Nhà nưước pháp quyền (Etat de Droit) là nhà nước thực thi quyền
hạn của mình thông qua, và chỉ thông qua luật pháp. Ngay chính
bản thân nhà nước cũng bị điều chỉnh và hạn chế bởi luật
pháp.
Trong một xã hội dân chủ, tất cả mọi quyền tự do của công dân
được bảo đảm. Không một tổ chức, một ý chí nào dù của bất
cứ ai cũng không thể vi phạm. Cơ chế quản trị duy nhất là luật
pháp.Về nguyên tắc, không một tác nhân nào, không một chủ thể
nào, không một hành vi nào nằm bên ngoài khuôn khổ của luật
pháp và thoát khỏi sự điều chỉnh của pháp luật. Mọi cá thể,
mọi tổ chức vật lý hay pháp nhân đều được tự do hoàn toàn
trước khi bị coi là vi phạm pháp luật. Nhưng xã hội được tổ
chức theo một cơ chế mà trong đó không một cá thể hay tổ chức
nào, kể cả Hội đồng Lập Hiến hay Toà Hiến pháp, Thượng viện,
Hạ viện hay Quốc hội, Tổng thống hay Chính phủ, Thủ tướng hay
Chánh án tối cao, không một định chế nào không bị đặt dưới
sự kiểm soát của một định chế độc lập và phi chính trị. Mọi
hoạt động của xã hội phải bao hàm trong hệ thống pháp luật,
nghĩa là bất cứ một hành vi nào đều có thể quy dẫn về một
điều khoản cụ thể trong pháp luật. Chính sách của chính phủ
được ban hành thành những luật hay bộ luật tương ứng. Việc
thực hiện chính sách không còn mang tính chính trị mà là trở
thành quy phạm luật. Người giám sát đôn đốc có thể là nhân
viên hay chuyên trách chính phủ, nhưng chỉ là hỗ trợ, về nguyên
tắc là chuyên môn của công tố nhà nước, giám sát thực thi pháp
luật. Không tuân thủ chính sách, lúc này, trở thành hành vi vi
phạm pháp luật, và được xét xử tại tòa như mọi loại vi phạm
pháp luật khác.
Trong Nhà nước Pháp quyền, người có quyền điều chỉnh tối cao
và cuối cùng là Chánh án Tòa tối cao. Vì vậy, Chánh án là
một đối tượng phi chính trị và độc lập tuyệt đối. Chánh án
Toà án tối cao do Tổng thống chỉ định và Thượng viện cùng
với Hội đồng Hiến pháp bỏ phiếu kín phê chuẩn, có thể một
lần cho suốt đời. Luật pháp bảo đảm quyền độc lập và giám
sát sự độc lập của Chánh án. Trừ trường hợp vi Hiến hay vi
Pháp, không ai có quyền can thiệp vào các quyết định của Chánh
án, và không ai có quyền cách chức Chánh án vì kết quả xét
xử. Nhưng chỉ một lần vi phạm nguyên tắc độc lập, kể cả Chánh
Toà tối cao, vĩnh viễn không được hành nghề trong ngành toà
án. Đó là cơ chế không cần và không thể tham nhũng. Cùng một
nguyên tắc như vậy đối với toàn bộ hệ thống thẩm phán các
cấp.
Luật pháp trở thành tài sản duy nhất của chế độ, là một hệ
thống trung tính, phi chính trị, và phản ánh ý chí chung của
cộng đồng. Nó là kết quả sự đồng thuận của mọi tầng lớp xã
hội, mọi loại hình tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, mọi loại
quyền lợi. Bất cứ điều khoản luật nào cũng chỉ dẫn tới một
giải pháp duy nhất, không thể giải thích áp đặt hay suy diễn.
Quyền giải thích pháp luật là độc quyền của Hội đồng lập
Hiến quốc gia, thể hiện trên quyền lực của Chánh án Toà Tối
cao. Tất cả các thành phần khác chỉ là đối tượng điều chỉnh
của pháp luật.
Luật pháp trong nhà nước pháp quyền bao gồm ba nhóm hành vi
chính, nhóm hành vi kinh tế, nhóm hành vi dân sự và nhóm hành
vi chính quyền. Tương ứng với mỗi nhóm, là các tổ chức đại
diện: giới doanh nghiệp (với ý nghĩa doanh nghiệp là tác nhân
kinh tế, cá nhân hay tổ chức), các pháp nhân của chính phủ và
các tổ chức đại diện người lao động và các tầng lớp xã hội
khác. Vì vậy, cơ quan lập pháp bắt buộc phải có sự tham gia
của tất cả: Cơ chế bầu cử Quốc hội là tự do ứng cử. Mọi cá
nhân, mọi hiệp hội, mọi tổ chức đều có quyền đưa người đại
diện của mình ra tranh cử. Điều kiện duy nhất để ứng cử là
quyền công dân và có ít nhất một lượng phiếu ủng hộ tối
thiểu. Số lượng phiếu ủng hộ này do Hội đồng bầu cử quốc gia
quy định. Ứng viên không bị giới hạn về số lượng, về thành
phần cũng như về tuổi tác, được tự do vận động tranh cử bằng
kinh phí của mình, nhưng sẽ được thanh toán bằng ngân sách quốc
gia, nếu số phiếu bầu đạt một giới hạn nào đó (chẳng hạn
là 5% theo chế độ của Pháp). Danh sách bầu cử được công bố công
khai thông thường trước ba tháng, cùng lúc với chiến dịch vận
động tranh cử. Số ghế trong Quốc hội sẽ phân bổ trên kết quả
số phiếu bầu theo nguyên tắc tỷ lệ.
Nhà nước pháp quyền trong xã hội dân chủ bao gồm hai bộ phận
có tính độc lập tương đối với nhau, ràng buộc nhau thông qua
các quy định của Hiến Pháp. Hai bộ phận đó là Bộ máy Tổng
thống và Bộ máy Chính phủ.
Tổng thống đại diện cho lợi ích tối cao của dân tộc. Tổng
thống theo nguyên tắc là vị trị cao nhất về mặt chính quyền.
Quyền hành đó thể hiện ở quyền chỉ định Chánh Thẩm phán,
tức là Chánh án Toà án Tối cao, có quyền phế truất Chính
phủ, nhưng không có quyền chỉ định Chính phủ thay thế. Tổng
thống được bầu trực tiếp, theo nguyên tắc hai bậc, Bầu vòng
Một và Bầu chính thức, gọi là Bầu vòng hai. Ở vòng đầu, số
ứng viên là số tự do, không hạn chế. Bất cứ cá nhân hay tổ
chức chính trị nào cũng được quyền tự ứng cử. Điều kiện để
ứng cử chỉ duy nhất là cá nhân hay pháp nhân đó đang có quyền
công dân hợp pháp, và có bằng chứng có được một số lượng
phiếu ủng hộ ủng hộ nhất định. Số lượng phiếu ủng hộ này
được quy định bằng pháp luật. Người được chọn cho vòng hai hay
vòng chính thức là hai ứng viên có số phiếu cao nhất. Ở vòng
hai, người thắng cuộc buộc phải chiếm được quá bán. Nếu cả
hai cùng không đạt được quá bán số phiếu bầu, sẽ phải tiếp
tục vận động tranh cử cho vòng ba. Về nguyên tắc, số vòng bầu
cử là không hạn chế, nhưng thực tế diễn biến sẽ xuất hiện nhu
cầu điều chỉnh. Hoặc quyết định chấp nhận theo số phiếu cao
hơn, hoặc huỷ kết quả bầu cử và lui cuộc bầu cử lại, tiến
hành tranh cử từ đầu. Hội đồng bầu cử quốc gia là người
quyết định, có thể cần tới cơ chế Trưng cầu dân ý trong trường
hợp phức tạp. Trong tranh cử Tổng thống, đối chất trực tiếp
và công khai là một cơ chế bắt buộc theo quy định của pháp
luật. Tổng thống có bộ máy giúp việc là hệ thống thư ký nhà
nước, do Tổng thống trực tiếp chỉ định không qua bầu cử và
không chịu chi phối, hay điều chỉnh bởi cơ quan dân cử.
Chính phủ trong nhà nước pháp quyền là cơ quan đại diện của
đảng chính trị thắng cử trong bầu cử lập pháp. Chính phủ vì
vậy có thể không cùng hệ thống chính trị với Tổng thống. Ở
Pháp, nhiệm kỳ thứ hai (1997) của tổng thống Jacque Chirac là
chủ tịch đảng Tập hợp cộng hoà, trong khi Thủ tướng chính
phủ, ông Lionel Jospin là bí thư thứ nhất đảng xã hội.
Chính phủ cũng bao gồm hai bộ máy có tính độc lập tương đối
với nhau. Đó là bộ máy Hành chính hay Quản trị và Bộ máy
Chính phủ. Chính phủ bao gồm những người đứng đầu từng ngành
do người đứng đầu chính phủ hay Thủ tướng chính phủ trực tiếp
chỉ định, có thể là người cùng đảng, cũng có thể mượn của
đảng khác cùng cánh, tả hoặc hữu. Chính phủ thông thường là
một equipe bao gồm các chính trị gia, hoặc các chuyên gia làm
chính trị, của một đảng chính trị vừa giành thắng lợi trong
cuộc bầu cử cơ quan lập pháp (Quốc hội) theo nguyên tắc phổ
thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín trên toàn quốc. Đảng chiến
thắng là đảng chiếm được nhiều phiếu nhất và chiếm đa số
tuyệt đối trong quốc hội. Thủ tướng là người của đảng được cử
ra lập chính phủ, không cần sự chuẩn thuận của cả Quốc hội
lẫn Tổng thống. Chính phủ điều hành nhà nước bằng các luật
hay bộ luật tương ứng các chính sách trong chương trình đã được
nêu ra thành cam kết trước dân chúng trong chiến dịch tranh cử.
Số ghế chiếm đa số tuyệt đối giành được trong Quốc hội đảm
bảo các luật hay bộ luật này được phê chuẩn. Sau khi thành
luật thì các chính sách không còn thuộc quyền trực tiếp của
chính phủ mà chịu sự giám sát và điều chỉnh của hệ thống
Hành pháp và Tư pháp.
Hành Chính trong nhà nước pháp quyền là bộ máy chuyên nghiệp,
trung tính, phi chính trị và giữ vai trò như công cụ trong tay
chính phủ chịu trách nhiệm vận hành theo sự điều khiển có
hướng của chính phủ. Bộ máy hành chính hay bộ máy quản trị
trong nhà nước pháp quyền giống như một đoàn tàu không có đầu
kéo, có cơ cấu hoàn chỉnh bền vững, chuyên ngiệp, nhưng không
can thiệp vào việc tạo dựng phương hướng, chính sách. Cơ chế
luật quy định chức năng chấp hành vô điều kiện của bộ máy
Hành chính. Hiệu quả hoạt động của Bộ máy hành chính hoàn
toàn phụ thuộc vào bản lĩnh và năng lực của chính phủ. Bộ
máy Hành chính có cấu tạo độc lập tương đối với bộ máy
chính phủ, vì Chính phủ là bộ máy phụ thuộc kết qủa dân cử,
có nhiệm kỳ, trong khi bộ máy hành chính là bộ máy chuyên môn
có chức năng phục vụ các chính phủ trong giai đoạn cầm quyền.
Chế độ là ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Mọi công dân đều
có quyền bình đẳng. Đảng chính trị hay giai cấp chỉ là một
bộ phận, đại diện cho nguyện vọng hay ý chí của một bộ phận,
nhiều khi rất nhỏ trong cộng đồng. Vì vậy, Chế độ có bản
chất phi chính trị, không có tính đảng, và được lựa chọn bắt
buộc bằng Trưng cầu dân ý.
Trong nhà nước pháp quyền, cơ quan duy nhất có tính chính trị,
mang tính đảng là bộ máy Chính phủ, nhưng nó có tính luân
phiên, và không phải là cơ quan quyền lực, chỉ đơn thuần là cơ
quan hành pháp. Nó chủ yếu có chức năng điều hoà các xung đột
xã hội, điều chỉnh các khuyết tật của xã hội trên nguyên tắc
duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định tiến bộ xã hội. Bộ
máy Chính phủ là hệ thống nhân sự cầm đầu các cơ quan chuyên
nghiệp của bộ máy Hành chính, điều hành bộ máy thực thi các
nhiệm vụ nhằm đạt tới các mục tiêu của các chính sách đã
luật pháp hoá. Vì vậy, đứng đầu các cơ quan này, các bộ
trưởng, là những chính trị gia, không cần phải là những chuyên
gia hay những nhà chuyên nghiệp, trong khi những người đứng đầu
các cơ quan Hành chính, có thể cơ cấu cao nhất thành thứ
trưởng, không được phép tham gia chính trị, và có nghiã vụ
chấp hành vô điều kiện mọi quyết định của người đứng đầu
ngành do chímh phủ chỉ định. Nó có thể giữ nguyên khi thay đổi
Chính phủ.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước trung chuyển của giai
đoạn đầu chuyển tiếp từ xã hội tư bản chủ nghĩa sang cộng
sản chủ nghĩa. Ở giai đoạn này diễn ra chủ yếu quá trình
quốc hữu hoá và công hữu hoá từ trạng thái quốc hữu và công
hữu một phần, tới quốc hữu và công hữu là chủ yếu cho đến
khi quốc hữu và công hữu hoàn toàn.
Hiểu pháp quyền XHCN là pháp quyền của thời kỳ quá độ hướng
tới XHCN là sai. Hướng tới như thế nào và bằng cách nào?
Về bản chất, nhà nước XHCN không phải là một chế độ mà là
một thể thức chính quyền đang chuyển động, đang chuyển hoá
tiến tới phủ định chính nó. Trong khi chuyển hoá thì không thể
có luật pháp, bởi vì mục tiêu chưa hình thành và chưa có
thực. Mọi loại quyền lợi chưa được xác định, mọi loại hình
của cơ cấu xã hội có cái đang mất đi, nhiều cái khác chưa định
hình, thậm chí chưa ra đời.
Luật pháp sẽ hướng tới XHCN như thế nào? Để tiến tới một xã
hội không còn sở hữu, một nền kinh tế chỉ còn một thành
phần, một cơ chế kinh tế dưạ trên kế hoạch hoá tập trung, không
hàng hoá, không thị trường, thì những bộ luật nào dứt khoát
phải biến mất? Khó có thể nêu ra hết, nhưng đầu tiên, luật
doanh nghiệp là không còn, luật thuế, luật kế toán, luật giá
trị gia tăng, luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ v.v... sẽ
phải dẹp bỏ.
Hiểu pháp quyền XHCN là nhà nước pháp quyền có sự chỉ đạo
của đảng cộng sản càng không đúng. Đã chịu sự chỉ đạo thì
dù sự chỉ đạo đó là của ai, luật pháp đã không còn trung
tính. Tính độc lập của các cơ quan quyền lực bị vi phạm. "Phân
công tách bạch nhưng thống nhất về mục tiêu", chỉ là sự che
đậy dối trá và nguỵ biện ngô nghê về lý luận. Các công cụ
quyền lực như Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp không phải là cơ
quan chế tạo ra dân chủ mà là cơ quan bảo vệ dân chủ thông qua
luật pháp, là các công cụ quyền lực do nền dân chủ tạo lập
ra, không phải là ngược lại theo định nghĩa hiện nay của đảng
cộng sản. Vì vậy gốc là luật pháp. Luật pháp phải được đảm
bảo là luật pháp dân chủ. Cơ chế tạo lập và hình thành luật
phải đảm bảo dân chủ trực tiếp. Dân chủ thì không có chỉ đạo
tập trung hay thống nhất. Bản thân chỉ đạo đã phá huỷ và vi
phạm dân chủ. Cơ quan lập pháp bầu ra không do các tổ chức dân
sự tự đưa đại diện ra ứng cử, mà do cơ quan cao nhất của đảng
quy định cơ cấu thành phần, về tuổi và nghề nghiệp, không thể
đảm bảo tính đại diện đầy đủ của pháp luật.
Cơ sở của luật pháp là bình đẳng, trong khi ở XHCN, nhà nước
là công cụ chuyên chính của đảng chính trị cầm quyền. Luật
pháp trong xã hội chủ nghĩa (ở đây là luật pháp của nhà nước
cộng hoà XHCN Việt Nam) phản ánh ý chí của giai cấp cầm
quyền, trên dưới 4 triệu đảng viên nhưng thực chất chỉ là ý
chí của nhóm 19 người bộ chính trị, thậm chí chỉ của một vài
người. Hiện nay không còn tồn tại giai cấp vô sản, đội quân tiên
phong của đảng nữa, nó đã tuột khỏi tay đảng từ lâu, không
còn trong sự kiểm soát của đảng, thậm chí đang trở thành đối
tượng cần trấn áp, phong trào tự phát trong công nhân đang được
chính đảng cộng sản khủng bố. Đảng cộng sản Việt Nam thực
chất không đại diện cho ai cả, không thể có tư cách lập hiến
và lập pháp cho chế độ.
Như vậy chúng ta đã chứng minh rằng Pháp quyền XHCN là một sự
đánh tráo khái niệm, là sự lừa bịp có chủ đích của một vài
lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có hoặc là Pháp quyền,
hoặc là XHCN, không có và không thể có Pháp quyền XHCN, nó là
một thứ dị dạng như chính cái chế độ cộng sản độc đảng độc
tài hiện nay đang chưa bị biến mất trên đất nước Việt Nam.
Paris, 15/03/2016