5/4/16

Dốt và gian

Thục Quyên (Danlambao) - Ngày 23 tháng 3 vừa qua "Tòa án Nhân dân" Hà Nội sau 2 năm nhốt người trái luật mà vẫn lúng túng không tìm được bằng chứng buộc tội, lại đem cái tội danh vớ vẩn "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước" ra để kết án tù Anh Ba Sàm và cộng sự viên của ông, cô Nguyễn thị Minh Thúy.

Việc nhà nước Việt Nam đem cái luật đặc biệt đặt ra để xiết cổ những tiếng nói phản biện không có gì là lạ. Cái đặc biệt kỳ này là họ bị đẩy vào chân tường vì dù cố gắng ngăn chặn nhưng luật quốc tế đã không cho phép họ cấm hẳn một nghị sĩ Đức, ông Martin Patzelt, đến Việt Nam.
Ông Patzelt đã nhũn nhặn xin phép qua Việt Nam từ nhiều tháng trước và nhà nước Việt Nam đinh ninh cứ trơ ra không trả lời là qua chuyện. Nhưng một Nghị Sĩ Đức thì rất rành luật và ông Patzelt theo đúng chương trình "Bảo vệ Người bảo vệ Nhân Quyền của Quốc hội Đức" , với sự cho phép của chủ tịch Quốc Hội Liên bang Đức, đã bay qua Việt nam với tư cách là một thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức, để bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với những bị cáo, đặc biệt là Anh Ba Sàm Trước thế giới, ông Patzelt và Quốc hội Đức đã chính thức nói lên bằng hành động: Anh Ba Sàm là một nhà bảo vệ Nhân quyền!

Nghị sĩ Patzelt đã đến tận tòa đưa hộ chiếu ngoại giao xin vào.

Trong cơn quẫn bách, nhà nước Việt Nam đành muối mặt nói dối là phòng xử hết chỗ để ngăn chận người khách vào, vì không thể quên là người này đến từ một nước bạn đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Nhưng tiến thoái lưỡng nan, những tưởng đóng cửa xử kín thì có thể bưng bít sự việc, không ngờ lại phải nhận thêm cú sốc chưa từng có là Nghị sĩ Patzelt đã nhẫn nại đứng nhiều tiếng đồng hồ trước cửa toà án, kéo theo sự có mặt của Tham tán chính trị và Nhân quyền Felix Schwarz của tòa Đại sứ Đức, cũng như ký giả những hãng thông tấn quốc tế. Một dịp quá ư thuận lợi để thế giới được xem bao nhiêu video, nghe phỏng vấn chi tiết, liên quan đến vụ án. Thí dụ như được chứng kiến đại biểu Liên Minh Âu Châu cho Nghị sĩ Patzelt biết trong phòng xử còn nhiều chỗ trống! Bằng chứng hiển nhiên nhà cầm quyền Việt Nam dám nói láo ngay tại toà án! 

Trở về Đức, ông Patzelt viết trong bản thông tin chính thức: Tôi thật rất muốn đã được tham dự phiên toà để thấy mức độ tính chất pháp lý của nó. Tôi không thể hiểu tại sao phải xét xử đằng sau những cánh cửa đóng kín. Nếu nghĩ rằng mọi việc đều theo đúng quy trình pháp luật, thì đâu cần phải làm một cách giấu giếm như vậy?.

"Ich wÄre gerne bei diesem Prozess dabei gewesen, um zu sehen, inwieweit rechtsstaatlich vorgegangen wird. Es ist mir unverstÄndlich, dass das Verfahren hinter verschlossenen Türen stattgefunden hat. Wenn man der Auffassung ist, dass alles seine rechtsstaatliche Ordnung hat, hÄtte man das Verfahren nicht geheim durchführen müssen".

Nhà nước Việt Nam chưa cho biết lý do tại sao. Có nghĩa là câu hỏi này chính ông Patzelt hay mọi đồng nghiệp của ông khi tham dự những buổi thương thuyết để hợp tác phát triển kinh tế Đức-Việt, lại phải đặt ra, vì đó là nhiệm vụ của họ. Trên trang nhà của Đại Sứ quán Đức tại Hà Nội, trong bài nhận định về mối quan hệ song phương giữa Đức và Việt Nam có biên rõ:

"Đức không chỉ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật" 

Nghị sĩ Martin Patzelt sinh ra và lớn lên tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức, và lẽ dĩ nhiên rất tường tận về những gì xảy ra trong Xã hội Chủ nghĩa. Những trao đổi của ông với những người tranh đấu dân chủ Việt Nam khi đứng sát vai với nhau trước cổng tòa xử Ba Sàm, mang âm hưởng thân mật, ấm tình người pha lẫn chút thương xót cho sự hy sinh của họ.

Nhưng đó là sự hy sinh phải có. 

Ông nói "Từ ngoài chúng tôi chỉ có thể giúp, chính qúi vị phải tự làm. Ngày xưa chúng tôi cũng phải tự làm. Tây Đức cũng không thể làm hộ."

Tuy vậy, với bản tính thành thật, ông Patzelt cũng đã tìm được một điều để khen ngợi: nhà nước Việt Nam đã không đàn áp những người ủng hộ Anh ba Sàm đứng tụ tập trước cửa toà án, điều mà theo ông khó có thể xảy ra lúc trước tại Đông Đức.

Lời khen duy nhất này cũng tan biến chỉ vài ngày sau, khi Nghị sĩ Patzelt nhận được tờ báo cáo và hình ảnh những người bị sách nhiễu, ngăn cản từ nhà không thể đến tham dự, dù là chỉ đứng trước toà án, và ngay cả những người đã tiếp chuyện với ông, ngay sau đó đã bị "bắt cóc" cưỡng bách đem đi.