Ảnh: Hồ Lan |
Mẹ Nấm (Danlambao)
- Tối ngày 1/5/2016, bản tin thời sự trên Đài truyền hình quốc gia VTV1
phát bản tin bắt 'hai đối tượng kích động' tại Quảng Bình.
Kịch bản này không khác gì diễn biến mà an ninh Biên Hòa (Đồng Nai) đã
sử dụng năm 2014 - lúc cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn xảy ra tại các
khu công nghiệp, đã có 3 người bị bắt.
Đến nay, hướng xử lý vụ bạo loạn ở Biên Hòa và thảm họa môi trường dẫn
đến việc cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung vẫn là bắt người
được cho là "kích động, phao tin gây mất an ninh trật tự xã hội" còn
nguyên nhân chính vẫn bỏ ngỏ.
Năm 2014, hàng loạt hình ảnh và video clip chỉ ra các gương mặt dẫn đầu
đám đông bạo loạn với đồng phục tương tự quân trang, có bộ đàm, dẫn đầu
đám đông đập phá tại các nhà máy.
Thậm chí có cả các bức ảnh chụp được cảnh công an, an ninh đứng im quan sát đám đông bạo loạn ấy.
Đến nay chưa thấy có thông tin gì về việc bắt giữ hay xử lý.
Bắt ba người và an ninh quy cho đối tượng xấu là xong.
Năm 2016, gần một tháng sau khi thảm họa cá chết hàng loạt xảy ra, không
một ai biết rõ nguyên nhân là gì. Các phát ngôn và thông tin công bố
dường như nhiễu loạn.
Đời sống người dân Quảng Bình gặp khó khăn khi chính phủ ra lệnh cấm tiêu thụ thu mua cá chết.
Dân tràn lên đường biểu tình, chính phủ sửa sai bằng biện pháp bao tiêu, bảo chứng cá đánh bắt xa bờ.
Và bắt hai người và quy cho đối tượng xấu là xong??!
Chính phủ đang sửa sai trên lưng nhân dân bằng việc trấn áp đám đông
biểu tình và bắt những người hoạt động xã hội dân sự độc lập.
Sau khi chính phủ đưa hàng loạt các quan chức ra trình diễn tắm biển ăn
hải sản thì dân đã tạm yên với lý do "tình hình đã tốt hơn".
Dân mình mau quên lắm!
Khi phóng viên hỏi về chỉ số kim loại nặng tìm thấy trong mẫu cá, mẫu
nước tại Huế bị quy là "gây tổn hại cho quốc gia", có ai tỉnh táo đặt
câu hỏi:
- Ủa sao quan chức Huế không đi tắm biển ăn hải sản ha?
Ở ngay Hà Tĩnh, sao không có động thái có trách nhiệm với dân ngay sau
khi xảy ra sự cố mà đợi đến cuối tháng 4 thì Bộ trưởng Bộ Thông tin và
các phóng viên mới đi ăn mực nháy ha?!
Dân mình dễ thông cảm lắm!
Tại thảm họa xảy ra lần đầu mà chính phủ chưa có kinh nghiệm xử lý nên lúng túng vậy.
Cuối cùng không một ai biết chuyện gì xảy ra.
Nếu coi thảm họa môi trường xảy ra từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là một
chiêu bài chính trị, thì việc hy sinh sức dân và tiền của dân vào toan
tính này thật là đốn mạt.
Thậm chí, đã có thợ lặn chết tại khu vực bị nghi là ô nhiễm mà chưa rõ nguyên nhân.
Nhân dân rồi sẽ chẳng là cái đinh gì trong cuộc thanh trừng, triệu tiêu nhau trên bàn cờ chính trị của các quan chức.
Nếu coi thảm họa môi trường lần này là sự cố nghiêm trọng thì ai sẽ chịu
trách nhiệm thay chính phủ khi giấy phép và quy trình giám sát xả thải
có vấn đề?
Nhân dân cần phải hy sinh bao nhiêu lần nữa để lãnh đạo rút kinh nghiệm?!
Từ Biên Hòa đến Vũng Áng, chính phủ không thấy sai, bởi trong cơn bấn
loạn hay nguy biến chỉ cần tống vài tên phản động vào tù là xong.
Mọi vấn đề xấu xa tệ hại của Việt Nam chỉ cần đổ lên đầu bọn phản động, hoặc kết luận nhận thức người dân kém là xong.
An ninh Việt Nam giỏi nhất thế giới cũng chẳng có gì là lạ!