15/3/16

Bỉ ổi đến thế là cùng!!!

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Ngày 4-1, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh những điều ra vẻ biểu lộ tinh thần “dân chủ đến thế là cùng” như:

1- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. 4-… phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật. 5- Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng… về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử…về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả.... Động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử…”.
Người ta còn thấy có những điểm biểu lộ ý đồ xưa nay là phải “đảng hóa Quốc hội” bằng mọi giá: “2. Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng…. 4. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu… phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử…”.

Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 8-3-2016, ông Trọng còn cảnh báo: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác”. Đây là lần đầu tiên kẻ đứng đầu đảng bày tỏ thái độ trước sự kiện nhiều người ngoài đảng tự nộp đơn tranh cử vào quốc hội, một cơ quan từ xưa tới rày chỉ là bù nhìn, gia nô của đảng. Ai cũng hiểu đó là lời ngăm đe cử tri chớ nên bỏ phiếu cho những “phần tử xấu” trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp diễn ra. Những phần tử xấu ấy là ai? Đó chính là các ứng viên độc lập từng có những phát biểu hay hoạt động không theo đường lối của đảng, chống lại chính thể toàn trị độc tài, bênh vực các quyền con người, cổ súy tinh thần dân chủ. Có thể kể tên một vài vị: Luật sư Võ An Đôn, tiến sỹ Nguyễn Quang A, nghệ sỹ Nguyễn Công Vượng, chiến binh Nguyễn Tường Thụy, mục sư Nguyễn Trung Tôn, bà Đặng Bích Phượng, bà Nguyễn Thuý Hạnh…

Đây là lần đầu tiên, cuộc bầu cử Quốc hội có một số lượng đông đảo ứng cử viên tự do. Theo trang Facebook “Vận Động Ứng cử Đại biểu Quốc hội 2016” thì từ ngày 17-2 đến 13-3, Ủy ban bầu cử TP Hà Nội đã nhận 47 hồ sơ tự ứng cử (chưa kể Sài Gòn và các tỉnh khác). Dĩ nhiên, đảng CS không thể ngồi yên trước việc này, nên theo chỉ thị trên đây của Nguyễn Phú Trọng, bộ máy cai trị đã tung ra những trò đánh phá bỉ ổi và quyết liệt đối với họ như sau:

1- Gây khó khăn ở khâu nộp hồ sơ

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, qua hai bài trần tình: “Tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, “trò chơi” hay “cuộc chiến”? (17-02) rồi “Tôi ứng cử đại biểu quốc hội bị hành đến thế là cùng” (14-03), cho thấy ông đã bị nhà cầm quyền xã buộc ghi một cách phi lý: tôn giáo: vô thần, nghề nghiệp: làm ruộng. Rồi sau khi hành hạ ông bằng mấy chục vòng đi lại điều chỉnh hồ sơ, bằng cách bắt bẻ chuyện xóa án tích (vốn chỉ liên can tới án tù 3 năm trở lên, trong lúc ông chỉ bị 2 năm vì “tội tuyên truyền chống chế độ”), cuối cùng đòi ông phải khai các chỗ ở của bố mình trước khi chết đang khi đã cận kề hạn kết thúc nộp hồ sơ. Bà Đặng Bích Phượng bị bắt bẻ đã không khai mình từng một lần bị bắt giam 5 ngày ở Hỏa Lò (năm 2011) vì đi biểu tình chống Trung Quốc nhưng bị công an quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”, và một lần khác bị UBND phường Dịch Vọng ra quyết định “giáo dục tại phường” trong thời hạn 6 tháng (2012-2013) cũng vì nhiều lần tham gia biểu tình chống quân xâm lược. Đang khi có quy định rằng chỉ phải khai trong “trường hợp bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử”. Ông Nguyễn Tường Thụy cũng bị buộc phải ghi vào mục “kỷ luật” rằng mình bị công an quận Hoàn Kiếm cảnh cáo 2 lần cũng vì đi biểu tình chống Trung Quốc, rồi bị bắt về trại Lộc Hà năm 1012, trong lúc quyết định cảnh cáo ấy, ông đã chẳng hề nhận được.

Chưa hết, thay vì chỉ xác nhận chữ ký và hộ khẩu thường trú, UBND địa phương còn tự tiện ghi thêm những nhận xét hết sức tiêu cực cho các ứng viên tự do. Chẳng hạn ông Thụy bị phó chủ tịch xã Vĩnh Quỳnh phê: “Trong thời gian sống tại xã không tham gia sinh hoạt bất kỳ các tổ chức chính trị xã hội nào của xã. Bản thân ông Nguyễn Tường Thụy năm 2012 đã hai lần bị Công an quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt cảnh cáo đồng thời có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Tới khi ông đem hồ sơ lên nộp UB Bầu cử thành phố Hà Nội, quan chức ở đó còn lảng tránh việc phê phán lời nhận xét bừa bãi của cấp xã. Chắc là chờ để sử dụng về sau!

2- Dùng truyền thông lề đảng bôi nhọ.

Những ngày qua tại Hà Nội, đám “dư luận viên” biên tập kênh Viet Vision (chuyên đưa tin chống lại giới hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam), đã tổ chức quay và phát một số video clip có nội dung xuyên tạc, công kích và gây hiểu lầm về TS. Nguyễn Quang A, một trong các ứng viên độc lập. Tuy nhiên, hành động phỉ báng công khai nhất đối với họ là bài viết có tựa đề “Quốc hội không phải là phường chèo”, đăng trên trang Petro Times hôm 2-3. Bài báo trực tiếp đả kích nghệ sĩ chèo Nguyễn Công Vượng (người từ lâu có những phát biểu hết sức can đảm và thẳng thắn về đảng và chế độ) bằng những từ như “chém gió”, “đốt đền hòng nổi danh”, “lộng ngôn”, “gây sốc”, “kẻ khùng”... Một loạt cá nhân khác cũng bị bài báo dùng các từ ngữ nặng nề để mạt sát, như luật sư Lê Văn Luân, các nhà hoạt động nhân quyền như Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy, anh Nguyễn Lân Thắng, anh Nguyễn Chí Tuyến, bà Đặng Bích Phượng,...

Dẫn đầu phong trào này, không ai khác hơn là đại tá công an Nguyễn Như Phong, kẻ nổi tiếng từ hơn chục năm nay về tài vu khống chửi bới các nhà dân chủ (tiến sĩ Hà Sĩ Phu là một trong những nạn nhân đầu tiên của gã). Bên cạnh đó là các trang blog với những cái tên nghe rất tử tế như “tiengnoicuadan2012”, “danoanlentieng”, “thakhongnoi”, “vietnamdanchu2013”, “nguoicondatme”… Nhưng đọc qua các bài viết theo đơn đặt hàng đó, người ta không khỏi giật mình cho sự hèn hạ, bẩn thỉu của cái gọi là "báo chí cách mạng". Bởi từ từ ngữ đến câu văn, từ trình bày, lý luận đến nhận định... tất cả chỉ là những lời lẽ thô bỉ mất dạy, những luận điệu ngụy biện quàng xiên, những bới móc hay bịa đặt về đời tư để công kích, để châm biếm nhưng lại rất... khôi hài và ngu xuẩn, mà không đưa ra được bất cứ điều gì khả dĩ có trí tuệ để thuyết phục độc giả rằng các ứng cử viên độc lập đó là bất xứng, có ý đồ xấu, chẳng đáng tin cậy…

3- Sai công an và ủy ban bầu cử sách nhiễu

Một ứng cử viên đại biểu Quốc hội khác ở Hà Nội, ông Phan Văn Bách (hành nghề lái xe taxi cho hãng Mai Linh), cho biết ông đã bị công an ập vào nhà kiểm tra hành chính đột xuất, tối 2-3, không rõ lý do.

Cũng hôm ấy, một trong các gương mặt nổi bật ứng cử đại biểu Quốc hội độc lập kỳ này, luật sư Võ An Đôn, đưa “tin khẩn cấp” trên mạng xã hội rằng ông đã nhận được giấy mời của Công an tỉnh Phú Yên, yêu cầu ông ngày 7-3 phải có mặt tại Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh. Phải chăng là do ông trước đó đã nộp đơn ứng cử và viết bài nói lên tâm tư của mình về việc này.

Kỹ sư Nguyễn Việt Hưng (Yên Bái), một trong những người đã nộp hồ sơ tham gia ứng cử cũng đang bị phá. Sáng 12/3, ông được Ủy ban Bầu cử tỉnh gọi điện thoại để xác nhận việc tự ứng cử, đến chiều họ lại gọi cho ông, yêu cầu ông có mặt tại trụ sở UB ngay hôm sau, tức chiều 13-3 (ngày hết hạn nộp đơn). Ông Hưng hỏi tại sao không báo từ sáng sớm, vì ông đang đi công tác ở Sapa, sẽ không về kịp. Họ đáp nếu ông không có mặt, hồ sơ ứng cử của ông sẽ bị hủy.

Tối 12-3, tại chỗ ông thuê trọ ở Sapa, cảnh sát khu vực vào kiểm tra tạm vắng tạm trú rồi đòi thu Chứng minh nhân dân của ông. Ông Hưng đã trình bày việc phải về Yên Bái gấp vì có hẹn với UBBC, nếu không thì hồ sơ ứng cử của ông sẽ bị hủy. Mặc cho ông biện bạch, cảnh sát khu vực vẫn cố tình lập biên bản kéo dài thời gian và thu giữ CMND của vị kỹ sư này cho bằng được. May thay, cuối cùng ông Hưng đã có mặt tại trụ sở tiếp nhận hồ sơ ứng cử tỉnh Yên Bái. Ủy ban muốn hủy hồ sơ của ông, viện cớ ông không thường xuyên có mặt tại địa phương, và yêu cầu ông nộp hồ sơ về Hà Nội, mặc dù lúc ấy chỉ còn vài tiếng đồng hồ là hết hạn. Ông Hưng yêu cầu UBBC trả lời bằng văn bản nhưng đã bị lờ đi.

Đang khi đó thì có những ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về Yên Bái nhưng lại chẳng phải là người địa phương, cũng chưa từng đến đấy bao giờ. Thế mà họ lại có đặc quyền ứng cử, thậm chí còn được “cơ cấu” để chắc chắn sẽ trúng cử?

Riêng Ls Lê Văn Luân thì cho biết: chiều 11-03, bố của ông ở quê đã gọi điện bảo sáng nay có công an huyện về điều tra lý lịch của ông ở xã. Đến chiều thì lại cũng có Công an huyện về tận nhà để tìm hiểu trực tiếp, chụp cả ảnh căn nhà lụp xụp bố ông đang ở, còn trâng tráo hỏi xem gia đình hay ông có nhận tài trợ của nước ngoài không? Vị luật sư cảm thấy thật nực cười và và chua xót vì bị xúc phạm.

Trên đây là mới màn đầu trong tiến trình ứng cử Quốc hội. Chắc chắn sẽ còn nhiều trò bỉ ổi khác ở 3 vòng hiệp thương, như quá khứ đã chứng minh cho thấy. Và chắc chắn lần này sẽ là ở mức tột độ. Bởi lẽ các tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng trên đây tái khẳng định lại thông điệp: Bầu cử quốc hội vẫn là một sân chơi độc diễn của đảng cộng sản. 

Đối với người dân Việt Nam chúng ta, nếu đã không được quyền lựa chọn đại diện cho mình, thì tốt nhất là nên tẩy chay cái trò hề bầu cử độc diễn của đảng. Tẩy chay nó để tỏ thái độ bất hợp tác, đồng thời cũng để khước từ luôn vai trò của quốc hội CS, một đám bù nhìn nhưng luôn tự cho mình cái quyền “đại diện hợp pháp” đối với nhân dân Việt Nam.
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 239 (15-03-2016)
Ban Biên Tập