Đặng Hà -
Trong phiên họp Quốc hội Liên bang Đức ngày 03.12.2015 vừa qua, một Nghị
quyết được đệ trình để thảo luận và biểu quyết thông qua. Nghị quyết
này mang tên "Tăng cường việc bảo vệ cho Người Bảo Vệ Nhân Quyền trên toàn thế giới"
và trong phần thảo luận trước khi biểu quyết nghị sĩ Frank Heinrich
(đảng CDU/CSU) đã nêu ra trường hợp cô Đỗ Thị Minh Hạnh trong bài phát
biểu của ông. Trong đó ông kể rõ về vụ công an Việt Nam hành hung dã man
cô Đỗ Thị Minh Hạnh:
“Mới tuần rồi tôi nhận được tin cô Minh Hạnh với tư cách là thành
viên của công đoàn độc lập "Lao Động Việt"- đã bị bắt giữ cùng với một
đồng nghiệp vì can tội tham gia buổi gặp gỡ và trò chuyện với công nhân
của một doanh nghiệp Nam Hàn... Lực lượng công an đã giải tán cuộc họp
mặt này và bắt giữ cô Minh Hạnh cùng với đồng nghiệp Trương Minh Đức. Họ
bị giam giữ đến sáng ngày hôm sau và đã bị công an đánh đập tàn nhẫn.
Cô Minh Hạnh với thương tích ở đầu và mắt đã phải vào bệnh viện chữa
trị. Cho đến hôm nay cô vẫn còn bị rối loạn thị giác.”
(Xem Video nghị sĩ Frank Heinrich phát biểu:
Bài phát biểu của nghị sĩ Frank Heinrich cũng đề cập đến những điểm quan trọng của Nghị quyết "Tăng cường việc bảo vệ cho Người Bảo Vệ Nhân Quyền trên toàn thế giới".
Cùng ngày 03.12.2015 Nghị quyết này đã được Quốc hội Liên bang Đức
thông qua với đa số phiếu (đảng cánh tả Die Linke bỏ phiếu trắng). Trong
tương lai những Người Bảo Vệ Nhân Quyền ở trong nước VN có thể cũng
được che chở bởi Nghị quyết này.
Dưới đây là bản dịch bài phát biểu của nghị sĩ Frank Heinrich (thuộc
đảng CDU/CSU và là thành viên trong Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội Đức):
Kính thưa bà Chủ tịch, Quý đồng nghiệp và Quý dự thính viên!
Chúng ta đã định trước rằng, nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền sẽ khởi đầu
trong tuần tới, hôm nay chúng ta đệ trình một Nghị quyết về những Nhà
Bảo Vệ Nhân Quyền và sự bảo vệ họ.
Tương tự như những nghị sĩ khác, hôm nay tôi muốn giới thiệu cho quí vị một vài Người Bảo Vệ Nhân Quyền:
Một trong những người đó là cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Năm ngoái tôi đã có
dịp gặp cô Minh Hạnh hai lần. Một lần - như trong tấm ảnh này - gặp tại
văn phòng của tôi ở Berlin. Trong thời gian này một vài nghị sĩ cũng
đã gặp cô Minh Hạnh. Nghị sĩ Brand là người đỡ đầu cho cô (chú thích của
người dịch: Nghị sĩ Brand là chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội Đức).
Bảy tháng trước đó tôi đã phải đi đến nhà tù ở Hà Nội để thăm cô Minh
Hạnh; chuyện này một vài nghị sĩ đã kể qua. Vào thời điểm đó cô Minh
Hạnh là một nhà hoạt động công đoàn và bị bắt giam. Cô và vài ba chục
người Việt khác là những nạn nhân của việc bắt giam tùy tiện được LHQ
nêu đích danh và yêu cầu trả tự do.
Một thời gian ngắn sau chuyến thăm viếng của tôi, cô Minh Hạnh được
phóng thích vô điều kiện. Cô ta được khuyến cáo rằng, nếu một khi đi ra
nước ngoài thì ở lại đó đừng về. Đó là điều ràng buộc duy nhất. Tháng 11
năm ngoái cô Minh Hạnh đã có dịp đi sang Đức và đến thăm chúng tôi.
Nhân đó đã có tấm ảnh này được chụp trong văn phòng của tôi.
Mới tuần rồi tôi nhận được tin cô Minh Hạnh - với tư cách là thành
viên của công đoàn độc lập "Lao Động Việt" - đã bị bắt giữ cùng với một
đồng nghiệp vì can tội tham gia buổi gặp gỡ và trò chuyện với công nhân
của một doanh nghiệp Nam Hàn về vấn đề không trả lương (chú thích của người dịch: chính xác là vấn đề đền bù cho công nhân bị sa thải) và
quyền lợi của công nhân. Lực lượng công an đã giải tán cuộc họp mặt này
và bắt giữ cô Minh Hạnh cùng với đồng nghiệp Trương Minh Đức. Họ bị
giam giữ đến sáng ngày hôm sau và đã bị công an đánh đập tàn nhẫn. Cô
Minh Hạnh với thương tích ở đầu và mắt đã phải vào bệnh viện chữa trị.
Cho đến hôm nay cô vẫn còn bị rối loạn thị giác.
(…) (nghị sĩ Heinrich kể tiếp về hai Người Bảo vệ Nhân quyền ở Aserbaidschan và Bahrain)
Chúng ta sẽ nhớ ra nhiều tên tuổi và gương mặt khác. Đó là những
người không ngại mọi đe dọa về thân thể và tâm lý để dấn thân cải thiện
tình trạng nhân quyền tại đất nước họ, và như cô Minh Hạnh, mặc dù có cơ
hội ở lại nước ngoài, nhưng cô đã trở về quê hương để cải thiện tình
trạng cơ cấu ở đó.
(tiếng vỗ tay của các nghị sĩ đảng CDU/CSU)
Để rồi bây giờ cô lại phải nhận lãnh một sự trừng phạt.
Ông Rasul Jafarov là người mời tôi đến thăm. Khi gặp tôi, ông nói ông
có thể bị bắt vào bất cứ lúc nào. Hồi đó ông có liên quan đến Giải Ca
nhạc Âu Châu (European Song Contest). Việc bảo vệ cho những con người
can đảm này là một công tác quan trọng trong chính sách nhân quyền của
chúng ta. Vì thế không phải chỉ hôm nay chúng ta mới có cuộc thảo luận
đặt trọng tâm về vấn đề này mà năm tới Uỷ ban Nhân quyền và Cứu trợ Nhân
đạo của Quốc hội Đức cũng sẽ đặt trọng tâm vào việc bảo vệ cho những
Người Bảo vệ Nhân quyền. Uỷ ban sẽ viếng thăm những Người Bảo vệ Nhân
quyền và mạnh mẽ đưa đề nghị cho các đại sứ Đức và đại sứ các quốc gia
liên hệ.
(Tiếng vỗ tay của các nghị sĩ đảng CDU/CSU, đảng SPD và đảng Xanh/Bündnis90)
Như trong thí dụ về Bahrain nhiều quốc gia hiện thiếu các cơ chế pháp
trị. Ít khi chúng ta thấy các tội ác bị điều tra ra và thủ phạm bị
trừng phạt. Do đó tôi cám ơn các tổ chức đã dấn thân vào việc này. Ngay
tại Đức chúng ta cũng có những người dấn thân trong các tổ chức đó.
Giống như các nhà chính trị chúng tôi tìm cách bày tỏ tình liên đới, tôi
yêu cầu Quí vị viết thư và tranh đấu để mang ánh sáng đến các trường
hợp đơn lẻ và tạo hy vọng cho họ.
Trong nghị quyết được đệ trình, chúng ta yêu cầu Chính phủ Liên bang
hãy sử dụng mọi phương tiện ngoại giao như có thể có được để hành động
chống lại việc hình sự hóa các tổ chức phi chính phủ và các Nhà Bảo Vệ
Nhân Quyền bất bạo động, và để hỗ trợ các tổ chức dấn thân bảo vệ các
Nhà Bảo Vệ Nhân Quyền.
Là nghị sĩ, như vừa kể, thí dụ chúng ta có thể nhận đỡ đầu cho một
Người Bảo Vệ Nhân Quyền. Chúng ta có thể ký tên trên các Thỉnh nguyện
thư. Quý vị cũng có thể làm với tư cách là một công dân, là một cá nhân.
Chúng ta có thể đến quan sát những phiên toà xét xử. Vâng, ở
điểm này chúng ta phải kêu gọi -như là nghị sĩ Schwabe đã lưu ý trước
đây- có thêm nhiều nghị sĩ hơn nữa sẵn sàng đứng ra làm người đỡ đầu cho
những quan sát viên để soi sáng tình trạng nhân quyền.
Chúng ta phải thông tin cho các Người Bảo Vệ Nhân Quyền biết rõ hơn
nữa về những quyền của họ và các khả năng bảo vệ. Họ cần phải biết, họ
có thể nhận được những sự giúp đỡ nào từ đất nước chúng ta, nơi mà chúng
ta thực sự có tự do, và họ có thể cầu cứu ở người nào khi cần thiết .
Để kết thúc phát biểu tôi xin nói rằng, chúng ta với tư cách cá nhân
có thể dấn thân giúp nhiều Người Bảo vệ Nhân quyền. Về phần mình, tôi đã
quyết định tiếp tục hỗ trợ những người như cô Minh Hạnh, đến thăm họ
trong nhà tù khi có dịp, khích lệ họ bằng thư từ, nói với họ rằng họ
không bị lãng quên.
Bất cứ cương vị nào, nơi nào, thời điểm nào mà điều kiện cho
phép tôi sẽ luôn đóng góp một phần nhỏ vào công việc làm sáng tỏ
những bất công mà họ phải gánh chịu. Nhưng mà chúng ta cũng nên thực
hiện việc này trên cương vị là Quốc hội và Chính phủ.
Tôi xin cảm ơn quí vị đã lắng nghe.
(Tiếng vỗ tay của các nghị sĩ đảng CDU/CSU, đảng SPD và đảng Xanh/Bündnis90).
*
Tại Đức có một tổ chức đã và đang hoạt động với mục tiêu bảo vệ Nhân quyền. Tổ chức này mang tên: VETO! Human Rights Defenders' Network (Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền VETO!).
Để tìm hiểu thêm về Nghị quyết „Tăng cường việc bảo vệ cho Người Bảo Vệ
Nhân Quyền trên toàn thế giới“ mới được Quốc hội Liên bang Đức thông
qua, tác giả bài viết này đã phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng là Giám đốc điều hành Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền VETO!:
Tác giả: Trước nhất, ông có thể giải thích khái niệm Người Bảo
Vệ Nhân Quyền hoặc Nhà Bảo Vệ Nhân Quyền mà nghị sĩ Heinrich dùng trong
bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang Đức. Khái niệm này nó có khác
biệt như thế nào với những khái niệm chúng ta hay dùng: Người / Nhà
Tranh Đấu Cho Nhân Quyền v.v.?
VQ Dụng: Thực ra theo cách hiểu của các tổ chức nhân quyền quốc
tế thì các khái niệm "nhà tranh đấu nhân quyền", "nhà hoạt động nhân
quyền" và "Người Bảo Vệ Nhân Quyền" không khác nhau bao nhiêu. Tuy nhiên
2 khái niệm đầu chưa được "định chuẩn" khiến cho mỗi người có thể hiểu
hoặc có cách định nghĩa khác nhau. Trong khi đó khái niệm "Người Bảo Vệ
Nhân Quyền" (human rights defender) được định nghĩa bởi "Tuyên ngôn về
Quyền và Trách nhiệm của các Cá nhân, Nhóm hay Cơ chế xã hội nhằm làm
Thăng tiến và Bảo vệ những Nhân quyền và Tự do Căn bản Phổ quát" (thường
được gọi tắt là Tuyên ngôn về Người Bảo Vệ Nhân Quyền) được Đại hội
đồng LHQ thông qua vào năm 1998.
Như vậy Người Bảo Vệ Nhân Quyền (NBVNQ) có thể là một cá nhân hay một tổ
chức chuyên đi bảo vệ nhân quyền cho người khác. NBVNQ tranh đấu cho
tính phổ quát và bất khả phân của nhân quyền dựa trên những văn bản pháp lý nhân quyền của LHQ. Ngoài ra NBVNQ không được phép vi phạm nhân quyền của bất cứ ai và phải tôn trọng nguyên tắc bất bạo động.
Theo tôi nếu có cá nhân hay tổ chức nào chấp nhận hoạt động theo những
nguyên tắc của Tuyên ngôn nói trên thì họ nên dùng danh từ NBVNQ để xác
định chỗ đứng, tôn chỉ và mục đích hoạt động của mình cho rõ ràng. Danh
từ NBVNQ hiện được dùng rất phổ biến trên thế giới nên có thể nói rằng
NBVNQ hiện đã trở thành một giới hoặc một cộng đồng đông đảo được quốc
tế bảo vệ. Thí dụ Hội đồng Nhân quyền LHQ có một cơ chế tên là Báo cáo
viên Đặc biệt của LHQ về NBVNQ bên cạnh các cơ chế khác để bảo vệ quyền
tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo,... LHQ luôn quan tâm đặc
biệt đến việc bảo vệ cho NBVNQ vì xem giới này đóng vai trò then chốt
trong việc bảo vệ nhân quyền trên thế giới và vì giới này bị đe dọa
thường xuyên về tính mạng và tài sản. Hàng năm Hội đồng Nhân quyền LHQ
đều có làm tổng kết và ra quyết nghị về tình trạng của những NBVNQ trên
thế giới. Mới đây Đại hội đồng LHQ đã biểu quyết thông qua một Quyết
Nghị nhằm lên án việc đàn áp và kêu gọi bảo vệ cho NBVNQ vừa được Uỷ ban
thứ Ba của LHQ đệ nạp hôm 25/11/2015. Việt Nam là trong số 14 nước đã
bỏ phiếu chống đối Quyết Nghị này. (117 nước bỏ phiếu thuận).
Tác giả: Ngày 03.12.2015 Quốc hội LB Đức đã thông qua nghị
quyết "Tăng cường việc bảo vệ cho Người Bảo Vệ Nhân Quyền trên toàn thế
giới". Ông có thể tóm gọn nội dung chính yếu của nó. Chính phủ Đức sẽ
làm gì với nghị quyết này? Cụ thể nghị quyết này có thể giúp ích gì được
cho Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền ở trong nước VN? Những Người Bảo Vệ
Nhân Quyền ở trong nước VN cần phải làm gì để có được những sự bảo vệ
nêu trên?
VQ Dụng: Quyết nghị mang tên "Gia tăng việc bảo vệ cho Người Bảo Vệ Nhân Quyền trên toàn thế giới"
(Drucksache 18/6880) yêu cầu Chính phủ Đức hợp tác với tất cả các cơ
chế trên thế giới, tận dụng các quan hệ ngoại giao song phương và đa
phương và dùng phương tiện của chính phủ Đức để bảo vệ NBVNQ một cách
hữu hiệu hơn. Thí dụ Đức cần thúc đẩy các quốc gia khác mời Báo cáo viên
Đặc biệt của LHQ về NBVNQ đến thị sát; Đức cần giúp đỡ và bảo vệ tại
chỗ cho các NBVNQ đang gặp nạn; Đức cần đẩy mạnh việc thông báo chính
sách bảo vệ NBVNQ của EU và thường xuyên trao đổi với các tổ chức nhân
quyền.
Quyết nghị là cách thể hiện ý chí của một Quốc hội đại diện cho toàn dân
trong chế độ dân chủ. Chính phủ Đức do quốc hội bầu ra cho nên sẽ phải
tuân theo các quyết nghị của Quốc hội. Chính phủ Đức sẽ tìm cách đưa các
yêu cầu của bản quyết nghị vào các chính sách. Vì bản quyết nghị nói
trên được các đảng cầm quyền đệ trình vào Quốc hội nên sác xuất thực
hiện đúng đắn quyết nghị này sẽ rất cao.
Các NBVNQ ở Việt Nam có thể liên lạc thường xuyên với tòa đại sứ Đức và
đại diện của Liên minh Âu Châu (EU) để lấy những thông tin mới, trao đổi
ý kiến, đưa ra các đề nghị cải thiện tình trạng nhân quyền và xin giúp
đỡ khi gặp hoạn nạn.
Quyết nghị này đặc biệt quan tâm đến các giới sau đây: các nhà báo,
blogger, facebooker, nhà hoạt động về quyền của các sắc tộc thiểu số ở
vùng sâu vùng xa, về các quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, xã
hội và văn hóa, quyền tự do tôn giáo, quyền phụ nữ và quyền của người
đồng tính và chuyển giới.
Quyết nghị này cũng đề nghị các quốc gia EU hợp tác với nhau để yêu cầu
quốc gia liên hệ phải trừng phạt thủ phạm và bồi thường cho nạn nhân.
Vận động chính giới Đức của tổ chức VETO! cho cô Minh Hạnh
(từ trái: Nghị sĩ Martin Patzelt, Vũ Quốc Dụng,
bà Trần Thị Ngọc Minh (mẹ Minh Hạnh),
nghị sĩ Michael Brand, nghị sĩ Lengsfeld)
Tác giả: Bây giờ xoay qua đề tài Đỗ Thị Minh Hạnh. Trong những
thông cáo báo chí của nghị sĩ Frank Heinrich về trường hợp Minh Hạnh
đều có đề cập đến tổ chức VETO! (tức là "Mạng lưới những Người Bảo vệ
Nhân quyền"). Điển hình là thông cáo báo chí ngày 28.04.2014 về chuyến
đi thăm Minh Hạnh trong nhà tù ở VN, và thông cáo báo chí ngày
01.07.2014 sau khi Minh Hạnh được trả tự do. Xin nhấn mạnh: Chỉ vọn vẹn 2
tháng sau khi nghị sĩ Heinrich vào tù thăm, thì Minh Hạnh được phóng
thích vô điều kiện. Điều này cho thấy công việc vận động chính giới Đức
là rất quan trọng. Ông có thể cho biết thêm chi tiết về việc vận động
chính giới Đức của tổ chức VETO!cho trường hợp cô Minh Hạnh?
VQ Dụng: Các dân biểu Đức xem Minh Hạnh (MH) là một thành công
trong việc đấu tranh cho NBVNQ và họ rất hãnh diện về điều này. Hồi
tháng Tư năm 2014, VETO! tổ chức cho mẹ của MH đến Berlin vận động chính
giới. Trong các cuộc tiếp xúc trước đó dân biểu Frank Heinrich cho biết
ông sắp sang Việt Nam và hỏi ý kiến chúng tôi về việc ông muốn thăm MH
trong tù. Chúng tôi nghĩ đây là một ý kiến hay vì đến lúc đó chưa có một
dân biểu Âu Châu nào được vào thăm một tù nhân chính trị ở Việt Nam và
nếu thành công thì đây là một tiền lệ tốt. Khi bà Ngọc Minh, mẹ của MH,
vào gặp Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội Đức thì chúng tôi đã bàn kỹ về vấn đề
này hơn. Vì cần chuẩn bị tinh thần cho MH cho nên các bên thỏa thuận sẽ
giữ kín thông tin về việc vận động cho dân biểu Heinrich vào thăm MH
trong tù.
Ban đầu chính quyềnViệt Nam không chấp nhận cho dân biểu Heinrich vào
thăm nhưng lại đổi ý vào phút cuối. Tôi nghĩ phía Đức đã vận động khá
mạnh vì MH có đến 2 người bảo trợ là dân biểu Sabine
Bätzing-Lichtenthäler (SPD) và dân biểu Michael Brand (CDU, Chủ tịch Uỷ
ban Nhân quyền Quốc hội Đức). Tất cả 4 khối đảng trong Quốc hội Đức và
Đặc ủy Nhân quyền của chính phủ Đức đã có can thiệp cho MH.
VETO! rất vui mừng khi thấy MH được trả tự do trước thời hạn và vô điều
kiện. MH là một trường hợp rất nổi. Ngoài Đức cô còn được chính giới và
các tổ chức ở các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Úc can thiệp mạnh
mẽ. Cho nên việc cô được tự do là kết quả của sự hợp lực của tất cả mọi
người, tổ chức và chính phủ để mở tung cánh cửa cơ hội.
Ngày 24.04.2014 nghị sĩ Frank Heinrich
vào nhà tù Thanh Xuân ở Hà Nội để thăm Đỗ Thị Minh Hạnh.
Hai tháng sau Minh Hạnh được phóng thích vô điều kiện.
Tác giả: Tại Việt Nam có nhiều tù nhân chính trị, tù nhân
lương tâm, Người Bảo Vệ Nhân Quyền bị giam giữ trong tù, nhưng tại sao
tổ chức VETO! lại "chọn" trường hợp cô Minh Hạnh để nỗ lực vận động
chính giới Đức?
VQ Dụng: VETO! đấu tranh cho tất cả các Người Bảo vệ Nhân quyền
đang bị giam giữ tại Việt Nam bằng cách vận động chính giới và dư luận
bên ngoài quan tâm đến họ. Tùy hoàn cảnh của từng người mà chúng tôi tìm
cách vận động thích hợp. Đối với trường hợp MH chúng tôi nêu bật các
yếu tố: người hoạt động cho quyền công nhân, bị kết án độc đoán, bị
ngược đãi trong tù, bị giam xa nhà cả ngàn cây số, bị bệnh không được
chữa trị. Trường hợp vận động cho MH ở Đức có yếu tố thuận lợi là mẹ MH
đang ở ngoài Việt Nam. Bà nói về con gái bà thì người ta tin hơn. Khi
tập trung cho MH không bao giờ chúng tôi quên những người tù chính trị
khác mà mong rằng các đối tác hiểu cô như một trường hợp tiêu biểu cho
nhiều trường hợp khác. Qua cô người ta dễ hiểu trường hợp của Nguyễn
Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, trường hợp các người tù nhân nữ, các
tù nhân bị giam xa nhà, không được trị bệnh...
MH không phải là trường hợp duy nhất mà VETO! đã can thiệp thành công.
Trong thời gian qua VETO! cũng góp sức vận động cho Mai Thị Dung, Cù Huy
Hà Vũ... và nhiều trường hợp được trả tự do trước thời hạn khác.
Tác giả: Hiện nay tổ chức VETO! đang vận động chính giới Đức cho những trường hợp nào, người nào?
VQ Dụng: Như đã nói VETO! thường xuyên cập nhật danh sách tù nhân
chính trị Việt Nam để trao cho các cơ chế quốc tế hay chính phủ. Có khi
chúng tôi trao một danh sách dài trên một trăm tên tuổi, khi thì chúng
tôi chọn một danh sách theo một tiêu chuẩn nào đó mà chúng tôi đề nghị
phía đối tác can thiệp cho hữu hiệu. Khi đối tác đang quan tâm đến vấn
đề tự do tôn giáo thì chúng tôi trao cho họ các trường hợp bị tù vì lý
do tôn giáo. Khi nói đến vấn đề nhân đạo thì chúng tôi sẽ lọc ra danh
sách của những người già và người ốm. Khi muốn đặt vấn đề giam giữ khắc
nghiệt thì chúng tôi lại chọn những người bị giam xa nhà, bị tra tấn,
hành hạ, cùm chân. Ngoài ra chúng tôi có một số trường hợp nổi bật mà
chúng tôi vận động công luận, thí dụ như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh,
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức...
VETO! quan niệm rằng khi một người đã vào tù thì một tổ chức nhân quyền
khó mà làm gì nhiều cho họ nữa. Việc đòi trả tự do cho họ sẽ tốn rất
nhiều công sức, chưa kể đến những thiệt hại mà họ đã phải chịu đựng và
những đau khổ khi họ phải chấp nhận một trao đổi, chẳng hạn trong việc
phải đi ra nước ngoài. Cho nên VETO! chú trọng đến công tác để bảo vệ
cho họ không bị bắt và đấu tranh chấm dứt cảnh bắt giữ trái phép, hành
hạ người tù chính trị.
Tác giả: Xin cảm ơn ông Vũ Quốc Dụng - Giám đốc điều hành Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền VETO!