“Xin lỗi mẹ, con đã dấu vệt máu bầm trên vai
Chẳng biết từ dùi cui hay nắm đấm
Nhưng mẹ ơi! khi bị kéo lê trên đất
Là lúc con nhìn thấy được cả bầu trời xanh
Là lúc con cảm nhận nỗi tủi nhục của dân mình
Nếu hôm nay con không có mặt” (Hương Giang)
Nguyệt Quỳnh (Danlambao) - Những câu thơ trên nhắc tôi nhớ đến lời chào tạm biệt vào cuối cuộc phỏng vấn của một nhà hoạt động: “chúc mọi người sáng suốt, vững vàng để chúng ta cùng tồn tại.” Cùng
tồn tại là điều mà nhiều nhà hoạt động hôm nay đang vô cùng lo lắng,
nhất là khi mỗi ngày phải nhìn thấy hình ảnh xác cá chết trắng dọc theo
bờ biển từ Hà Tĩnh đến Huế. Xác cá hay xác của dân mình trên một mảnh
đất đã khô kiệt từ tài nguyên đến linh hồn con người! Nhìn quanh, đâu
đâu cũng toàn nỗi hoang mang; những câu hỏi cứ treo lơ lửng không tìm
thấy câu trả lời. Liệu dân tộc mình còn tồn tại được bao lâu giữa một
rừng hóa chất độc hại trong thức ăn, trong nước uống hàng ngày? Liệu dân
mình có nhìn thấy hiểm họa trước mắt? Làm thế nào để đánh thức nhau, để
vượt qua sợ hãi khi đất nước đang ngắc ngoải từng ngày trong tay những
tên thái thú và gã hàng xóm hung bạo?
***
Đất không còn lành nên chim không đậu cho dù đó là mảnh đất của ông cha
mình. Mốc điểm của những ngày tháng này làm người ta nhớ đến lớp người
đã âm thầm rời bỏ đất nước hơn 40 năm trước. Nếu xưa ta đau đớn biết bao
thì nay hoàn toàn ngược lại; người Việt đang ước ao, khao khát tìm mọi
cách để thoát khỏi Việt Nam. Không ai có thể sống bình yên khi nhìn Cửu
Long giang khô hạn, chín con rồng không còn ôm những cánh đồng lúa chín
mênh mông; xã hội bất ổn dẫy đầy bất công; chính phủ nhũng lạm, gian
dối; người dân đói nghèo sẵn sàng thuốc chết nhau bằng thực phẩm độc
hại; lãnh đạo khiếp nhược tiếp tục dập đầu trước mẹ ghẻ Bắc Kinh…
Nhiều lúc chúng ta vẫn tự thầm hỏi có hay không những tấm lòng, có hay
không những giọt lệ nhỏ xuống trước những tai ương nối tiếp tai ương?
Các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta sẽ sống ra sao? Ai đã làm gì đất
nước này? Chúng ta đã làm gì đất nước này? Đâu phải ai ai cũng có điều
kiện dễ dàng để rời bỏ Việt Nam ngoại trừ thiểu số giàu có, hay các quan
chức CS và con cháu của họ. Để tồn tại, để sống còn là chuyện của tất
cả chúng ta, của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam.
Các cuộc biểu tình vào những ngày cuối tuần của tháng Năm đã cho thấy
khá rõ suy tư của nhiều người dân thầm lặng. Với sự kiên cường lạ lùng
trước các trấn áp tàn bạo của đội ngũ công an, dân phòng,… đã lần đầu
tiên cho thấy khát vọng tồn tại của dân ta. Có rất nhiều những khuôn mặt
trẻ, rất nhiều những khuôn mặt lạ lần đầu tiên xuất hiện. Đã có đánh
đập, đã có đổ máu nhưng hình ảnh người mẹ trẻ với khuôn mặt sưng húp ôm
chặt lấy con chị trong vòng tay đã nói lên thật nhiều điều. Nếu nhìn về
mặt tích cực, thái độ hung hãn - bất chấp người dân, đánh cho sợ - của
lãnh đạo đảng đã thực sự giúp cho nhiều người thức tỉnh. Im lặng không
còn là an toàn. Im lặng là chấp nhận cho chính mình và các thế hệ tương
lai chết dần trước những tai họa do sự tham lam của lãnh đạo CS đem lại.
Điều đáng kể là đã có nhiều bậc cha mẹ đem theo con nhỏ trong các cuộc
biểu tình này. Một số người bị bắt ném lên xe buýt đã run rẩy lo sợ khi
các con nhỏ của họ bị bỏ lại trên đường phố. Bài học đầu đời cho các bé
không êm ái như những trẻ em của các quốc gia khác. Người mẹ trẻ Ubee đã
trao cho con gái chị bài học về quê hương có cả dùi cui và nước mắt.
Tôi chắc bé Saphie sẽ nhớ mãi ngày hôm ấy.
Cách đây không lâu, tôi được xem một đoạn phim ngắn (video clip) của một
bé gái Nhật Bản. Em chỉ độ bảy tám tuổi thôi, nhưng hành động của em
chắc đã khiến nhiều người phải suy ngẫm về những giá trị cốt lõi của
công dân tí hon này. Em bé mặc một bộ đồng phục áo trắng, váy xanh, đeo
ba lô bình thường như bao cô bé tiểu học khác. Em đang trên đường đến
trường. Đến một đoạn băng qua đường thì có một chiếc xe đậu lấn vào làn
ranh dành cho người đi bộ. Với thái độ rất tự nhiên, bé gái dừng lại
trước đầu xe, em chỉ cao hơn mũi xe một cái đầu. Em dơ hai ngón tay ra
hiệu cho người tài xế phải lùi lại, khi xe đã lùi một quãng, em lại bước
thêm vài bước nữa để buộc xe lùi đúng lằn qui định. Lúc ấy đèn xanh bật
lên, nhiều xe khác đã chạy qua nhưng chiếc xe nọ vẫn phải dừng vì em
còn đứng đó. Chờ cho đến khi xe đậu vào đúng vị trí cho phép, em từ từ
quay lại lằn ranh dành cho người đi bộ rồi lon ton chạy qua đường.
Chỉ với sự nhắc nhở của một bé gái, tôi đoan chắc là từ giây phút ấy trở
về sau, người tài xế kia sẽ không bao giờ đậu xe lấn vào lằn ranh dành
cho người đi bộ. Ý thức của một công dân đã được các bậc cha mẹ phả vào
tâm hồn của bé gái ấy ngay khi còn thơ bé. Ý thức và nền tảng ấy quan
trọng vô cùng, khi chỉ ra cái sai trái của người tài xế, bé gái ấy đã
chứng tỏ sự hiện hữu của mình.
Chúng ta có hơn 90 triệu dân nhưng chúng ta đã khước từ sự hiện hữu đó.
Khi mất Ải Nam Quan, đa số dân ta không dám lên tiếng. Khi lãnh đạo dâng
nhượng lãnh thổ và lãnh hải cho Trung Quốc, ta im lặng. Ta cam chịu
ngay cả khi Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân ở Thanh Hóa lần đầu tiên. Để
rồi kể từ ấy đến nay, trong tay lãnh đạo CS, đất nước phải gánh chịu hết
thảm họa này đến thảm họa khác. Kịp đến khi ta nhận ra thì Cửu Long đã
khô hạn, cá chết, muối nhiễm độc… kẻ thù và sự diệt vong đã đứng hẳn
trong nhà.
***
Một điều mà xưa nay dân tộc ta luôn ghi nhớ: để được tồn tại đến ngày
hôm nay, bên cạnh một đất nước bá quyền từng chinh phạt và muốn nuốt
chửng cả thế giới - chưa hề là một phép lạ. Không phải chỉ ngày hôm nay
mà hàng nghìn năm trước, rất nhiều lần Trung Quốc đã mong muốn nô lệ hóa
và bóp chết dân tộc ta. Nhưng sự hung hãn của quân xâm lược phương Bắc
ngày trước cũng chính là thước đo lòng ái quốc của quân dân Đại Việt.
Cũng như vậy, sự đàn áp hung bạo của lãnh đạo cộng sản những ngày qua
đang là thước đo sức mạnh trỗi dậy của người dân hôm nay.
Chỉ từ hơn một tháng qua, chúng ta mới dám hi vọng về sự tồn tại của dân
tộc mình trước sự xuất hiện của Lòng Dân qua những khuôn mặt rất trẻ,
rất vững vàng trong đoàn biểu tình. Nhưng muốn tồn tại, chúng ta cần
phải có Số Đông một dạ một lòng. Số Đông của những bậc cha mẹ thương yêu
con cái và biết cách âu lo cho tương lai của chúng; của thanh niên
thiếu nữ biết quên nỗi sợ áo cơm mà nhớ đến nỗi sợ diệt vong; của kẻ sĩ
tỉnh thức thấy rõ cái danh hão là nhục, cái khôn lỏi là hèn. Và sau
cùng, của tầng lớp công an hung ác đang tiếp sức cho hệ thống bạo lực;
sớm biết dừng lại vì hiểu rõ hiểm nguy của chính mình trong tình trạng
đất nước chạng vạng sắp tới bình minh.
Để thể hiện sức mạnh hiện hữu thực sự, Số Đông ấy cần học cách đứng sát
cạnh nhau để bù đắp những khiếm khuyết và bảo vệ nhau trong lúc nguy
nan. Hãy sáng suốt và bao dung cất giữ vào quá khứ tất cả những lỗi lầm
của nhau hôm qua, để kẻ thù không thể tiếp tục tung hỏa mù khiến chúng
ta hao tổn sức lực đánh nhầm vào anh em. Số Đông ấy lúc đó mới thực sự
là con dân của 4000 năm, của Lý Thường Kiệt, của Trần Hưng Đạo, của
Quang Trung Nguyễn Huệ… tự tin, vững vàng, bước tới giành lại sự tồn tại
mà ông cha ta đã gìn giữ suốt bao đời.
Những cuộc biểu tình vừa qua đã cho thấy rõ khát vọng tồn tại của dân
ta. Nhưng đó chỉ mới là những đốm lửa nhỏ, chúng ta cần kiên trì tiếp
lửa cho nhau để tạo thành số đông, đủ sức giải quyết bằng được những vấn
nạn của đất nước. Biển chết, muối nhiễm độc, đất ngập mặn… tổ quốc đang
lâm nguy từng ngày. Số phận Việt Nam nằm trong tay của người dân Việt
Nam. Hãy chọn lựa chỗ đứng của chính mình. Cùng lúc, lãnh đạo CS cũng
muốn tồn tại. Họ muốn trở thành Theinsein hay ra đi như Gaddafi là chọn
lựa của họ. Chúng ta muốn duy trì Việt Nam hay trở thành Tây Tạng thứ
nhì là chọn lựa của chính chúng ta./.