Luật sư Đào Tăng Dực
- Người CSVN đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng là đánh giá rất thấp trí
tuệ của người dân Việt Nam. Thay vì tôn trọng nhân phẩm và trí thông
minh của nhân dân qua những định chế rường cột của quốc gia như: Quốc
Hội, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính Phủ, Chủ Tịch Quốc Hội… vì các định
chế này, chứ không phải các cá nhân giữ chức vụ, thể hiện hiến pháp và
trí tuệ tập thể của cả dân tộc, thì họ trắng trợn bôi bẩn sự tôn nghiêm
của quốc thể qua những mánh lới lừa lọc rẻ tiền, mua quan bán tước.
Thật vậy, ngày 7 tháng 4 năm 2016, Ông Nguyễn Xuân Phúc đắc cử với số
phiếu trên 90% và tuyên thệ trở thành tân thủ tướng, thay thế ông Nguyễn
Tấn Dũng. Trước đây ông Nguyễn Phú Trọng đã được đảng CSVN tín nhiệm
tái đắc cử vào chức vụ Tổng Bí Thư đảng thêm một nhiệm kỳ. Bà Nguyễn Thị
Kim Ngân đã đắc cử chủ tịch Quốc Hội và tuyên thệ nhậm chức ngày 31
tháng 3, sau đó Đại tướng công an Trần Đại Quang đắc cử chức vụ Chủ Tịch
nước và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2 tháng 4. Cả bà Ngân lẫn ông
Quang đều đắc cử với số phiếu tín nhiệm cao tương tự như ông Phúc.
Như thế là nhân dân Việt Nam vừa phải chứng kiến một màn bi hài kịch
miễn phí mà sân khấu là chính trường quốc gia và các diễn viên là thành
phần lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN.
I. Khía cạnh vi hiến:
Sự tái đắc cử vào chức vụ Tổng Bí Thư của ông Nguyễn Phú Trọng gây thất
vọng cho nhiều người vì bản chất bảo thủ và thân Bắc Kinh của ông. Nhưng
đây là một quyết định nội bộ của một đảng độc tài toàn trị, không gây
tranh cãi nhiều.
Tuy nhiên, trên nguyên tắc, các chức vụ Chủ Tịch Quốc Hội, Chủ Tịch nước
và Thủ Tướng chính phủ nằm trên bình diện quốc gia và căn cứ trên hiến
pháp. Chính vì thế sự bổ nhiệm 3 chức vụ này, trong bối cảnh không bình
thường, gây ra nhiều tranh cãi trong giới bình luận gia chính trị, về
tính hợp hiến hay vi hiến của nó.
Bối cảnh không bình thường này căn cứ trên các lập luận và sự kiện như sau:
1. Quốc hội khóa 14 sẽ được bầu ngày 22 tháng 5 sắp tới nên Quốc Hội Khóa 13 không có thẩm quyền bầu các chức vụ nêu trên
2. Các nhân vật tiền nhiệm như Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ
Tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không có đơn
xin từ chức
3. Hiến pháp 2013 quy định rõ là nhiệm kỳ của chủ tịch nước (điều 87) và
chính phủ trong đó có thủ tướng (điều 97) theo nhiệm kỳ của quốc hội.
Riêng nhiệm kỳ của chủ tịch quốc hội đương nhiêm phải theo nhiệm kỳ của
quốc hội bầu ra mình (điều 71.1)
Khi đọc kỹ Hiến Pháp 2013, Điều 71.1 ghi rõ:
“Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là năm năm.”
Và chủ tịch quốc hội dĩ nhiên là một trong những thành phần của quốc hội và nhiệm kỳ của chức vụ này cũng phải 5 năm.
Hiến pháp, điều 87, lại minh thị quy định nhiệm kỳ của chức vụ chủ tịch nước như sau:
“…Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội
hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội
khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.”
Riêng chức vụ thủ tướng thì có 2 điều của Hiến Pháp liên hệ đến.
Điều 95 quy định thủ tướng là một thành phần của chính phủ (“Chính phủ
gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.”) và sau đó Điều 97 ghi rõ:
“Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết
nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới
thành lập Chính phủ mới.”
Các ông cựu chủ tịch Quốc Hội (Nguyễn Sinh Hùng), cựu chủ tịch nước
(Trương Tấn Sang) và cựu Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) đã không có đơn từ
chức, họ cũng không bị cách chức vì bất cứ lý do gì kể cả tắc trách hoặc
mất trí năng.
Căn cứ vào những điều trên, hầu hết các bình luận gia đều phê phán rằng,
tác động bổ nhiệm quá sớm vừa rồi của đảng CSVN là vi hiến. Dĩ nhiên
đây là một lập luận thuyết phục và người CSVN rất khó bác bỏ lập luận
này.
II. Cơ sở lý luận của đảng CSVN:
Câu hỏi nêu ra là tại sao đảng CSVN vẫn muối mặt, không chờ đến ngày 1
tháng 7, sau khi tân quốc hội nhậm chức, như tại các quốc gia dân chủ?
và họ nương vào đâu để biện minh cho hành động đó?
Đảng nắm trong tay toàn diện quân đội, công an, guồng máy hành chánh, hệ
thống tòa án theo công thức độc tài toàn trị, tại sao còn phải hành
động hấp tấp và “vi hiến” như thế?
Câu trả lời là vì họ sợ hãi, bao gồm sự sợ hãi mất quyền lợi.
Thật vậy, sau 2 thập niên nắm chính phủ trong tay, Nguyễn Tấn Dũng và
đàn em đã xâm nhập mọi giai tầng của guồng máy hành chánh và đảng. Quyền
lực đi cùng quyền lợi. Trong suốt 2 thập niên đó, uy tín của Nguyễn Tấn
Dũng bao trùm đảng và nhà nước, vượt lên trên Tổng Bí Thư đảng Nguyễn
Phú Trọng và trên cả bộ chính trị.
Các nhân vật mới không thể cho Dũng và đàn em cơ hội, dù chỉ là vài
tháng mong manh, để tẩu tán tài sản và chứng cớ. Họ cũng không thể hoàn
toàn loại bỏ xác suất xảy ra chính biến từ phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng vì
“đêm dài lắm mộng”. Chiếm giữ quyền lực sớm hơn lúc nào thì được chia
chác quyền lợi nhiều hơn lúc ấy, theo tỷ lệ thời gian.
1. Tính tối cao của Quốc hội qua điều 70 HP:
Người CSVN không phải hoàn toàn không có cơ sở hiến định, khi họ bổ nhiệm sớm 3 chức vụ nêu trên.
Trước hết, đảng CSVN vin vào điều 70 của Hiến Pháp nói lên tính tối cao
của quốc hội trong Quốc Hội Chế và cho phép Quốc Hội quyền hầu như tuyệt
đối “bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm” các chức vụ trên.
Thật vậy, điều 70.7 ghi rõ quyền lực bao trùm của Quốc Hội như sau:
“Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ
tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng
Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà
nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề
nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng
và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê
chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu
cử quốc gia.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính
phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với
Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;”
Không phải vô tình mà thật sự do cố ý, Hiến Pháp 2013 không minh thị quy
định thứ tự ưu tiên quyền lực của các điều khoản HP khi xung đột. Trong
tình huống đó, và trong tình huống vắng bóng một định chế tư pháp độc
lập để phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến trong luật hiến pháp, bao
gồm khía cạnh xung đột luật pháp (conflict of laws) thì người CSVN cớ
thể lập luận rằng điều 70.7 này có thể phủ quyết các điều 70.1, 87 và 97
nêu trên.
Thêm vào đó, hiến pháp 2013 của CSVN là một văn kiện không hoàn hảo và
người CSVN đã cố tình tạo dựng sự không hoàn hảo này hầu khuynh loát
chính quyền khi cần thiết.
2. Một số thủ thuật có tính hệ thống của các chiến lược gia CSVN:
Thật vậy, chúng ta có thể lập luận vô cùng vững chắc rằng, sự vi phạm HP
này không phải là một hiện tượng đột xuất do hoàn cảnh đưa đẩy, mà là
biểu hiện của số thủ thuật có tính hệ thống, do các chiến lược gia CSVN
dàng dựng và cài đặt trong Hiến Pháp 2013 hầu thao túng hiến pháp tùy
tiện và bảo vệ tính độc tài toàn trị của đảng.
Các thủ thuật đó có thể được tóm lược như sau:
1. Khắc ghi trong HP những điều khoản dân chủ thực sự tương tự các quốc gia dân chủ văn minh trên thế giới.
2. Khắc ghi trong hiến pháp cụm từ “Theo pháp luật quy định” như trong các thể chế dân chủ trên thế giới
3. Tuy nhiên cũng lồng vào hiến pháp những điều khoản hoàn toàn phản dân chủ (điển hình là điều 4 HP, điều 8.1)
4. Lồng vào HP những điều khoản tuyên truyền không công cho đảng
5. Không hiến định hóa một định chế pháp lý độc lập để bảo vệ tinh thần
hiến pháp và có thẩm quyền phán xét chí công vô tư về tính vi hiến hay
hợp hiến.
6. Không minh thị quy định thứ tự ưu tiên quyền lực của các điều khoản khi xảy ra xung đột giữa các điều khoản HP.
Hậu quả của các thủ thuật nêu trên là đảng CSVN có thể tùy tiện chọn lựa
điều khoản nào của HP để tuân thủ và điều nào họ có thể chà đạp.
Qua thủ thuật này, chúng ta có thể hình dung Hiến Pháp 2013 như một mâm
cỗ Quốc Hội bù nhìn dọn lên cho đảng CSVN dùng, trong đó có nhiều món ăn
(hay điều khoản) khác nhau. Đảng có quyền tuyệt đối chọn những món ăn
phù hợp với khẩu vị của mình và vứt đi những món khác.
Tương tự, qua Hiến Pháp này, đảng CSVN trở thành chủ nhân ông tuyệt đối
của giang sơn cẩm tú do tiền nhân trao lại. Đảng có quyền tùy tiện chọn
lựa, chia chác, trao đổi và buôn bán giang sơn cẩm tú và các tài nguyên
mà không bị bất cứ một sự chế tài độc lập nào.
3. Tùy tiện thao túng cụm từ “Theo pháp luật quy định” trong HP:
Cụm từ “theo luật pháp quy định” cũng bị họ sử dụng một cách vô trách nhiệm.
Trước hết, tại các quốc gia dân chủ chân chính, cụm từ này quy trách
nhiệm cho cơ quan hữu trách của chính quyền thông qua những sắc luật cụ
thể hầu thực thi các quyền hoặc trách nhiệm khắc ghi ngắn gọn trong HP.
Những các sắc luật hoặc tác động không được vi phạm nội dung của các
điều khoản HP liên hệ. Nếu vi phạm sẽ là vi hiến và vô hiệu lực. Tuy
nhiên, vì không có một định chế độc lập để phán quyết về tính vi hiến
hay hợp hiến, Quốc hội CSVN mặc nhiên thông qua Luật Bầu Cử Đại Biểu
Quốc Hội 1997, ngang nhiên tước bỏ hầu như toàn diện quyền bầu cử và ứng
cử của công dân như khắc ghi trong điều 27 HP, mà không bị chế tài.
Tương tự, các điều 79, 88 và 258 Bộ Luật Hình Sự và nhiều bộ luật cũng
như pháp lệnh, quyết định của lập pháp hoặc hành pháp khác cũng vi hiến
nghiêm trọng mà nhân dân phải bó tay.
Thêm vào đó, HP là nền tảng luật pháp của quốc gia và mỗi điều khoản của
HP là một mệnh lệnh phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Chính vì thế, cụm từ
“Theo pháp luật quy định” đi sau một điều khoản HP là một mệnh lệnh cho
cơ chế liên hệ thi hành.
Khi HP quy định về quyền hội họp và lập hội “theo quy định của pháp
luật” thì không những một sắc luật hay tác động vi phạm nội dung của HP
là vi hiến, mà “không ban hành” luật hầu công dân có thể hành xử quyền
hiến định của họ, cũng vi hiến nữa.
Dĩ nhiên, cơ chế liên hệ có một thời gian hợp lý (reasonable) để hoàn
tất sắc luật liên hệ, nhưng các quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền có
một định chế bảo vệ HP (điều 119.2) cho đến bây giờ vẫn chưa có luật,
thì rõ ràng vi hiến.
Thật vậy, trong một chế độ pháp trị chân chính, không những một tác
động (action) có thể vi hiến mà sự thiếu vắng một tác động (lack of
action, inaction, absence of action or refusal to act) cũng có thể vi
hiến nữa.
4. Sự vắng bóng một định chế độc lập bảo vệ Hiến Pháp (an independent institution to protect the constitution)
Dĩ nhiên, tính vi hiến hay hợp hiến của một sắc luật của lập pháp, một
tác động của hành pháp, hay của một đệ tam nhân nào, không phải là vấn
đề đối với CSVN vì Hiến Pháp không hề quy định một định chế độc lập
(independent institution) như một Tối Cao Pháp Viện hoặc một Tòa Án Hiến
Pháp để phán quyết khách quan về tính hợp hiến hay vi hiến.
Điều 74 minh thi trao quyền diễn giải hiến pháp, luật và pháp lệnh cho
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và dĩ nhiên thiếu hẳn yếu tố độc lập.
Thêm vào đó, tuy điều 119 minh thị quy định “Cơ chế bảo vệ hiến pháp do
luật định”, nhưng đã hơn 2 năm qua, CSVN cứ lờ đi không ra luật thành
lập cơ chế này, và cũng không có gì bảo đảm cơ chế đó sẽ mang tính độc
lập thực sự.
Như lập luận nêu trên, thái độ cố ý không thành lập cơ chế bảo vệ hiến
pháp theo điều 119 là một sự từ chối hành động (inaction, lack of
action, absence of action, refusal to act) có tính cố tình vi hiến và
phải bị nghiêm khắc chế tài.
Dĩ nhiên, CSVN sẽ gặp nhiều khó khăn vì điều 74 và cơ chế bảo vệ hiến
pháp này sẽ xung đột về khía cạnh “diễn giải hiến pháp”. Khuyết điểm này
có tiềm năng đưa đến sự xung đột giữa hai định chế (Cơ chế bảo vệ hiến
pháp và Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội).
Điều này chứng tỏ đảng CSVN, với toàn bộ ngân sách và tài nguyên quốc
gia họ sử dụng, đã làm việc vô cùng cẩu thả và tùy tiện trong công tác
kiện toàn một văn kiện luật pháp rường cột và tôn kính nhất của quốc gia
như bản Hiến Pháp 2013. Họ phải bị lên án nghiêm khắc trên khía cạnh
này.
5. Sự hiến định hóa nguyên tắc “tập trung dân chủ”
Chúng ta đã bàn luận nhiều về tính vi hiến của điều 4HP và không cần bàn
luận thêm nơi đây. Xin xem cuốn “Phê Bình Song Ngữ Toàn Diện Hiến Pháp
2013 của Việt Nam” cùng tác giả hiện lưu hành rộng rãi trên mạng lưới
toàn cầu.
Tuy nhiên có một khái niệm vô cùng di hại cho tiến trình dân chủ hóa
Việt Nam, không kém điều 4 HP, mà chúng ta ít lưu ý hơn, đó là sự cố ý
của người CSVN khi hiến định hóa nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong
điều 8.1 của HP:
Điều 8, đoạn 1 ghi:
“Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đây là một điều khoản vô cùng nguy hiểm và phản động cho tiến trình dân
chủ hóa đất nước, vì nó đã nâng cấp ý niệm phản dân chủ này từ cấp bậc
là một điều khoản trong điều lệ hay nội quy của một đảng phái, nghiễm
nhiên trở thành một luật nền tảng trong HP của cả một dân tộc.
Thật vậy, Bản điều lệ đảng CSVN ghi rõ trong lời mở đầu một phần như sau:
“Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản,”
Tiếp theo đó, điều lệ 9 định nghĩa rõ khái niệm tập trung dân chủ như sau:
“Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội
dung cơ bản của nguyên tắc đó là… tổ chức đảng và đảng viên phải chấp
hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng
cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục
tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.”
Chúng ta nên nhớ tiềm năng hùng mạnh của nguyên tắc này của Lê Nin trong
thanh trừng nội bộ cũng như đấu tranh bên ngoài đảng. Với nguyên tắc
này, Lê Nin đã vượt trội các đảng phái chính trị cạnh tranh với mình,
tiêu diệt họ không nương tay và cướp chính quyền cho Đệ Tam Quốc Tế.
Cũng với nguyên tắc này, Stalin đã khai trừ (bộ trưởng quốc phòng)
Trotsky đầy quyền uy và mọi thành phần chống đối trong đảng và trị vì
như một trong những nhà độc tài khát máu nhất thời đại.
Hai nhân vật khác như Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành cũng sử dụng
nguyên tắc căn bản này của Lê Nin để có thể phi nhân và tàn ác như thế.
Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, trong Đại Hội
12 để loại Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi trung tâm quyền lực. Lý do là vì một
khi Ban Chấp Hành Trung Ương tiền nhiệm đã quyết định về sự từ nhiệm của
Nguyễn Tấn Dũng, thì ông phải chấp hành quyết định này và rút tên ra
khỏi danh sách ứng cử vào BCHTU mới theo đúng nguyên tắc tập trung dân
chủ.
Với nguyên tắc oan khiên này trong hiến pháp, người CSVN có quyền lập
luận rằng, chiếu theo điều 8.1 của HP, Quốc Hội khóa 13 có toàn quyền bổ
nhiệm các chức vụ chủ tịch QH, chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính Phủ
xuyên nhiệm kỳ vì trên nguyên tắc, nếu có một nhân vật nào khác được đề
cử trong Quốc Hội Khóa 14, thì nhân vật này cũng phải từ chối vì phải
chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ của Quốc Hội khóa 13 tiền nhiệm
mà thôi.
Chiếu theo nguyên tắc tập trung dân chủ này, CSVN chỉ cần bầu một Quốc
Hội đầu tiên, cùng với những chức vụ rường cột khác của quốc gia do quốc
hội “đẻ ra” và sau đó các định chế này trường tồn vĩnh viễn mà không
cần bầu cử nữa.
Đi xa hơn nữa, nguyên tắc tập trung dân chủ còn có nghĩa rằng, một khi
người dân đã bầu lên một chính quyền thì sau đó, dân trong làng xã phải
theo chỉ thị của quận huyện, quân huyện phải theo chỉ thị của tỉnh, tỉnh
phải theo trung ương, trung ương phải theo Quốc Hội, vì đảng nắm toàn
bộ Quốc Hội nên Quốc Hội phải theo Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. BCH/TU
phải theo Bộ Chính Trị đảng.
Bỡi vì khía cạnh xuyên thế hệ của nguyên tắc tập trung dân chủ thì Ban
Chấp Hành Trung Ương tiền nhiệm có thể quyết định cho BCHTU kế nhiệm,
Quốc Hội tiền nhiệm cho Quốc Hội kế nhiệm, trên nguyên tắc chỉ cần bầu
cử lần đầu tiên là đủ, không cần bầu cử các lần sau làm gì cho tốn công
quỹ, vì cuộc bầu cử đầu tiên đã hoàn toàn định hướng cho cuộc bầu cử
cuối cùng.
Những người CSVN tiêu biểu như TBT Nguyễn Phú Trọng luôn hãnh diện vì
mình là thành phần ưu tú của nhân loại, của dân tộc vì am hiểu ý thức hệ
Mác Lê và tính ưu việt của nguyên tắc “tập trung dân chủ” này, do chính
đồng chí Lê Nin vĩ đại khai thị.
Họ khinh thường những người dân chất phát, như trí thức tiểu tư sản và
những đảng phái quốc gia tài tử (amateur) không am hiểu tính ưu việt của
nguyên tắc “tập trung dân chủ” bách chiến bách thắng này.
Họ chấp nhận rằng, Liên Bang Xô Viết cũ, Đông Âu và nhiều quốc gia khác
đã buông bỏ ý thức hệ Mác Lê và nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ chấp
nhận một ngày họ cũng có thể chịu chung số phận.
Nhưng lương tâm của họ hoàn toàn bình an và họ chưa bao giờ vi hiến
vì HP 2013 không quy định ưu tiên quyền lực của các điều khoản khác
nhau. Họ có quyền chọn lực thi hành hiến pháp theo nguyên tắc “tập trung
dân chủ” đã được minh thị hiến định hóa.
III. Kết luận
Chính vì những khuyết điểm điển hình như thế, bàn bạc trong hiến pháp
2013, mà đảng CSVN có thể mặc nhiên đạp hiến pháp dưới chân và trắng
trợn chiếm đoạt quyền lợi cho phe nhóm của mình, bất chấp dư luận hoặc ý
dân.
Nếu có sự hiện hữu của một Tối Cao Pháp Viện hoặc Tòa Án Hiến Pháp, với
thẩm quyền nguyên thủy (original jurisdiction) về luật hiến pháp, như
tại các quốc gia dân chủ, thì Luật Bầu Cử Quốc Hội đã bị tuyên bố vi
hiến, vì vi phạm nghiêm trọng điều 27 của Hiến Pháp liên hệ đến quyền
bầu cử và ứng cử của công dân.
Quốc Hội khóa 13, những khóa tiền nhiệm và Quốc Hội khóa 14 sắp tới đều
vi hiến và không có một đại biểu quốc hội “đảng cử dân bầu” nào được
quyền ngồi trong Quốc Hội cả.
Hiến pháp 2013 đã cho phép đảng CSVN đùa bỡn và thao túng những định chế
khả kính của quốc gia, như những trẻ con vô tri vô trách nhiệm đùa bỡn
với di sản thiêng liêng tổ tiên lưu lại, hầu tùy tiện chia chác những đồ
chơi con trẻ.
Sự di hại của Hiến Pháp 2013 còn đi xa hơn nữa, đảng CSVN không những
tùy tiện thao túng các định chế khả kính của quốc gia mà còn tùy tiện
băng hoại nền văn hóa đạo đức ngàn đời của dân tộc, buôn bán trao đổi
các vùng đất, hải đảo, vùng biển cho ngoại bang như những món đồ chơi
hầu thỏa mãn lòng tham cá nhân và phe nhóm.
Bài học thuộc lòng của mọi trẻ em Việt Nam từ thủa lọt lòng là giang sơn
gấm vóc của tổ tiên chạy dài từ “Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu” bây giờ
không còn hiện thực cũng vì Hiến Pháp 2013 và những tiền thân của nó đã
cho phép đảng CSVN tùy tiện thao túng quyền lực vô trách nhiệm.
Tuy nhiên đảng CSVN không thể dung tay che trời được. Hành động vội vàng
quá đáng nêu trên của đảng đã tạo nhiều đổ vỡ và chia rẽ nội bộ.
Dù các chiến lược gia của đảng có quyết định minh thị công nhận nhiệm kỳ
vô cùng giới hạn của các chức vụ trên, phung phí thêm công quỹ, tái bầu
cử và tái tuyên thệ các chức vụ chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ
tướng chính phủ sau khi quốc hội 14 nhậm chức, cho phù hợp với các điều
71(1), 87 và 97 nêu trên, cũng không thể che đậy.
Dĩ nhiên, vì không có thứ tự ưu tiên quyền lực giữa các điều khoản HP,
người CSVN không nhất thiết phải tổ chức bầu cử lại 3 chức vụ quan trọng
này vì chiếu theo điều 8.1 (nguyên tắc tập trung dân chủ) họ có quyền
hiến định không cần làm. Tuy nhiên, nếu áp lực trong và ngoài nước quá
mạnh, họ có thể uyển chuyển áp dụng các điều 71.1, 87 và 97, thay vì
điều 8.1 và bầu cử cũng như tuyên thệ một lần nữa, theo tinh thần cố hữu
của người CS là “cứu cánh biện minh cho phương tiện”.
Hành động vị kỷ và vô ý thức này di hại lâu dài cho dân tộc và cần phải
chấm dứt bằng sự cáo chung của ý thức hệ giáo điều Mác Lê, vứt vào sọt
rác nguyên tắc “tập trung dân chủ”, sự cáo chung vĩnh viễn của đảng CSVN
như một đại họa của dân tộc và một định chế chính tri đã vô cùng thoái
hóa.