Không thể không tự hỏi, liệu có phải chuyện vô tình không?
Giàn khoan HD981 được Cộng sản Trung Quốc đưa vào bên trong hải
phận của Việt Nam tháng 05/2014 đã khiến Hà Nội cuống cuồng,
nháo nhác, dư luận thế giới náo loạn. Trong khi mọi con mắt đổ
dồn vào chỗ giàn khoan, thì Trung Quốc lẳng lặng làm ở một
chỗ khác, đó là việc bồi lấp Trường sa, biến các rạn san hô
thành đảo, là việc kéo tên lửa và làm đường băng dài hơn 3000m
cho máy bay quân sự... Hai tháng sau, khi cuộc cãi vã bắt đầu
bớt ầm ĩ, thì Trường Sa đã xong và thành việc "đã rồi", không
thể xoay chuyển được nữa. Trung Quốc tuyên bố "đã khảo sát
xong" và rút. Và Việt Nam tuyên bố đã giành thắng lợi bằng
"sự sáng suốt cuả đảng".
Ở Trung Quốc còn có chuyện, một tên đạo trích muốn ăn trộm
táo trong vườn một phú gia, đã ném lửa đốt nhà. Trong khi mọi
người cuống quýt đổ xô dập lửa, hắn ung dung hái trọn cây táo,
rồi lại xăm xắn hò hét vào cứu lửa giúp chủ nhà.
Những trò này, Tôn Tử gọi là thuật dương đông kích tây, còn dân
"mổ" (ăn cắp) gọi là thuật "nhìn rau gắp thịt", còn những
nhà ảo thuật thì gọi là thuật thôi miên.
Nói chuyện tưởng xa xôi, lạc đề mà không phải. Nếu cái chuyện
xử Anhbasam không phải là vô tình. Người ta đang muốn che mắt
chúng ta. Vậy thì phía sau tất có chuyện mờ ám, vụng trộm,
hay bất chính gì đó.
Chúng ta thử xem có thật thế không.
Theo quy định, nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 sẽ kết thúc vào gần giữa năm
2016. Đến ngày 22/5, cử tri cả nước sẽ đi bầu Quốc hội khóa 14. Đến
tháng 7, Quốc hội khóa mới sẽ họp, bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ
tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng. Sau khi được bầu, Thủ tướng sẽ
trình giới thiệu các nhân sự bộ trưởng và Quốc hội sẽ phê chuẩn, kết quả
sẽ công bố vào ngày 11/6/2016.
Thế nhưng, "vì Đảng lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của đất nước,
trong đó có lãnh đạo về công tác nhân sự cho nên công tác cán bộ là công
tác của Đảng. (lời ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa) . Vì vậy:
Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín để bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân
làm tân Chủ tịch Quốc hội vào ngày 31/3. Chủ tịch Quốc hội mới sẽ
bãi nhiệm Chủ tịch nước cũ.
Sáng thứ Bảy 2/4, Quốc hội Việt Nam sẽ bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch
nước mới sẽ là ông Trần Đại Quang, ông này sẽ bãi nhiệm Thủ
tướng cũ và đề cử Thủ tướng mới.
Đến ngày 7/4, Quốc hội bầu Thủ tướng mới, mà ứng viên là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc."( Vnexpress.net).
Theo luật, những chức vụ này vẫn phải ứng cử đại biểu quốc
hội khoá tới, khoá 14, tổ chức vào ngày 20/05/2016. Như vậy có
thể nói, đây chỉ là một chính phủ lâm thời, hay chính phủ
chuyển tiếp.
Điều đáng nói là, bằng mọi cách, Quốc hội mới phải bầu đúng
những con người ấy, tên tuổi ấy vào đúng những vị trí đã
xếp đặt ấy. Đấy là nhiệm vụ và cũng là cơ hội chứng tỏ
"năng lực" của tân Chủ tịch Quốc hội.
Chưa là đại biểu Quốc hội đã là Chủ tịch Quốc hội, chưa là
đại biểu Quốc hội đã là Chủ tịch nước, và chưa là đại biểu
Quốc hội đã là Thủ tướng. Đúng là "có đất nào như đất này
không"?
Đây là chuyện ngược đời, là chuyện "sinh con rồi mới sinh cha,
sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông", chỉ có thể có dưới một
chế độ cũng phải rất ngược đời, chân lộn lên đầu, giống loài
tôm...
Nhưng chuyện ngày mai không phải chuyện hôm nay. Những cái đầu
giỏi mưu lược nhất cũng không thể lường được hết mọi chuyện.
Mọi âm mưu đều có thể thất bại.
Tất cả họ phải trước hết trúng đại biểu Quốc hội 14 đang ở vòng hiệp thương lần hai.
Nếu những người này không lọt vào danh sách ứng cử? Khả năng
này có xác suất thấp, vì hiệp thương là công cụ trong tay
đảng.
Nhưng, nếu lọt vào danh sách, mà không trúng cử? những người
này là những ứng cử viên được TW gửi xuống các địa phương.
Trong một danh sách thường rất dài, mà số đông các ứng viên
thường vô danh, thành tích không mấy tiếng tăm, thì các ứng viên
được gửi từ TW, chức vụ rất oai, thường chiếm lợi thế. Ít
người bị gạt bỏ. Nhưng thời thế có thể đã không như trước.
Trong tình cảm oán ghét chế độ tham nhũng và cửa quyền, người
dân đã biết được rằng, những nhân vật gửi từ TW xuống là
những tên có quyền chức cao nhất, chính là tham nhũng nhất,
cần phải gạch bỏ. Nên dù là có chuẩn bị trước, vận động
trước, thậm chí quà cáp trước, hay hứa hẹn trước, cũng chẳng
ai dám quả quyết được là những vị này sẽ đắc cử. Tuy nhiên,
vẫn có thể hóa giải bằng trò gian lậu phiếu như thường vẫn
làm.
Và nếu trúng cử nhưng không đủ uy tín để được bầu vào đúng
các chức vụ đó? Trong mấy vị mới, ông Trần Đại Quang khó đắc
cử Chủ tịch nước, dân Việt đã quá ghét công an và nhất là
Nguyễn Xuân Phúc, khả năng được bầu Thủ tướng là quá thấp, vì
dân người ta bảo nhau là ông này còn tham nhũng hơn cả ông
Dũng.
Như vậy, tất cả chỉ là lâm thời, từ Quốc hội, từ Chủ tịch
nước đến Thủ tướng chính phủ chỉ là tạm thời. Chỉ là do
đảng muốn. Nhưng đảng là ai, là người nào, tên là gì, e rằng
dân cũng biết cả rồi.
Tại sao phải làm cái trò khôi hài lố bịch nhưng lại có vẻ
rất gấp gáp này? Cả một khối trí tuệ có thừa của cả 19 cái
đầu tinh hoa nhất của đảng, nếu có thể đưa ra một quyết định
như vậy, thì khó có thể cho là chuyện tầm phào. Nhưng lý do
phía sau thực là cái gì?
Có thể thấy, chuyện "cố đấm ăn xôi" này chủ yếu là nhằm vào
ông Dũng. Nhưng muốn thay ông Dũng thì phải do Chủ tịch nước
miễn nhiệm, nên phải bầu Chủ tịch mới. Nhưng Chủ tịch nước cũ
phải do Quốc hội mới bãi nhiệm, nên lại phải bầu Quốc hội
mới, thành ra đành "kéo giỗ làm chạp". Việc muốn làm nhỏ mà
ra quá ồn ào.
Có người nói, chỉ do ông Trọng cay cú cái vụ khóc lóc mất
thể diện ở Hội nghị TW 6, bây giờ muốn trả miếng. Nếu thực
là vậy thì ra ông Trọng sắp thành Hitler hay sao, và cả 18 cái
đầu còn lại là loại đầu gì, người gì. Sao mà tin được. Chắc
không thể là chuyện cá nhân ông Trọng.
Ông Dũng đang có chuyện? Có thể lắm. Sau những cay đắng từ Đại
hội 12, có thể có một sự phản tỉnh. Có tin Nguyễn Minh Triết
sắp được rút khỏi Tỉnh đoàn và Ban chấp hành tỉnh uỷ Bình
Định, nếu đúng vậy thì chuyện sẽ không chỉ dừng ở cậu con
trai út này, mà chỉ là bắt đầu. Ông còn một cô con gái giàu
sụ và cậu trưởng đang là bí thư Kiên Giang. Tư Liêm và Tư Thắng
thì lặn không sủi tăm rồi... Có thể ông Dũng đã có hành vi
lật lại ván cờ, khi đang còn quyền lực.
Nhưng không loại trừ khả năng cả ba ông Sang, Hùng, Dũng đều
không làm đơn xin từ nhiệm. Và chuyện ông Tổng thư ký quốc hội
Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng không cần phải có đơn xin từ nhiệm,
Quốc hội có thể miễn nhiệm, là chuyện xằng bậy. Đó là
chuyện vi hiến. Quốc hội 13 bầu ra các chức danh đó, là ý chí
và danh dự của cả 500 đại biểu và sau những đại biểu này là
94 triệu dân. Nếu không vì những vi phạm pháp luật nghiêm
trọng, chỉ có Quốc hội 14 mới có quyền miễn nhiệm do mãn
nhiệm, để bầu cho các ứng viên mới. Đây là dấu hiệu của khủng
hoảng. Việc bất chấp hiến pháp của bộ chính trị, hay chỉ là
của một vài cá nhân trong bộ chính trị chắc chắn đang báo
trước một cơn bão. Mây đang vần vũ rồi, chỉ còn đợi gió nổi
lên nữa thôi.
Một khả năng khác là nỗi lo sợ về một Quốc hội 14 không đúng
thiết kế. Xu thế dân chủ đã bùng nổ. Nhận thức của dân chúng
cử tri đã đạt tới sự bùng nổ khó đoán trước. Số ứng cử viên
tự do có thể không đạt tới dự kiến, nhưng nhận thức về quyền
của dân và về thực chất của chế độ có thể đã đạt tới cách
mạng. Sẽ có sự tẩy chay tổng thể. 197 ứng viên TW gửi xuống
sẽ không được bầu, và rối loạn sẽ xảy ra. Hoặc sẽ có sự
cưỡng đoạt bằng bạo lực, hoặc phải giải tán Quốc hội. Sẽ
dẫn đến thất bại hoàn toàn. Cùng với điều này, những cái
vẫn âm ỉ trong lòng chế độ, phía dưới mọi sự kiện sẽ bật
dậy, và sự thay đổi cách mạng sẽ phải xảy ra.
Nhưng một khả năng mà nhiều người quan sát nhận định là chuyện
ông Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh không muốn ông Dũng
là người có vai trò quan trọng nhất trong chuyến thăm có thể
có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Mỹ OBAMA. Ngoài lý do tranh
công, nghĩa là tiến bộ trong quan hệ Việt Mỹ là do sự "lãnh
đạo sáng suốt của đảng", cũng tức là của ông Trọng, không
phải của ông Dũng, còn có chuyện một tập quán đã trở thành
nguyên tắc, rằng một người đã không còn vai trò, thì không được
quyền đại diện, trong khi, nguyên tắc đảng lãnh đạo không cho
phép một người không còn là uỷ viên bộ chính trị có thể có
vai trò quyết định bên ngoài sự kiểm soát. Chưa kể, chính bộ
chính trị cũng không biết chắc được Nguyễn Tấn Dũng khi trực
tiếp mời OBAMA, có "cái gì" không.
Nhưng cái chuyện đối phó với ông Dũng có vẻ quá thô thiển,
không hợp với truyền thống, cũng khiến người ta nghĩ đến Trung
Nam Hải. Việc tiến đến gần nhau của hai phía Việt Mỹ sẽ làm
cho giấc mộng Trung Hoa đặt trước nguy cơ phá sản, ít nhất trên
biển Đông. Các hiệp định hợp tác an ninh bảo vệ chế độ và ý
thức hệ Mác Lênin cho phép Trung Nam Hải can dự được vào an ninh
của chế độ cộng sản Việt Nam. Một hồ sơ tình báo tuyệt mật
về một âm mưu do Trung Nam Hải dựng lên, được chuyển cho hệ
thống an ninh chính trị đảng cộng sản Việt Nam vừa được giải
mã, khiến bộ chính trị tê liệt vì hoang mang, và bị buộc phải
hành động theo gợi ý của đảng anh em.
Một kịch bản tương tự như vậy rất có thể là có thật, vì
hành xử theo kiểu này không hề mâu thuẫn với bản tính thực
dụng và bất chấp đạo đức của những người cộng sản. Đặc biệt
là người Trung Quốc. "Mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột".
Chúng ta, những người xem diễn tuồng, chỉ có thể tự suy diễn
từ những gì trông thấy trên sân khấu, vì làm sao biết những gì
khuất phía sau. Chỉ nhờ ơn trời các diễn viên diễn thật tồi,
để có thể hiểu đôi chút, ngược lại nếu giàn diễn là những
siêu sao, thì đành chịu, chỉ có thể đoán mò.
Nhưng có một điều chúng ta đã đúng là từ Đại hội 12, cái
đảng gọi là đảng cộng sản Việt Nam đúng không còn là chính
nó nữa, không bao giờ nữa. Nó đang buộc phải thay đổi.
Như ngài dân biểu nước Cộng hoà Liên bang Đức Martin Patzelt vừa
sang xin chính quyền Việt Nam được dự phiên toà xử Anhbasam
Nguyễn Hữu Vinh mà Chính quyền từ chối (thật xấu hổ cho nền
văn hoá Việt). Chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu Đại biểu Quốc
hội cũng phải nói rằng "tôi thấy không thể chấp nhận được".
Ngài Martin Patzelt đã từng sống dưới thời Cộng sản ở Cộng hòa Dân Chủ
Đức và là người đã đấu tranh cho một nước Đức thống nhất, dân chủ như
ngày hôm nay. Ông nhắn tới những người cộng sản Việt Nam rằng:
"Hãy cần một sự thay đổi, nếu những người lãnh đạo Việt Nam không
muốn đến lúc chính họ là người thua cuộc. Việc đảm bảo quyền tự do cho
công dân, là việc hết sức cần thiết để tồn tại đất nước Việt Nam giàu
mạnh."
Chính chúng ta cũng đã nói đúng như vậy, không phải một lần.
Paris, 25/03/2016