Đêm
xứ người, trời bỗng nhiên trở lạnh. Chập chờn qua khói thuốc còn đọng lại trong
căn phòng âm u, tôi nghe tiếng nấc của bà quả phụ Thiếu Tướng Lê Văn Hưng thoát
ra từ cuộn băng ghi âm : “Xin mình cho em
chứng kiến giây phút cuối cùng của mình...”. Một tiếng đạn nổ, khô khắc
vang lên từ ống loa hay từ một thuở nào trong cơn biến loạn. Có lẽ cũng từ lòng
tôi. Hình ảnh của một vị Tướng anh hùng tuẩn tiết đã gục xuống. Ngậm ngùi, tôi đứng
dậy tắt máy. Nhìn ra khung cửa mù sương, trí tưởng nhạt nhòa lại đưa tôi về một
vùng trời hẻo lánh Tiền Giang với khu đồn
Giồng Riềng bó rọ trong mấy vòng kẽm gai hoen rỉ và mười sáu quả lựu đạn cuối cùng.
Nghĩa Quân Lê Văn Hùng và người vợ lính Phạm Thị Thàng. Hơn mấy chục năm về trước,
thuở tóc tôi chưa đau từng sợi bạc. Quân
ta tăng viện, chiếm lại khu đồn sau trận tiến công biển người của địch. Trong
khói lửa ngập vùng, hỏa châu bừng sáng, tiếng nấc của thương binh và tiếng vặn
mình của gỗ sắt hòa lẫn với tiếng nổ rời rạc của vài viên đạn gặp lửa bùng lên.
Nghe anh Phó Đồn cụt chân kể lại : - sau khi chồng bị tử thương, chị Thàng ẳm
hai con nhỏ đã bị thương nặng sắp chết, núp sau ụ đất với một thùng lựu đạn 16
quả. Cánh tay của người vợ lính vung lên, từng tiếng nổ ầm, át cả tiếng khóc trẻ
thơ. Mười lăm quả lựu đạn vút đi, ngăn chân biển địch. Tôi đã viết bài thơ dài,
trong đó có hai câu còn nhớ rõ :
Thùng lựu đạn
chỉ còn đây một quả
Em dâng anh với
cả tình yêu.
Chị Thàng đã tự sát cùng với hai con trẻ để đi
theo chồng là Nghĩa Quân Lê Văn Hùng vào cõi vĩnh hằng, cô đơn, côi cút và âm
thầm trong cuộc chiến. Người vợ lính đã nuôi con bằng gạo Quân Tiếp Vụ, hạnh phúc
bình thường qua bữa cơm với cua đồng cá nội. Ảnh của chị đã được treo lên tại góc
đường Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt ở Saigon một thuở nào giữa dòng người thờ ơ
qua lại. Người phụ nữ miến Nam với nụ cưới đơn sơ chất phác, e ấp qua mảnh khăn
rằn. Từ Bến Hải đến Cà Mau, bước chân của người vợ lính ẳm con đi theo chống khắp
bốn vùng chiến thuật. Không có những móng chân đỏ hồng nhưng đã tạo nên những vần
Thơ dường như huyền sử.
Tôi
quay lại bấm máy. Tiếng nói của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn vang lên qua từng loạt đạn nổ
... “Thiếu Tướng biểu y lệnh hả Chị ? Dạ,
tôi sẵn sàng...”
Tôi
lại tắt máy, không dám nghe nữa, có lẽ vì mặc cảm tự ti, hay thấy mình quá nhỏ
bé trước những tiếng vọng anh hùng. Lại châm thêm điếu thuốc, ngọn đồi Chu Prao
hiện về. Người nữ sinh sắc tộc Thái Trắng sinh tại Đơn Dương, hoa khôi Đà Lạt một
thời với tên Đèo-Nàng-Hoa. Lấy chồng là Trung Sĩ Biệt Kích Trường Sơn, tên Neo
Krông, da sạm đen với bắp tay cuồn cuộn như một nhánh cây rừng. Trong một lần đi
toán, Neo Krông đã không về lại. Tặng tiền tử của chồng cho một viện mồ côi, Đèo-Nàng-Hoa
đã đi tu và xin chuyển ra làm việc trong trại cùi ở Qui Nhơn. Có một lần tôi gặp
lại nàng khi tôi đến thăm mộ Hàn Mặc Tử. Người nữ sinh vợ lính thuở nào như bóng
của huyền thoại đã trở thành Dì Phuớc. Nhìn cặp mắt đen mà nghe cả tiếng thông
reo. Bàn tay của Dì Phước Đèo-Nàng-Hoa đã bắt đầu ửng đỏ bệnh phong, sự thật
hay do tôi tưởng tượng ? Khi ra khỏi trại cùi, tôi không dám quay nhìn lại, tâm
hồn của người vợ lính bình thản đã nạm vàng dác ngọc trong khi bóng tôi bên đường
chỉ là cát bụi. Tiếng thơ của Hàn Mặc Tử
lại vọng qua gió thổi rì rào : “Run như
run hơi thở chạm tơ vàng”.
Tiếng
của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam trầm buồn nhưng cương quyết : “Làm tướng mà không giữ được Nước được thành thì phải chết theo thành theo Nước...”.
Lại thêm một vị Tướng anh hùng gục xuống để rồi hiên ngang lẫm liệt đứng lên
trong lịch sử Dân Tộc cận đại. Tôi nghe mủi lòng rưng rưng. Hình ảnh của người
vợ lính ven sông Thu Bồn dắt con qua bao chuyến tàu chợ từ Quảng Nam ra miền Bắc
tìm chồng trong tù gọi là “cải tạo”. Nước mắt âm thầm chảy xuống dặm đường cay
nghiệt, chân giẫm lên sỏi đá hận thù. Một gói đường phèn, một lon muối ớt, với
tất cả tình thương mộc mạc, đơn sơ như thửa ruộng bờ đê, chắt chiu từng đồng, lặn
lội gần một tháng trường gian khổ để chỉ được vài ba tiếng đồng hồ im lặng nhìn
con, nhìn chồng tả tơi trong manh áo tù không án. Tù của một giai đoạn lịch sử
oan khiên, tù của một chế độ bạo tàn, mà người mẹ và vợ lính không bao giờ hiểu
nghĩa. Gần suốt đời cam phận bóng mờ di chuyển theo chồng qua bao trại gia
binh, sinh con trong những khu đồn hẻo lánh, để rồi hôm nay bên cạnh tên cúng cơm
lại bị ghi thêm hai chữ trên lý lịch đơn sơ : - “Vợ Ngụy” ! Từ ngữ sao mà cay nghiệt, nặng trĩu hận thù, chia lìa Dân
Tộc ! Người vợ lính cũng chẳng hiểu vì sao ?
Từ
mấy chục năm qua, sau tháng Tư Đen 1975, ngay trên quê hương lầm than còn có biết
bao người vợ Thương Phế Binh VNCH lặn lội thân cò nuôi chồng nuôi con, cạn khô
nước mắt. Và cũng đã có biết bao người vợ lính âm thầm đi tìm mộ chồng đã bị vùi
lấp trong các khu rừng hoang vu, ven các trại tù “cải tạo”. Tại hải ngoại, có còn
ai nghĩ đến những người vợ “kháng chiến quân” đã hy sinh cả một thời xuân sắc,
biền biệt tin chống, tần tảo nuôi con, lội ngược dòng đời, giữa một xã hội đầy
những con người thực tế, lảng quên. Hàng năm, đến ngày Hiền Mẫu nơi xứ người,
chỉ có những phụ nữ giàu sang thành đạt mới được “vinh danh” trong tiệc tùng dạ
vũ.
Có
người cầm tấm thiệp mời dự Ngày Quân Lực, mấy chục năm rồi xa Tổ Quốc, nhếch môi
phán rằng : Quân với Lực làm gì nữa, phí
một ngày đi chơi cuối tuần ! – Tôi cũng cầm tấm thiệp, vặn máy tăng âm cho
tiếng vang từ cuộn băng bừng lên, căn phòng dồn dập tiếng đạn xa xưa ... Tôi ôm
đầu, quặn đau cả lòng. Từ trong tâm tưởng, tôi nghe có tiếng bước chân âm thầm
của những người mẹ và vợ lính. Phạm thị Thàng, Đèo-Nàng-Hoa... và hàng triệu bóng
dáng phụ nữ Việt Nam một thời khói lửa, son sắt thủy chung, tiếp bước hành trình
gian khổ, đang nhìn tôi qua màn sương lạnh. Nỡ nào quên tình đồng đội, quên những
người mẹ và vợ lính đạm bạc, không cần lịch sử ghi danh, đã và đang khóc, thương
con thương chồng cùng thương Nước với tấm lòng biển rộng trời cao ! Hình ảnh của
người mẹ và vợ lính sống mãi trong Hồn Dân Tộc với niềm hãnh diện cô đơn. Tôi lặng
lẽ cúi đầu.
Rồi
một ngày không xa, tôi sẽ được vô vàn diễm phúc đứng bên cạnh đường lịch sử
vinh quang rợp bóng Cờ Vàng trên quê hương cội nguồn để ngắm nhìn các mẹ, các
chị, các em, mỉm cười trong ân nghĩa Tình Người :
Gặp nhau biết
nói gì hơn
Cười vui
trong gió tóc vờn cờ bay !
Võ
Đại Tôn