21/3/16

Window Shopping


"Đi vào rồi lại đi ra,
Xem xem ngó ngó chỉ là vậy thôi"

Hai câu thơ trên làm ra bởi các bà đến tiệm mua sắm chỉ để nhìn cho vui mắt nhưng không mua gì cả - mà tiếng Anh gọi là "window shopping.” Thế nhưng thật không ngờ, hai câu thơ trên lại diễn tả chính xác những hành động quân sự mà Hoa Kỳ đăng thực thi hiện nay tại biển Đông trước sự hung hăng ngày mỗi tăng của Trung Cộng.

Cụ thể là gần đây nhất, vào ngày đầu tiên của tháng Ba, lực lượng tiên phong của Hạm Đội Bảy, bao gồm chiếc Hàng Không Mẫu Hạm John C. Stennis cùng với ba chiến hạm tấn công phóng hỏa tiển USS Chung-Hoon, USS Stockdale và USS William P. Lawrence, chưa kể khu trục hạm USS Mobile Bay có dàn hỏa tiển định huớng điều khiển từ xa và chiến hạm USS Blue Ridge vốn là nơi đặt bộ chỉ huy của cả Hạm Đội Bảy, thường còn được gọi là soái hạm, đã đi thẳng vào vùng biển tại Hoàng Sa và Trường Sa vốn đang bị chế ngự kềm tỏa nặng nể bới Hải-quân Trung Cộng, với dàn tên lửa hiện đại Đất Đối Không HQ-9 ở tại đảo Phú Lâm. 
Thông thường, lực lượng tiên phong của Hạm Đội Bảy bao gồm ngoài chiếc Hàng Không Mẫu Hạm John C. Stennis chứa trên mình hơn 70 chiến đấu cơ hiện đại thì có khoảng thêm 10 đại chiến hạm hộ tống. Nhưng lần này, lực lượng tiên phong của Hạm Đội Bảy lại đi vào biển Đông tuần tiểu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có ba chiếc hạm hộ tống, chưa kể liều mạng húc luôn soái hạm USS Blue Ridge vào lực lượng tiên phong thì rõ ràng đây là hành động mà giới quân sự Hoa Kỳ ngầm ý phanh áo đưa đầu trần thách thức khinh khi hỏi thử xem phía bên Hải quân Trung Cộng có dám "choảng với bọn tớ" không mà đem "đồ chơi" tức dàn hỏa tiển HQ- 9 ra khoe ở đảo Phú Lâm là gì cho mệt.

Hành xử y chang như quý bà đi "window shopping," vào tiệm nhìn ngó hàng hóa các thứ cho đã rồi tưng tửng đi ra chẳng nói chẳng mua gì cả, lực lược tiên phong này tuần tra vòng vo từ tốn “dòm ngó” nghêng ngang hết diện tích vùng biển mà Trung Cộng tuyên bố là thuộc lãnh hải của mình rồi tàng tàng đi ra. Đến hôm nay thì có lẽ, lực lượng này đã đi ra khỏi vùng biển Đông vốn đầy căng thẳng và hung hiểm. 

Trước đó vào cuối tháng Giêng, Hoa Kỳ cũng đã có hành động “window shopping” tương tự, gởi chiến hạm USS Curtis Wilbur lũi thẳng vào Hoàng Sa, báo hiệu cho thấy Hoa Kỳ chính thức phủ nhận hoàn toàn chủ quyền của Trung Cộng tại quần đảo này.

Nhiều người nóng lòng cảm thấy thất vọng vì hành động "window shopping” này của chính phủ Obama tại biển Đông vẫn không làm Trung Cộng dở bỏ những phương tiện cơ sở quân sự đang ngày được củng cố trên các hải đảo mà Trung Cộng chiếm đóng trái phép, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, vốn bị cưỡng chiếm từ năm 1974 sau trận giao tranh vào tháng Giêng. Cũng có nhiều người tuy hiểu rõ lối gởi thông điệp quân sự nhẹ nhàng âm thầm đưa đầu trần phanh áo cho phang của Hoa Kỳ nhưng lại cho rằng đối sách này không làm cho Bắc Kinh thấm đòn. Quan niệm chung thông thường vẫn cho rằng đứng trước những kẻ hung hãn và ngoan cố thì lấy cây nện vào đầu vẫn tốt hơn là lý giải nặng nhẹ để cho thông hiểu. Tuy nhiên, dù phê phán kiểu nào đi chăng nữa thì sự hiện diện của lực lượng tiên phong này với chiếc Hàng Không Mẫu Hạm John C. Stennis cũng làm cho Trung Cộng nhức nhối và bực bội ra mặt. Trung Cộng từ lâu đã cố thực thi đối sách hù dọa và chia rẽ lên các nước trong vùng để nhằm cố không chế biển Đông. Nhưng nay, hành động tuần tiểu này của Hoa Kỳ khiến các nước trong vùng đâu còn sợ hãi trước sự hù dọa từ Trung Cộng nữa. Trung Cộng hành xử như một con cọp giấy mà một con cọp giấy thì vẫn chỉ là giấy thôi chứ không phải là cọp. 

Theo thông lệ từ lịch sử thì Hoa Kỳ khi can dự quân sự vào biển Đông - Thái Bình Dương lúc nào cũng để đối phương khai hỏa tấn công trước rồi mới thẳng tay sử dụng hỏa lực, thí dụ như trận Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1942 hay vụ tàu USS Maddox ở vịnh Bắc Bộ vào tháng Tám năm 1964 chẳng hạn. Đối phương bị dồn ép đến đường cùng một cách khéo léo từ kinh tế đến quốc phòng nên không nhịn được nữa buộc phải khai hỏa một cách hối hả lầm lẫn. Cho nên hành động “window shopping" cù cưa của Hải- quân Hoa Kỳ cũng có thể không ngoài ngoại lệ này. 

Tuy nhiên, Trung Cộng không dễ dàng mắc cái bẫy cũ rích này của Hoa Kỳ. Bắc Kinh siết chặt quyền kiểm soát của mình lên Hải-quân tại biển Đông và mọi phản ứng tức thời trước hoàn cảnh do bị Hải-quân Hoa Kỳ dồn ép đã bị Bắc Kinh gạt bỏ. Biết rõ Hoa Kỳ đang cố chờ đợi một "lầm lẫn" nhỏ để khai hỏa bùng nổ chiến tranh thì không dại gì Bắc Kinh lại chui vào bẫy một cách dễ dàng như vậy.

Thế nhưng cho rằng Trung Cộng sẽ chịu đựng nổi sự dồn ép của Hoa Kỳ mà không khai hỏa trong tương lai thì lại càng lầm lẫn hơn nữa. Chưa từng có tiền lệ đối phương thoát khỏi sự dồn ép của Hoa Kỳ trong quá khứ.

Cũng giống như vụ dồn Đế quốc Nhật đến chân tường về kinh tế buộc phải khai hỏa tại Trân Châu Cảng, Trung Cộng hiện đang bị Hoa Kỳ phong tỏa về năng lượng ngày một chặt chẽ hơn dù rất âm thầm. 

Không phải vô cớ mà chính phủ Obama lật đật xóa bỏ cấm vận với nước Iran mà người Việt ta gọi là xứ Ba-Tư vì sự bãi bỏ cấm vận này tạo điều kiện cho Iran xuất cảng dầu sang Tây Âu và Bắc Mỹ với giá cao hơn khiến Trung Cộng không còn cơ hội mua dầu với giá rẻ mạt từ xứ sở này trong suốt bao nhiêu năm qua. Chỉ tính kể từ tháng Giêng năm nay khi cấm vận được bãi bỏ, Ba Tư đã xuất khẩu được bốn triệu thùng sang Âu Châu.

Trung Cộng buộc phải mua dầu Ba Tư theo giá thị trường quốc tế từ nay trở đi thay vì dưới giá thị trường trong hơn ba mươi năm nay. Dù kinh tế bùng phát hay chậm lại, Trung Cộng vẫn lệ thuộc nặng nề vào lượng dầu nhập khẩu từ xứ Ba Tư với hơn 543 ngàn thùng mỗi ngày nếu không muốn bị thiếu hụt năng lượng rồi tê liệt kinh tế dẫn đến bất ổn về an ninh chính trị cho đảng Cộng-sản cầm quyền. Hơn thế nữa, Trung Cộng lại dùng hàng hóa rẻ mạt của mình để trao đổi dầu với nước Ba Tư vốn bị cấm vận nên ngặt nghèo thiếu thốn đồ tiêu dùng. Điều này góp phần không nhỏ khiến nền kinh tế lấy xuất khẩu làm đầu tàu của Trung Cộng bộc phát. 

Nay trong bối cảnh Trung Cộng bị chảy máu ngoại tệ gần hơn một ngàn tỷ Mỹ kim trong năm ngoái, lại phải đối phó khủng hoảng tài chánh do các đại công ty quốc doanh vỡ nợ thì việc nhập khẩu dầu theo giá thị trường từ Ba Tư càng làm Trung Cộng thêm khốn khó tổn hao kiệt sức về ngoại tệ. Đó là chưa kể nền sản xuất xuất khẩu hàng hóa của Trung Cộng bị mất đi sự độc quyền một thị trường tiêu thụ Ba Tư rộng lớn béo bở vì do xứ sở này nay có thể mua đồ tiêu dùng từ Âu Châu hay Bắc Mỹ theo sở thích với chất lượng cao hơn.

Bắc Kinh không phải là không biết âm mưu dồn mình vào chân tường của Hoa Kỳ nên đã từ lâu thúc giục Do Thái phá rối ngăn cản việc bãi bỏ cấm vận Ba Tư, vốn sẽ đem đến quá nhiều thiệt thòi cho Trung Cộng từ an ninh năng lượng đến kinh tế. Thế nhưng sự phá rối của Do Thái đã bị thất bại nặng nề.

Đứng trước nan đề này, Bắc Kinh buộc lòng phải có một kế hoạch chu toàn để ổn định nhu cầu năng lượng khổng lồ của mình ở hiện tại cũng như trong tương lai và dự phòng cho một khả năng xấu rất dễ xảy ra - đó là Ba Tư không chịu bán dầu cho mình nữa do có Hoa Kỳ giật dây đàng sau lưng. Do đó, Bắc Kinh buộc phải thi hành đối sách tiệm tiến lấn chiếm từ từ chủ quyền ở biển Đông để khống chế càng nhiều càng tốt lượng dự trữ dầu hỏa khổng lồ tại nơi này, khoảng 11 tỷ thùng theo tính toán của EIA. EIA là cơ quan tìm dò, lưu trữ dữ kiện về năng lượng thuộc chính phủ Hoa Kỳ viết tắt từ Energy Information Administration.

Từ đó, Hoa Kỳ biết rõ trong tương lai, Trung Cộng cần biển Đông như loài người cần hơi thở nên bắt đầu ra tay chọc phá, dồn ép để Bắc Kinh hết cách mà phải phản ứng khai hỏa để rồi tiêu vong. Về phần mình, Bắc Kinh đang cố né tránh số phận của Nhật Bản vào năm 1942 nên đã cố thỏa hiệp kêu gọi Hoa Kỳ cùng nhau san sẻ vị thế lãnh đạo tại Đông Nam Á. Một lời kêu gọi thiếu thực tiễn vì chẳng ai lại đi chia sẻ vị trí siêu cường hàng đầu cho quốc gia khác cả.

Một sự thật rõ ràng là Hoa Kỳ đang ngày một chuyển quân và khí cụ ồ ạt về Đông Nam Á. Cả hai Hạm Đội Ba và Bảy đang có mặt tại Đông Nam Á. Lực lượng Thủy-quân Lục-chiến được điều qua Đông Nam Á ngày mỗi đông với nhiều vũ khí hiện đại. Sự chuyển quân này không phải là vì nước Mỹ dư xăng dầu tiền của hay dư thì giờ mà là thực tế, Hoa Kỳ đang chuẩn bị ráo riết cho những biện pháp siết chặt sức ép quân sự của mình lên Trung Cộng, chặt đến nỗi mà Bắc Kinh sẽ bị nghẹt thở buộc phải phản ứng trước. Chuyện binh đao không phải là chuyện giỡn chơi tùy hứng theo cảm tính mà mọi hành động phải được tính toán chậm rãi và kỹ lưỡng. Những kết quả mong muốn chưa nhìn thấy được trước mắt chỉ là mang tính tạm thời mà thôi. 

Nếu Nhật Bản bại trận vào thời Đệ Nhị sau phản ứng tấn công tại Trân Châu Cảng dẫn đến nội các đầu hàng sụp đổ thì chung cuộc từ sức ép của Hoa Kỳ tại biển Đông cũng sẽ là ngày tàn của chế độ Cộng Sản tại Trung Hoa lục địa. Cho nên có thể nói hành động “window shopping" về mặt quân sự của Hoa Kỳ tại biển Đông hiện nay mà ta thấy chính là phong thái kẻ cả của một quốc gia siêu cường không đối thủ trước một quốc gia như Trung Cộng, mà tàn cuộc của chế độ Cộng sản cai trị quốc gia này đã được định trước bởi đối phương.