30/3/16

"Chiếc mũ 258" đủ size cho mọi người!

LS Manh Dang - Tin rằng thực hiện quyền tự do ngôn luận, một quyền hiến định, thì Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị đưa ra tòa án xét xử theo điều 258 Bộ luật hình sự, đã nối tiếp theo chuỗi dài danh sách những công dân Việt phải chịu hình phạt theo tội danh này.

Quyền tự do ngôn luận là một phần của quyền tự do dân chủ được Hiến Pháp tu chính năm 2013 tái xác nhận tại điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Theo đó, quyền tự do ngôn luận là biểu hiện sự tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm đã là một trong những chuẩn mực chung cho nhân loại kể từ năm 1948, thời điểm thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam đã là thành viên ký kết có nghĩa vụ tuân thủ.

Song song đó, điều 258 Bộ luật hình sự lại quy định như sau: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”.

Vậy, đâu là ranh giới giữa một bên là sự hành xử quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và bên kia là tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo điều 258 Bộ luật hình sự?

Chắc chúng ta sẽ bất ngờ với câu trả lời ngay và luôn: Cơ quan an ninh nói ranh giới ấy ở đâu, thì nó ở đó!

Bằng chứng thực tế rằng sau khi bị truy tố, thì tất cả những bị cáo sau đó đều bị tòa án tuyên có tội! Chỉ ngoại trừ số ít những vụ bắt giữ về tội danh này mà không mang ra xét xử. 

Đồng thời, câu trả lời ngay và luôn đó cũng đã phản ảnh một sự thật đáng buồn mà giới luật sư ít muốn thừa nhận, đó là: Chưa có thân chủ nào bị truy tố với tội danh theo điều 258 mà được luật sư bào chữa thành công cả! Nói khác, chưa từng có luật sư nào thành công trong việc thuyết phục tòa án rằng hành xử của thân chủ mình vẫn nằm trong ranh giới an toàn, đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi!

Sự thật phũ phàng! Có buồn, nhưng không hề xấu hổ, không phải vì giới luật sư kém cỏi, mà vì ngành tư pháp xứ sở này vận hành theo cung cách như vậy!
Tội danh theo điều 258 là một tội danh mới và riêng có dành cho công dân Việt kể từ năm 1991, điều luật được khai sinh khi tu chính Bộ luật hình sự 1985.

Cùng với yêu cầu của công chúng đòi hỏi mở rộng tự do dân chủ ngày càng cao, thì trớ trêu thay, quy định về hình phạt của tội danh theo điều 258 cũng được nâng cao tương ứng, nguyên thủy từ năm 1991 khi điều luật mới được khai sinh, thì hình phạt cao nhất chỉ mới là “phạt tù đến ba năm” thì đến năm 1999, hình phạt cao nhất đã đạt quá gấp hai lần “phạt tù đến bảy năm”. Cho dù điều luật được tu chính trong bối cảnh đang có nhiều lời kêu gọi từ trong và ngoài nước yêu cầu hủy bỏ tội danh này!

Về phương diện học lý, điều luật 258 trong thực tế là điều luật không phù hợp với khoa học luật hình sự vì thừa yếu tố định tính mà thiếu hẳn yếu tố định lượng rõ ràng và cụ thể ! Yếu tố định lượng rõ ràng và cụ thể là cơ sở để điều luật được hiểu chính xác, chặt chẽ, đơn nghĩa, tránh khả năng hiểu đa nghĩa (hiểu sao cũng được, sẽ dẫn đến sự áp dụng tùy tiện điều luật).

Thiếu yếu tố định lượng rõ ràng, cụ thể được thể hiện qua các từ ngữ được dùng để hình thành điều luật như “Lợi dụng”, “Xâm phạm lợi ích” ! Đây là những từ ngữ chỉ sự “định tính” mơ hồ, không hàm chứa yếu tố “định lượng”. 

- Từ ngữ “Lợi dụng” : Thế nào là “hành xử quyền” hợp pháp và ở mức độ nào sẽ trở thành “lợi dụng quyền” vi phạm theo điều 258? 

- Từ ngữ “Xâm phạm lợi ích”: Lợi ích Nhà nước là gì? Phải chăng công dân phê bình hành vi bất xứng của chính quyền là xâm phạm lợi ích Nhà nước? Kể cả hành vi bất xứng đã là thực tế hiển nhiên?

Hiện nay, chưa từng có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền định nghĩa hay giải thích về nội hàm đầy đủ điều luật 258 này, đồng thời, do nội tại điều luật không có sự “định lượng” làm căn bản, cho nên, sự “định tính” của điều luật khó mà không dựa trên cơ sở đánh giá cảm tính của cơ quan điều tra!
Chưa kể, thiếu sự “định lượng” của điều luật, thì dựa trên cơ sở nào đánh giá mức độ vi phạm cũng như mức độ thiệt hại để quyết định mức hình phạt ? Trong khi sự giao động giữa mức hình phạt thấp nhất và mức cao nhất có sự chênh lệch rất lớn:
- Nhẹ nhất: Phạt cảnh cáo; 

- Nặng nhất : Phạt tù đến 7 năm;

Vô hình chung, điều 258 trở thành cái mũ hồ lô thần thông, có đủ size để cơ quan điều tra áp dụng trong mọi trường hợp mà họ cho là có sự “chống đối” chính quyền!
Mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn thi hành điều luật 258 này, thế nhưng, điều đó vẫn không cản trở các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng để xét xử công dân Việt mà họ cho rằng đã vi phạm điều luật. Thế nhưng, so chiếu đối với vấn đề biểu tình chẳng hạn, dù đã được quy định là quyền hiến định, nhưng việc trì hoãn ra luật thực hiện thì lại được xem là cơ sở pháp lý để cản trở công dân thực hiện quyền biểu tình!?

Rõ ràng, tiêu chuẩn kép trong việc áp dụng pháp luật theo ý chí của chính quyền là “đặc sản” riêng có ở xứ sở này, hậu quả thiệt thòi cuối cùng vẫn chỉ là công dân Việt gánh chịu!!! 

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin kéo theo sự ra đời các giải pháp thông tin, truyền thông đơn giản và phi truyền thống, mà trong đó, mỗi cá nhân đã có thể tự mình làm truyền thông hữu hiệu, phổ biến, loan truyền các quan điểm cá nhân của mình đến với cộng đồng một cách mạnh mẽ. Theo đó, thì ở xứ sở này, danh sách số lượng công dân Việt bị bắt giữ, bị xét xử vì “chiếc mũ 258” ngày càng được nối dài, họ từng là các nhà báo thuộc lề phải hay trái, các blogger, facebooker, thậm chí người khiếu kiện... đã phát biểu quan điểm của mình để góp ý, phản biện hay chỉ trích, phê phán hoặc đơn thuần là thông tin các chính sách của chính quyền, tạm kể như:
- Nguyễn Quang Lập, blogger;
- Lê Nguyễn Hương Trà, nhà báo, blogger;
- Trương Duy Nhất, nhà báo, blogger;
- Dao Pham Viet, Nhà văn, blogger; 
- Đinh Nhật Uy, facebooker;
- Hồng Lê Thọ, blogger;
- Nguyễn Văn Thông;
- Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người cao tuổi;
- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger;
- Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy;
...

Cá biệt, có cả trường hợp ông Đinh Tất Thắng, là người khiếu kiện ở Thanh Hóa đã hai lần bị tòa án xét xử cùng tội danh 258 vì đã bị cho rằng có hành vi gửi đơn, thư tố cáo vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân của nhiều lãnh đạo trong tỉnh Thanh Hóa và Trung ương...

Quan điểm quốc tế liên quan đến điều luật 258 Bộ luật hình sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu qua đánh giá của Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc. Ông cho rằng điều luật 258 quá mơ hồ, dễ bị lạm dụng để bắt bớ những người có chính kiến trong xã hội và “cần phải được bãi bỏ hoặc sửa đổi”. Quan điểm này được ông nhấn mạnh trong báo cáo gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 30/1/2015. Là báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt đã có chuyến làm việc tại Việt Nam hồi tháng 7/2014 để trực tiếp điều tra về tình hình nhân quyền. 

Tham khảo thêm luật pháp ở các quốc gia dân chủ, có lẽ không cần phải trình bày nhiều lời, chỉ với việc công chúng ở đó cảm thấy hết sức bình thường khi thưởng thức bức biếm họa (dưới đây), trong đó, hoàng gia Anh và chính phủ Anh gồm Nữ Hoàng Elizabeth II cùng thủ tướng của họ đang cúi rạp mình để làm nấc thang cho Tập Cận Bình bước lên máy bay thì đã đủ rõ về nền dân chủ của họ.

Tranh biếm họa báo Times of London ngày 23-10-2015

Theo đó, với tình hình hiện nay, có lẽ những ai đã từng hành xử quyền hiến định tự do ngôn luận của mình để chia sẻ những quan điểm, góp ý, phản biện, chỉ trích, phê phán hay đơn thuần là thông tin các hành vi hoặc chính sách của chính quyền một cách công khai mà mình tin rằng bất xứng, đều có thể đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh Nhà nước, là những “khách hàng” mặc nhiên của “chiếc mũ 258”, việc cơ quan an ninh “cất vó” chỉ còn là vấn đề thời gian!
Mặt khác, việc càng nhiều công dân bị đội “chiếc mũ 258” trong chừng mực nào đó, lại là một tín hiệu lạc quan. Rõ ràng, việc tu chính điều luật để tăng nặng hình phạt không hề làm thuyên giảm việc công dân ý thức hành xử quyền tự do ngôn luận của mình, cho dù, họ hoàn toàn biết rõ hậu quả có thể xảy ra khi biểu lộ quan điểm của mình một cách công khai như một niềm tin vào sự thật, và chỉ có sự thật cùng với sự chấp nhận sự thật mới có thể cứu vãn được những giá trị đang phôi pha dần trên xứ sở này.

Hoặc họ tin vào phẩm chất của chính mình để công nhiên hành xử quyền tự do hiến định, hoặc họ tự mình khước từ quyền tự do chính đáng như là một sự lựa chọn. 

Người từng mang về niềm vinh dự lớn lao cho xứ sở khi đoạt giải Fields danh tiếng thế giới, toán học gia Ngô Bảo Châu từng minh định sự lựa chọn của mình: “bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.