26/3/16

Phỏng vấn Luật sư Lê Công Định về Thông tư 13/2016 của Bộ Công an

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Ngày 10/3/2016, Bộ Công an đã ra Thông tư số Số: 13/2016/TT-BCA về “Quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân”. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 24/4/2016. Một trong những nội dung của Thông tư 13 là cho phép công an có quyền bắt những người dân tụ tập bên ngoài phiên tòa nếu không thể thuyết phục hoặc yêu cầu họ giải tán. Nhiều người cho rằng Bộ công an ra Thông tư này là nhằm vào giới đấu tranh cho nhân quyền trong nước.
Đã có rất nhiều người dân bị ngăn cấm, bị đánh đập hoặc bắt bớ chỉ vì muốn tham dự các phiên tòa xét xử những người bất đồng chính kiến được Nhà nước thông báo là “công khai”. Sự việc gần đây nhất là phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh, tức Blogger Anh Ba Sàm cùng người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy. Một số người đã bị lực lượng công an cả thường phục lẫn sắc phục bắt đi ngay gần trụ sở phiên tòa và bị câu lưu trái phép chỉ vì những người này đến ủng hộ tinh thần cho hai nhà tranh đấu nổi tiếng trên. Nhiều người bảo vệ nhân quyền sau đó cũng đã bị công an gửi giấy mời với lý do “để làm rõ việc tụ tập đông người tại vỉa hè ngã tư Triệu Quốc Đạt -Hai Bà Trưng, Hà Nội ngày 23/3/2016”- tức khu vực gần tòa án.

Để hiểu rõ hơn về tính pháp lý của Thông tư 13/2016, Phạm Thanh Nghiên đã có cuộc phỏng vấn luật sư Lê Công Định. Xin mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn này.

Phạm Thanh Nghiên: Xin chào Luật sư Lê Công Định, cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn của phóng viên bất đắc dĩ này.

Thưa anh, là một luật sư, anh đánh giá thế nào về Thông tư 13/2016/TT-BCA do Bộ Công an ban hành hôm 10/3 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/4/2016?

Luật sư Lê Công Định: Theo tôi việc bảo vệ phiên tòa là điều rất cần thiết. Điều 3 của Thông tư 13 quy định rằng bảo vệ phiên tòa nhằm bảo đảm an toàn cho hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa và hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án. Ở các nước khác, phiên tòa luôn được lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ với mục tiêu tương tự như vậy. Đó là điều hoàn toàn bình thường.

Phạm Thanh Nghiên: Thưa luật sư, đáng chú ý nhất là Điều 14 của Thông tư 13 cho phép công an có quyền bắt những người dân tụ tập bên ngoài phiên tòa nếu không thể thuyết phục hoặc yêu cầu họ giải tán. Anh cho biết ý kiến về quy định này? 

L/s Lê Công Định: Điều 14 của Thông tư quả thật đáng chú ý và dường như là điều mà Thông tư 13 chú trọng, đó là việc “xử lý tình huống tụ tập đông người gây rối trật tự khu vực xử án”. Đối chiếu với mục đích bảo vệ phiên tòa như được quy định tại Điều 3 mà tôi đề cập ở trên, Điều 14 rõ ràng dư thừa, vì sự an toàn của hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, cùng hồ sơ, tài liệu và vật chứng của vụ án chỉ có thể được bảo vệ trong phạm vi khu vực xử án mà thôi. Sự tụ tập đông người bên ngoài khu vực xử án chắc chắn không có khả năng đe dọa sự an toàn đó, trừ phi những người quá khích tìm cách tấn công từ bên ngoài vào bên trong phòng xử án bằng các phương tiện và vũ khí nguy hiểm.

Việc lồng một điều khoản với nội dung không liên quan đến mục tiêu bảo vệ phiên tòa cho thấy mục đích thực sự nhưng được ẩn giấu khéo léo của thông tư này, đó là thiết lập cơ sở pháp lý cho hành động đàn áp và bắt giam những người đến tụ tập bên ngoài khu vực xử án nhằm ủng hộ tinh thần của bị cáo và phản đối phiên tòa bất công. Với lý do bảo vệ phiên tòa từ nay, lực lượng công an có quyền trấn áp thẳng tay những ai bị xem là “gây rối trật tự khu vực xử án”. Hơn nữa, nhận định có hay không tình trạng “gây rối trật tự khu vực xử án” cũng hoàn toàn võ đoán và một chiều từ phía công an. Khi muốn đàn áp và bắt giam những người đến tụ tập bên ngoài khu vực xử án, thì công an sẽ đội cho họ cái mũ “gây rối trật tự” rồi áp dụng ngay Điều 14 của Thông tư 13, bất kể họ chưa và không có khả năng đe dọa sự an toàn của phiên tòa.

Phạm Thanh Nghiên: Một trong những nguyên tắc bảo vệ phiên tòa (chương 1- Quy định chung) có ghi rõ là cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải “tuân thủ Hiến pháp, pháp luật”. Vậy thì có điểm mâu thuẫn không giữa quyền hạn của công dân và nghĩa vụ của công an trong trường hợp này nếu chiếu theo quy định của hiến pháp? Hay nói cụ thể hơn là thông tư 13 có vi phạm hiến pháp không?

L/s Lê Công Định: Biểu tình và tự do ngôn luận là hai quyền được Hiến pháp 2013 ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực thi. Như vậy, việc tập hợp đông người để ủng hộ tinh thần của bị cáo và phản đối phiên tòa bất công hoàn toàn thuộc phạm vi các quyền hiến định của công dân. Không một đạo luật hay bản văn luật pháp dưới luật nào có thể hạn chế hay tước đoạt quyền hiến định của công dân dưới mọi hình thức. 

Một Bộ trưởng thuộc ngành hành pháp không có quyền ban hành một thông tư mặc nhiên xâm phạm các quyền tự do được Hiến pháp công nhận. Thông tư 13 do vậy vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp 2013. Trong một nhà nước pháp quyền thật sự, một thông tư như thế chắc chắn sẽ bị tòa án bảo hiến tuyên vô hiệu, và không bộ trưởng nào dám liều lĩnh đánh cược sinh mạng chính trị của mình bằng việc ban hành một bản văn pháp lý vi hiến hiển nhiên. 


Nói đi cũng phải nói lại, tất nhiên, nhà nước pháp quyền giả hiệu thì khác.

Phạm Thanh Nghiên: Một lần nữa xin cảm ơn Luật sư Lê Công Định.