Tháng Chín (Danlambao) - Tình
trạng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn gây ra hậu quả chưa từng có
trong lịch sử từ trước đến nay. Nhiều thành phố có khả năng thiếu nước
ngọt. Bên cạnh nguy cơ này người ta còn lo lắng đến việc các nước ở
thượng nguồn sông Mekong, trong đó có Trung Quốc triển khai xây dựng các
đập thủy điện là nguy cơ lớn với các nước ở hạ nguồn như Việt Nam.
Dự án “Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ sông Mekong”,
trong đó có đồng bằng sông Cửu Long được trình bày trong hội nghị quốc
tế với báo cáo của Ủy ban Quốc gia sông Mekong (VNMC) và DHI tại Diễn
đàn WLE (Nước, cảnh quan, năng lượng) tại Phnom Penh (Campuchia) chiều
21/10/2015 có kết luận: “Tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể”(1)
Dự án nghiên cứu này Chính phủ Việt Nam được giao cho Bộ Tài nguyên và
môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và VNMC điều hành.
Dự án lên tới 3,5 triệu USD (gần 80 tỉ đồng, được quốc tế tài trợ), và
công ty tư vấn là DHI. Kết luận của dự án báo cáo ra quốc tế hàm nghĩa
đã được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và gián tiếp có thể được hiểu
là Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng
chính sông Mekong.(2)
Để đưa ra một kết luận tưởng chừng như vô hại với tác động của các đập
thủy điện trên dòng Mekong, hãy thử hỏi trách nhiệm của Bộ Tài nguyên
Môi trường nói chung và Ủy ban song Mekong nói riêng đối với quốc gia
đến đâu?
Bên cạnh đó, nhìn tổng thể hơn về các toan tính thâu tóm ảnh hưởng về
chính trị của Trung Quốc với các nước trong khu vực ASEAN để thấy vấn đề
rõ ràng hơn. Trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc luôn dành cho Thái Lan
và Lào những gói viện trợ đầy ưu đãi nhằm gia tăng việc đầu tư vào cơ sở
hạ tầng. Khối ASEAN vốn lỏng lẻo nay càng rệu rã hơn. Lợi ích của mỗi
quốc gia và cách liên minh giữa các nước chưa thoát được vòng kềm tỏa về
chính trị lẫn kinh tế của Trung Quốc. Kết quả: biển Đông vẫn là chuyện
của mỗi quốc gia, tình trạng ngập mặn và thiếu nước tại hạ lưu... vẫn là
chuyện riêng của từng đất nước. Ở các quốc gia đang phát triển trong
khối ASEAN, quá trình tàn phá môi trường diễn ra vô cùng tinh xảo. Và
song song với tiến trình này, các tổ chức xã hội dân sự chỉ còn là cái
bóng mờ được sử dụng như những tiếng nói mẫu trong các hội nghị quốc tế.
Các công trình được tạo dựng khắp nơi, các tập đoàn như SunGroups,
Vingroup, FLC… vung tiền tàn phá rừng, thay đổi hiện trạng biển.. dưới
hình thức đầu tư phát triển du lịch… Quá trình này diễn ra dưới sự im
lặng của báo giới, trót lọt bởi sự bảo kê của các quan chức từ địa
phương đến trung ương.. Và màu xanh tự nhiên bị che phủ dần dần bởi bàn
tay con người.
Người dân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó có câu trả lời cụ thể cho
tình trạng ngập mặn, thiếu nước ngọt trong năm nay, bởi đó là việc của
các nhà khoa học.
Các nhà khoa học đứng về phía nào để bảo vệ lợi ích tự nhiên, điều này
tùy thuộc vào lương tâm và sự dấn thân lên tiếng của những người có
chuyên môn.
Đất nước rệu rã, mỗi lần có sự cố hay thảm họa xảy ra, việc đầu tiên các
bộ ngành quan tâm luôn là các gói viện trợ. Thảm họa môi trường tại
đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung một lần nữa là cơ hội béo bở để
kiếm viện trợ. Và trên thực tế không phải ai cũng biết rằng, các gói
viện trợ là những món nợ khổng lồ đi kèm với sự phụ thuộc vào chủ quyền
kinh tế.
Hưởng lợi từ những khoản vay này chính là những kẻ đang nắm quyền lực, làm giàu bằng chính tài nguyên của quốc gia này.
Chú thích:
2 http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151031/mot-ket-luan-nguy-hiem-ve-nhung-con-dap-tren-song-mekong/994279.html
Chính phủ liệu có vô can trong thảm họa tại đồng bằng sông Cửu Long?
Mẹ Nấm (Danlambao)
- Những cánh rừng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ nước cho
những con sông. Đặc biệt là rừng ở khu vực lưu vực. Vì vậy trước khi
chửi Trung cộng hãy xem Hoàng Anh Gia Lai đã làm gì với những khu rừng
tự nhiên ở Cambodia hay Lào.
Phá rừng lấy gỗ, các nông trường cao su mọc lên liệu có giữ được nước?
Hết hạn hán, ngập mặn sẽ là lũ quét?!
Xin trích lại ở đây thông tin trên báo Đất Việt:
"Theo số liệu công bố của HAGL, tính tới cuối năm 2012, Tập đoàn này
có tổng cộng 51.000ha đất được phân bổ để trông cao su tại Tây Nguyên,
Lào và Campuchia. Trong đó, tại Gia Lai là 8.000ha, Đắk Lắk là 3.000ha,
Lào là 25.000ha, Campuchia là 15.000ha.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện Tây Nguyên
có hơn 2,848 triệu ha rừng, độ che phủ 51,3%. Trong 8 năm (2005-2012),
các tỉnh Tây Nguyên mất hơn 205.000 ha rừng tự nhiên. Bình quân mỗi năm,
khu vực này mất khoảng 25.700 ha rừng.
Nguyên nhân chính làm diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên suy giảm
nhanh chóng là do chuyển đổi sang trồng cao su (46,7%); xây dựng thủy
điện, thủy lợi, khu công nghiệp (31,3%); khai thác, chặt phá, lấn chiếm
trái phép (6%)...
Theo Quyết định 750/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm
2020, Tây Nguyên chỉ quy hoạch trồng 100.000 ha cao su. Tuy nhiên, theo
dự kiến, tới năm 2015 mà các tỉnh khu vực này đã quy hoạch diện tích lên
đến 164.000 ha. Điều đáng nói, khoảng 80% diện tích quy hoạch trồng cây
cao su là trên đất có rừng tự nhiên mà không chú trọng khai thác quỹ
đất trống, đồi trọc. Sở dĩ có chuyện “vượt chỉ tiêu” và quy hoạch trồng
cao su trên đất có rừng là do khu vực này mang lại cho đơn vị thuê đất
khoản lợi lớn từ tận thu, tận diệt gỗ rừng…" (hết trích)
Nói về trách nhiệm với nguồn nước, với tài nguyên, tôi nghĩ là hiếm
người trong chúng ta chịu tìm đọc, chịu lên tiếng đến tận cùng. Bởi một
lý do đơn giản: chuyện còn xa, chưa ảnh hưởng đến mình.
Hôm nay nói về việc đồng bằng sông Cửu Long ngập mặn, hạn hán, thiếu
nước ngọt, chúng ta loay hoay mắc kẹt đổ lỗi cho thủy điện thượng nguồn.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) dưới sự ủy quyền của Bộ Tài nguyên
Môi trường đã xem nhẹ tác động của các đập thủy điện ảnh hưởng đến chất
lượng nước về hạ lưu như thế nào?
Thủy điện ở thượng lưu và hạ lưu sông Mekong, ảnh hưởng đến đời sống chung của nhiều nước.
Nông dân Thái Lan còn đứng lên, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, còn chúng ta làm gì?
Đổ lỗi hết cho Trung Quốc, sẽ làm nhiều người vô can trong việc vô tư
phá rừng? Tàn phá rừng ở khu vực lưu vực sông là nguyên nhân chính làm
giảm khối lượng nước về hạ lưu.
Phá rừng trồng có duy nhất một loại cây là cao su là phá vỡ cân
bằng sinh thái. Mưa xuống là đất còn bị xói mòn vì không có
thảm thực vật giữ nước gây là lũ, lụt.
Đừng đổ hết cho Trung Quốc để thoát thân,
Bởi hậu quả chúng ta nhận hôm nay, là kết quả từ chính tư duy nhiệm kỳ mà không có một ai phải chịu trách nhiệm.
Tư duy nhiệm kỳ bắt đầu thể hiện hậu quả cụ thể trên đất nước này!
Trước khi "chết bởi Trung cộng" chúng ta sẽ chết bởi sự tham lam và ngu xuẩn của nhà cầm quyền!
Nguồn hình: BBC Tiếng Việt