Phản ảnh từ bài “Tẩy chay hay tự ứng cử” của t/g Bùi Quang Vơm
Đả Cẩu Bổng (Danlambao) - Gần hai tuần qua, kể từ khi lời kêu gọi “Tự Ứng Cử”
của ông Nguyễn Quang A được phổ biến, cộng đồng mạng trở nên sôi nổi,
người theo kẻ chống. Và sau khi lời kêu gọi thứ hai “Tẩy Chay Bầu Cử”
trong bài “Vấn đề không phải là tự ứng cử mà cần tẩy chay bầu cử Quốc hội cộng sản”
của t/g Người Đưa Tin thì bắt đầu người ta có hai khuynh hướng để lựa
chọn ủng hộ. Đúng ra tuy có hai phía ủng hộ cho hai khuynh hướng đối
nhau, và dù giữ vững lập trường, tương đối hầu hết không vì thế mà đả
kích lẫn nhau. Cũng có phản bác hoặc biểu hiện không ủng hộ, cũng chỉ
nhằm vào sự kiện chứ rất ít người nhằm vài tác giả chủ xướng. Không khí
dù có sôi động hơn nhưng hòa khí vẫn chưa có gì coi là nghiêm trọng. Tuy
nhiên sự “bất bình thường” bắt đầu khởi đi từ bài “Tẩy chay hay tự ứng cử”
của t/g Bùi Quang Vơm đưa lên mạng ngày 14/2/2016. Sự “bất bình thường”
tôi muốn nói ở đây là thâm ý hiểm độc trong toàn nội dung bài viết mà
tôi xin trình bày dưới đây.
Tự Ứng Cử.
Thực ra bản chất của việc “Tự Ứng Cử” tự nó, trên lý thuyết không
có gì xấu. Trong một xã hội tự do, có tam quyền phân lập, người dân
thực sự được quyền làm chủ đất nước thì việc ứng cử, tham gia vào dòng
chính là điều cần thiết và cần được khuyến khích. Nhưng với cơ cấu tổ
chức tại Việt Nam, thực tế hoàn toàn khác, từ hạ tầng cho tới thượng
tầng đều quy tụ trực thuộc vào đảng. Theo hiến pháp CHXHCNVN thi Quốc
Hội là cơ quan quyền lực tối cao của cả nước, nhưng cái tròng tréo là
đảng lại là cái bàn tọa ngồi trên đầu cả nước, tức là trên cả đầu Quốc
Hôi. Bởi Quốc Hội thực chất cũng từ đảng mà ra, tất cả nhân sự là người
của đảng, cho nên tất cả quyết định phải ở trong khuôn khổ quy luật của
đảng.
Vậy khi ứng cử vào Quốc Hội, do “Đảng Cử” hay “Tự Ứng Cử”,
thì dù muốn hay không, cũng bắt buộc phải chấp nhận tuân thủ những luật
lệ quy định của Quốc Hội, hiển nhiên cũng phải chấp nhận nằm dưới sự
lãnh đạo của đảng, không thể khác hơn. Bởi nếu đã đồng ý bước vào “căn
nhà” Quốc Hội thì phải chấp nhận điều kiện căn bản là “Nhập Gia” thì phải “Tùy Tục”. Đây là nói về trường hợp ứng cử viên được suôn sẻ lọt qua các vòng loại để sẵn sàng cho giai đoạn “Bầu”.
Điều mà nhiều người đặt ra là, với những thủ đoạn bẩn thỉu của đảng CSVN, những người “Tự Ứng Cử” thì làm sao lọt được qua vòng loại? Nghĩa là đảng sẽ không chấp nhận cho bất cứ ai ngoài danh sách “Đảng Cử” lọt vào Quốc Hội, nói chung là cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cái nhức nhối, lơi và hại, lại có thể là diễn tiến ngược lại.
Để vô hiệu hóa tiếng nói đòi hỏi dân chủ, đảng có thể đã “học hỏi” mà không cần đến sự nhắc nhở của ông Nguyễn Quang A “…Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi…”.
Có điều là mục đích từ cái “học hỏi”của đảng không phải để làm tốt cho
nhân dân, cho xã hội, cho đất nước, mà đảng “học hỏi” kinh nghiệm để làm
sao chứng minh cái câu “hài” của Nguyễn Phú Trọng “Dân Chủ Đến Thế Là Cùng”. Tôi xin nêu ra đây hai trường hợp:
Trường hợp một, cứ coi như người “Tự Ứng Cử” được lọt vào chung kết.
Khâu đếm và kiểm phiếu đều nằm trong tay đảng, với quyền lực và mọi thủ
đoạn, việc “hô biến” phiếu do dân bầu cho người “Tự Ứng Cử” không phải
là truyện thần thoại. Dựa theo số phiếu (sau khi hô biến), Quốc Hội
“Đảng” tuyên bố với bàn dân thiên hạ rằng ứng cử viên “Tự Ứng Cử”… thất
cử. Ứng viên “Tự Ứng Cử” không quyền cũng không lực, lấy bằng chừng gì
để dám tố cáo là đảng gian lận mà không mang tôi... vu khống đảng. Chả
phải là đảng đã thực hiện “Dân Chủ Đến Thế Là Cùng” đấy sao?! Có trách là trách dân chứ đảng…vô can.
Trường hợp thứ hai, đảng sẵn sang cho vài ứng viên “Tự Ứng Cử” được
“Nhập Gia” thì như đã nói trên, với điều lệ ắt có phải là “Nhập Tục”.
Liệu vài đại biểu “Tự Ứng Cử” có lội ngược được với 500 ngọn sóng nhập
lại cùng với ngọn bão của đảng không? Hay sẽ “từ từ” bị xoáy vào cái lỗ
đen của đảng? Với vài đại biểu “Tự Ứng Cử” có đủ lực để làm nghiêng cán
cân quốc hội cho một quyết định nào đó không? Chắc chắn 100% là “Không”.
Đa số thắng thiểu số có gì là không đúng?!!!
Kết quả là cả hai trường hợp, đảng đều chiếm tiện nghi để lại sẵn sang “tái” khẳng định “Đảng Ta Dân Chủ Đến Thế Là Cùng”.
Đây là điểm chính mà những người không ủng hộ “Tự Ứng Cử” quan tâm.
Cũng phải xin nói thêm là, sở dĩ trước nay ứng viên “Tự Ứng Cử” không có
cơ hội lọt qua vòng loại có thể không phải vì đảng quá sợ, mà có thể
chỉ vì “ghế êm” thì ít mà “mông đít” thì nhiều.
Tẩy Chay Bầu Cử.
Trong bài “Tẩy chay hay tự ứng cử”, t/g Bùi Quang Vơm lập luận “Nếu
tẩy chay nghĩa là không tham gia, không ủng hộ, và mặc kệ cho chính
quyền muốn làm gì thì làm, chúng ta, những người dân chỉ không thừa nhận
nó là đủ, thì đây chính là mục đích của chế độ, chính là mong muốn mọi
việc để "Nhà nước lo" của đảng cộng sản.”.
Và rằng “Việc tẩy chay dĩ nhiên không làm cho việc tổ chức bầu cử
không thực hiện được, mà là tạo chỗ trống, bôi trơn cho việc thực hiện
được thực hiện dễ dàng hơn và đúng thiết kế hơn. Lịch sử từ hơn nửa thế
kỷ nay vẫn vậy. Chính quyền này đã mặc nhiên tồn tại, mặc nhiên khuếch
trương quyền thế, mặc nhiên tích tụ công cụ quyền lực, chỉ nhờ sự bất
hợp tác, không can dự của phần còn lại của quần chúng bị trị. Nó không
chết vì bị tẩy chay, mà ngược lại, nó mạnh lên nhờ tẩy chay, nhờ một
mình một cỗ.”
Vô tình hay cố ý, t/g Bùi Quang Vơm đã gắng gượng gán ghép, định hướng ý
tưởng sai lạc và nghịch lý với ý nghĩa nghiêm túc của sự kiện “Tẩy Chay Bầu Cử”. Nhìn ở diện rộng hơn, “Tẩy Chay Bầu Cử” không chỉ đơn thuần “là không tham gia, không ủng hộ, và mặc kệ cho chính quyền muốn làm gì thì làm”,
mà còn mang ý nghĩa của một trong những hành động “Bất Tuân Dân Sự”
(Civil Disobedience), điều mà mọi quốc gia chứ không riêng đảng CSVN đều
lo ngại, không bao giờ muốn xảy ra. “Bất Tuân Dân Sự” chính là “phương
thức không mới”, như Bùi Quang Vơm phát hiện, nhưng cũng không phải gần
đây, mà ít ra đã khởi đi từ thời Gandhi của Ấn Độ chống lại đế quốc Anh
thành công cách nay hơn một thế kỷ.
Một khi mà người dân có thể vượt qua được một hai cái “Bất Tuân Dân Sự”,
tức là vượt qua được một hai chặng đường “sợ hãi” thì những bước đột
phá kế tiếp sẽ không xa lắm. Như lời ls Nguyễn Văn Đài: "Do vậy, tôi
cho rằng đây chỉ là một sự khởi đầu. Tôi nghĩ rằng từ giờ tới cuối năm,
hay sang năm, thì phong trào bất tuân dân sự, phong trào xuống đường khi
có một sự kiện nào đó, sẽ mạnh mẽ và trở nên dữ dội hơn”.
Dĩ nhiên có nhiều hình thức, nhiều phương cách để phổ biến, hô hào cho
hành động “Tẩy Chay” hay nói chung là “Bất Tuân Dân Sự” không cần bàn ở
đây. Tuy vậy, dù an toàn cách mấy thì chuyên rủi ro vẫn có thể xảy ra và
phải chấp nhận trong bất cứ công cuộc đấu tranh nào, chứ không thể ngồi
trong căn hầm kiên cố, tuyệt đối an toàn mà tính chuyện “đại sự” được.
Đó là điều đảng dứt khoát không thể để xảy ra.
Nếu cho rằng chính quyền hay rõ hơn là đảng “mong muốn” nhân dân “Tẩy
Chay Bầu Cử” thì chính Bùi Quang Vơm cứ thử đi hô hào nhân dân “Tẩy Chay
Bầu Cử” xem đảng sẽ phản ứng ra sao?. Tại sao cứ tới kỳ bầu cử đảng lại
phải đưa cán bộ đi hô hào, thậm chí còn có hình thức đe dọa người dân
đi bầu nếu thực sự đảng không muốn dân đi bầu ?
Đúng! Đảng không cần lá phiếu của nhân dân vì 99.99% số ghế đã được đảng
chọn những cái “đít” nào được ngồi rồi. Nhưng Bùi Quang Vơm quên một
chuyện, đó là “Cái Mặt Của Đảng”, đảng cần hình ảnh đông đảo của nhân
dân tại địa điểm đặt thùng phiếu, còn cái gì lọt vào thùng phiếu không
phải là cái đảng quan tâm. Và phải thế đảng mới có thể khoe với thế giới
là nhân dân VN “nhất trí” theo đảng và “Đảng Ta Dân Chủ Đến Thế Là Cùng” được chứ.
Kết Luận.
Nếu bỏ thời giờ đọc kỹ bài “Tẩy chay hay tự ứng cử”, độc giả
không khó để nhận ra mục đích mà tôi cho là không “lương thiện” của t/g
Bùi Quang Vơm. T/g đã cố gắng chỉ ra một số tiêu cực của đảng để cho mọi
người (chống cộng sản) có cảm tưởng như Bùi Quang Vơm là đồng minh của
mình. Nhưng rõ ràng Bùi Quang Vơm vẫn chủ trương cho sự tồn tại của chế
độ, và hiển nhiên là không có chuyện “lật đổ” chế độ. Bùi Quang Vơm cũng
gián tiếp kêu gọi hợp tác với chế độ bằng lý lẽ luồn lách “Phương
thức này (bất hợp tác với CSVN) không sai, nhưng thiếu tính khả thi, và
thực tế nhiều năm đã chứng minh rằng phương thức này không đem lại hiệu
quả.”. Sự thực là chủ trương “bất hợp tác” không hiệu quả là do chỉ
thể hiện ở hải ngoại chứ chưa từng được phát đông và thi hành trong nước
VN, là nơi đảng quan tâm và lo sợ.
Nếu “Chủ nghĩa cộng sản bản thân nó không có lỗi” như lời Bùi Quang Vơm thì tại sao không giúp nó thêm thăng tiến mà phải “Chúng ta sẽ tích cực dấn thân tự nguyện tham gia để giúp nó biến mất một cách ôn hòa”.
Bùi Quang Vơm chắc chắn biết rõ cái đảng cần chính là cái “đấu tranh ôn
hòa” này đây. Cứ xem cái gương “ôn hòa” đảng đang thực hiện để “đấu
tranh” giành chủ quyền biển đảo từ tay Tàu cộng là hình dung ra ngay
thôi. Ôn hòa không chỉ có nghĩa là ngồi đọc thần chú, làm đơn xin hay
dâng kiến nghị, không được đáp ứng lại… im hơi nghỉ mệt, mà còn phải đi
đôi với hành động tạo áp lực, hậu thuẫn cho những đòi hỏi ôn hòa nữa.
Bùi Quang Vơm cũng đã khôn khéo luồn vào bài nhưng lời và cả cá nhân ông
Nguyễn Quang A, nhân vật tương đối có uy tín, cho ta mơ hồ có cảm tưởng
nội dung bài của Bùi Quang Vơm cũng là quan điểm của ông Nguyễn Quang
A. Phản bác Bùi Quang Vơm có thể đông nghĩa phản bác ông Nguyễn Quang A
(điều mà người ta không hoặc chưa muốn trong lúc này), và phản bác ông
Nguyễn Quang A cũng có thể đông nghĩa phản bác những người ủng hộ ông
Nguyễn Quang A.
Lời Bùi Quang Vơm: “…Nói đúng ra nó không mang tính Cách mạng theo quan niệm là một cuộc lật đổ thô bạo”,
ngay sau đó Bùi Quang Vơm đưa tên ông Nguyễn Quang A để lập lững như
thể ý vừa rồi là từ ông Nguyễn Quang A. Ý tôi muốn chỉ ra là hai chữ
“thô bạo” mang hàm ý xấu, gán ghép cho những người chủ trương xóa bỏ (có
thể hiểu là lật đổ) chế độ CS, khác với hai chữ “bạo động”.
Tuy nhiên, cái ý đồ không “lương thiện” nhất của Bùi Quang Vơm xuất hiện ở nửa phần sau của bài.
Bùi Quang Vơm đã cố tình “lận” khi đưa ra hình ảnh đấu tranh của những người thuộc Việt Nam Cộng Hòa trong đoạn “Cũng
phải nói ngay rằng, đây là phương thức không mới, nó được tranh luận từ
rất lâu, và được ủng hộ bởi nhiều người, nhiều nhà hoạt động vận động
dân chủ, nhất là những người có xuất xứ ít nhiều liên quan tới chính phủ
Việt Nam Cộng hòa. Thật dễ hiểu khi tồn tại một tư tưởng từ chối tất cả
những gì được gọi là của kẻ thù…”. Đây là thủ đoạn không “lương
thiện” của Bùi Quang Vơm với mục đích gây chia rẽ, tách rời tinh thần
chung trong công cuộc đấu tranh chống chế độ CS.
Nên nhớ thành phần chống cộng mà Bùi Quang Vơm gọi là những người thuộc
VNCH, hầu hết từ hải ngoại, họ có đời sống tự do, vật chất đầy đủ, hiện
nay họ không trực tiếp bị đảng CSVN đàn áp, họ không còn bị đảng cướp
đất, phá nhà, cho nên họ không có lý do nào khác hơn là vì quan tâm đến
những khốn khổ của đồng bào VN của họ, vì họ còn luôn thao thức về mối
nguy bắc thuộc ngày càng cận kề của đất nước họ. Họ không hưởng và cũng
không cần hưởng được gì trong công cuộc đấu tranh này. Nếu nói đến chữ
“thù” thì chính đảng CSVN mới là kẻ luôn coi họ là kẻ thù. Không chỉ
riêng họ, mà đảng CSVN coi tất cả những người dân chống lại bất công,
cướp bóc của đảng đều là kẻ thù bằng tội danh gán cho họ là “phản động”,
là theo “thế lực thù địch”, là “âm mưu lật đổ chính quyền” v.v… mặc dù
họ chả có một thứ vũ khí hay lực lượng nào trong tay.
Đoạn không “lương thiện” kế tiếp, Bùi Quang Vơm vờ “lương thiện” đặt ra
nghi vấn là có thành phần “tay sai cho cộng sản” gài vào khuynh hướng
“Tẩy Chay Bầu Cử” trong đoạn “Chẳng nhẽ quy cho dòng tranh luận này,
quy cho những người cổ xúy cho tẩy chay là tay sai cho cộng sản? Dù
không phải là tất cả, nhưng chắc chắn là có. Sẽ có những phần tử ăn
lương của chính quyền như các dư luận viên, hay công an giả dạng côn đồ.
Khẩu hiệu của họ sẽ là "Không hợp tác với cộng sản, hãy để mặc chúng
muốn làm gì thì làm". Dĩ nhiên cũng có thể có đấy, nhưng thực chất
là Bùi Quang Vơm rõ ràng có ý đồ gián tiếp chụp mũ, gây ngộ nhận và chia
rẽ ngay trong cộng đồng chống chế độ CS của các trang báo “lề dân” qua
kết luận xuyên tạc “Cũng có người vô tội, tẩy chay chỉ vì quá ghét. Nhưng kể cả họ vô tội, họ cũng vô tình thành người có lợi cho cộng sản.”.
Tại sao lại “chỉ vì quá ghét” ? Không phải thế! Người ta tẩy chay là vi
người ta không tin tưởng vào loại ứng cử “bỏ túi” của đảng CSVN, người
ta không tin tưởng cả cái quốc hội bù nhìn chỉ có bổn phận “Gật” theo
đảng, chứ không phải “chỉ vì quá ghét” đâu Bùi Quang Vơm.
Con dao hai lưỡi, có khi nào Bùi Quang Vơm đặt lại vấn đề là, biết đâu
chính Bùi Quang Vơm đang là “tay sai cho cộng sản” gài vào để phà kế
hoạch "Tự Ứng Cử"? Tạo làn sóng chống đối những người “Tự Ứng Cử “ như
ông Nguyễn Quang A? Và ông Nguyễn Quang A chỉ còn nước kêu trời:
"Vơm ơi! Chú hại anh rồi Rơm ơi!"
Bùi Quang Vơm nên ghi nhớ một điều “Không Có Cái Khóa Nào Khóa Được Cánh Cứa Sự Thật”.
16/2/2016
Chuyện về bầu và cử
Nguyễn Mạnh Hùng (Danlambao) - Với
cơ chế bầu cử hiện nay có thể thấy rõ các vị trí chủ chốt thay mặt cử
tri nắm quyền lực nhà nước, quản lý và điều hành đất nước đã được định
sẵn từ trung ương tới địa phương; nhiều đại biểu có thể tự công bố mình
trúng cử và có đủ tư cách đại biểu mà không cần phải tổ chức bầu cử tốn
tiền thuế của dân. Về phần người dân cũng đỡ uổng phí thời gian, nhọc
công vô ích, có thêm được một ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị bươn
trải kiếm sống cho tuần lễ kế tiếp...
*
Những ngày qua, dân mạng xôn xao với phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Việt Nam dân chủ thế này là cùng”. Trong một thể chế độc đảng, cơ chế bầu cử áp đặt cho quyền làm chủ đất nước của công dân như thế nào?
Thuật ngữ “bầu cử” có thể hiểu nôm na là công dân, với tư
cách người chủ đất nước chọn người mình tin tưởng để cử người đó thay
mặt mình quản lý và điều hành đất nước. Bầu cử cũng được hiểu là cách
thức nhân dân trao quyền quản lý và điều hành đất nước cho một số người
một cách minh bạch ngay thẳng. Trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà
nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân. Để chuyển sự
nhất trí đó thành quyền lực nhà nước, phải tổ chức bầu cử tự do, dân chủ
và công bằng.
Theo Hiến pháp VN, Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 quy định: “Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc
về Nhân dân...”.
Điều 6 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước
bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội
đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Điều 69 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao
nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Khoản 1 Điều 117 quy định: “Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ
quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc
hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các
cấp.
Theo hiến định thì Quốc hội và Hội đồng bầu cử (HĐBC) đều do cử tri bầu
ra và trao quyền. Các đại biểu được bầu phải chịu trách nhiệm trước cử
tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước, tính độc lập của thiết chế này
là ở chỗ đó. Với tư cách là chủ thể của quyền lập hiến, thông qua các
đại biểu và thông qua Quốc hội, nhân dân trao quyền cho Quốc hội thành
lập HĐBC thay mặt mình tổ chức và điều hành các cuộc bầu cử. Như vậy,
xét về phương diện tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì Quốc
hội cũng như HĐBC đều do nhân dân trao quyền, các cơ quan này phải làm
theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ngoài ra không một tổ chức nào, cơ
quan nào có thẩm quyền chỉ đạo, lãnh đạo Quốc hội và HĐBC. Các đại biểu
Quốc hội và thành viên HĐBC cũng không có nghĩa vụ phải tuân theo chỉ
thị của bất cứ tổ chức nào, cơ quan nào kể cả đcsVN.
Trên thực tế, phương pháp này được thể hiện cách tùy tiện, chỉ là hình
thức áp đặt, nhân dân không được lựa chọn người đại diện xứng đáng nhất
cho mình. Người viết xin đưa ra một số luận điểm dưới đây để làm sáng tỏ
nhận định trên.
Thứ nhất: Thành lập HĐBC vi Hiến.
Trước khi thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia 20 ngày, ngày 4/1 Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị số
51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong 8 nhiệm vụ
lãnh đạo bầu cử có các nhiệm vụ: Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự.... Điều
này là vi hiến, vì theo Hiến pháp thì cử tri giao quyền cho Quốc hội và
HĐBC quốc gia, do đó HĐBC quốc gia chỉ chịu trách nhiệm với cử tri.
Ngoài ra pháp luật không quy định HĐBC quốc gia phải chịu sự lãnh đạo
của bất cứ cơ quan, tổ chức nào.
Theo VOV.VN, trong ngày 24/11/2015 các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu
thành lập HĐBC quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng; đồng thời thảo luận về
đề nghị Quốc hội phê chuẩn các Phó Chủ tịch và Ủy viên HĐBC quốc gia.
Kết quả ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch HĐBC, các Phó chủ tịch và hầu
hết Ủy viên của HĐBC là đại biểu Quốc hội, Bộ Trưởng công an, Bộ Trưởng
quốc phòng, ủy viên BCT và TƯ đảng. Chính những người nằm trong HĐBC
quốc gia này cũng lại là ứng cử viên do đảng đề cử.
Như vậy HĐBC này được thành lập do sự chỉ đảo của đcs chứ không phải do
ý chí của nhân dân như đã được hiến định. Đây là việc làm vi hiến, tiếm
quyền làm chủ đất nước của nhân dân.
Thứ hai: Áp đặt các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
Theo Hiến pháp và pháp luật, sau khi có kết quả bầu cử, đến kỳ họp thứ
nhất của Quốc hội khóa 14, tức là vào tháng 7/2016 thì Quốc hội khóa 14
mới bầu Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14, bầu Chủ tịch Quốc hội rồi bầu
Chủ tịch nước, bầu Thủ tướng Chính phủ trong số đại biểu Quốc hội.
Sáng 24-1, trao đổi bên lề Đại hội Đảng 12 ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên
Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam xác nhận rằng: Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương
khóa XI đã nhất trí giới thiệu Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng
Công an cho chức danh Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho
chức danh Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim
Ngân cho chức danh Chủ tịch Quốc hội. Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, khi
Đại hội XII kết thúc và việc bầu 4 vị trị chủ chốt theo đúng như công
tác chuẩn bị nhân sự của Ban chấp hành Trung ương khoá XI thì chỉ có
Tổng Bí thư là giữ ngay trọng trách của mình; 3 chức danh còn lại là
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội phải chờ đến
Quốc hội khoá XIV sau cuộc bầu cử vào ngày 22-5-2016.
Câu hỏi đặt ra:
Nếu kết quả bầu cử Quốc hội các ông bà Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân không trúng cử đại biểu Quốc hội thì sao???
Nếu kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 vào tháng 7/2016 các ông bà này cũng không được bầu vào các chức vụ trên thì sao???
Phải chăng, để áp đặt chức danh cho 3 người trên, ông Nguyễn Phú Trọng
đã thay mặt BCT ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW chỉ đạo buộc Quốc hội phải
bầu các ông bà này vào HĐBC quốc gia. Khi đó chính các ông bà này sẽ là
những người lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử; giải quyết mọi khiếu nại –
tố cáo về công tác bầu cử; kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử; tự
thẩm tra tư cách ứng cử và tự xác nhận tư cách trúng cử đại biểu Quốc
hội của mình; tự công bố mình trúng cử. Nói tóm lại họ là những người vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Thứ ba: Cơ chế hiệp thương.
Theo khoản 5 Điều 4 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người
ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia
giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp”.
Tuy nhiên, theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam là một tổ chức chính trị do đcsVN lập ra và chịu sự lãnh đạo
của đcsVN: Ngày 18 tháng 11 năm 1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng
sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức
đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất (ngày nay là Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam). Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) được Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 đã thông qua
ngày 12 tháng 6 năm 1999, cũng khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là
một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” (Khoản 2, Điều 1).
Tại Đại hội MTTQVN lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019) cũng khẳng định:
“Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt
trận” (Được ghi trong Điều lệ MTTQVN do Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt
trận TQVN lần thứ VII thông qua ngày 30/9/2009). Như vậy MTTQVN phải
chịu sự lãnh đạo của đcs thì khi tham gia công tác bầu cử sẽ không bảo
đảm công bằng, dân chủ.
Vì vậy, quá trình hiệp thương thật sự chỉ là việc hợp thức hoá sự chỉ
đạo định hướng từ cấp trên chứ không làm theo ý chí, nguyện vọng của
nhân dân. Việc pháp luật hiện hành đề cao vai trò của MTTQVN như trên
trong việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là vi
hiến.
Thứ tư: Cơ chế giám sát, giải quyết khiếu nại - tố cáo.
Quốc hội là cơ quan vừa chỉ đạo, vừa giám sát bầu cử. Trong mối quan hệ
với Quốc hội, HĐBC chịu trách nhiệm báo cáo công tác bầu cử với Quốc
hội, nhưng hầu hết ủy viên HĐBC lại chính là những người lãnh đạo trong
Quốc hội, BCT và trung ương đcs. MTTQVN là chủ thể duy nhất lập danh
sách ứng cử viên, tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử
và tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội. Với cơ chế chỉ đạo,
giám sát, hiệp thương, kiểm phiếu trong hoạt động bầu cử như vậy thì
liệu có bảo đảm khách quan không??? Việc giải quyết khiếu nại – tố cáo
liệu có đúng pháp luật và nghiêm túc không??? Những người vừa là ứng cử
viên, vừa thẩm tra tư cách ứng cử viên, chỉ đạo bầu cử, giám sát bầu cử,
cũng là người xác định người trúng cử, công bố người trúng cử có khi
nào bị loại không??? Đặc biệt là 3 vị trí chủ chốt đã được định sẵn trước khi thành lập HĐBC quốc gia.
Kết luận:
Với cơ chế bầu cử như trên có thể thấy rõ các vị trí chủ chốt thay mặt
cử tri nắm quyền lực nhà nước, quản lý và điều hành đất nước đã được
định sẵn từ trung ương tới địa phương. Các vị trí còn lại chỉ là những
nét điểm tô cho cái gọi là “Việt Nam dân chủ thế này là cùng” của ông Nguyễn Phú Trọng và lời hứa của Chủ tịch HĐBC Nguyễn Sinh Hùng: “Tôi
hứa làm hết sức mình, tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật để
cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật”.
Với cách tổ chức bầu cử và cơ chế bầu cử theo quy định này thì đối với
nhiều đại biểu có thể tự mình công bố mình trúng cử và có đủ tư cách đại
biểu mà không cần phải tổ chức bầu cử tốn tiền thuế của dân. Về phần
người dân cũng đỡ uổng phí thời gian, nhọc công vô ích, có thêm được một
ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị bươn trải kiếm sống cho tuần lễ kế
tiếp. Hy vọng toàn dân sớm nhận ra điều này và sử dụng quyền làm chủ đất
nước của mình ngay trong cuộc bầu cử ngày 22/5/2016.
Sài Gòn