Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”
(một ngày trong tù dài bằng nghìn năm tự do bên ngoài). Nếu ví như vậy
thì hơn 17 năm ở tù (mà tù oan ức) của ông Huỳnh Văn Nén nó sẽ dài ra
như “vạn lý trường thành” của đời người, bởi ngoài sự khắc nghiệt kham
khổ của đời sống tù nhân bị án chung thân thì bên trong song sắt lạnh
lùng cô đơn với nổi đau đoạn trường sẽ nhân lên bội phần khi người tù
này còn trăn trở mòn mỏi với khắc khoải uẩn khúc cay đắng tủi nhục oan
khiên “tội ác ai làm mà mình phải chịu”, “cay đắng đó, dù chỉ một ngày thì cũng không ai muốn nếm trải”. Lời ông Huỳnh văn Nén (BBC).
8g30 Sáng 3.12 tại UBND thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình
Thuận, đại diện VKSND, TAND và Công an tỉnh đã tổ chức buổi xin lỗi công
khai ông Huỳnh Văn Nén và gia đình về bản án oan sai hơn 17 năm tù mà
ông Nén gánh chịu, còn nhiều việc mà bổn phận và trách nhiệm của các cơ
quan liên quan phải chu toàn tiếp theo sau phần “xin lỗi” này với nạn
nhân, ông Nén và gia đình.
Tuy nhiên, nhiều người có mặt trong buổi xin lỗi “lịch sử” này còn chứng
kiến những giọt nước đã mắt rơi xuống từ cả hai phía: Người nhằm lẫn
kết “án oan” và người bị “tù oan”.
Bà Trần Thị Thiên Hương - phó chánh tòa Bình Thuận khi đọc lời xin lỗi gia đình ông Huỳnh Văn Nén đã nghẹn lời bật khóc.
Đáp từ lời xin lỗi, Ông Huỳnh Văn Nén mắt cũng lệ rơi
Dù rơi xuống trên cung bậc nào thì những giọt nước mắt ấy cũng biểu cảm
vào hai trạng thái “Buồn và Vui”. Nạn nhân Huỳnh Văn Nén vui vì được tự
do lẫn với tủi thân bởi oan ức, còn quan tòa Trần Thị Thiên Hương lệ
buồn nhỏ xuống vì hối hận qua lời tạ lỗi:
"…thật là oan trái. Những thiệt hại mất mát này không ai có thể thấu
hiểu bằng chính bản thân ông Huỳnh Văn Nén và gia đình ông. Chúng tôi đã
rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc và hứa sẽ không ngừng học tập,
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để trong thời gian tới không còn
một người nào, một gia đình nào phải gánh chịu những mất mát, thiệt thòi
do bị điều tra, truy tố và xét xử kết án oan."(Trần Thị Thiên Hương - phó chánh tòa Bình Thuận) (1)
Cảm nhận được sự chân thành, tuy nhiên có một thiếu sót rất lớn, không
thể không đề cập, (vô tình hay tự ái?) mà bà quan tòa đại diện cho 3 cơ
quan VKSND, TAND và Công an tỉnh, trong toàn văn lời thư xin lỗi (1518
chữ) không có một chữ nào nhắc đến (chứ chưa nói cám ơn) 2 con người (có
mặt trong buổi xin lỗi) mà nếu không có họ thì cái “nút thắt” của vụ
oan án này đầy khả năng sẽ không bao giờ được tháo ra và 3 cơ quan điều
tra tố tụng này cũng sẽ không có dịp “rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc”.
Đó là 2 “hiệp sĩ” ông Nguyễn Thận (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh) và
nhất là Anh Nguyễn Phúc Thành (bạn của hung thủ) người mà dù bị hung
thủ đe dọa giết nhưng vẫn ít nhất là hai lần làm đơn ký tên chịu trách
nhiệm để tố cáo hung thủ.
(Nguyên CT/UB xã ông Nguyễn Thận và Anh Nguyễn Phúc Thành)
Đơn tố cáo được anh Nguyễn Phúc Thành viết tại trại giam Sông Cái năm
2000. Để thư tới được đúng địa chỉ, Thành đã gửi đi nhiều bản qua nhiều
kênh khác nhau - Ảnh: M.Vinh
Nhận lỗi với chính nạn nhân của mình, tất nhiên rồi, nhưng hàm ân từ 2
“hiệp sĩ” này là không nhẹ chút nào, bởi vì không có lòng dũng cảm và
nhân ái của họ (Nguyễn Thận&Nguyễn Phúc Thành) thảo đơn và bôn ba
cùng gia đình ông Nén đi kiến nghị kêu oan khắp nơi thì Viện trưởng
VKSND Tối cao sẽ không có kháng nghị và Tòa hình sự TAND Tối cao cũng vì
thế sẽ không xét lại bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận để hủy một
phần bản án hình sự sơ thẩm buộc điều tra lại theo thủ tục chung thì
hôm nay nạn nhân Huỳnh Văn Nén vẫn còn thi hành án oan mà 3 cơn quan
pháp luật tỉnh Bình Thuận sẽ không thấy sai sót, không thấy được lỗi của
mình.
Qua đó, chúng ta và các cơ quan điều tra tố tụng của “nhà nước, đảng ta”
không thể phủ nhận một điều: Khi một bản án tòa đã tuyên nhưng tiếp
theo sau là phản ứng bất bình vọng lại từ xã hội, tất yếu bản án ấy “có
vấn đề”.
Bởi phải có “vấn đề” thì dư luận mới phản đối, dù méo mó nhưng không thể
bác bỏ hiển nhiên 1 viên gạch 6 mặt cắt hấp thu lượng ánh sáng đâu bằng
100 viên kề bên. Nhưng trong cơ chế “độc tài CS” như luật bất thành văn
một bị can kết án rồi thì cơ may thoát tội là rất khó, bởi bị can được
minh oan là một mối nguy cho cơ quan điều tra xét xử bị xử lý trách
nhiệm vì vậy người ta sẽ tìm cách buộc tội cho đến cùng, bằng mọi cách,
mà nhục hình mớm cung buộc ký biên bản nhận tội rất phổ biến.
Điển hình như vụ án oan chung thân của ông Nguyễn Thanh Chấn (Tỉnh Bắc
Giang), nạn nhân đã bị buộc phải cầm bút viết thư về cho vợ nói rằng
mình đã phạm tội. Ông may mắn vì có cha là liệt sĩ nên được ân giảm mức
án tử hình xuống chung thân nếu không thì thân xác đã mục rữa, trước khi
thủ phạm ra đầu thú. Có một cái gì đó như là tội ác trong biện pháp
điều tra kiểu này, mà trường hợp Huỳnh Văn Nén cũng sẽ giống hệt như
vậy… nếu không có những phản ứng tích cực từ cộng đồng công luận.
Đại diện các cơ quan thực thi pháp luật, trong thư xin lỗi, vang vọng lời này: "Chúng
tôi... hứa sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp
vụ để trong thời gian tới không còn một người nào, một gia đình nào phải
gánh chịu những mất mát, thiệt thòi do bị điều tra, truy tố và xét xử
kết án oan." (1) (Trần Thị Thiên Hương - phó chánh tòa Bình Thuận)
Mà một trong những điều rất quan trọng, không chỉ riêng cho các cơ quan thực thi pháp luật Bình Thuận học tập là: “Đừng thờ ơ với những tiếng vọng lương tâm”
mà lương tâm chính là cái thiện tâm, đặc tính sẵn có trong mọi con
người - Cũng giống như 2 ông Nguyễn Thận và Nguyễn Phúc Thành, dù không
phải thân nhân ruột thịt với Huỳnh Văn Nén nhưng lương tâm của họ xác
quyết đây là bản án “oan” mà vì đạo làm người không thể ngoảnh mặt với
nổi đau đồng loại buộc họ lên tiếng dù chẳng có lợi lộc gì.
Tương đồng như vậy, ngày 24/05/2015, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty
International) và 36 tổ chức khác trong và ngoài nước chung một kiến
nghị yêu cầu nhà nước Việt nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương
tâm tại các nhà tù Việt nam, vì viết blog hay kêu gọi cải cách chính trị
và tôn trọng quyền con người không thể coi là hành vi khiến cho tất cả
bị kết án là tội phạm.
“trong thời gian tới không còn một người nào, một gia đình nào phải
gánh chịu những mất mát, thiệt thòi do bị điều tra, truy tố và xét xử
kết án oan."(Trần Thị Thiên Hương - phó chánh tòa Bình Thuận)
Thì ngay bây giờ, đừng để người kết “án oan” và người bị “tù oan” nước
mắt phải rơi thêm nữa thì nhà nước và đảng CSVN hãy làm như Chính Phủ
Myanmar phóng thích vô điều kiện tất cả “tù nhân chính trị” theo tiếng
vọng lương tâm quốc tế và trong nước.
Thêm một lần nhắc lại điều này: Mục đích cuối cùng của một bản án là làm
cho tội nhân tâm phục khẩu phục chứ không phải là khuất phục họ bằng
bạo quyền, độc đoán. Vành móng ngựa ngày nay không còn là biểu tượng đơn
phương của hà khắc mà là hình ảnh răn đe cho cả 2, người xử án và kẻ
chịu án - “thợ mộc có thước, thợ kim hoàn có khuôn, cán bộ điều tra và xét xử thì có nguyên tắc, pháp luật”
- Xã hội nào cũng cần có mọi công cụ biện pháp để trấn áp ngăn ngừa bài
trừ tội phạm, nhưng điều đó không có nghĩa là được phép đạp lên giá trị
nhân phẩm đạo lý và nguyên tắc để nhân danh cho sự tồn tại của một chế
độ một nhà nước hay đảng phái mà gieo tai họa cho người dân vô tội, đó
không phải là phương tiện để một nền tư pháp văn minh đi tới công lý.
Đừng để người kết “án oan” và người bị “tù oan” cùng rơi nước mắt mà
không biết vì sao!.
04/12/2015