12/4/16

Luật tiếp cận thông tin: Tôn trọng hay giới hạn Quyền Được Biết của công dân?

Mẹ Nấm (Danlambao) - ...Khắp nơi trên thế giới Luật Tiếp cận thông tin trở thành một nhu cầu và một quyền cơ bản, cấp thiết cần phải bảo đảm được thực hiện đối với mọi công dân. Và đây cũng chính là yếu tố không thể tách rời của một nền dân chủ, là biểu hiện của một xã hội được quản lý, vận hành theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua thay vì đề cao Quyền Được Biết của công dân, lại cho thấy sự giới hạn và phân định rạch ròi vùng cấm thông tin với công chúng...
*
Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua sáng ngày 6/4/2016 nhằm quy định “về quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.”

Trên căn cứ đó, luật này cũng quy định thông tin công dân không được tiếp cận bao gồm: “Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật về bí mật nhà nước.”
“Thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ; ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách.”

Trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin được công bố không có tiêu chuẩn rõ ràng để phân loại dạng thông tin nào là bí mật nhà nước, cũng không có định nghĩa rõ ràng dạng thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.
Đặc biệt, luật này cũng không công bố thời hạn “giải mật”, bạch hóa thông tin.

Điều này sẽ dẫn tới việc có những thông tin bị tùy tiện hay cố tình che giấu vô thời hạn.

Từ sau Hội nghị Thành Đô 1990 đến nay, lãnh đạo hai đảng Cộng sản Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết khá nhiều hiệp ước, cam kết, thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ “công hàm 1958” đến văn kiện “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” Việt-Trung (năm 2011), đến “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc” (năm 2015), và thực tế diễn ra trên biển trong khu vực quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa với ngư dân Việt Nam, đảo Phú Lâm, đảo Chữ Thập... là câu trả lời thực tế cho nhân dân.

Không phải tự nhiên mà hơn 100 nước trên thế giới ban hành luật riêng về quyền tiếp cận thông tin của công dân, và dành hẳn ngày 28 tháng 9 hàng năm để nhắc nhớ mọi người về Quyền Được Biết.

Quyền được biết các thông tin liên quan đến quốc gia chính là cơ sở căn bản để người dân có thể giám sát sự công khai, minh bạch trong hoạt động của nhà nước.

Khắp nơi trên thế giới Luật Tiếp cận thông tin trở thành một nhu cầu và một quyền cơ bản, cấp thiết cần phải bảo đảm được thực hiện đối với mọi công dân. Và đây cũng chính là yếu tố không thể tách rời của một nền dân chủ, là biểu hiện của một xã hội được quản lý, vận hành theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua thay vì đề cao Quyền Được Biết của công dân, lại cho thấy sự giới hạn và phân định rạch ròi vùng cấm thông tin với công chúng.
12.04.2016