I. Thế nào là một chính thể yêu nước thương dân:
Một chính thể yêu nước thương dân trước hết phải kính trọng người dân.
Kính trọng người dân có nghĩa là kính trọng trí tuệ và sự thông minh của
họ. Các chính quyền cộng sản phát xuất từ giáo điều của Lê Nin. Lê Nin
là một trí thức người Nga trong giai đoạn nước Nga thoát thai từ chế độ
Nga Sa Hoàng và dân Nga chỉ là những nông nô thấp hèn. Lê Nin làm cách
mạng nhưng luôn mang trong tâm thức một sự khinh bỉ sâu xa trí tuệ của
giới vô sản vốn là hậu thân của những nông nô đó.
Đảng CSVN thừa hưởng sự khinh bỉ trí tuệ của dân Việt qua các mánh khóe rẻ tiền liên hệ đến các cuộc bầu cử như sau:
II. Tại sao CSVN phải bầu quốc hội tháng 5, 2016?
Khía cạnh hiến pháp:
Trước hết hiến pháp quy định nhiệm kỳ quốc hội là 5 năm. Tức năm 2016 phải bầu lại.
Điều 71
“1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là năm năm.
2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.
3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại
biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc
kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai
tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.”
Sau đó, điều 27 cũng xác định quyền bầu cử và ứng cử của mọi công dân như sau:
Điều 27
“Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt
tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực
hiện các quyền này do luật định.”
III. Tại sao các nhà đấu tranh dân chủ cần phải ứng cử vào quốc hội?
Nếu các nhà đấu tranh dân chủ muốn có tiếng nói trong cơ quan quyền lực cao nhất tại Việt Nam thì phải ứng cử vào quốc hội.
Tuy trên thực chất, Việt Nam là một chế độ độc tài đảng trị, nhưng trên
nguyên tắc, qua hiến pháp 2013 cũng như những hiến pháp cộng sản trước
đó, thì bản chất chế độ chính trị là quốc hội chế hoặc đại nghị chế.
Tức là sự tối cao của quốc hội. Tương tự như Anh Quốc, Ấn Độ, Canada, Úc và Tân Tây Lan.
Quốc hội là tối cao. Chính vì thế, điều 70 (7) của HP ghi rõ quyền hạn của QH như sau:
“7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ
tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng
Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà
nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề
nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng
và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê
chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu
cử quốc gia.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính
phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ
quốc, Nhân dân và Hiến pháp;”
Có nghĩa là theo đúng quốc hội chế, từ quốc hội (vốn là lập pháp) sẽ nảy
sanh ra hành pháp (chủ tịch nước, thủ tướng) và tư pháp (chánh án tòa
án nhân dân tối cao). Có nghĩa là trong quốc hội chế, không có tam quyền
phân lập (separation of powers) khắt khe theo Montesquieu (như tại Hoa
Kỳ và các quốc gia theo tổng thống chế).
Để bù những khuyết điểm này, thì quốc hội chế có 2 khía cạnh bảo đảm dân chủ thực sự:
1. Đảng nắm đa số và thành lập chính phủ luôn bị sự hiện diện của một chính phủ đối lập chính thức trong quốc hội đối trọng;
2. Tư pháp như tối cao pháp viện tuy được quốc hội bổ nhiệm nhưng một
khi các vị thẩm phán được bổ nhiệm thì nhiệm kỳ không giới hạn, trừ
tuổi tác và sự kiện không còn khả năng trí tuệ mà thôi. Điều này bảo đảm
tính độc lập tuyệt đối của tư pháp.
Đảng CSVN không cho phép sự hiện hữu của đối lập trong quốc hội và giới
hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán cũng như tính đảng của họ. Chính vì thế
không có dân chủ và cũng không có tư pháp độc lập.
IV. Thủ
thuật lừa gạt thứ nhất là CSVN cố tình không chấp nhận một định chế tư
pháp độc lập để phán quyết tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật
của lập pháp (legislation), hoặc một tác động của hành pháp (executive
action) hoặc của bất cứ một đệ tam nhân nào
Tuy nhiên, khuyết điểm lớn nhất của HP Việt Nam là sự hoàn toàn vắng
bóng của một định chế độc lập (independent institution) để phán quyết về
tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp hoặc một tác
động của hành pháp. Các quốc gia dân chủ chân chính, dù quốc hội chế hay
tổng thống chế hoặc mô thức dung hợp giữa hai, đều có một Tối Cao Pháp
Viện (Supreme Court) với thẩm quyền nguyên thủy (original jurisdiction)
hoặc Tòa Án Hiến Pháp (Constituional Court) hầu phán quyết về tính hợp
hiến hoặc vi hiến của một sắc luật của lập pháp (legislation) hoặc tác
động của hành pháp (executive action).
Thay vì một định chế độc lập thì điều 74 HP lại trao cho chính Ủy Ban
Thường Vụ Quốc Hội trách nhiệm xét tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc
luật hoặc một tác động của hành pháp. Trách nhiệm này cũng được chia xẻ
ở mức độ giới hạn hơn cho thủ tướng. Và sau cùng, để cho tình trạng trở
nên hỗn loạn hơn, điều 119 của HP ghi:
“Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định”
Cho tới bây giờ, đã hơn 2 năm, chưa thấy có cơ chế nào ra đời cả.
Điều này có hâu quả rất nghiêm trọng cho tính thiếu dân chủ của toàn bộ
hiến pháp vì phe nhóm đang nắm quyền sẽ có quyền lực vô giới hạn, vượt
ra ngoài sự kềm tỏa của hiến pháp và đứng trên hiến pháp như đảng CSVN
bây giờ.
V. Thủ thuật lừa gạt thứ nhì là Luật bầu cử Đại Biểu Quốc Hội 1997
Sự hỗn loạn hiến pháp cố ý, và sự vắng bóng của một định chế độc lập về
tính hợp hiến hoặc vi hiến của các sắc luật và tác động của hành pháp,
đã cho phép Quốc Hội bù nhìn của đảng CSVN thông qua Luật Bầu Cử Đại
Biểu Quốc Hội 1997 (được tu chính năm 2001), nhất là từ các điều khoản
28 đến 49, cho phép Mặt Trận Tổ Quốc (một ngoại vi của đảng CSVN) độc
quyền và quyền bất kháng để chọn ứng cử viên tranh cử. Qua Mặt Trận Tổ
Quốc, đảng CSVN quyết định người nào được cho phép tranh cử vào Quốc
Hội, qua mặt tất cả các quyền tự do được hiến pháp khắc ghi, nhất là
điều 27 về quyền tự do bầu cử và ứng cử. Nếu có sự hiện hữu của một Tòa
Án Hiến Pháp hoặc một Tòa Án Tối Cao với thẩm quyền đúng nghĩa, thì một
sắc luật như thế đã bị tuyên bố là vi hiến và vô hiệu lực.
Các điều từ 28 đến 49 rõ ràng vi hiến vì trao cho một ngoại vi của đảng
CSVN là Mặt Trận Tổ Quốc quyền chọn lựa và giới hạn số người ra tranh
cử, vi phạm nghiêm trọng đều 27 của HP.
Lý do đơn giản là vì một nguyên tắc căn bản của luật hiến pháp là một
sắc luật của lập pháp, để khai triển một điều khoản của hiến pháp, chỉ
có thể tạo điều kiện phát huy tinh thần của hiến pháp, không thể đi
ngược hoặc vi phạm tinh thần của hiến pháp.
Các điều 28 đến 49 của Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội rõ ràng tước đoạt
quyền ứng cử của công dân Việt Nam và giới hạn quyền này trong phạm vi
của các đảng viên CSVN hoặc một số nhỏ tay sai của đảng. Như thế là vi
phạm tinh thần của điều 27 hiến pháp và vi hiến tức vô hiệu lực.
VI. Thủ thuật lừa gạt thứ ba là tiến trình chọn lựa và loại bỏ số ứng cử viên gọi là “hiệp thương”.
Luật bầu cử quốc hội quy định Mặt Trận Tổ Quốc sẽ chọn ứng cử viên qua 3 giai đoạn thương thuyết gọi là “hiệp thương”.
Giai đoạn 1 là giai đoạn khởi đầu trong đó Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đưa
ra dự kiến số ứng cử viên tổng số, số ghế dân biểu dự kiến nhiệm kỳ này
và bao nhiêu người đến từ các thành phần nào của xã hội (như thành phần
và số lượng đại biểu mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương hay
địa phương giới thiệu, tiến cử.). Lần này UBTV dự kiến 896 ứng cử viên,
trong đó sẽ có khoảng 25 đến 50 ứng viên độc lập. MTTQ sẽ tham khảo và
thương thuyết với UBTV để thống nhất nhất đợt 1.
Giai đoạn 2 là giai đoạn liên hệ nhiều đến các ứng cử viên độc lập và
cũng có mục đích loại bỏ họ ra khỏi danh sách. Trong giai đoạn này, qua
các hội nghị cử tri gồm từ 50 đến 100 người, các ứng cử viên được nhà
nước hoặc các cơ quan giới thiệu sẽ được “ưu ái” hoặc “nhẹ tay” và các
ứng cử viên độc lập sẽ bị “đấu tố” dữ dội. Đảng CSVN thường gài các “cử
tri” của mình vào các hội nghị cử tri này hoặc luân phiên các nhóm cử
tri này từ địa phương đến địa phương để đấu tố các ứng cử viên độc lập.
Giai đoạn 3 là giai đoạn không có sự hiện diện của các ứng cử viên độc lập. Chỉ có đại diện các thực thể sau đây:
a. MTTQ trung ương và các cấp liên hệ,
b. Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cấp liên hệ,
c. UBTVQH,
d. Chính phủ,
e. Thường trực hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh
Tham khảo và thảo luận với nhau để hoàn tất danh sách lần chót những người ứng cử ĐBQH.
Cho đến hôm nay, tôi tổng kết số nhân sĩ tranh cử độc lập như sau:
- TS Nguyễn Quang A
- LS Lê Văn Luân
- LS Võ An Đôn
- NV Phạm Văn Thành
- Blogger Nguyễn Tường Thụy
- KS Hoàng Cường
- Blogger Đặng Bích Phượng
- Bà Nguyễn Thúy Hạnh
- Ông Nguyễn Đình Hà
VII. Kết luận:
Qua những thủ thuật nêu trên đảng CSVN bảo đảm rằng, những ứng viên độc
lập rất khó được vào danh sách ứng cử. Nếu vào được sẽ rất khó đắc cử.
Nếu đắc cử sẽ chẳng làm được gì, vì đa số áp đảo sẽ là đảng viên đảng
CSVN trong quốc hội.
Dân tộc Việt Nam có một nền văn hiến sâu dày, không phải chờ đến cuộc
cách mạng tin học mới trở nên thông minh. Khinh thường trí thông minh
của người dân qua những thủ thuật rẻ tiền như thế là một sai lầm chiến
lược của đảng. Những thủ thuật lừa gạt như thế không che mắt được ai và
đảng CSVN chắc chắn đang đi nhanh vào hoàng hôn của lịch sử đảng, hầu
dân tộc Việt có thể đi lên.