằng đảng tốt hơn là tốt cho ai, tốt cho đảng hay tốt cho đất nước, họ
vẫn còn nhập nhằng giữa đảng và đất nước, đảng tốt lên thì đất nước tốt
lên. Vì vậy, vô tình trong ý thức hệ họ vẫn chấp nhận đảng lãnh đạo,
hoặc quên mất đảng là ai, chỉ cần xã hội có dân chủ là xong. Mà chuyện
này làm sao xảy ra? Cái ý nghĩ đảng lãnh đạo nó vẫn mặc định nằm sâu đâu
đó trong tiềm thức của họ, giống như nhà vua, họ vẫn muốn xã hội tốt
lên nhưng từ đảng ban ra, từ vua chiếu chỉ, từ sự thay đổi của đảng chứ
không phải từ người dân kiến tạo nên.
Vấn đề này có lẽ xuất phát từ nguồn gốc lịch sử, chúng ta chưa thoát
khỏi nhận thức của chế độ phong kiến, người dân vẫn dưới ông vua, nhà
vua quyết định tất cả, xã hội tốt đẹp hay không, phụ thuộc vào triều
đình. Nhưng trong chế độ phong kiến triều đình và thần dân có cùng chung
nhau một mục đích, "thanh bình quốc thái dân an", mục đích của vua là
dân, là lo cho dân, dân tin vua cùng nhau xây dựng đất nước.
Trong khi đó, chế độ độc tài, chính quyền là nhóm lợi ích, thu vén cá
nhân, đục khoét tài nguyên đất nước, đứng trên luật pháp, đàn áp người
dân, mị dân bằng những khẩu hiệu lừa bịp và đẩy người dân đứng ngoài rìa
xã hội, độc quyền sở hữu đất nước.
Trong chế đô độc tài, phát triển đất nước chỉ là hình thức, mục đích bản
chất bên trong là thỏa mãn một ý thức hệ nào đó của riêng họ mà không
cùng với ý nguyện của người dân như chủ nghĩa Phát xít. Hoặc hô hào một
mô hình xã hội riêng nào đó mà đem người dân làm những con cừu tế lễ thí
nghiệm như xã hội Trung Quốc. Trong chế độ độc tài người dân chỉ là nô
lệ. Đảng CSVN cũng vậy, mục đích của đảng là muôn đời cai trị, dù đất
nước thụt lùi lạc hậu đảng vẫn cai trị, đảng kèm hãm sự phát triển,
trong khi mục đích của người dân là tự do và phát triển.
Đảng ngược với dân, đảng vì lợi ích của đảng, đảng thay đổi nhân sự, hội
nghị, đại hội, bầu bán chỉ vì sự tồn vong của đảng, còn chuyện đất nước
là một phạm trù khác. Cho nên dù đảng có tốt hơn hay tệ hơn, đất nước
vẫn không phát triển, hoặc có phát triển, nhưng người dân sẽ không bao
giờ có tự do dân chủ đúng nghĩa.
2- Có thể đất nước phát triển nhưng có dân chủ hay không?
Họ phê bình cái đảng này tồi tệ, quái thai, khốn nạn, họ muốn phải thay
đổi ông này mới lãnh đạo được đất nước, thay đổi ông kia kinh tế mới
phát triển, điều này chỉ đúng trong xã hội phong kiến, không đúng trong
chế độ độc tài. Có thể phát triển một giai đoạn nhưng người dân có hạnh
phúc hay không? Chính cái quyền lực độc tài kềm hãm phát triển kinh tế
đồng thời tiêu diệt luôn quyền tự do của dân tộc. Như vậy, dù thay ai đi
nữa cái đảng đó vẫn còn, bản chất của nó không thay đổi. Vô tình chúng
ta ủng hộ cho nó tồn tại thêm, mạnh thêm, chứ đâu phải lật đổ CS hay tốt
thêm cho xã hội.
Nhìn bên cạnh theo như ước muốn của dân Việt, xã hội Trung Quốc, thành
phần lãnh đạo rất bài bản, có trình độ, bằng cấp, nhìn xa trông rộng,
nhưng mục đích của họ là gì? Vẫn là chủ nghĩa dân tộc đại Hán, sẵn sàng
hy sinh quyền tự do cá nhân để phát triển kinh tế, đất đai vẫn sở hữu
toàn dân, xây dựng nền dân chủ phương đông theo giá trị Châu Á chống lại
phương Tây, phủ nhận quyền tự do báo chí trong khi nó là lực lượng thứ
tư kiểm soát xã hội ngoài tam quyền phân lập, xã hội đầy tham nhũng. Tất
cả những xã hội kiểu này đều là mị dân, phục vụ cho một mục đích nhóm
lợi ích cầm quyền, độc tôn quyền lực, chống lại những quy luật tự nhiên
của xã hội, muốn áp đặt quy luật đảng vào xã hội, họ muốn áp đặt chủ
nghĩa dân tộc cực đoan để bảo vệ chính quyền và lừa dối người dân, trong
khi người dân chỉ muốn an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc, tự do tư
tưởng. Phát triển kinh tế để làm gì khi người dân không được hưởng lợi
từ nó, khi quyền công dân bị chà đạp, đi ngoài những quy luật tự nhiên,
tự ngụy biện kiểu phát triển riêng nhưng thực chất đó là chủ nghĩa toàn
trị trá hình, lạm dụng quyền lực để bóp méo dân chủ của người dân, quy
định một kiểu dân chủ theo kiểu của đảng. Bất cứ một chế độ nào phủ nhận
quyền tự do ngôn luận đều là chế độ độc tài.
CS là vua tập thể, khác với độc tài cá nhân. Tất cả đảng viên khi chọn
con đường vào đảng đều luồn lách vì quyền lợi cá nhân của mình, đều là
những thành phần lưu manh thỏa hiệp với cái xấu dù trình độ học vấn của
họ có đến đâu. Dù anh có tốt mấy khi vào đảng dù yêu nước hay cơ hội,
hết Trung tâm bồi dưỡng chính trị mà quận nào cũng có, đến Trường đảng
mà tỉnh nào cũng có, đến Trường đảng Nguyễn Ái Quốc, đến Viện Triết học
Max Lê nin,... đến mức này đều là những con người "máy đảng" như nhau.
Chịu đựng được mức độ nhồi sọ cỡ này, họ hoàn toàn là nhũng con người lý
luận mù quán, suy nghĩ một chiều, chủ nghĩa Mác Lê là ưu việt, đấu
tranh giai cấp là nhiệm vụ, vơ vét là bản năng. Vì là thành phần lưu
manh cơ hội nên quyền lợi cá nhân, quyền lợi phe cánh, quyền lợi đảng,
còn đảng còn mình là tuyệt đối. Quyền lợi đó chia đều rộng khắp trải dài
từ BCT xuống chủ tịch phường, dân phòng, cho nên họ ra sức bảo vệ, sống
chết với nó.
Cũng có thể có những người cộng sản yêu nước, hoặc giữa đường thay đổi
nhận thức, nhưng trong một guồng máy cấu kết đan xen lẫn nhau, quyền lợi
chia đều họ khó vùng dậy và trước sau gì cũng bị phe cánh kia nghiền
nát, như Trần Xuân Bách (1990), Tướng Trần Độ (1999), Giáo sư Triết
Hoàng Minh Chính (1967)... Chắc chắn không phải 3 triệu đảng viên kia là
CS gian xảo hết nhưng đã leo lên đến BCHTU chắc chắn không ai tốt đẹp
cả, hoặc vào đến BCT đó là thành phần CS chuyên nghiệp, lưu manh, xảo
trá, giả dối, tuyệt đối tuân theo luật chơi của đảng và tìm cách vơ vét
cho lòng tham của mình. Họ chỉ "tốt" sau khi đã về hưu.
Lịch sử đã chứng minh, một chế độ độc tài sẽ không bao giờ thay đổi nếu
không có lực tác động từ quốc tế cùng người dân. Áp lực chọn lựa giữa
tồn tại và mất hết buộc họ phải thay đổi. Gorbachov kêu gọi cải tổ 1991
khi Cách Mạng Đông Âu đã thành dây chuyền rộng khắp bắt đầu từ Ba Lan,
Hungary, Tiệp Khắc, sụp đổ bức tường Berlin 1989-1990. Thein Sein chấp
nhận bầu cử tự do, trả quyền lực về cho nhân dân khi cuộc đấu tranh của
quần chúng và đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã lên quá cao độ, 5000
tù nhân chính trị bị bắt, bên cạnh nền kinh tế kiệt quệ và lệnh cấm vận
của các nước Tây phương. Không có áp lực độc tài không thay đổi, độc tài
dù có tốt đến mấy nó cũng không tự chuyển thành dân chủ. Muốn có dân
chủ phải lật đổ độc tài, lật đổ toàn bộ hệ thống cấu trúc chính trị của
nó, đó là cách duy nhất, đừng tin vào những thay đổi mị dân của đảng.
3- Đảng không phải nhà vua? Nhà vua có thể nói: "Trẩm tha
chết cho khanh", điều này là sự thật, nhưng Nguyễn Phú Trọng lên TV nói
đất nước sẽ có dân chủ, điều này là mị dân. Bởi vì ông Trọng không phải
nhà vua mà là đảng trưởng của đảng độc tài. Khác nhau? Hai mục đích khác
nhau.
Người dân tin vua vì vua là thiên tử không làm điều sai trái, nhưng
không tin vào độc tài, độc tài là lừa dối, là quyền lợi. Đất nước phải
có luật pháp công minh, chỉ khi nào có chỉ thị, nghị quyết, nghị định,
luật lệ ban hành rõ ràng không vi hiến, báo chí được quyền tự do, công
nhân có quyền lập hội, đất đai thuộc quyền sở hữu tư nhân... khi đó mới
gọi là đảng có nhã ý thay đổi. Hãy xem lại đất nước ta, từ trước đến giờ
có cái nghị định nào tôn trọng quyền lợi của người dân chưa, hay chỉ là
những ngôn ngữ mờ mịt dồn dân vào chân tường trong khi hiến pháp đầy
thơm tho. Nghĩa là lâu nay chúng ta sống trong lừa bịp hoàn toàn mà vẫn
tin ở đảng sẽ làm điều tốt đẹp.
Chính điều ngộ nhận này, người dân vẫn mơ ngủ tưởng rằng đảng sẽ thay
đổi, đảng có uy tín, tin ngay vào những câu phát biểu phù phiếm mị dân,
hoặc thay đổi vài nhân sự mà quên rằng nó vẫn là chế độ độc tài, cho dù
nó mạnh lên hay yếu xuống, nó vẫn còn tệ hơn vua. May mắn núp bóng trong
ý thức hệ này đảng đã lừa bịp dân chúng lâu nay. Đây chính là lúc chúng
ta cần phải sáng suốt nhìn nhận lại vấn đề này để đưa ra những phương
án đấu tranh đúng đắn thích hợp hơn, đập tan luận điệu tuyên truyền của
đảng. Đảng vừa đấm vừa xoa, vừa bóp vừa thả, tung hỏa mù, gieo rắt sợ
hãi, triệt để chuyên chính vô sản. Người dân vừa muốn lật đổ đảng, vừa
muốn đảng thay đổi, vừa muốn đảng mạnh lên, vừa muốn xã hội phát triển,
cho nên mờ mịt không nhận ra đúng bản chất của đảng, để đảng lừa bịp dẫn
đi hết chặng này đến chặn khác.
Sài Gòn 6/2/2016