Posted by adminbasam
Bùi Hải
26-3-2016
NSƯT Chí Trung đã phải kêu lên như vậy khi đọc một mẩu tin ngắn.
Cái nhân tình thế thái ẩn trong mẩu tin vài trăm chữ ấy có sức công phá như đạn pháo:Một người đàn ông ở TP.HCM không ngần ngại để xe máy trên đường, lao xuống nước cứu một đôi trai gái nhảy cầu, đến khi quay lên, thì bọn bất lương đã cuỗm mất chiếc xe máy ấy.
Chiếc xe ấy có thể chỉ được bán với giá vài triệu ở chợ tiêu thụ đồ ăn cắp, nhưng nó đã cuỗm đi luôn một tài sản vô giá, đó là lòng tin ở con người?
Người đàn ông đó và những người chứng kiến cảnh ấy, liệu sẽ liều mình lần thứ hai, để rồi ôm hận?
“Trời ơi, ai dám làm nhà báo tốt nữa” – tối qua chính tôi đã thốt lên câu nói ấy khi thấy đồng nghiệp – một người em của mình, cây bút phóng sự điều tra hàng đầu, Đỗ Doãn Hoàng, bị đánh bầm dập.
Hoàng, một người chịu đi không còn một có xỉnh nào của đất nước, dũng cảm điều tra nhiều vụ bê bối tày trời, đã phải thốt lên những lời mà tôi tin, nó xuất phát từ tận cùng cay đắng của lương tâm nghề nghiệp:
“Chắc là tôi sẽ phải dừng lại thôi không thì nó sẽ giết tôi vì có ai bảo vệ tôi một cách thật sự đâu!
Tôi sẽ chùn bước, sẽ dừng lại với một số vụ vì nó đã đe dọa tôi nếu không dừng lại thì nó sẽ giết. Tôi có thể nói như thế mà không thấy xấu hổ, không thấy mình hèn tí nào!”.
Bị đánh đến hơn một ngày Hoàng mới dám công bố thông tin. Anh và gia đình đã cân nhắc rất lâu vì sợ chúng tiếp tục trả thù.
Sự cân nhắc ấy giống như tình huống một vụ bắt cóc trong phim hành động Mỹ, báo cảnh sát có khi con tin phải chết.
Khi đối diện cái xấu, cái ác, rất nhiều người sẽ chọn cách im lặng. Bây giờ, không làm hại ai, đã có thể được xem như người tốt.
Đối mặt với côn đồ chắc chắn là điều cực kỳ tồi tệ, nhưng có lẽ một trong những điều quan trọng khiến Hoàng chùn bước, lại không đến từ những côn đồ.
Khi Hoàng bị đánh bầm dập, đã nằm đó như một xác chết đầy máu me, thì 3 người đi xe máy qua đã chạy thẳng, mặc cho Anh van vỉ nhờ họ chở đi chỗ khác.
“Tôi kêu cứu nhưng không một người nào trực tiếp cứu tôi cả”.
Nỗi tuyệt vọng của Hoàng trước đồng loại không phải nỗi tuyệt vọng cá biệt.
Có rất nhiều ví dụ, nhưng tôi chỉ nêu ra đây tâm sự đau đớn của một cô gái từng trải qua ranh giới sự sống và cái chết khi chiếc xe cô đang lái bị ép và kẹt giữa làn xe container và bị một chiếc xe bồn kéo lê đi.
“Nhưng cái cảm giác tuyệt vọng nhất không phải là nỗi đau thân thể hay cái xe hỏng mà là cảm giác không biết bao nhiêu người đi đường quần áo đẹp đẽ, phóng qua, đi chậm lại, hạ kính ô tô, dừng xe tay ga chen chúc nhau giơ máy điện thoại quay lại.
Tôi gần như van xin đừng quay nữa và kêu đau đớn thì từng lớp lớp người đi đường vẫn quay, vẫn chen nhau vào, tiếng cười nói rôm rả cả đoạn đường xen lẫn tạp âm quốc lộ…”.
Những gương mặt vô cảm này dường như giống y chang “những người tốt” đã không đưa cháu bé 7 tuổi trong vụ xe điên ở Ái Mộ, Gia Lâm đi cấp cứu vì lý do rất nhân văn”: chờ 115 đến cho chuyên nghiệp.
Nhưng bi kịch không chỉ đến từ những kẻ côn đồ giấu mặt, từ những người đi đường cúi gằm mặt quay đi trước lời kêu cứu của nạn nhân, mà còn đến từ những kẻ đang chường mặt trên mạng xã hội.
Đã có người hân hoan tột cùng khi Hoàng bị đánh và công khai niềm hân hoan ấy trên diễn đàn.
Họ kêu gọi nhân dân phải “giao lưu” nhiều hơn nữa với báo chí bằng… dùi cui và gạch đá, để xã hội trong lành hơn.
Họ có thể ghét nhiều nhà báo tiêu cực, ghét những tờ báo làm ăn chụp giật, nhưng nhân danh việc đó để “trả thù” một nhà báo bị đánh, bị đe dọa tính mạng, thì không thể hiểu nổi.
Xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói, nhiều người Việt đang đánh mất đi sự hiền lương vốn có của mình, trở nên ác độc với nhau.
Tôi muốn bổ sung thêm một điều mà ai cũng biết: Những người hiền lương đang dần dần cô độc trên hành trình cự tuyệt và chống lại cái ác.
Một nông dân của HTX trồng rau an toàn Ba Chữ ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội đã chỉ cho chúng tôi luống rau anh trồng cho nhà anh ăn: “Xấu, cằn thế này, có đem đi bán cũng chẳng ai mua”.
Luống rau anh đem bán ở góc ruộng, dĩ nhiên xanh non, lớn nhanh như thổi.
Mấy người bạn tôi, khởi nghiệp trồng rau sạch và thực phẩm sạch, đều đã phá sản nhanh chóng sau 3-8 tháng.
Muốn làm một người nông dân tốt cũng khó. Họ làm sao sống sót trong một môi trường mà giả nhiều hơn thật và lòng tin của thượng đế đã bị mang ra phát mãi?
Thượng tá cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn, một người tốt điển hình, chuyên giúp người mà không toan tính, đôi lúc cũng phải thở dài:
“Trong số hơn 40 người tự tử mà tôi cứu sống, chỉ có vài người quay lại cảm ơn”.
Đến ơn cứu mạng mình mà người ta còn vô tình như vậy.
Khuất Nguyên phải tự chết vì “đời đục cả, mình ta trong”. Chí Phèo cũng phải chết vì “Ai cho tao làm người lương thiện?”.
Xã hội còn rất nhiều người tốt – ngay cả trong lúc bĩ cực, phải trốn ở một nơi bí mật – Đỗ Doãn Hoàng vẫn khẳng định như vậy.
Người tốt còn rất nhiều, nhưng xã hội sẽ đi về đâu khi những người tốt không lên tiếng, không hành động để chống lại cái ác?
Tổng biên tập báo Lao động Trần Duy Phương, sếp của Hoàng, nói với các nhà báo: Đỗ Doãn Hoàng thoát chết nhờ… chiếc mũ bảo hiểm.
“Còn ai dám làm người tốt nữa” khi mạng sống của họ chỉ được bảo hiểm bằng những vật vô tri giác như một chiếc mũ bảo hiểm?
____
Soha
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: “Nó dọa nếu không dừng lại thì nó giết”
Đào Thanh Tuy25-3-2016
Sau vụ việc bị
hành hung vào sáng 23/3, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang được bảo vệ ở một
nơi bí mật và hiện tại anh đang rất hoang mang.
Dù rất khó để liên lạc nhưng anh đã dành cho Báo điện tử Trí Thức trẻ một cuộc trò chuyện thẳng thắn và đầy trăn trở.Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, hiện giờ những vết thương trên cơ thể anh vẫn vô cùng đau nhức và anh vẫn phải dùng thuốc giảm đau.
Thường xuyên bị đe dọa
PV: Trước khi xảy ra vụ việc này, bản thân anh và gia đình có thấy những biểu hiện gì nguy hiểm hay không?
– Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Vợ con, người thân thì không thấy có vấn đề gì. Tuy nhiên, thời gian trước đây bản thân tôi đã luôn phải đề phòng, cảnh giác.
Khi làm các bài điều tra, tôi thường xuyên nhận được những lời chửi bới, cao hơn là những lời đe dọa, nhắn tin kiểu như “muốn chết à”, “muốn nổ tung à”!
Thực tế thì có nhiều đối tượng khi tôi viết bài động đến họ thì họ có nhắc đến chuyện “xã hội đen”.
Có nhiều người có uy tín trong xã hội khi tôi phỏng vấn thì đã cảnh báo tôi rằng, những đối tượng tôi viết bài có dính dáng đến “xã hội đen”, thậm chí cầm đầu đường dây tội phạm có thể xử lý tôi bất cứ lúc nào.
Đặc biệt có đối tượng có trong tay rất nhiều nhóm côn đồ, tôi từng viết báo để bảo vệ một nạn nhân của đối tượng này.
Những người xung quanh của đối tượng đó nhắc đi nhắc lại là người này có đến 5-7 nhóm côn đồ trong tay và có thể tấn công tôi bất cứ lúc nào.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang được các nhân viên y tế chăm sóc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Điều tra những vấn đề “nhạy cảm”, anh có nghĩ ngày nào đó mình sẽ bị trả thù?– Đương nhiên chẳng bao giờ tôi lại mong muốn chuyện không hay này đến với mình. Nhưng những kẻ muốn trả thù, muốn tấn công tôi thì không nghĩ thế.
Khi dấn thân vào những đề tài nóng tôi cũng đã lường trước chuyện này, nhưng tôi không thể nghĩ chúng lại manh động đến thế bởi tôi rất cẩn thận.
Tôi thường xuyên di chuyển bằng ô tô và chỉ trong khoảnh khắc không sử dụng ô tô chúng đã tấn công tôi.
Tôi thường xuyên di chuyển ở những tuyến đường đông nhưng sáng đó có việc nên tôi đi vào con đường vắng và chúng đã tận dụng cơ hội đó. Điều này chứng tỏ chúng bố trí nhiều nhóm và đã theo dõi tôi rất kỹ.
“Chúng muốn hủy hoại tay cầm bút của tôi”
Anh có thể kể rõ hơn về vụ việc mình bị tấn công?
– Sáng đó (khoảng 8 giờ kém sáng 23/3), khi thấy tôi di chuyển vào con đường vắng thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai thì 3 đối tượng lạ mặt đã vượt lên chặn tôi lại.
Lúc đầu, tôi còn tưởng họ là bảo vệ, không cho tôi đi vào công trường ở gần đó. Tuy nhiên, khi tôi quay xe ra thì một đối tượng đã ôm lấy tôi rồi hai người kia rút gậy dài ra đánh tôi tới tấp.
Bọn chúng đánh rất dã man, có chủ đích và tinh vi chứ không như côn đồ tấn công theo cách bình thường.
Khi chúng ôm tôi và đánh tới tấp thì rất may tôi đội mũ bảo hiểm nên đầu không việc gì. Vì tôi được đào tạo từ nhỏ nên đã che đỡ được phần nội tạng.
Chúng đánh tôi bằng gậy, bằng gạch. Chúng tấn công vào khắp cơ thể tôi, đặc biệt là tay phải. Chúng muốn đập nát phải của tôi. Sau này, tôi và nhiều người đã nhận định có thể chúng muốn hủy hoại bàn tay cầm bút của tôi.
Đây chính là bằng chứng cho việc trả thù tàn ác, tính toán, tinh vi, nó không giống với cách trả thù thông thường của đám du côn thất học.
Anh có nghi ngờ ai đã đứng sau vụ việc trả thù dã man này không?
– Khi khai trước cơ quan công an tôi cũng không biết là vụ nào gây ra sự trả thù cho mình nữa. Có đoán thì tôi cũng không thể nói ở đây được.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi tham gia viết bài điều tra chống tiêu cực rất nhiều.
Có những vụ việc đã đưa các đối tượng đã bị ra thẳng vành móng ngựa. Có những đối tượng đã tán gia bại sản, bị khởi tố khi cơ quan công an bắt giữ, phá bỏ đường dây của chúng.
Có những vụ loạt bài của tôi tấn công thẳng vào những người chưa từng bị báo chí động đến trong suốt quá trình dài làm ăn phi pháp…
Còn nhiều vụ đến giờ tôi cũng chưa công bố tôi là người điều tra, dù vụ việc đó được đăng mười mấy kỳ trên báo.
Tóm lại là tôi làm nhiều bài điều tra và cũng nhận được nhiều lời đe dọa, đến giờ tôi cũng chưa dám khẳng định là đối tượng nào trả thù mình, việc này phải nhờ cơ quan điều tra.
Bao giờ nhà báo không còn là mục tiêu của cái ác?
Sau vụ việc này thì người thân của anh có sợ không?
– Người thân của tôi, vợ con tôi rất sợ và bức xúc. Gia đình tôi không biết có nên nói sự thật này lên báo hay là im lặng sẽ tốt hơn.
Thế nhưng, tôi nghĩ nếu im lặng thì không chỉ tôi và hàng vạn nhà báo ở Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm như tôi nếu cơ quan chức năng không thực sự quyết liệt.
Tôi mong muốn vụ việc của tôi sẽ là giọt nước tràn ly để các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, dư luận xã hội cùng vào cuộc để chấm dứt hành vi tội ác kiểu như thế này, từ đó để các nhà báo khác được an toàn.
Cơ quan công an đi đánh án thì còn có các công cụ hỗ trợ, còn chúng tôi cũng đi điều tra như thế nhưng không có gì để bảo vệ.
Tôi rất lo với tình trạng này thì liệu còn có nhà báo dám điều tra nữa hay không, đây là thách thức với toàn bộ những người có lương tâm trong xã hội.
Khi vụ việc này xảy ra, anh thấy các cơ quan chức năng, các tổ chức nghề nghiệp, đoàn thể đã vào cuộc thế nào?
– Phải khẳng định rằng cơ quan công an sau khi tôi trình báo thì họ đã rất có trách nhiệm tính đến giờ phút này.
Có một chuyện rất buồn là khi tôi tỉnh dậy tôi đã chặn 3 chiếc xe máy lại nhưng không ai cho tôi đi nhờ để thoát khỏi chỗ đó cả dù tôi nằm đó như một xác chết.
Tôi kêu cứu nhưng không một người nào trực tiếp cứu tôi cả. Sau cùng, tôi chặn hẳn xe một cậu sinh viên để đi nhờ ra con đường lớn để tôi bắt taxi đến bệnh viện.
Cậu taxi này rất tốt, đã đưa đến tận nơi tôi cần cấp cứu và rất lo lắng cho tôi. Khi tôi vào viện thì một lãnh đạo bệnh viện đã đến giúp đỡ tôi, chứng tỏ xã hội ngoài những người vô cảm ra còn có rất nhiều người tốt.
Còn cơ quan công an, khi tôi còn chưa đến trụ sở công an phường nơi tôi bị đánh để trình báo thì thì lực lượng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, rồi lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai cũng đến đó chờ tôi ở đó.
Tôi thật sự xúc động vì cơ quan công an vào cuộc rất nghiêm túc. Tôi biết ơn cơ quan điều tra đã vào cuộc một cách đầy trách nhiệm.
Bạn bè, đồng nghiệp, các cơ quan báo chí cũng đã động viên tôi rất nhiều, tôi biết ơn về tất cả những điều đó.
Hoang mang và chùn bước
Sau vụ việc này anh có chùn bước, có dám tiếp tục điều tra, chống tiêu cực không?
– Có lẽ phải nói thẳng thắn rằng, bạn là người phỏng vấn tôi, nhưng có thể ngày mai bạn cũng bị đánh như tôi. Tôi cũng không dám chắc là mình sẽ không bị tấn công nữa.
Tôi là người cẩn thận và lúc nào cũng đề phòng nhưng nó đã đánh tôi một cách tự tin như vậy và biến mất dễ dàng thì tôi thực sự thấy hoang mang.
Điều tồi tệ này có thể diễn ra với bất kỳ ai bằng hợp đồng thuê đánh mướn rẻ tiền.
Tại sao chúng ta lại để một xã hội như vậy, ai là người sẽ bị đánh sau tôi, liệu tôi có bị đánh nữa không, tôi có chống cự được hay chúng có dừng lại ở đó khi tôi ngất hay không, hay chúng sẽ giết tôi bằng được?
Đây là những câu hỏi rất khó trả lời.
Còn tôi có chùn bước hay không, tôi tin chắc là tôi sẽ chùn bước, tôi không thấy hèn khi nói như vậy.
Chắc là tôi sẽ phải dừng lại thôi không thì nó sẽ giết tôi vì có ai bảo vệ tôi một cách thật sự đâu!
Bây giờ có ai biết tôi đang ở đâu không, một giờ nữa cũng không ai biết tôi sẽ xuất hiện ở đâu nhưng những đối tượng theo dõi tôi có thể biết.
Tôi sẽ chùn bước, sẽ dừng lại với một số vụ vì nó đã đe dọa tôi nếu không dừng lại thì nó sẽ giết. Tôi có thể nói như thế mà không thấy xấu hổ, không thấy mình hèn tí nào!
Tuy nhiên, tôi sẽ vẫn tiếp tục điều tra nhưng khi thực hiện sẽ ẩn mình kỹ hơn. Tôi sẽ làm theo nhóm và có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan chức năng.
Tôi không bỏ cuộc nhưng quả thật khi mình đã bị lộ thì mình phải chùn bước không thì nó không tha cho mình đâu.
Chừng nào bạn không dám chắc là bạn đang được bảo vệ an toàn thì bạn không dám xông lên đâu, không có hậu phương vững chắc thì chẳng ai dám xông ra tiền tuyến cả.
Anh là nhà báo luôn dấn thân vào những vấn đề nóng, đã có lúc nào anh thấy lẻ loi, đơn độc?
– Tôi thấy mình không lẻ loi, tôi cũng không cho là mình vĩ đại hay anh hùng gì trong sự dấn thân ấy cả.
Nhưng tôi và các bạn làm báo của tôi, đặc biệt những nhà báo làm phóng sự, điều tra đều muốn làm cái gì đó để xã hội tốt đẹp hơn.
Ngoài biểu dương cái đẹp, nhân rộng điển hình tốt thì còn phải đấu tranh chống cái xấu, tiêu cực.
Đấy là đóng góp của nhà báo cho xã hội và vì thế mà xã hội trân trọng nhà báo. Cũng bởi điều này mà nhiều nhà báo khác đã gặp những chuyện không hay như tôi bây giờ.
Tôi mong xã hội sẽ bảo vệ chúng tôi để chúng tôi tiếp tục làm, nếu chúng tôi không làm nữa thì cái phần thiệt sẽ thuộc về xã hội.
Tôi rất muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm nghiêm những vụ như thế này và có một cơ chế để các nhà báo dấn thân được bảo vệ.
Bây giờ thì chúng tôi chỉ biết tự bảo vệ mình, tuy nhiên, bản thân tôi đã đề phòng hết cỡ rồi, nhưng vẫn chưa đủ an toàn.
Anh có tin là vụ việc này sẽ được làm sáng tỏ?
Tôi tin chứ! Cho đến giờ phút này tôi đã nhận được hàng nghìn tin nhắn, vài trăm cuộc điện thoại và rất nhiều mail thăm hỏi, động viên.
Đặc biệt là các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan công an, các đại biểu quốc hội đã vào cuộc rất quyết liệt nên tôi tin vụ việc sẽ làm sáng tỏ.
Nhiều người dân đã viết thư, đặc biệt là có người còn mang cả thuốc thang, những bài thuốc bí truyền để dưỡng thương cho tôi.
Có người đã kỳ công tìm số điện thoại của tôi rồi giúp bài thuốc quý, dù người này chỉ đọc bài, xem truyền hình và mến mộ tôi, điều đó làm tôi rớt nước mắt.
Nhiều lá thư của những người không quen biết, tin nhắn hỏi thăm sức khỏe nhà báo của chính các điều tra viên đang làm vụ này đều rất xúc động.