28/2/16

Tập Cận Bình chủ trương độc chiếm Biển Đông

Tập Cận Bình chủ trương độc chiếm Biển Đông

Trần Trung Đạo (Danlambao) - ...Tập Cận Bình thúc đẩy ‘status quo’ mới không chỉ bằng số lượng đảo chiếm được hay mở rộng vùng biển rộng mà còn qua mức độ của việc xây dựng các đảo nhân tạo, phi trường, công trình dân sự, quân sự. Những khai triển này bị Mỹ kết án là vi phạm ‘status quo’. Lãnh đạo Trung Cộng lý luận việc xây dựng các phương tiện dù dân sự hay quân sự cũng chỉ xây dựng trên ‘lãnh thổ’ Trung Quốc như họ đã làm từ nhiều năm nay chứ không xâm phạm lãnh thổ của quốc gia nào và lập đi lập lai sẽ không dùng các phương tiện này để xâm lược các quốc gia khác...

*

Người viết xin lỗi sẽ dùng chữ La Tinh ‘status quo’ nhiều lần trong bài viết chỉ vì mục đích chính là để bàn về khái niệm này trong chủ trương quân sự hóa Biển Đông của Tập Cận Bình. ‘Status quo’ chỉ tình trạng của các điều kiện thực tế trước khi có sự thay đổi. 

Vào thế kỷ thứ 14, danh từ này dùng để chỉ tình trạng hòa bình trước khi chiến tranh bùng nổ giữa hai nước nhưng dần dần được áp dụng trong hầu hết các lãnh vực. Trong các cuộc thảo luận hay tranh luận các bên thường có khuynh hướng chấp nhận một ‘status quo’ và đôi khi còn được xem đó như là một giới hạn mà nếu bị vượt qua sẽ tạo nên nhiều bất trắc. Khi hai bên đồng ý duy trì ‘status quo’ có nghĩa là hai bên chấp nhận tình trạng hiện đang là của một điều kiện về quân sự, địa lý, xã hội hay chính trị. 

‘status quo’ về lãnh thổ trong hai cuộc chiến tranh thế giới


Việc chấp nhận ‘status quo’ thường diễn ra trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Lý do, các bên tranh chấp đều muốn phần lợi về mình nhưng đều không đủ bằng chứng thuyết phục bên kia hay quốc tế và cuối cùng chấp nhận tình trạng thực tế và chỉ thảo luận vào các điểm mới thôi.

Trong thế kỷ hai mươi, trải dài suốt hai thế chiến, ‘status quo’ được sử dụng nhiều nhất trong tranh chấp lãnh thổ tại Châu Âu. Sau thế chiến thứ nhất, các quốc gia bại trận trong đó có Đức mất phần lớn lãnh thổ chiếm được trong các cuộc chiến tranh trước đó, bao gồm chiến tranh Pháp Phổ. Sau khi lên nắm quyền, mục đích đầu tiên của Hitler là phục hồi lãnh thổ mà ông ta cho rằng vốn thuộc Đức. 

Các nước mạnh, tự mình hay qua hình thức liên minh, đều nhắm tới việc hủy bỏ các ‘status quo’ và thiết lập các ‘status quo’ mới có lợi cho họ. Đức chiếm Tiệp Khắc. Ý chiếm Albany. Liên Xô tìm cơ hội mở rộng vùng ảnh hưởng phía Tây. Hiệp ước bí mật Bất Tương Xâm (German-USSR Non-Aggression Pact) giữa Đức Quốc Xã và Liên Xô năm 1939 âm mưu chấm dứt ‘status quo’ lãnh thổ và xẻ châu Âu làm hai, mỗi bên chiếm một phần. Đức chiếm Tiệp Khắc, Ba Lan, Liên Xô chiếm một phần Ba Lan và các quốc gia Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania). Sau Thế chiến Thứ hai, Stalin lẽ ra phải bị xử như một tội phạm chiến tranh, tuy nhiên, kẻ thắng trận bao giờ cũng đóng vai quan tòa và tội ác của quan tòa thường bị bỏ qua hay che lấp.

Anh và Pháp muốn bảo vệ ‘status quo’ của Châu Âu nên đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động của Đức, Ý khi vi phạm một cách trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia nhỏ yếu bị xâm lược. Tuy nhiên, Anh và Pháp, ngoài những lời tuyên bố và biểu dương lực lượng qua vài cuộc tập trận nhỏ, không có một hành động quân sự cụ thể nào chứng tỏ quyết tâm bảo vệ nguyên trạng lãnh thổ Châu Âu như đã phân định trong hiệp ước Versaille. 

Chính sách của các lãnh đạo CSTQ trước Tập Cận Bình

Mặc dù bộ máy tuyên truyền Trung Cộng luôn rêu rao chủ quyền Biển Đông không thể tranh cãi của Trung Cộng và đã chứng minh qua hai ngàn năm lịch sử, giới lãnh đạo CSTQ cũng biết những lý luận đó chỉ để đun nồi nước sôi dân tộc cực đoan Đại Hán chứ không thể dùng để thuyết phục các quan tòa một khi cuộc tranh chấp được đưa ra trước một tòa án quốc tế. 

Bằng chứng, tháng 1 năm 2013, chính phủ Philippines chính thức đệ trình hồ sơ kiện Trung Cộng trước Tòa Án Quốc Tế. Hồ sơ của Philippines nộp lên gồm mười bộ với gần bốn ngàn trang tài liệu chứng minh chủ quyền của Philippines và phản bác các luận cứ cũng như quan điểm đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Cộng. Trung Cộng từ chối tranh tụng trước tòa. 

Chính sách truyền thống của Trung Cộng là gặm nhắm từng phần của Biển Đông. Sau Hoàng Sa, tháng 8 năm 1988 lần đầu tiên Trung Cộng đặt chân lên quần đảo Trường Sa sau trận Gạc Ma. Từ năm 1989 đến năm 1992 Trung Cộng chiếm một số đảo nhỏ khác của Trường Sa. Tháng 2 năm 1995 Trung Cộng chiếm đảo Vành Khăn (Mischief Reef) và một đảo khác do quân đội Philippines đóng.

Tập Cận Bình chủ trương độc chiếm Biển Đông

- Tập trung quyền lực 

Nhà bình luận Doug Bandow của Newsweek đưa ra câu hỏi liệu Tập Cận Bình sẽ trở thành một Mao thứ hai không phải là không có lý do. Khác với các lãnh tụ CSTQ sau Mao, Tập Cận Bình là nhà độc tài đầy tham vọng quyền lực. Nạn sùng bái cá nhân tại Trung Cộng tạm lắng trong ba chục năm qua đã bắt đầu tái phát. Bộ máy tuyên truyền CSTQ đang đánh bóng họ Tập như một lãnh tụ có quyền hạn tối thượng và tuyệt đối trong tập thể lãnh đạo Trung Cộng. Báo chi bắt đầu gọi y là ‘Lãnh tụ Trung tâm’ (The CORE), một danh hiệu chỉ dành để chỉ Đặng Tiểu Bình. 

Trong một bài bình luận đầu tháng Hai năm 2016 trên New York Times, nhà bình luận Chris Buckley nhắc đến sự kiện ngày càng đông các lãnh đạo địa phương tuyên bố trung thành với họ Tập. Vai trò lãnh đạo tập thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị và Ban Thường trực Bộ Chính trị bị đặt qua bên. Lãnh đạo mới được hiểu theo hình tháp và trên đỉnh là duy nhất Tập Cận Bình giống như trước đây chỉ có Mao.

Quách Kim Long (Guo Jinlong) tân bí thư thành ủy Bắc Kinh vừa tuyên bố một câu đầy đe dọa trên Bắc Kinh Nhật Báo “Trật tự thế giới mà chúng ta sống đang tiến hành một sự điều chỉnh và về đối nội, đây là giai đoạn quan trọng của những thay đổi sâu sắc. Hơn bao giờ hết, chúng tôi cần một lãnh đạo tối cao”. Cho đến nay, ít nhất 14 trong số các lãnh đạo cao cấp của đảng tuyên thệ trung thành trước họ Tập. 

Việc các viên chức cao cấp Trung Cộng tuyên thệ trung thành, thoạt nhìn chỉ là chuyện nội bộ của Trung Cộng, tuy nhiên, điều này cũng nhắc lại sự kiện các viên chức cao cấp và tướng lãnh Đức phải tuyên thệ trung thành với Hitler khi ông ta vừa nhậm chức Quốc Trưởng Đức và sau đó phát động chiến tranh thế giới. Không phải nhân dân Trung Hoa mà nhân dân các nước nhỏ láng giềng như Việt Nam, Philippines sẽ là những nạn nhân đầu tiên của ‘Lãnh tụ Trung tâm’ này. 

Giống như ý định của Mao khi gởi một triệu quân sang Triều Tiên năm 1950 hay của Đặng Tiểu Bình khi xua gần nửa triệu sang xâm lăng Việt Nam năm 1979, Tập Cận Bình cũng đang cố tình tạo một không khí chiến tranh chống kẻ thù của Trung Cộng để củng cố quyền lực nội địa. 

- Quân sự hóa Biển Đông

Việc Trung Cộng quân sự hóa những vùng chiếm được trên Biển Đông đã quá rõ ràng. Đô Đốc Harry Harris, Tư Lệnh Bộ Tư Lịnh Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận ‘Điều đó quá rõ, trừ phi bạn nghĩ rằng trái đất nầy là một mặt bằng, bạn mới nói là là không’. Đô Đốc Harry Harris cũng tin rằng Trung Cộng đã đặt các giàn hỏa tiễn địa không trên đảo Woody (Phú Lâm). Sau hỏa tiễn, Trung Cộng phối trí các phi cơ chiến đấu cũng trên đảo Phú Lâm. Khác với những lần trước, lần này có vẻ các chiến đấu cơ này sẽ là phần của căn cứ không quân thường trực. 

Sự hiện diện quân sự của Trung Cộng hiện nay trên Biển Đông chưa phải là một đe dọa trực tiếp đối với an ninh và quyền tự do hàng hải của Mỹ. Với sự chênh lệch còn quá xa về kỹ thuật và phương tiện chiến tranh nghiêng về phía Mỹ, nếu một xung đột quân sự xảy ra, những giàn hỏa tiễn và vài chiến đấu cơ đó sẽ nằm trong đáy biển trong vòng vài phút. 

Tuy nhiên, với các quốc gia nhỏ trong vùng sự hiện diện của chúng là những đe dọa trực tiếp. Sự ràng buộc và phụ thuộc vào nhau trong quan hệ kinh tế thương mại vô cùng sâu sắc và phức tạp giữa các cường quốc trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay, khả năng rất thấp để Mỹ có thể can thiệp vào các xung đột giữa hai nước. 

Biết điều đó nên lập trường giải quyết xung đột của Trung Cộng từ trước đến nay vẫn là giải quyết song phương thay vì đa phương để nếu có leo thang cũng chỉ leo thang giữa hai nước. Không có liên minh quân sự, Việt Nam hay Philippines đều không phải là đối thủ của Trung Cộng. 

- Thiết lập một ‘status quo’ mới trên Biển Đông

Theo Andrew Chubb trong một phân tích khá chi tiết trên The Diplomat, The South China Sea: Defining the 'Status Quo', trước 2013, khái niệm ‘status quo’ rất ít được sử dụng. Phía Trung Cộng chẳng những không dùng mà còn kết án. 

Lý do? Trong tình trạng hiện nay của quần đảo Trường Sa, số lượng đơn vị đảo do Trung Cộng chiếm (5 đơn vị) vẫn còn ít hơn số đảo Việt Nam đang giữ (21 đơn vị). Đơn vị được xác định theo tiêu chuẩn đảo, vùng đá nổi hay vùng đá chìm. Nếu một ‘status quo’ chỉ dựa trong tình trạng hiện nay, chắc chắn không phải là một hiện trạng mà Trung Cộng muốn. 

Trung Cộng có ý định phá vỡ ‘status quo’ đang có để thiết lập một ‘status quo’ mới phù hợp với quan điểm bành trướng đã phác họa trong’đường lưỡi bò 9 đoạn’ và sau đó vào tháng 6 năm 2014 lại tự ý bổ sung thêm một đoạn nữa. Trung Cộng tuyên bố khoảng 90% Biển Đông thuộc về Trung Cộng và đó cũng là ‘status quo’ mới mà Tập Cận Bình đang nhắm tới.

Để thiết lập được ‘status quo’ mới đó, Tập Cận Bình đưa ra chủ trương gồm hai mặt. Mặt đối ngoại, Tập Cận Bình kêu gọi các bên tranh chấp tự chế các hành động quân sự và giải quyết mọi xung đột bằng các phương tiện hòa bình; mặt đối nội, họ Tập chỉ thị cấp tốc quân sự hóa các vùng đã chiếm được. 

Thoạt nghe, hai mặt, vừa thảo luận hòa bình mà vừa lại quân sự hóa, dường như mâu thuẫn. Không, với họ Tập chủ trương hai mặt lại hổ trợ cho nhau một cách hữu hiệu. Các cường quốc cũng như các nước đang tranh chấp khó có một phản ứng thích hợp trước các hành động bành trướng ngang ngược của Trung Cộng.

Tập Cận Bình thúc đẩy ‘status quo’ mới không chỉ bằng số lượng đảo chiếm được hay mở rộng vùng biển rộng mà còn qua mức độ của việc xây dựng các đảo nhân tạo, phi trường, công trình dân sự, quân sự. Những khai triển này bị Mỹ kết án là vi phạm ‘status quo’. Lãnh đạo Trung Cộng lý luận việc xây dựng các phương tiện dù dân sự hay quân sự cũng chỉ xây dựng trên ‘lãnh thổ’ Trung Quốc như họ đã làm từ nhiều năm nay chứ không xâm phạm lãnh thổ của quốc gia nào và lập đi lập lai sẽ không dùng các phương tiện này để xâm lược các quốc gia khác. 

Kết luận

Đáp lai những phê bình của Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây nói rằng việc Trung Quốc phối trí quân sự trên Biển Đông cũng không khác gì Mỹ phối trí quân sự trong khu vực Hawaii. Câu nói ngang ngược và ngu xuẩn vì không có nước nào tranh chấp chủ quyền với một tiểu bang của Mỹ, nhưng phản ảnh chủ trương của Tập Cận Bình không chỉ lấn chiếm mà còn dân sự hóa, quân sự hóa lâu dài, nói rõ hơn để thiết lập một ‘status quo’ mới trên Biển Đông và đặt không chỉ riêng Mỹ mà cả thế giới trước một tình trạng đã rồi. 

Rất tiếc, như lịch sử thế giới đã chứng minh, các thay đổi ‘status quo’ về lãnh thổ đều dẫn đến chiến tranh. Con đường thoát duy nhất mà một nước nhỏ, trong trường hợp này là Việt Nam, phải chọn là thực hiện cho bằng được các điểm mà Trung Cộng né tránh và khai thác tối đa các điểm yếu của Trung Cộng, trong đó có (1) dân chủ và hiện đại hóa đất nước, (2) tập trung sức mạnh đoàn kết dân tộc, (3) nhanh chóng chiến lược hóa vị trí Việt Nam, (4) liên kết với các nước bất đồng quyền lợi với Trung Cộng, và (5) chuẩn bị chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

27.02.2016