15/3/16

Bầu cử quốc hội 2016: Tự ứng cử hay tẩy chay?

"Nếu chúng ta nhìn những cuộc đấu tranh cho dân chủ và đã thành công thì chúng ta sẽ thấy rằng các cuộc đấu tranh này đều xảy ra ngoài quốc hội, tạo áp lực buộc chính quyền phải nhượng bộ, dẹp bỏ quốc hội bù nhìn và chấp nhận bầu cử một quốc hội khác theo phương thức bầu cử tự do." - Nguyễn Gia Kiểng

Trần Quang Thành (Danlambao) - Lời giới thiệu: Một sự kiện đang gây thảo luận sôi nổi là có một số người dân chủ tự ra ứng cử vào quốc hội trong cuộc bầu cử vào ngày 22-05 sắp tới. Có lập luận cho rằng đây chỉ là một cuộc bầu cử bịp bợm và thái độ đúng đắn là tố giác và tẩy chay chứ không nên tham dự. Ngược lại cũng có những người cho rằng đây là một cơ hội để nói lên nguyện vọng dân chủ. Điều khác biệt nổi bật là số người tự ứng cử đã đông đảo hơn hẳn những cuộc bầu cử quốc hội trước đây và còn đang tiếp tục gia tăng. 

Vậy phong trào tự ứng cử có lợi và có hại như thế nào? Nên hay không nên tự ứng cử? Những người dân chủ nên có lập trường nào trong cuộc bầu cử này?

Nhà báo Trần Quang Thành đã có cuộc trò chuyện sau đây ngày 7-3-2016 với ông Nguyễn Gia Kiểng, ủy viên thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Trần Quang Thành: Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng

Nguyễn Gia Kiểng: Xin chào ông Trần Quang Thành

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, đến hẹn lại lên, nhà nước cộng sản Việt Nam lại sắp sửa bày trò bầu cử quốc hội. Đây là lần thứ 14 người ta tiến hành cuộc bầu cử mà chúng ta vẫn gọi là dân chủ giả hiệu. 

Nhưng lần này có một điều khác là cuộc bầu cử này có khá đông người gọi là ứng cử viên độc lập không do Đảng Cộng Sản giới thiệu.
Ông Nguyễn Gia Kiểng có thấy cuộc bầu cử này nó khác hơn và nó mang ý nghĩa như thế nào so với các cuộc bầu cử trước thưa ông?

NGK: Theo tôi nghĩ cái gọi là cuộc bầu cử quốc hội lần này cũng giống như những cuộc bầu cử trước thôi. Tức là nó chỉ là một việc nội bộ của Đảng Cộng Sản. Bởi vì, xin nhắc lại là trong số gọi là 500 đại biểu quốc hội thì có tới 450 người là đảng viên, tức là những người được Đảng Cộng Sản chọn để đưa vào quốc hội. Còn 50 người khác, tức là 10% còn lại, cũng phải do một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản là Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu hoặc là cho phép ra ứng cử. Như vậy đây không phải là một cuộc bầu cử mà chỉ là một cuộc "đảng cử" thôi.

Tuy vậy tôi nghĩ cuộc bầu cử lần này có khác so với các lần trước. Cũng như Đại hội XII của Đảng Cộng Sản tháng Giêng vừa qua đã khác so với các đại hội trước bởi vì nó nói lên tình hình nội bộ của Đảng Cộng Sản. Lần này cuộc bầu cử quốc hội cũng nói lên tình hình xã hội Việt Nam, nó cho thấy xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều so với 5 năm trước. Thí dụ số người tự ra ứng cử nhiều hơn hẳn. Tôi có một số bạn bè theo dõi kỹ cuộc bầu cử này và những thông tin mà họ cho tôi rất khác với cảm nhận bình thường của nhiều người về cuộc bầu cử. Thí dụ như trong đơn vị Hà Nội, nơi được dự trù có 30 đại biểu quốc hội, trong đó có 27 người là người của Đảng. Chỉ có 3 người không phải là đảng viên, trong đó có người thuộc Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức ngoại vi. Vậy mà cho đến cách đây một tuần các bạn tôi cho biết đã có hơn 300 người nộp đơn tự ứng cử vào quốc hội. Điều này nói lên rằng xã hội Việt Nam đang chuyển động. Nhưng cái chuyển động đó khác với sự cảm nhận mà các mạng xã hội cho chúng ta. Tức là đây không phải là sự chuyển động của môi trường dân chủ đâu mà là sự chuyển động của cả xã hội Việt Nam. Trong số 300 người ra ứng cử các bạn tôi cũng cho hay có nhiều luật sư. Điều này cũng rất đáng chú ý. Nếu cần thì một lát nữa chúng ta sẽ bàn thêm.

TQT: Quan điểm của những người ra ứng cử và những người tham gia cuộc bầu cử này có vẻ như cũng có những xung đột.

Có người dân chủ ra ứng cử họ nói là để vạch trần sự giả hiệu của cái gọi là "dân chủ đến thế là cùng" của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cũng có người, đa số, bảo không nhất thiết phải chứng minh bởi vì cái xã hội này nó đã là bịp bơm rồi, cuộc bầu cử này nó là bịp bợm rồi, là lừa dối rồi. Cần gì phải chứng minh, chỉ nên tẩy chay mà thôi. 

Vậy theo quan điểm của ông Nguyễn Gia Kiểng điều gì là nên làm trong cuộc bầu cử này?

NGK: Theo tôi đây là sự phân vân giữa nguyên tắc và hành động thực tiễn. 

Phải nói rằng về nguyên tắc những anh em dân chủ chủ trương phải tẩy chay cuộc bầu cử này hoàn toàn có lý. Bởi vì nó là một cuộc bầu cử bịp bợm. Thế nhưng hơn thế nữa cũng cần phải nói trong mọi chế độ cộng sản, không phải chỉ trong chế độ cộng sản Việt Nam, có hai định chế đáng phải phế phán, đáng phải lên án nhất. Đó là các tòa án và quốc hội. Dĩ nhiên cũng phải nói rằng trong bất cứ trường họp nào, ngay kể cả dưới chế độ độc tài, người ta vẫn phải sống, vẫn phải làm việc, do đó cũng phải chấp nhận một mức độ thỏa hiệp nào đó đối với chế độ, đối với thực tại. Thế nhưng có những thỏa hiệp mà một người có chút tự trọng không thể tự cho phép. Đó là trường hợp của hai loại người: loại người thứ nhất là các thẩm phán, loại người thứ hai là các đại biểu quốc hội. Trường hợp của họ thực quá đáng. 

Các thẩm phán thay vì xét xử theo luật pháp và lương tâm thì trong các vụ án những người dân chủ bị buộc tội oan họ đã tuyên những bản án rất nặng nề, rất vô nhân đạo theo mệnh lệnh của công an. Họ biết rằng làm như vậy là trái với lương tâm của họ và có tội với đất nước nhưng họ vẫn làm.

Còn những người gọi là đại biểu quốc hội thì sao? Họ tự xưng là đại biểu của nhân dân nhưng thực ra họ là họ chỉ do Đảng Cộng Sản cử. Họ không nói tiếng nói của nhân dân mà là một dụng cụ để giúp cho Đảng Cộng Sản cướp đoạt tiếng nói của nhân dân. Chúng ta có thể lấy một thí dụ như trong cuộc biểu quyết Hiến Pháp 2013, một hiến pháp rất vô lý, một hiến pháp rất là xấc xược, một hiến pháp có thể nói là phản quốc nữa, vì nó cho phép Đảng Cộng Sản thống trị toàn bộ đất nước. Nó buộc công an, quân đội, nhân viên chính phủ trước hết phải trung thành với Đảng Cộng Sản trên cả trung thành với nhà nước. Như vậy cái quốc hội này có giá trị gì? Nó là cơ quan nói rằng có quyền lực cao nhất của đất nước nhưng thực ra không có quyền hành gì hết. Nó chỉ là một cơ quan có nhiệm vụ chính thức hóa, công khai hóa những quyết định của ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản. Không phải tôi hay một người đối lập nào mà chính ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng hiến pháp chỉ có vai trò thể chế hóa cương lĩnh của đảng.

Ngoài ra còn một yếu tố này mà hôm nay tôi xin nêu ra. Đó là vai trò của các đại biểu quốc hội trước hết là để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người dân. Thế mà trong thời gian qua chúng ta đã thấy có hàng triệu người bị cướp đất, hàng ngàn người bị đánh đập, có nhiều người bị đánh chết, trong lúc vì quá uất ức mà chống lại lệnh cưỡng chế, cũng có hàng ngàn người bị đánh đập trong các đồn công an, có nhiều người bị đánh chết, nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy một đại biểu quốc hội nào tới bênh vực hoặc thăm hỏi gia đình các nận nhân cả. Tôi không biết phải nói thế nào về cái quốc hội này. Cho nên những người có một chút tự trọng không thể chấp nhận làm những "đại biểu quốc hội" của cái quốc hội này. 

Đó là về nguyên tắc, nhưng về mặt thực tế cũng có những anh em nghĩ rằng cuộc bầu cử này dù sao cũng là cơ hội để chúng ta lên án chế độ độc tài, để chúng ta nói lên nguyện vọng dân chủ, trước hết là để nói lên sự giả tạo của cuộc bầu cử này. Cho nên họ ra ứng cử để nói lên tiếng nói đó. Tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện nay khi mà đối lập dân chủ Việt Nam chưa có được một chiến lược thống nhất, chưa đồng ý được trên một lập trường chung thì chúng ta nên tôn trọng ý kiến của mỗi người. Dù sao cũng phải nói rằng hiện nay trong nội bộ phe dân chủ cũng vẫn còn một cuộc tranh luận giữa hai khuynh hưởng, một khuynh hướng cho rằng phải làm một cuộc cách mạng dân chủ và một khuynh hướng nói rằng chỉ cần cải tổ thôi. Khuynh hướng cải tổ tuy ít nhưng vẫn có và thể hiện qua việc có những người dân chủ muốn vào được quốc hội để tranh đấu trong nội bộ chế độ.

TQT: Vậy theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì phải chăng cứ cải cách từ từ, dân chủ từ từ? Có người nói đây là cơ hội vàng để đảng cộng sản chuyển giao dần dần quyền lực cho dân. Cũng có người trong phong trào dân chủ nói rằng đây là thời cơ vàng để chuyển dần chế độ sang dân chủ. Chúng ta cứ phải từ từ mà đi. Vậy theo ông Nguyễn Gia Kiểng từ từ là thế nào? Có phải cuộc bầu cử này là một cơ hội vàng để đảng cộng sản thể hiện tinh thần trách nhiệm trước dân, đưa dân chủ từ từ đến với dân không?

NGK: Tôi nghĩ rằng tất cả những ai mong muốn dân chủ cho đất nước đều là những người anh em trong một cuộc vận động dân chủ chung. Cho nên chúng ta phải nói thẳng thắn với nhau. Và nếu muốn nói thẳng thắn thì ý kiến của tôi là khác biệt giữa những người chủ trương làm một cuộc cách mạng dân chủ và những người chủ trương cải tổ từ từ là sự khác biệt giữa cái đúng và cái sai. Những người chủ trương phải có một cuộc cách mạng dân chủ là đúng và những người nói rằng chỉ cần có một cuộc cải tổ là sai.

Tôi xin nói như thế này:

Trước hết chúng ta phải định nghĩa thế nào là cách mạng và thế nào là cải tổ ?

Cách mạng có nghĩa là thay đổi hoàn toàn, thay đổi cả thể chế chính trị lẫn chính quyền, thay đổi cả những giá trị căn bản của xã hội lẫn cách tổ chức xã hội. Và thay đổi nhanh chóng, nếu có thể thì bắt đầu ngay lập tức.

Ngược lại khuynh hướng cải tổ có nghĩa là cố gắng để khiến cho chế độ thay đổi từ từ theo chiều hướng ngày một cởi mở hơn, ngày một dân chủ hơn, lành mạnh hơn. 

Lập trường của anh em chủ trương cải tổ là nói rằng họ không thích cách mạng bởi vì cách mạng thường dẫn tới bạo lực và đổ máu. Tôi nghĩ đây là một lập luận rất là sai và nó thuộc hẳn vào quá khứ rồi bởi vì hơn 30 năm qua tất cả các cuộc cách mạng trên thế giới đều là những cuộc cách mạng không có đổ máu, những cuộc cách mạng bất bạo động. Cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, trong tinh thần bao dung, cũng sẽ là một cuộc cách mạng bất bạo động. Cho nên cái lập luận "cách mạng đưa đến bạo lực và đổ máu" là sai, chúng ta không nên lặp lại nữa. 

Nhưng tôi nghĩ những anh em chủ trương cải tổ họ còn sai một cách trầm trọng về lý luận, ít nhất vì ba lý do: 

Lý do thứ nhất là chúng ta đang có một chế độ rất tham nhũng và kinh nghiệm của mọi dân tộc đều đã chứng tỏ rằng tới một mức độ nghiêm trọng nào đó người ta không thể cải tổ một chính quyền tham nhũng để nó hết tham nhũng hoặc bớt tham nhũng. Giải pháp duy nhất đối với một chính quyền tham nhũng ở một mức độ nghiêm trọng như ở Việt Nam là thay thế chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác.

Lý do thứ hai là chúng ta đừng quên rằng đây là một chính quyền cộng sản. Và trải qua những kinh nghiệm người ta cũng đã nhận thấy rằng không thể cải tổ một chế độ cộng sản để nó trở thành một chế độ dân chủ được. Đó là kinh nghiệm của Liên Xô cũ và các nước cộng sản cũ. Tại Liên Xô cũ chúng ta có thể để ý rằng hai ông Gorbachev và Yeltsin tuy rất chống đối nhau nhưng cả hai đều đồng ý rằng chế độ cộng sản phải bị xóa bỏ chứ không thể cải tổ được.

Còn một lý do thứ ba, lý do hiển nhiên, khiến chủ trương cải tổ trở thành huyễn hoặc. Đó là những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam tuy có thể khác nhau trên rất nhiều điểm nhưng đều đồng ý với nhau trên một điểm là chống lại cải tổ. Họ luôn luôn nhắc lại, và họ vừa nhắc lại trong cương lĩnh của Đại hội 12, là họ sẽ kiên quyết chống lại mọi khuynh hướng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Như vậy thì chúng ta còn cải tổ ở chỗ nào bây giờ? 

Tôi nghĩ rằng các anh em chủ trương cải tổ cũng dần dần cảm thấy sự hụt hẫng của họ cho nên gần đây tôi thấy họ nói rằng phải "cải tổ triệt để và toàn diện". Nhưng thế nào là cải tổ triệt để và toàn diện? Chúng ta có cần phải thay đổi chính quyền cộng sản không? Nếu thay đổi chính quyền, thay đổi hiến pháp, thay đổi các giá trị căn bản thì đó là một cuộc cách mạng. Còn nếu bảo rằng phải thay đổi toàn diện và triệt để nhưng mà không thay đổi chính quyền, cứ để cho chính quyền cải tiến dần dần thì hoàn toàn vô nghĩa.

Ba lý do tôi vừa nêu ở trên chứng tỏ cải tổ không thể thực hiện được. Chúng ta nên nói thẳng và nói thực với nhau chứ không nên biện luận loanh quanh nữa, như thế chỉ gây hiểu lầm cho nhân dân Việt Nam, và cũng có thể khuyến khích những thành phần lãnh đạo ngoan cố trong Đảng Cộng Sản. 

TQT: Nhìn vào bản phân bố đại biểu quốc hội mà Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định và người đưa ra công khai là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, thì tối đa chỉ có 50 người tham gia quốc hội là người ngoài đảng thôi trong số 500 đại biểu. Người ta nói là quốc hội đó chẳng khác gì là hội nghị cán bộ toàn quốc để triển khai nghị quyết của đảng có thêm mấy chục người ngoài đảng. Tại hội nghị làm sao mấy vị không phải là đảng viên, không phải là đảng cử, có thể thúc đẩy được quá trình dân chủ thưa ông?

NGK: Khả năng vào được quốc hội như ông vừa nói rất ít vì chỉ có 10% thôi, và 90% của cái 10% đó cũng phải do các tổ chức ngoai vi của đảng cộng sản giới thiệu. Tôi lấy một thí dụ cụ thể là quốc hội khóa 13, trong số 500 đại biểu chỉ có 4 người là tự ứng cử và đắc cử thôi. Như vậy là không tới 1%. Bây giờ khóa 14 cho dù có tăng lên gấp đôi thì cũng chưa đến 2%. Và trong 2% đó cũng chỉ lọt một hay hai người thực sự có khuynh hướng dân chủ. Như vậy họ là một thiểu số rất lẻ loi, rất lạc lõng. Tiếng nói của họ không có một trọng lượng nào hết. Thế nhưng trên thực tế điều còn nghiêm trọng hơn nữa là chưa chắc họ đã có tiếng nói dù để nói lên một tiếng nói không có trọng lượng. Chúng ta nên nhìn vào cách làm việc của quốc hội. Các anh em của tôi theo dõi sát cuộc bầu cử này nói họ đã theo dõi nghị trình các lần họp quốc hội vừa qua. Mỗi năm quốc hội họp hai lần, mỗi lần một tháng. Trong mỗi lần họp họ bàn cả trăm vấn đề. Trong đó tất cả đều là các vấn đề chuyên môn, như làm ra hoặc sửa đổi một số luật như luật về lương bổng, luật về đấu giá các tài sản bị tịch thu, luật về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, luật sử dụng đất đai tại các nông trường và lâm trường quốc doanh, luật về tín ngưỡng và tôn giáo, luật về khí tượng và thủy văn; hoặc duyệt xét một số dự án quan trọng như dự án nâng cấp quốc lộ A1; hoặc phê chuẩn một số hiệp ước quốc tế. Tóm lại là những vấn đề hết sức chuyên môn trong đó phần trình bày và giải thích chiếm gần hết thì giờ. Còn lại khoảng một giờ để thảo luận trong đó 99% thời giờ dành cho những người đảng viên hoặc những người chấp nhận Đảng Cộng Sản. Phần còn lại các anh em dân chủ nếu có được nói chăng nữa thì cũng chỉ nói một phút là nhiều và cũng phải nói về chủ đề đang thảo luận chứ không thì sẽ bị cắt lời một cách chính đáng vì lạc đề.

Thành ra khả năng mà ông nói là vào được quốc hội rất nhỏ nhưng mà khả năng nói được cái gì, làm được cái gì trong quốc hội còn nhỏ hơn. Tôi thấy nếu bảo rằng vào quốc hội để mà tranh đấu thay đổi từ bên trong thì đó chỉ là một ngộ nhận. 

Chúng ta cần nhấn mạnh rằng quốc hội trong các chế độ độc tài không bao giờ là một môi trường để tranh đấu cho dân chủ cả vì quốc hội trong các chế độ đó chỉ là một dụng cụ của chế độ để bảo vệ chế độ và để phủ nhận dân chủ mà thôi. Nếu chúng ta nhìn những cuộc đấu tranh cho dân chủ và đã thành công thì chúng ta sẽ thấy rằng các cuộc đấu tranh này đều xảy ra ngoài quốc hội, tạo áp lực buộc chính quyền phải nhượng bộ dẹp bỏ quốc hội bù nhìn và chấp nhận bầu cử một quốc hội khác theo phương thức bầu cử tự do.

TQT: Vậy theo ông những người tự ra ứng cử có tác dụng gì trong cuộc bầu cử này thưa ông?

NGK: Hoàn toàn không có tác dụng gì hết nếu ý định là để làm thay đổi chế độ từ bên trong. Ngược lại nếu muốn lợi dụng cơ hội này để mà nói tiếng nói dân chủ, để mà tố giác chính quyền vi phạm những quyền căn bản của con người mà họ đã long trọng cam kết tôn trọng trước cộng đồng quốc tế thì việc ra ứng cử, dù có đắc cử hay không, cũng có tác dụng gây sự chú ý và do đó tiếng nói của mình được nghe nhiều hơn. Thế nhưng với điều kiện là có những điều thực sự đáng nói, có những điều thực sự đặc sắc để nói.

TQT: Ở phần đầu cuộc trao đổi, ông Nguyễn Gia Kiểng có nêu những điểm đáng quan tâm, đáng chú ý là trong những người tự ứng cử vào quốc hội khóa 14 này có nhiều người là luật sư. Tại sao ông nói điều đó nên chú ý và đáng phải chú ý?

NGK: Các bạn tôi cho hay là lần này có nhiều luật sư tự ra ứng cử. Họ không biết con số chính xác là bao nhiêu, nhưng họ biết là nhiều hơn hẳn các lần trước. Sự kiện này xác nhận lại một lần nữa là giới luật sư Việt Nam đang thay đổi. Chúng ta nhớ lại vài năm trước đây, khi xảy ra những vụ án như vụ án Vi Đức Hồi, vụ án Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn thì rất khó tìm ra một người luật sư dám biện hộ cho những người dân chủ bị mắc nạn. Cuối cùng vẫn chỉ là một cụ luật sư gần đất xa trời. Bây giờ tôi xin nhắc lại để chúng ta tưởng nhớ một con người đã kiên trì tranh đấu cho dân chủ là cụ Trần Lâm. Lúc nào cũng phải nhờ đến cụ Trần Lâm. Bây giờ tình thế đã khác nhiều rồi. Bây giờ phải phân vân chọn lựa giữa các luật sư sẵn sàng biện hộ cho những người dân chủ và những người dân oan. Có nhiều luật sư còn sẵn sàng không lấy thù lao. Chúng ta thấy rõ là giới luật sư đã chuyển động theo hướng dân chủ hóa. Mới đây có vụ giải nhiệm và khai trừ luật sư Nguyễn Đăng Trừng, chủ tịch Đoàn Luật Sư Sài Gòn, điều này cũng chứng tỏ giới luật sư đang chuyển động theo chiều hướng phản kháng và đây là một sự kiện rất đáng lưu ý vì rất quan trọng. 

Tôi xin lưu ý một điều là nếu chúng ta quan sát những cuộc đấu tranh cho dân chủ trên thế giới thì chúng ta phải thấy những người đấu tranh cho dân chủ rất cô đơn cho đến khi họ lôi kéo được các thành phần xã hội khác tham gia cuộc vận động dân chủ. Và các thành phần xã hội này luôn luôn nhập cuộc theo một thứ tự rất quen thuộc. Thứ tự đó như thế này:

Trước hết là giới văn nghệ sĩ và ký giả, nhất là văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ là những người cần có tự do để sáng tạo và để có thể sống thực với mình. Hơn nữa họ lại là những người ít tính toán và dễ cảm xúc, cho nên họ dễ phát biểu sự phản kháng. Chúng ta đã thấy giới văn nghệ sĩ ở Việt Nam khá tích cực từ lâu rồi.

Giới thứ hai mà người ta thường thấy trong các cuộc vận động dân chủ là giới luật sư. Tại sao lại là giới luật sư? Đó là bởi vì họ là giới bị xúc phạm hàng ngày trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Họ phải đương đầu, họ phải chứng kiến một cách đau lòng những đạo luật không đúng. Rồi họ lại phải chịu đựng những phiên tòa không đúng, những phiên tòa bất chấp luật pháp. Giới luật sư này khi đã nhập cuộc thì dễ lây lan trong môi trường của họ và hơn nữa họ cũng dễ lôi cuốn được quần chúng vì họ hiểu luật pháp và lại là những người có khả năng thuyết phục. 

Hai giới này -trước hết là văn nghệ sĩ, kế tiếp là luật sư- dần dần lôi kéo thêm được các hội đoàn ngành nghề, như hội kiến trúc sư xây dựng, hội ngành dệt chẳng hạn. Những người này đứng dậy để tranh đấu chống lại tham nhũng, chống lại những đặc quyền, đặc lợi xúc phạm đến quyền lợi chính đáng của họ.

Sau các ngành nghề đến lượt một giới thứ tư nhập cuộc, đó là giới trẻ, sinh viên và học sinh. Khi mà sinh viên và học sinh đã nhập cuộc thì giờ cáo chung của chế độ coi như đã đến.

Nếu nhìn vào xã hội Việt Nam chúng ta thấy là giới văn nghệ sĩ đã tích cực từ lâu rồi. Mấy năm nay giới luật sư càng ngày càng nhập cuộc. Chúng ta còn có thêm một thành phần đặc biệt mà các nước khác không có, đó là thành phần của cả hàng triệu người dân oan bị cướp đất. Nếu chúng ta theo dõi phong trào dân oan chúng ta sẽ thấy rằng phong trào dân oan càng ngày càng chính trị hóa. Chúng ta nhớ lại trước đây vài năm họ tụ tập lại trước các trụ sở khiếu kiện mỗi người với một vấn đề cá nhân của mình và họ đeo những bảng hiệu như là "Thủ tướng ơi cứu dân", "Bộ trưởng Lê Hồng Anh, bộ trưởng Trần Đại Quang ơi xin cứu tôi" v.v... Nhưng ngày nay họ hô những khẩu hiệu rất khác. Họ hô "Đả đảo cộng sản", "Đả đảo cộng sản ức hiếp dân lành", "Đả đảỏ cộng sản tham nhũng", "Đả đảo cộng sản hèn với giặc, ác với dân" v.v... Người dân oan đã hiểu rằng vấn đề của họ là vấn đề của chế độ và chỉ được giải quyết với sự thay đổi chế độ.

Cho nên phải nói rằng xã hội Việt Nam đang chuyển động và sự nhập cuộc của các luật sư -mà tôi nghĩ sẽ gia tốc rất nhanh- báo hiệu một tình trạng rất mới. Xã hội Việt Nam đã chuyển động theo hướng đòi thay đổi chế độ.

TQT: Với những sự kiện ông Nguyễn Gia Kiểng vừa viện dẫn tôi thấy ông có vẻ rất lạc quan với xã hội sắp tới của đất nước chúng ta. Nhưng ông có nghĩ tới là Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII vẫn do một ông tổng bí thư là ông Nguyễn Phú Trọng, rất giáo điều cầm đầu. Họ vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin; vẫn kiên trì một chế độ độc tài toàn trị. Vậy thì cơ may nào mà những điều ông nói sẽ biến thành sự thật, thưa ông?

NGK: Tôi thành thực nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng Sản không thể không nhận thấy rằng xã hội Việt Nam đã tích lũy đầy đủ những mâu thuẫn cho một sự bùng nổ. Hơn thế nữa họ cũng ở trong một tình trạng đặc biệt. Trước hết họ phải đương đầu với một số nợ công rất là bi đát. Bây giờ họ lại sắp sửa phải thực hiện những cam kết khi gia nhập Khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, theo đó họ phải chấp nhận sự thành lập các công đoàn độc lập, nghĩa là những tổ chức ngành nghề. Như vậy họ sắp mở ra một giai đoạn rất nhiều ẩn số. Chúng ta cũng đừng quên hiện nay có gần một triệu thanh niên tốt nghiệp đại học và cao đẳng mà không kiếm được việc làm, trong khi đó có hơn một triệu sinh viên sắp sửa tốt nghiệp với viễn ảnh không kiếm được việc làm. Khối trẻ này là một trái bom nổ chậm. Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng không chậm hiểu như người ta tưởng đâu. Ông cũng đã thành công trong việc đánh bại được ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông đã làm được một việc mà ngày trước ông Lê Khả Phiêu và ông Võ Văn Kiệt không làm được. Ông ấy thừa biết xã hội Việt Nam đã chín muồi cho một thay đổi. Tất cả vấn đề đối với ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là họ muốn làm tác nhân hay là nạn nhân của một cuộc cách mạng dân chủ chắc chắn phải tới.

TQT: Mọi người đều thống nhất một điều là cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp sắp tới nó chỉ là một trò hề diễn đi, diễn lại nhiều lần hết khóa này sang khóa khác. Vậy những người dân chủ sẽ đóng góp như thế nào? Họ sẽ ứng cử để minh họa cho chế độ hay là tẩy chay cuộc bầu cử đó để minh họa cuộc bầu cử đó là một trò hề thưa ông?

NGK: Tôi đã nói hiện nay tình trạng đáng tiếc là phong trào dân chủ Việt Nam chưa có một lập trường chung, do đó chúng ta nên tôn trọng ý kiến của mọi người. Tôi nghĩ là trong tình trạng này làm gì cũng được miễn là thành tâm để rồi rút ra những kết luận cần có. Tôi nghĩ một trong những kết luận cần có đó sẽ rất có lợi cho cuộc vận động dân chủ. Theo tôi những người dân chủ hay có khuynh hướng dân chủ ra tự ứng cử kỳ này sẽ thất vọng. Họ sẽ hiểu dù sao hành động của họ cũng chỉ là hành động cá nhân và do đó có giới hạn của hoạt động cá nhân, nghĩa là không đáng kể. Họ sẽ khám phá lại một sự thật mà cá nhân tôi cũng đã nhiều lần nhắc lại là đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Và rất có thể sau thất vọng này họ sẽ tiếp tay xây dựng một lực lượng dân chủ mạnh.

TQT: Ông có nói là một tổ chức dân chủ mạnh. Nhưng ông cũng nói bây giờ chúng ta tôn trọng ý kiến của mỗi cá nhân, của mỗi người. Vây phải chăng đó là điều mà người đời gọi là "ba phải"? Vậy phải chăng "ba phải" sẽ là một điều tai hại cho cuộc đấu tranh dân chủ của đất nước hiện nay thưa ông?

NGK: Cũng không hoàn toàn là "ba phải" đâu, thưa ông Trần Quang Thành, bởi vì chúng ta vẫn có thể có thái độ chung trong khi chưa thống nhất được quan điểm về một chiến lược đấu tranh chung. Theo tôi thái độ chung đó là những người dân chủ, dù tán thành hay không tán thành việc tự ra ứng cử, cũng nên kêu gọi cử tri không bỏ một phiếu nào cho những ứng cử viên của Đảng Cộng Sản cả. Hễ đảng cử thì ta không bầu. Ta dồn phiếu cho những ứng cử viên độc lập. Và nếu trong đơn vị của mình không có một ứng cử viên độc lập nào thì chúng ta gạch hết tên ứng cử viên. Và, hay hơn nữa, nếu không có vấn đề an ninh – an ninh cá nhân, an ninh gia đình, an ninh nghề nghiệp- thì tẩy chay cuộc bầu cử bịp bợm này.

TQT: Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng.