23/3/16

Không thể xử lỗi “quy trình” của ngành công an

Lê Minh Phát tại phiên tòa phúc thẩm tháng 3-2015. Ảnh Pháp Luật
Mẹ Nấm (Danlambao) - Phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử vụ án công an xã Lê Minh Phát đánh chết học sinh cấp 2 Tu Ngọc Thạch đã khép lại. 

Mức án dành cho viên công an xã ở phiên tòa lần này là 8 năm 6 tháng tù giam (so với 6 năm 9 tháng ở tòa sơ thẩm lần 1) với hai tội danh “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật”.

Tuy nhiên, với kết quả này rõ ràng là tòa án không thể xử lỗi xử lỗi “quy trình” của ngành công an. Đây chính là điều mà tôi muốn chia sẻ với mọi người. 
Xuất phát từ chuyện xô xát cãi cọ dẫn đến đánh nhau giữa hai trẻ vị thành niên là Lê Tấn Khỏe và Tu Ngọc Thạch. Khỏe đã cầm vỏ chai nước suối thủy tinh ném trúng phía sau người Thạch, và sau đó hai bên đã giảng hòa.

Tuy nhiên, vì Khỏe là con của một công an xã, nên hai công an xã Lê Minh Phát và Lê Ngọc Tâm đã lùng bắt Thạch để ngăn chặn vụ đánh nhau có thể xảy ra tiếp. Đây chính là lý do “công vụ” để các bị cáo Phát và Tâm, cũng như trưởng công an xã Võ Văn Long và phó công an xã Huỳnh Trung Thắng đưa ra để biện minh cho việc bắt giữ người trái pháp luật. 

Chỉ mới nghe tin có đánh nhau, không chứng kiến sự việc, Lê Minh Phát đã đuổi bắt, còng tay, đánh đập em Tu Ngọc Thạch hết sức dã man. Thạch bị bắt đưa về trụ sở công an xã Vạn Long và chết sau đó. Kết quả giám đinh pháp y cho thấy nguyên nhân cái chết là do thương sọ não. Cơ thể em Thạch bị đa chấn thương: xương thái dương phải nứt, xương vùng trán bị lệch, giữa đỉnh đầu có ba vết bầm tụ máu, tim, gan, phổi bị xung huyết…

Tại sao công an có thể bắt người một cách dễ dàng như vậy?

Tại sao công an có thể đánh người chỉ vì “bứt rứt” như lời khai của bị cáo Lê Minh Phát?

Tại sao một học sinh chưa đến 15 tuổi ở thời điểm bị bắt có thể bị xét hỏi mà không có người giám hộ bên cạnh?

Tại sao công an có thể tùy tiện đọc yêu cầu bảo lãnh nạn nhân bị đánh cho gia đình viết sau khi đã xác định Tu Ngọc Thạch không phải là người đầu têu ra vụ đánh nhau?

Có rất nhiều câu hỏi tại sao? 

Nhưng câu trả lời thì chỉ có 1. Đó là hệ thống, là quy trình làm việc của công an.

Ông trưởng công an xã Võ Văn Long và hai phó công an xã Huỳnh Trung Thắng, Lê Ngọc Tâm hồn nhiên như không có lỗi trước thông tin nạn nhân Tu Ngọc Thạch bị cấp dưới của mình là Lê Minh Phát. Công an có thể đánh người, đó hẳn là chuyện hiển nhiên?

Nếu em Thạch không chết vì chấn thương sọ não sau đó, sẽ không có bất kỳ cuộc họp kiểm điểm nào.

Pháp luật dù đã có quy định rất rõ ràng về việc bắt giữ người, nhưng các công an, không chỉ riêng công an xã Vạn Long hôm nay, luôn tùy tiện đứng trên pháp luật. Công an không bắt giữ người. Hình thức bắt giữ được quy chiếu sang hai động từ mỹ miều là “mời” và “đưa về”. 

Công an không có lỗi khi vi phạm pháp luật, vì họ đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh??? 

Hôm nay, Tòa án Nhân dân huyện Vạn Ninh bỏ qua việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với trưởng công an Long và phó công an Thắng trong việc bắt giữ người trái pháp luật, đã khẳng định lại một điều: Tòa án không thể xử lỗi “quy trình” của ngành công an.

Liên quan đến mạng người, những cái chết tức tưởi vì bị bắt giữ tùy tiện, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của người mẹ, người bà, anh chị của các nạn nhân sẽ khó có thể có câu trả lời thỏa đáng bởi lỗi quy trình. 

Tôi muốn gửi lời cám ơn cách đặc biệt đến các luật sư Trần Văn Đạt, ls Nguyễn Khả Thành, ls Võ An Đôn... những người đã bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân nghèo bằng con đường luật pháp. Cám ơn sự thẳng thắn và dũng cảm của các luật sư đã phần nào khiến nhiều người tham dự phiên tòa có ý thức về việc sống và tuân thủ pháp luật. 

Kết thúc một phiên tòa, chứng kiến thêm lần nữa sự bất lực vô tình hay cố ý của tòa án trước lỗi bắt người tùy tiện của công an, tôi nghĩ rằng những người thờ ơ, bàng quan với đời sống xã hội xung quanh mình nên một lần đến dự tòa để hiểu chúng ta thực sự đang sống và có quyền đến đâu trên đất nước này.