Cánh Cò -
Thứ Tư, ngày 21 tháng 10 năm 2015
viết từ Việt Nam
Ngôn ngữ Việt Nam có những cặp từ đi
liền nhau bổ túc và tăng thêm ý nghĩa một cách lý thú. Theo các nhà nghiên cứu
ngữ pháp thì có loại hai từ ghép với nhau nhằm đưa ra một ý nghĩa được gọi là
“từ ghép đẳng lập hợp nghĩa” và một cách khái quát thì từ đứng phía sau thường
bổ sung, nhấn mạnh và nhiều lúc thiếu nó thì từ đứng trước trở nên vô hồn,
không còn sinh động và ngăn trở sự phát triển của ngôn ngữ.
Những chữ như sung túc, mạnh khỏe,
ốm đau, hay oan ức, đau khổ, giận dữ chúng ta nghe hằng ngày và tưởng chúng
không có gì đặc biệt. Thật ra chúng tập hợp ý thức của người xưa về nguyên nhân
và hậu quả của các cặp từ này. Cơ thể có mạnh thì mới khỏe, ngược lại khi đau
thì hẳn nhiên là khổ, giận làm con người ta dữ dằn cũng như oan ức diễn tả tình
trạng tâm lý của con người không gì thật và ấn tượng hơn thế.
Oan sai là tiền đề của ức hiếp. Án
oan là sự ức hiếp của một thứ pháp luật được kiểm soát bởi quyền lực chứ không
phải căn cứ trên hiến định. Oan biểu hiện cho sự bất lực của nạn nhân dưới sức
mạnh hay quyền lực của một hay nhiều con người hay cả hệ thống. Oan tạo ra ức
và từ đó các hậu quả của ức luôn phản ứng và chống lại bằng nhiều hình thức từ
tiêu cực đến tích cực.
Cộng đồng mạng trong hai tuần vừa
qua đã tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để nêu lên sự oan ức của một vụ giết
người nhằm dấy lên làn sóng chống lại thói quen gần như không thể sửa của hệ
thống an ninh, nhà giam và tòa án. Đối với hệ thống này, một vài thây ma không
làm cho guồng máy sợ hãi, có chăng một ít cử chỉ làm quà nhằm giảm bớt sức ép
từ quần chúng chứ không hề tìm ra và chữa trị thói giết người của kẻ nắm giữ
quyền lực thực thi luật pháp.
Bắt đầu tứ cái chết của em Đỗ Đăng
Dư trong trại giam vì bị tra tấn, dùng nhục hình đến chết. Vụ án của em ngày
một căng thẳng hơn khi công an cố tình che giấu nguyên nhân dẫn đến cái chết
oan khuất của em, ngay cả biên bản pháp y cũng bị công an che đậy và đánh tráo.
Em Đỗ Đăng Dư bị bắt vì ăn cắp hai
triệu. Em bị giam giữ hơn hai tháng mà không xét xử và bị cấm không được gặp
mặt thân nhân khi còn sống. Sau khi em chết và công an bị người dân lên án,
nguyền rủa thì tên của kẻ sát nhân, người được biết cũng là tù hình sự, được
tiết lộ và đem ra làm vật tế thần. Người dân đặt câu hỏi: điều gì làm cho tên
tội phạm này được che chở kỹ lưỡng đến thế, nếu không phải là hắn do công an
chỉ định hay khuyến khích để ra tay hạ sát em Đỗ Đăng Dư?
Nỗi oan đè lên thân thể của em Đỗ
Đăng Dư, một can phạm nhưng vẫn là một con người, một công dân dưới cái bóng ma
mang tên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa đó dù có căm thù tội phạm đến đâu cũng
không thể cho phép sai nha dưới trướng quyền tra tấn hay giao phó sự tra tấn
cho đầu gấu trại giam nhằm triệt hạ những gì mà bọn quản lý trại giam không
thích.
Tiếng kêu oan lần này có khác. Gia
đình nạn nhân xem như hệ thống tòa án tại Việt Nam không hiện hữu vì vậy thay
vì làm đơn gửi cho tòa đòi công lý, họ đã gửi đơn cho Liên hiệp quốc trình bày
sự oan khuất của gia đình. Bà Đỗ Thị Mai mẹ của Dư đã viết đơn gửi Cao ủy Liên
Hợp Quốc tố cáo sự việc con bà bị giết và đề nghị Cao Ủy vào cuộc đưa vụ án này
ra trước quốc tế.
Đơn của gia đình nạn nhân được những
người chung quanh cùng hội ý và giúp đỡ soạn thảo và người ta có thể thấy rằng
tờ đơn khác thường này sẽ không theo đúng tiêu chuẩn của một loại giấy tờ có
quy tắc, trình tự mà các thể chế quốc tế đưa ra. Tuy nhiên lá đơn chắc chắn sẽ
được nhận và chú ý vì nó được viết bởi máu của một con người, thứ mà Liên hiệp
quốc hết lòng bảo vệ và xiển dương.
Người ta không lạ lùng gì khi thấy
công an đích thân tới gia đình nạn nhân để yêu cầu rút lại lá đơn và hứa sẽ bồi
thường cho cái chết của em Dư. Người ta cũng không lạ gì nếu nghe theo lời công
an thì chẳng những tiền bồi thường không có mà chính gia đình nạn nhân sẽ bị
sách nhiễu và có thể tù tội không chừng. Công an từ lúc nào không ai rõ, được
người dân đánh đồng với xã hội đen vì những “nghiệp vụ” mà họ xử dụng luôn mang
hình ảnh của “con ruồi” Tân Hiệp Phát phía sau, tức là nếu nhẹ dạ tin vào lời
hứa của họ thì khoảng cách từ nhà tới cánh cửa trại giam không xa cho lắm.
Vụ hai công an xã Vạn Thọ đánh chết
em Tu Ngọc Thạch, một học sinh lớp 9 ngụ tại xã Vạn Thọ, Vạn Ninh năm ngoái và
sau đó VKSND huyện Vạn Ninh đã khởi tố 2 người bà con của em này về tội quấy
rối nơi công cộng là tấm gương cho mọi nạn nhân nếu còn tin tưởng vào miệng
lưỡi của cán bộ tòa án.
Biện pháp gửi đơn cho Liên hiệp quốc
tố cáo hành vi sai trái của chính quyền được xem như gậy ông đập lưng ông vì
chính quyền không thể buộc nguyên đơn vào tội quấy rối nơi công cộng, và chừng
nào Việt Nam chưa rút tên ra khỏi Liên hiệp quốc thì công dân Việt Nam vẫn còn
có cái quyền tối thiểu là đương nhiên được tổ chức này bảo vệ theo đúng hiến
chương mà nó ghi ra và Việt Nam ký tên.
Hành động này rõ ràng phù hợp với
tình trạng hiện nay bởi lẽ, thứ nhất Việt Nam vừa ký công ước chống tra tấn, lá
đơn tố cáo như một biên bản vi phạm được gắn lên khuôn mặt của hành pháp Việt
Nam cho thế giới nhìn rõ hơn phía sau chiếc màn tòa án thì nền tư pháp bị khống
chế bởi quyền lực độc tài toàn trị như thế nào.
Hai nữa, lá đơn bất thường chắc chắn
không được mang ra như một yếu tố ban đầu dẫn tới khởi tố nhà nước Việt Nam vì
Liên hiệp quốc không được giao cho thứ quyền lực này, nhưng thông qua nó, mỗi
lần Liên hiệp quốc mở hồ sơ vi phạm tra tấn hay nhân quyền của các nước thì
Việt Nam hân hạnh đi đầu vì hành vi giết người có bảo kê trong các nhà giam của
mình hiện nay.
Lá đơn còn cho thấy nét hài hước của
tòa án Việt Nam bởi người dân không còn xem sự hiện diện của chúng là cần thiết
nữa. Hơn lúc nào hết, khi người dân công khai xem thường sức mạnh của cán cân
công lý thì cũng là lúc chính quyền nên chuẩn bị dùng tòa án như một nhóm tượng
để triển lãm hơn là thực thi pháp luật. Tòa án Việt Nam không hề thua sút các
nước trong khu vực về độ hoành tráng, nghiêm trang lẫn cực kỳ khắc nghiệt với
quần chúng, chúng chỉ thiếu sự trong sạch của quan tòa và lòng tự trọng lẫn can
đảm của hội đồng xét xử.
Lá đơn tuy nhỏ bé nhưng sức mạnh của
nó không hề nhỏ. Nó cho thấy sự chịu đựng của dân chúng đã cán mức giới hạn và
lá đơn là phát súng bắn vào tường lũy tuyên truyền của chế độ. Lá đơn phá tan
cái được gọi là đạo đức Hồ Chí Minh cho những ai còn vương vấn và lấn cấn với
sự bịp bợm này. Lá đơn minh họa sống động di căn giết người vô tội của hệ thống
hành pháp được tòa án che chở và hết lòng bào chữa cho những kẻ sát nhân mang
thẻ đảng.
Lá đơn là tiếng nấc của oan ức nhưng
không phải tiếng nấc nào cũng rơi vào quên lãng. Bắt đầu từ bây giờ khi người
dân ý thức rằng Liên hiệp quốc là một định chế tuy không có quyền lực để chế
tài đối với một đất nước nhưng tiếng nói của nó không hề bị xem nhẹ đối với
hàng trăm quốc gia thành viên đã làm nên Liên hiệp quốc. Một lá đơn mang tên Đỗ
Đăng Dư có thể chưa được chú ý nhưng nếu tiếp tục có hằng trăm lá đơn khác tố
cáo hành vi đàn áp của chính quyền Việt Nam thì không chóng thì chầy đảng Cộng
sản Việt Nam sẽ tỉnh ngộ trong cái hào quang đầy máu của mình.
Cánh Cò, Việt Nam 19/10/2015
DDTK