LS Đào Tăng Dực (Danlambao)
- Vụ xử trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn sẽ được ghi trong sử sách Việt Nam
như một vết nhơ không thể gội rửa của nhà cầm quyền CSVN và chứng minh
rõ nét những khuyết điểm nền tảng của cái mà người CSVN gọi là Pháp Chế
Xã Hội Chủ Nghĩa.
I. Tóm lược sự kiện:
Khi lược qua các thông tin trên mạng, chúng ta có những nét căn bản sau đây:
Tuy dưới tuổi thành niên (15 tuổi) nhưng CSVN vẫn truy tố trẻ em này
dưới tội danh “cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điều 104 Bộ Luật Hình
Sự.
Trước hết, cần ghi nhận có 2 phiên xử: sơ thẩm và sau đó là phúc thẩm.
Theo đài Á Châu Tự Do, phiên xử đầu tiên ngày 22/11/2015 ở Thạnh Hóa,
Long An. Em bị kết án 4 năm 6 tháng tù giam và phải bồi thường 42 triệu
600 ngàn đồng.
Nguyễn Mai Thảo Vy, em gái của Nguyễn Mai Trung Tuấn miêu tả hoàn cảnh và các sự kiện như sau:
“Cháu thấy bản án bất công đối với anh cháu, tại vì hành vi của anh
cháu là hành vi bảo vệ gia đình, tự vệ. Khi cưỡng chế có hai chiếc xe
tải chở từ 100 đến 200 cảnh sát cơ động đến ập vào nhà. Họ uy hiếp, đánh
đập gia đình rất dã man. Anh Hai thấy họ bắt mẹ và đập đầu xuống đường
nên anh Hai, với tư cách người con phải cứu mẹ. Hành động mà anh Hai tạt
acid ông công an là để cứu mẹ thôi.”
Cha và mẹ của em Tuấn là Nguyễn Trung Can và Mai thị Kim Hương cũng bị
kết án tù vì tội ‘chống người thi hành công vụ’ khi chống lại sự tước
đoạt đất đai vi hiến của chính quyền.
Khi luật sư biện hộ cho em Tuấn nhắc đến “Công Ước Quốc Tế về quyền trẻ em” thì thẩm phán CSVN lại gạt bỏ và nói công ước đó không phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Theo tin tức đài BBC, phiên xử phúc thẩm ngày 2 tháng 3, 2016. Tòa án
nhân dân tỉnh Long An tuyên phạt Nguyễn Mai Trung Tuấn giảm xuống 2 năm 6
tháng tù giam nhưng tái xác nhận số tiền phạt 42 triệu 600 ngàn đồng
cho người bị hại là ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng công an huyện Thạnh Hóa.
Cần ghi nhận luật sư của em Tuấn ngày 2/3 là LS Nguyễn Văn Miếng.
II. Những khuyết điểm nền tảng của Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa.
Người cộng sản chuyên chơi chữ và nghĩ rằng hễ có thể sử dụng các mỹ từ
đao to búa lớn là có thể gạt gẫm người dân. Trong các văn kiện chính
thức của CSVN, ý niệm “Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa” được họ chính thức
dịch ra Anh Ngữ là “Socialist Rule of Law”. Tức là họ sử dụng ý niệm
Pháp Trị (Rule of Law) của những nền dân chủ chân chính tây phương và
sau đó thêm cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa (Socialist) để biến thành một ý
niệm mới và áp dụng cho Việt Nam.
1. Khuyết điểm nền tảng thứ nhất là Pháp Chế XHCN thiếu một định chế độc lập để bảo vệ tính tối cao của Hiến Pháp
Bảo vệ tính tối cao của hiến pháp là một nguyên tắc nền tảng của một nền
dân chủ pháp trị đúng nghĩa. Tinh thần thượng tôn luật pháp sẽ không
còn ý nghĩa nếu hiến pháp bị tùy tiện vi phạm.
Nguyên tắc này được vị chánh án lừng danh Hoa Kỳ là Thẩm Phán John
Marshall trong phiên xử lịch sử vào đầu thế kỷ 19, Madbury v Madison 5
US 137 (1803). Theo nguyên tắc này thì Hiến Pháp là “Luật nền tảng và tối cao của quốc gia” (Fundamental and paramount law of the nation) và “một sắc luật của luật pháp trái với tinh thần của hiến pháp là vô hiệu lực” (An
act of the legislature repugnant to the constitution is void) và Tối
Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có quyền duyệt xét yếu tố pháp lý này.
Dĩ nhiên đã 2 thế kỷ đi qua, nền dân chủ Hoa Kỳ đã tiến xa hơn thời đại
của TP John Marshall và không những các sắc luật của lập pháp, mà bất cứ
tác động nào của hành pháp (executive action) hoặc của một đệ tam nhân
(action by any third party) vi hiến, đều vô hiệu lực.
Điều 37 Hiến Pháp 2013 của Việt Nam khắc ghi quyền trẻ em như sau:
“1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo
dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại,
hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành
vi khác vi phạm quyền trẻ em.”
Tuy nhiên CSVN đã không hiến định hóa một định chế tư pháp độc lập để
phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của Quốc Hội,
một tác động của hành pháp hay của một đệ tam nhân nào, và như thế tập
thể đang có sức mạnh, qua công an, quân đội và bộ máy công quyền là
CSVN, tha hồ vi hiến.
Mỹ từ Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là luật rừng xanh và đảng CSVN, nắm
giữ quyền lực, có thể chà đạp hiến pháp và hành xử vô pháp vô thiên.
Cũng theo Thẩm Phán John Marshall, nếu hiến pháp có thể bị tùy tiện vi phạm, thì giá trị của nó không hơn một tờ giấy lộn.
Em Tuấn khi phạm pháp chỉ 15 tuổi, theo tinh thần hiến pháp phải được
xét xử khoan dung, mọi khía cạnh giảm khinh phải được chiêm nghiệm. Tại
các quốc gia dân chủ thực sự, phải có những tòa án dành cho trẻ em
(Children’s courts) và những hình phạt nơi đây tuân thủ không những hiến
pháp, mà còn phải tuân thủ Hiệp Ước Quốc Tế về quyền trẻ em mà CSVN đã
long trọng phê chuẩn.
2. Khuyết điểm nền tảng thứ nhì là: vì thượng tầng cơ sở “bất chính”
nên hạ tầng cơ sở của guồng máy chính quyền “tắc loạn”, theo nguyên tắc
muôn đời là “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Trong tình huống Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa tại Việt Nam:
a. Khi quốc hội là cơ quan tối cao của nhà nước có thể làm ra luật vi phạm hiến pháp trắng trợn
b. Khi đảng CSVN có thể tùy tiện đứng trên và ngoài hiến pháp
c. Khi Bộ Trưởng Công An có thể ra pháp lệnh cho phép công an quyền tịch
thu tài sản của người dân, bất kể các quyền công dân khắc ghi trong
hiến pháp
d. Khi Mặt Trận Tổ Quốc ngang nhiên tước bỏ quyền ứng cử của công dân
e. Khi những nhân chứng trong các vụ tham nhũng lên hàng triệu Mỹ Kim liên hệ đến cấp lãnh đạo tối cao bị đột tử rất bí ẩn
Thì những nhân viên công an mật vụ cấp dưới lạm quyền hối lộ, hà hiếp
nhân dân thấp cổ bé miệng, giết người bịt miệng trong các trại giam đồn
công an, mạo nhận chứng cớ, vu cáo cá nhân, hoặc ngược đãi các trẻ em
dưới 18 tuổi, sẽ là hậu quả tất nhiên của luật rừng xanh Pháp Chế Xã Hội
Chủ Nghĩa.
3. Khuyết điểm nền tảng thứ 3 là sự vắng bóng một định chế tư pháp độc lập thể hiện qua những chánh án chí công vô tư.
Tuy một nền dân chủ đúng nghĩa phải bao gồm 3 yếu tố. Đó là hiến định,
pháp trị và đa nguyên. Tuy nhiên, nếu cân nhắc yếu tố nào quan trọng
nhất, thì có lẽ yếu tố pháp trị có thể tạm cho là quan trọng nhất. Ví dụ
điển hình là Hồng Kong dưới thời thuộc địa Anh Quốc và ngay cả hiện
nay. Tuy không phải là một nền dân chủ đúng nghĩa, nhưng nhờ hệ tống
pháp trị nghiêm minh của Anh Quốc để lại, nhân quyền và dân quyền của
người Hồng Kong vượt xa nhiều chế độ độc tài. Yếu tố then chốt của hệ
thống pháp trị nghiêm chỉnh là sự thiết diện vô tư của quan tòa. Muốn
đạt được điều này, các quan tòa phải là những luật gia lỗi lạc, họ phải
được hành pháp đề nghị và lập pháp thông qua. Nhiệm kỳ của họ phải là
cho đến tuổi hưu trí, hoặc đến khi chết, hoặc mất trí năng, hoặc bị kết
án tội đại hình. Như thế có nghĩa là một khi được bổ nhiệm, họ không bao
giờ bị bất cứ một thế lực nào ảnh hưởng vì không tuân thủ chỉ thị. Họ
sẽ thiết diện vô tư và hành xử theo công lý.
4. Khuyết điểm nền tảng thứ 4 là các thẩm phán CSVN không am hiểu vị
trí của các công ước quốc tế, nhất là về nhân quyền và đặc biệt trong
trường hợp này là quyền các trẻ em.
Khi luật sư của em Tuấn nhắc đến Công Ước Quốc Tế về quyền trẻ em và bị
thẩm phán cho là không phù hợp với luật lệ Việt Nam, thì điều này chứng
tỏ sự thiếu hiểu biết về luật học của các thẩm phán CSVN, đồng thời là
một sỉ nhục quốc thể.
Trước hết, Việt Nam đã phê chuẩn công ước này ngày 28 tháng 2, năm 1990.
Điều 2 của công ước ghi rõ:
“2. Quốc gia tham dự sẽ thi hành mọi biện pháp đảm bảo trẻ em được
bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay hình phạt trên căn bản địa vị, hoạt
động, ý kiến phát biểu, hay niềm tin của cha mẹ, người bảo hộ pháp lý
hoặc thành viên gia đình”
Điều 19 ghi:
“Quốc gia tham dự sẽ thi hành mọi biện pháp thích đáng trên các bình
diện lập pháp, hành chánh, xã hội và giáo dục hầu bảo vệ trẻ em chống
lại mọi hình thức bạo động thể xác hay tinh thần, thương tích hoặc lạm
dụng, đối xử cẩu thả hoặc vô trách nhiệm, hành hạ hoặc bóc lột, kể cả
lạm dụng tình dục, trong khi được chăm sóc bởi cha mẹ, người bảo hộ pháp
lý hoặc bất cứ cá nhân nào có trách nhiệm chăm sóc”
Điều 37 của công ước ghi:
Quốc gia tham dự phải đảm bảo:
“(b) Không trẻ em nào bị giam giữ trái luật hay bất công. Bắt giữ,
tam giam hay bỏ tù một trẻ em phải hợp pháp và chỉ được sử dụng như biện
pháp cuối cùng và với thời gian ngắn nhất có thể”
Chỉ cần nghiên cứu các sự kiện và xét theo công ước này, thì chúng ta
cũng thấy hình phạt quá năng nề và có tính kỳ thị em Tuấn vì em có cha
mẹ là dân oan, cố tình chống lại hành vi cưỡng chiếm tài sản của chính
quyền.
Thêm vào đó, án tù, tuy giảm xuống còn 2 năm 6 tháng, nhưng khi cộng với
số tiền phạt, so với khả năng tài chánh của em, là một sự đối xử phi
lý, bất công, vi phạm điều 19 và 37của công ước.
Yếu tố nhục quốc tể được nêu ra vì khi một quốc gia ký một công ước là
dân tộc ấy đem quốc thể của mình bảo đảm sẽ thi hành nghiêm chỉnh. Nếu
đi ngược với bảo đảm này là mình đã làm nhục quốc thể rồi. Thêm vào đó,
tuyên bố rằng một công ước quốc tế phải phù hợp với luật Việt Nam chứng
tỏ sự kém hiểu biết của một quan tòa CSVN.
Ngay cả một công dân bình thường, trong một nước dân chủ, cũng thừa biết
rằng, quốc gia tham dự ký kết một công ước quốc tế, phải thi hành mọi
biện pháp, từ lập pháp đến hành pháp, kể cả điều chính bộ luật hình sự
của mình, để tuân thủ các công ước quốc tế, như ghi rõ trong điều 19 của
công ước.
5. Khuyết điểm nền tảng thứ 5 là sự vắng bóng của một xã hội dân sự
phát triển, trong đó có những tổ chức phi chính phủ (NGOs) đủ sức mạnh
và khả năng bênh vực cho quyền lợi trẻ em:
Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa thực sự là đảng trị hay luật rừng. Đảng sở hữu
nhà nước và triệt tiêu xã hội dân sự qua việc giàn dựng các tổ chức xã
hội cuội. Chính vì thế, khi nhà nước, qua các tòa án của đảng, vi phạm
quyền trẻ em của Nguyễn Mai Trung Tuấn thì không có một tổ chức phi
chính phủ bênh vực quyền lợi trẻ em nào lên tiếng vì họ không được phép
hiện hữu.
Nếu việc này xảy ra tại Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ, Anh Quốc hay Pháp chẳng hạn,
thì các tổ chức phi chính phủ hùng mạnh sẽ can thiệp. Tòa án chí công
vô tư sẽ nghiêm trị các nhân viên công lực, kể cả công tố viện, vi phạm
quyền trẻ em. Nếu chính phủ vi phạm chính phủ sẽ bị chế tài nghiêm khắc
và có thể đảng cầm quyền sẽ thất cử trong nhiệm kỳ tới và đảng đối lập
sẽ lên nắm quyền.
Kết luận:
Số phận hẩm hiu của trẻ em Việt Nam trên khắp các nẻo đường quê hương,
khi so sánh với nếp sống xa hoa trụy lạc của các cán bộ CSVN cao cấp và
con cháu của họ, phát xuất từ những khuyết điểm nền tảng nêu trên của hệ
thống luật pháp CSVN gọi là Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa.
Em Nguyễn Mai Trung Tuấn chỉ là một trong hằng vạn trẻ em Việt Nam nạn
nhân của chế độ. Điều 37 của Hiến Pháp 2013 và toàn bộ hiến pháp không
đáng giá một xu vì Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa thực sự chỉ là một mỹ từ
sơn phết cho luật rừng xanh, vô pháp vô thiên.
Hậu quả là hình ảnh tang thương, trên các mạng xã hội như Facebook, của
những thành phần yếu đuối nhất của cộng đồng dân tộc như các dân oan,
các dân quê, các bà mẹ Việt Nam nghèo khổ và nhất là các trẻ em Việt Nam
rách rưới cơ hàn, khi so sánh với những quốc gia không cộng sản trong
khu vực, làm cho những người còn lương tâm không thể ngăn dòng lệ.
Giải thể độc tài và xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa
nguyên là trách nhiệm hàng đầu của mọi người dân Việt còn chút lương
tri.