Hạ Trắng (Danlambao) - “40.000 thùng nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì đã bán hết”. Đó là tít bài trên tờ VN Express
ra ngày hôm nay, thứ 5 ngày 2/6/2016. Trong số hơn 40.000 thùng nước
ngọt nhiễm chì (chủ yếu C2, tăng lực Rồng Đỏ) thuộc diện phải thu hồi,
thì nhà sản xuất URC chỉ thu hồi được có 1.200 thùng. Số còn lại, gần
40.000 thùng đã được bán ra thị trường, đồng nghĩa với việc một lượng
chất độc đã ngấm vào cơ thể những người tiêu dùng.
Công ty URC từng bị Bộ Y tế phạt gần 6 tỷ đồng do kinh doanh nước giải
khát C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ nhiễm chì. Ngoài ra, công ty này cũng
từng bị phạt về một số vi phạm khác trong sản xuất kinh doanh.
Đồ uống thì có Tân Hiệp Phát, URC bị phát hiện sản xuất sản phẩm nhiễm
độc. Nhưng có chắc rằng chỉ có hai nhà sản xuất này mới tung ra thị
trường những sản phẩm độc hại hay không? Hay còn nhiều nữa nhưng chưa
được phát hiện, hoặc đã vi phạm nhưng chịu chi tiền để bịt mồm các cơ
quan chức năng để cùng kết hợp với nhau làm hại người tiêu dùng?
Đồ ăn thì có thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật, thực phẩm... Đến
nỗi những năm trở lại đây ở Việt Nam xuất hiện khái niệm “sạch”. Rau
“sạch”, thịt “sạch”, cá “sạch”, trái cây “sạch”, cà phê “sạch”, gạo
“sạch”, trứng “sạch”...., để quảng cáo cho những sản phẩm không độc hại.
Nhưng tất cả những thứ đó liệu có thật sự “sạch” khi mà các cơ quan có
thẩm quyền, có trách nhiệm đều nằm trong cơ chế độc quyền. Mà cơ chế ấy
là cơ chế tiền, sẵn sàng phản bội lại quyền lợi của người tiêu dùng để
bênh vực thủ phạm hầu lấy tiền bỏ túi.
Đồ ăn nhiễm độc, đồ uống nhiễm độc, đồ dùng nhiễm độc, môi trường sống hàng ngày nhiễm độc. Và bây giờ là biển nhiễm độc.
Cho nên mới than rằng, ở Việt Nam cái gì cũng nhiễm độc.