6/6/16

Trung Quốc là một đất nước dã man chưa trưởng thành

6
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Hơn ba tuần chúi mũi vào đống tài liệu làm trong gần 10 năm lẫn lượng tài liệu khổng lồ trước đây chưa có thời gian đọc hoặc đọc chưa thật sự kỹ, về sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, để nhìn lại sức mạnh thật sự và điểm yếu của họ, vẫn chỉ thấy một xác tín không thể chối bỏ: Trung Quốc là một đất nước dã man chưa trưởng thành. Bất luận kinh tế họ phát triển như thế nào và đời sống vật chất người dân khác biệt so với thời Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc thế kỷ 21 vẫn còn cách rất xa những giá trị văn minh hiện đại.

Trung Quốc thế kỷ 21 vẫn tồn tại song song với Trung Quốc thế kỷ 19, với phế tích phong kiến, với mô hình toàn trị trong đó người dân bị chà đạp bằng gót giày quan lại hủ lậu vừa ngu dốt vừa ác độc. Pháp luật không có đất sống ở một đất nước công an trị như Trung Quốc. Sự tham lam dã man của chế độ cai trị Trung Quốc không chỉ diễn ra với người dân họ. Chính sách đối ngoại của họ cũng dã man và bán khai tương tự. Họ không giống bất kỳ quốc gia văn minh nào, không phải vì họ vượt trội về mặt “tư cách quốc gia”, mà vì họ không xây dựng được những chuẩn mực và giá trị phổ quát tạo nên một cường quốc. Họ tách biệt với phần còn lại thế giới không phải vì họ “lớn” hơn tất cả mà vì họ “nhỏ” hơn, và ti tiện hơn, so với tất cả.Siêu cường không chỉ nói đến sức mạnh kinh tế. Siêu cường còn là quốc gia tạo ra được những giá trị mà thế giới phải học theo. Thế giới vẫn nghe đến và học từ “giá trị Mỹ” hoặc “giá trị Nhật”. Một số giá trị đó không bất biến. Chúng thay đổi theo thời gian cùng sự thay đổi cách sống lẫn nhận thức. Giá trị Nhật thế kỷ 19 là cầu tiến và canh tân. Giá trị Nhật ngày nay là bác ái và nhân đạo. Giá trị Mỹ ngày trước là giấc mơ thịnh vượng. Giá trị Mỹ ngày nay là sự khai mở kiến thức lẫn các ý tưởng về dân chủ và tự do. Các giá trị ấy luôn mang lại cảm hứng cho nhân loại. Với Trung Quốc, hình ảnh quốc gia họ lại được miêu tả bằng những từ như tàn ác, nhẫn tâm, tham lam, ích kỷ, dối trá, ngang ngược…
Sau nhiều thập niên phát triển như một hiện tượng, một Trung Quốc hiện đại chưa bao giờ là niềm “cảm hứng” cho thế giới, lẫn cho chính người dân nước này. “Giấc mơ Mỹ”, một khái niệm hình thành đầu thập niên 1930, đến nay vẫn đúng. Nó rất đúng thậm chí với nhiều người Trung Quốc, những người sẵn sàng từ bỏ “Trung Quốc mộng” để chọn “giấc mơ Mỹ”. Giá trị quốc gia, nói thêm, còn là những giá trị mà quốc gia đó tự tạo nên bằng thực lực, một cách có đạo đức và dựa trên tinh thần nhân bản. Giá trị quốc gia không thể được tạo nên từ sự bắt chước và ăn cắp. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại hàng ngàn năm, chưa có quốc gia nào có thể “lớn lên” thành siêu cường bằng “chủ nghĩa trộm cắp” (“stealism” – một thuật từ tôi đặt ra để chỉ văn hóa ăn cắp phát triển như một chủ trương của Trung Quốc). “Chủ nghĩa trộm cắp” chỉ mang lại một xã hội bạc nhược tư duy. Một quốc gia có thói quen “ăn bám” kiến thức nhân loại sẽ vĩnh viễn là nhược tiểu cho dù họ có nhiều tiền như thế nào.
Nghiên cứu sự trỗi dậy Trung Quốc là đề tài thu hút giới học thuật lẫn chính trị thế giới nhiều năm nay. Có vô số quyển sách về Trung Quốc đã ra đời, bằng tiếng Anh. Một quyển sách về những điểm yếu, chứ không phải sức mạnh của họ, bằng tiếng Việt, đến nay vẫn chưa có. Đã đến lúc cần ít nhất một quyển sách như vậy, để đặt lại vị trí đúng hơn cho Trung Quốc và bản chất của Trung Quốc: một con ngáo ộp khổng lồ của thế giới hôm nay.

Posted by adminbasam
FB Mạnh Kim
6-6-201