Tổng bí thư khi chỉ đổ riệc cho sự hư hỏng của đảng viên và cấp dưới “có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn đau khổ của quần chúng”. Không biết ông có xấu hổ không, khi thảm họa biển miền Trung đã xảy ra, vẫn đi thăm và đã vô tình hay cố ý chống lưng cho Formosa, và không hề có nửa lời tỏ vẻ đau xót với nhân dân của mình? Tổng bí thư nói “đảng viên hư làm dân mất niềm tin ở Đảng”. Có thật thế không, hay vẫn chỉ là đổ riệc cho đảng viên và cấp dưới?___
Nguyễn Khắc Mai
6-6-2016
(Nguyễn Trung và mấy người bạn nhắn: Ông dân zận ới, vấn đề dân zận sao không thấy mở lời. Bèn viết bài này).
Tại Hội Nghị Dân vận toàn quốc vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, đề cập nhiều vấn đề nóng sốt của tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt là nêu lại luận điểm “Nước lấy Dân làm gốc”.
Xin lạm bàn về luận điểm quan trọng nêu trên, qua đó đề xuất một số kiến nghị.
Luận điểm “Nước lấy Dân làm gốc” có xuất xứ từ tư tưởng của Mạnh Tử (372-289 tr CN): Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh, nghĩa: Dân là quý, xã tắc-nhà nước, triều đình ở sau, Vua còn nhẹ hơn nữa. Như thế ngay cái nghĩa gốc của phong kiến, đảng cũng không hiểu, so với tư tưởng tiến bộ của phong kiến đảng còn hiểu ngược lại, bao nhiêu năm nay luôn đặt đảng cao hơn Đất nước, cao hơn Nhân dân, cao hơn cả những thiết chế Nhà nước dù đã được gọi là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Trong gia tài văn hiến Việt Nam, tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” là một giá trị xuyên suốt lịch sử. Tư tưởng ấy thể hiện ra là một “thập đại toàn” của Đạo lý trị nước của Dân tôc. Anh Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận ra điều này. Tuy nhiên do nhận thức (có vẻ thực dụng chính trị), anh chỉ nhấn đến hai điều. Một là sức mạnh của lòng dân, triều đại nào được lòng dân thì thịnh, ngược lại thì suy. Về vấn đề này Nguyễn Trãi đã mượn ý của nho gia xưa để khẳng định trong câu thơ: “Phúc chu thủy tín dân do thủy”. Nghĩa: (bị) lật thuyền mới biết rằng (sức) dân cũng như nước. Nước có thể nâng thuyền, mà cũng có thể lật thuyền. Dân có thể ủng hộ mà lập nên “chế độ” mà cũng có thể lật đổ xóa bỏ “chế độ”.
Chính Nguyễn Ái Quốc cũng phải kết luận: “nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ!” (xem Đường cách mạng). Ngày nay Dân ta cũng biết rằng không nên dùng giải pháp đấu tranh vũ trang (do ngu muội và nhầm lẫn và do “kẻ lạ” từ ngoài xúi dục), như đảng đã chủ trương đánh đổ chính phủ Trần Trọng Kim và xóa sổ Việt Nam Cộng Hòa. Mà để làm cho “bản chất” chế độ được đúng là bản chất Dân tộc-Dân quyền-Dân sinh-Dân trí, thật sự Độc lập. Tự do, Hạnh phúc, thì những thiết chế tên gọi bề ngoài chỉ là phương tiện, chúng có thể được sử dụng rồi vứt bỏ khi cần.
Ngụ ngôn nhà Phật có câu chuyện: Qua sông thì phải dùng thuyền. Nhưng con người đi tìm hạnh phúc đi tìm giải thoát thì không cứ qua sông là xong mà còn phải đi tiếp, thế thì cõng theo chiếc thuyền làm gì. Phải tìm những phương tiện khác! Sự nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện vốn là sự nhầm lẫn vô minh nhất của nhân loại, nó đã gây ra chiến tranh, giết chóc bạo tàn, đã từng đẩy dân lành vào sự lầm than, bất hạnh khốn cùng. Hai là phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và đẩy lùi những tệ nạn, khuyết tật trầm trọng đã nảy sinh, mà xem ra chưa có thuốc hữu hiệu để chữa trị.
Thật ra cha ông chúng ta đã để lại một “thập đại toàn” (một hệ thống khá hoàn chỉnh) của những triết lý Trị Nước An Dân. Nếu biết nghiên cứu học hỏi thẩm thấu được và biết kết hợp với những “thực tế văn minh” của nhân loại hiện đại, chắc chắn chúng ta sẽ vượt thoát khỏi tình thế không chỉ là “trì trệ” mà thật sự là tắc tị hiện nay, đặng vượt qua khỏi cái vòng luẩn quẩn đang khiến đất nước ngày càng tụt hậu, xã hội ngày càng suy đồi, nền chính trị tiếp tục xa dân, ngược lại quyền lợi dân tôc như đã thấy.
Tổ tiên ta từng để lại những triết lý trị nước an dân, nó đúng với ngày xưa, mà cũng phù hợp với hôm nay. Nếu biết thực hiện một phương thức rất minh triết mà Đông Kinh Nghĩa Thục đề ra từ hơn 100 năm trước: “Á Âu chung lại một lò. Đúc nên nhân cách mới cho là người”.
Đáng tiếc ngót cả 100 năm qua, chính những người cộng sản, đã không hiểu thế nào là Á, mà với Âu thì chỉ tìm đến một thứ Âu lầm lạc. Lại còn không đúc được mà chỉ là gá lắp, như Hồ chí Minh từng cho là chỉ dán nhãn cộng sản lên trán!
Nhà nước Đại Cồ Việt khi vừa mới khôi phục lại nền độc lập, đã nêu ra triết lý “Vô vi cư điện các. Xứ xứ tức đao binh” (1), nghĩa là trong điều hành, lãnh đạo, quản trị quốc gia phải “vô vi”, tức là không làm trái khoáy, trái quy luật, trái lòng người, trái luật đời của nhân loại đương đại. Nhìn tổng thể, đường lối, luật lệ, chính sách của chúng ta hiện nay mâu thuẫn nhiều, vênh nhiều với thế giới, rất trái khoáy, trái luật chơi cùng thiên hạ! Như thế chúng ta làm sao mà hanh thông cho được. Vì trái luật đời, chúng ta không làm sao giải quyết cho được mọi phi lý, nghịch lý, những vấn nạn của đất nước của chế độ. Chúng ta vẫn như gà mắc tóc trong suốt cả hơn nửa thế kỷ qua.
Nguyễn Trãi không chỉ để lại sự lo lắng hiểm họa: Lật thuyền rồi mới biết Dân cũng như nước. Ông để lại triết lý “An Dân” – Việc nhân nghĩa cốt ở An Dân, với một loạt những tư tưởng rất nhân văn, có thể vận dụng ngay cả cho hôm nay. Ví như tư tưởng “Sinh đời thái bình, ai cũng được ở yên. Gặp thuở thánh minh ai cũng được thỏa sống”. Ở yên và thỏa sống chính là triết lý của nhân quyền hiện đại. Nguyễn Trãi còn nói: “Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày” – một minh triết làm nền cho chính sách an sinh ngay hôm nay. Thử hỏi chính sách, phương thức quản trị quốc gia, xã hội của chúng ta hiện nay có đáp ứng đòi hỏi từ cả trên nửa thiên niên kỷ hay chưa? Một nhận định như: “Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng, không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, hư hỏng, đối với những tổ chức Đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”. Làm sao thuyết phục được bất cứ người nào có chút hiểu biết thực tế và còn lương tri để phân biệt thế nào là hiện tượng bề ngoài, thế nào là thực chất bên trong.
Cho nên chúng tôi lo lắng khi thấy Tổng bí thư đề cập đến một vấn đề rất then chốt, vấn đề cái gốc nước mà chỉ định hướng với một số giải pháp mà chúng tôi quan niệm rằng cũng chỉ như nước đổ đầu vịt, lại chỉ là thuốc bôi ngoài da cho một căn bệnh đã tiềm nhập lục phủ ngũ tạng, bệnh đã vào đến xương cốt.
Chúng tôi không phủ nhận những nhận định về những biểu hiện xấu xa trong đảng và bộ máy chính quyền, hay như những tệ nạn tham nhũng, cậy quyền, hành dân… và một đánh giá rất cay đắng: “có những cán bộ đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội”. Đây là nhận thức của bất cứ người lương thiện nào trong xã hội. Nhưng những vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” cứ lặp đi lặp lại như một máy hát hư hỏng, cũ kỹ chắc chắn không phải là sự thông tuệ của một chính đảng “văn minh và đạo đức”.
Einstein từng có một tư duy rất thông tuệ: Chúng ta muốn giải quyết những vấn nạn bằng những tư duy khi tạo ra chúng, sẽ không thể thành công. Rõ ràng từ Đại Hội VI đến nay, trải qua 6 kỳ đại hội nhưng chúng ta vẫn loay hoay với những vấn đề cũ với những tư duy cũ. Nhớ lại đã có lần TBT Nguyễn Phú Trong nêu vấn đề phải có đột phá về lý luận. Nhưng phương pháp luận của đảng vẫn như cũ, tư duy vẫn như cũ, lui tới vẫn chỉ là một điệu kèn ngập ngừng, lạc điệu. Chúng tôi biết trong ban lãnh đạo từng có người không chỉ phê phán mà còn lên án khuynh hướng Đệ tam và cái gọi là chủ nghĩa Mác lê nin, và tán dương khuynh hướng Xã hội – dân chủ từng thành công và có ích cho một bộ phận nhân loại quan trọng ở châu Âu để khắc phục hậu quả của thế chiến Thứ hai, góp phần phục hưng một loạt những quốc gia dân tộc châu Âu. Đáng tiếc, những vấn đề quan trọng liên quan tới số phận của Dân tộc, tới vận mệnh của Đảng lại không được ban lãnh đạo có ý thức tìm học cho đên nơi đến chốn, khiến cứ tự cầm tù, giam hãm không riêng mình mà cả toàn xã hội trong một ngục tù ý thức hệ đã phá sản không chỉ trên lý luận, mà chính là trong thực tế!
Cái kết luận đau đớn của chúng tôi là Ban lãnh đạo đã nhắm mắt trước những sự thật phủ phàng, trước lợi ích của Quốc gia Dân tộc. Chỉ nhăm nhăm bảo vệ cái thứ yếu mà bỏ rới cái then chốt: Lợi ích Dân tộc, Chủ quyền Quốc gia, tiến bộ và hạnh phúc của Nhân dân và Xã hội. Thậm chí như Tổng bí thư khi chỉ đổ riệc cho sự hư hỏng của đảng viên và cấp dưới “có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn đau khổ của quần chúng”. Không biết ông có xấu hổ không, khi thảm họa biển miền Trung đã xảy ra, vẫn đi thăm và đã vô tình hay cố ý chống lưng cho Formosa, và không hề có nửa lời tỏ vẻ đau xót với nhân dân của mình?
Tổng bí thư nói “đảng viên hư làm dân mất niềm tin ở Đảng”. Có thật thế không, hay vẫn chỉ là đổ riệc cho đảng viên và cấp dưới? Vấn đề hư hỏng, ngót 50 năm trước Hồ chí Minh đã đề cập trong di chúc một cách gay gắt: “Cần một cuộc chiến tranh (đấu) để xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ!”. Cụ sợ nói chiến tranh sẽ như xui dân chúng ai có gươm dùng gươm, ai có súng dùng súng để xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ, nên đã xóa chữ tranh mà thay bằng chữ đấu.
Từ mấy chục năm nay mối quan hệ giữa hệ thống và linh kiện vẫn luôn luôn có mặt, và vẫn tồn tại hai phương pháp luận. Các ban lãnh đạo các khóa cho rằng lỗi chính là ở linh kiện – ở cấp dưới, ở đảng viên. Vì thế khi xuất hiện lập luận, ban đầu ở một số trí thức, đặc biệt ở chuyên gia hàng đầu về lý thuyết tối ưu – Hoàng Tụy, sau đó ở nhiều người từng giữ cương vị cao trong ban lãnh đạo như Trần Độ, Trần Xuân Bách, rồi về sau là Nguyễn Văn An. Họ khẳng định phải thấy nguyên nhân gốc rễ những vấn nạn của Đất nước từ hệ thống. Suy nghĩ này rất có lý. Ngày nay tư duy đương đại đã khẳng định phải hình thành phương pháp luận từ tư duy hệ thống, tư duy phức hợp. Đáng tiếc nhiều khóa đại hội ban lãnh đạo vẫn cố tình nhắm mắt và chỉ thị không được đề cập đến lỗi hệ thống!
Thật sự thì mô hình hệ thống chính trị-xã hội của đảng đã phá sản cả về lý thuyết cũng như trong thực tiễn. Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng buộc phải đưa ra nhận định: biết hết thế kỷ này liệu có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay không? Hoàn nghĩa là trọn vẹn, hoàn toàn, thì chắc chắn không thể hoàn. Như thế là chỉ có khuyết tật, méo mó, thiên thẹo!
Thiện thì càng không, và sẽ có nhiều hơn cái ác. Những cái ác và bất toàn xuất hiện ngày càng nhiều, và vô phương điều chỉnh, tham nhũng cũng như lãng phí, lãng phí thời gian của dân tộc, lãng phí tài nguyên, lãng phí tiền của và lao động xã hội. Và trên những diễn đàn, người có lương tri buộc phải khẳng định chỉ có thay đổi thể chế may ra mới có cơ cứu rỗi. Về cứu rỗi thì chính Các Mác cũng nói “Sám hối thành tâm mới có cơ cứu rỗi”.
Trong luận điểm “Nước lấy Dân làm gốc”, chỉ có hai thành tố: Đất Nước và Nhân dân. Tình hình mọi mặt hiện nay của đất nước ta, đặt ra với Đảng chỉ còn một lựa chọn: Dân tộc – Đất Nước và Nhân Dân. Làm một lực lượng chính trị trung thành với Đất nước và Nhân Dân chứ không phải ngu trung với lý thuyết. Làm một lực lượng chính trị tiên tiến cùng thời đại Dân chủ – Dân quyền – Minh triết (2), chứ không phải quay trở về hủ lậu với mô hình kinh tế chính trị kiểu “CNXH phong kiến” như Mác và Ăng ghen từng dự báo. Làm một lực lượng chính trị biết thành tâm hòa nhập với thế giới văn minh, tiến bộ chứ không phải là một thứ chư hầu của một Trung hoa cộng sản đại Hán tộc. Chúng ta cần có quan hệ với một Trung hoa láng giềng, chứ không lệ thuộc vào cỗ xe bành trướng bá quyền của họ!
Chúng tôi tin rằng cái “question de cles” – vấn đề then chốt, hay là cái “passe partout” – thứ chìa khóa có thể mở ra mọi cánh cửa của Việt Nam hôm nay để thực hiện chính nghĩa; NƯỚC và DÂN, chính là:
Hòa Giải – HòaHợp – Cố kết Dân Tộc.
Thử nghĩ xem, thực hiện được điều này, chúng ta sẽ tạo ra một nội lực mới mẻ, hùng hậu, một sức mạnh lớn lao không thể tưởng. Không chỉ là sự cố kết lòng người, mà là tập hợp con người. tích hợp cả giá trị và năng lực tài chính của cả xã hội, huy động được mọi nguồn lực đối tác của các cộng đồng của dân tộc. Mọi bài toán lớn, phức tạp và cấp bách, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học, giáo dục để tạo ra nội lực mới của Dân tộc để bảo vệ chủ quyền, để thăng hoa phát triển Đất Nước, xây dựng xã hội văn hóa, đạo đức, làm cho con người được sống có nhân quyền có hạnh phúc… đều có thể giải quyết với nguồn lực cao quý và hùng hậu này.
Mọi mục tiêu phải bắt đầu thực hiện, mọi đường dài phải bắt đầu với bước đầu tiên. Cho nên, việc cần thiết phải làm ngay là:
1) Thả ngay hơn 100 tù nhân lương tâm, trong đó có những con người như Trần Huỳnh Duy Thức, những người con của đất nước có nhân cách phẩm hạnh, có tài năng đáng quý trọng. Đừng gán ghép cho họ những tội lỗi không thật. Sự thật thì nhà nước ta đã từng có những sai lầm nghiêm trọng, trong quá khứ cũng như hiện tại. Đấu tranh chống lại những “hư hỏng cũ kỹ” không phải là tội. Bất đồng chính kiến với đảng càng không nên xem là tội. Những chính đảng văn minh đều biết phải “phấn đấu đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc, dân chủ trong quốc gia của mình” (Xem Tuyên ngôn Cộng sản). Bảo vệ và góp phần phát triển những người con của đất nước có khí phách, có phẩm hạnh, có tài năng phải là nghĩa vụ cầm quyền. Chỉ có những bạo chúa như Tần Thủy Hoàng, như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông… mới hủy diệt người bất đồng chính kiến. Hãy tận dụng năng lực nhìn khác, thấy khác, nghĩ khác và làm khác, coi đó như một vốn xã hội quý. Đó là phẩm hạnh mới đáng kính của mọi nhà cầm quyền hiện đại của Đất nước. Bỏ tù và hành hạ những ngưới Dân có trí tuệ, có nghĩa khí, chỉ mong muốn đem cái hiểu biết của mình góp cho dân, cho nước, dẫu biết rằng nói trái ý với đảng có thể nguy hiểm đến cả tính mạng, thì đó chính là hành vi tội đồ làm chia rẽ dân tộc, làm thui chột những năng lực và tố chất biết phê phán, phản biện xã hội, những phẩm chất cần cho sự phát triển quốc gia – xã hội, đi tìm cái đúng, cái tốt cái đẹp hơn.
2) Hãy cảm nhận nỗi lo lắng thẳm sâu của Dân về những thảm họa môi trường do chính bọn bất lương, trong nước cấu kết với nước ngoài, đặc biệt là thảm họa biển chết ở miền Trung. Sự loanh quanh, câu giờ, thiếu minh bạch, nhất là sự “đủng đỉnh” kiểu “dân cần, quan không vội” thật sự là lối ứng xử của một thứ nhà nước cậy quyền, cậy thế rất xưa cũ phải lên án và vứt bỏ.
Hãy kết luận nhanh, ngay, nguyên nhân thảm họa biển chết ở miền Trung, có giải pháp căn cơ hệ thống để xử phạt tội lỗi, để khắc phục có hiệu quả trước mắt và lâu dài thảm họa này.
3) Với cựu thù như Mỹ, ta còn hóa giải được, với kẻ thù truyền kiếp nguy hiểm từng bị vạch mặt ngay trong Hiến Pháp là Trung hoa cộng sản, ta còn tay bắt mặt mừng với họ được thì cớ sao chúng ta vẫn thù dai, vẫn kỳ thị, vẫn cứ coi người Việt Việt Nam Cộng Hòa là thù địch? Chẳng có lý lẽ, đạo lý nào giải thích cho xuôi, cho thông được. Ngày nay đã rõ cuộc đối đầu “Quốc – Cộng” suốt cả thế kỷ 20 là một bi kịch , nghịch lý, một thảm họa của Dân tộc, của Đất nước. Các dân tộc tiên tiến phát triển cao trên thế giới hiện nay ở cả mọi châu lục đều nhờ có tinh thần biết vừa có đấu tranh, vừa có hòa hợp, hợp tác lẫn nhau. Đó là bài học đáng giá, cớ sao ta không biết tiếp thu ứng dụng. Điều đó chỉ làm cho bản lĩnh của mình được trau dồi phát triển, nhân cách của mình được đề cao, vị thế của mình trong lòng xã hội là “văn minh, đạo đức” chứ không thể là sự thấp hèn đề đầu cởi cổ thiên hạ!
Hãy tuyên bố sự hóa giải và hòa giải với nhóm Việt: Việt Nam Cộng Hòa.
Sự công nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chỉ có lợi trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền Biển Đảo hiện nay, càng làm tăng vị thế của nhà nước Việt Nam mà thôi. Nếu thấy đây là đạo lý, là lẽ đúng là lẽ thiện … thì các công việc cụ thể là không hề “quái ngại” chút nào.
Ai sẽ đi bước trước về vấn đề to lớn và cao thượng này. Đảng Cộng sản Việt Nam. Không có lý gì thế hệ chúng ta lại vô cảm, vô trách nhiệm, gác lại, để giao cho những thế hệ sau giải quyết.
4) Hãy mở ra, làm bừng nở mọi giá trị của xã hội dân sự, huy động mọi nguồn lực tài chính, trí tuệ, tâm huyết để cùng các cấp chính quyền cùng nhau giải quyết mọi việc khó khăn và thiết thực của đất nước của xã hội.
Nhà nước và các cấp chính quyền hãy coi xã hội dân sự, một phương thức văn minh tiến bộ của nhân loại hiện đại. Hãy thấm nhuần một nguyên lý đã từng được đúc kết: “Nhà nước chính trị có nền tảng tự nhiên là gia đình, có nền tảng nhân tạo là xã hội dân sự”, một triết lý nhân văn và tiên tiến!
Yêu cầu ra lệnh cho công an không sử dụng những dư luận viên, những kẻ đội danh thanh niên xung phong và những nhóm côn đồ, ngăn cản, hành hung rất bạo ngược, vây nhà, bắt cóc một thời gian… đối với nhân dân, thanh niên và nhân sĩ trí thức trong những hoạt động của xã hội dân sự một cách hòa bình.
Chỉ trên cơ sở thay đổi tư duy, chấp nhận lẽ đúng, cái tốt cái đẹp đích thực, đảng, cũng như hệ thống chính quyền, mới có thể có được phẩm chất, năng lực và nhân cách mới, đặng có thể làm tròn sứ mệnh với triết lý “Nước lấy Dân làm gốc”.
Dân vận ngày nay không thể chỉ dừng lại ở tư duy: dân vận khéo, việc gì cũng thành công. Dân vận tồi việc gì cũng hư hỏng. Quan niệm dân vận như thế chỉ là thủ đoạn, là phương pháp. Nghĩa hai chữ dân vận cao quý hơn nhiều. Dân vận ngày nay đang hình thành một xu thế mới. Đó là Dân tự mình vận động Nhân quyền, Dân quyền, Dân sinh, Dân trí. Điều này tựa như một phát tên trúng hai đích. Một là đời sống vật chất tinh thần ngày một cải thiện, không chỉ mong đợi cầu xin như ngày xưa – sự ban phát của triều đình. Hai là nhờ dân kể cả những cuộc đấu tranh của dân, những sáng kiến của dân, mà chính quyền ngày càng sạch sẽ với bộ mặt văn minh, nhân ái, tiến bộ, dần lột xác để trở thành bộ máy phục vụ xã hội, xóa bỏ cung cách thống trị, cai trị với phạm trù “lãnh đạo” hủ lậu và lỗi thời!
Hà Nội những ngày đầy biến động cả những dấu hiệu tốt lành cả những cảnh báo nguy cấp.
Chú thích:
(1) Bài kệ của Sư Pháp Thuận dạy cho Vua Lê Đại Hành:
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
(2) Nhiều học giả quốc tế bắt đầu nghiên cứu và cho công bố, từ 2010-2912 đã xuất hiện một trạng thái xã hội-kinh tế mới. Họ gọi là Xã hội Minh Triết và Kinh tế Minh triết.
Posted by adminbasam on 06/06/2016