Phạm Trần (Danlambao)
- Hai cơ quan Lập pháp và Hành pháp của Việt Nam đã có lãnh đạo mới,
nhưng cơ chế và lề lối làm việc vẫn do Bộ Chính trị 19 người của đảng
Cộng sản Việt Nam độc quyền giật dây quyết định. Vì vậy Quốc hội và Nhà
nước vẫn không là của dân mà là quân cờ của đảng CSVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Bộ Chính trị nắm trọn quyền
bính chứ không phải Chủ tịch Nước, mặc dù Điều 86 trong Hiến Pháp đã
quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”
Chủ tịch nước cũng là người “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân” “giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh” như viết trong Điều 88 Hiến Pháp, nhưng lại không có thực quyền.
Một số Đại biểu Quốc hội, tiêu biểu như ông Phùng Khắc Đăng (Sơn La) đã phản ảnh thực trạng này qua báo chí hôm 2/4/ (2016): “Nhìn
lại nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Phùng Khắc
Đăng cho biết ông băn khoăn nhiều về vai trò thống lĩnh lực lượng vũ
trang, mới có danh nghĩa, chưa có thực quyền.”
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận, so với các khóa Chủ tịch nước trước đây
thì người tiền nhiệm của ông Trần Đại Quang (Trương Tấn Sang) có hai
điểm nổi bật là gần dân và tư tưởng chống tham nhũng được chuyển tải tốt
hơn. Nhưng vị Chủ tịch nước tiền nhiệm chưa đủ quyền và lực để giải
quyết nhiều vấn đề.” (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, 2/4/2016)
Ông kẹ nắm quyền
Sở dĩ Chủ tịch nước không đủ quyền vì chức vụ này chỉ có tiếng mà không
có miếng. Mọi việc của nước và của dân đều phải được Tổng Bí thư đảng và
Bộ Chính trị đồng ý.
Vì vậy, dù không được nhắc đến trong bất cứ văn kiện nào của Quốc gia,
người giữ chức Tổng Bí thư đảng vẫn nắm trọn quyền cai trị toàn diện từ
trong đảng sang Quốc hội và Nhà nước.
Sự tiếm quyền này đã được quy định trong Điều Lệ Đảng, được bổ sung và
thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI năm 2011. Điều 4
trong Hiến pháp và Cương lĩnh“xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” cũng xác nhận quyền
cai trị tự chế này.
Trước tiên, chẳng ai cho phép và chưa lần nào người dân bỏ phiếu trao
đất nước cho đảng cai trị, kể từ khi thành lập đảng ngày 03/02/1930.
Vậy mà đảng đã tự viết trong Điều lệ sinh hoạt của mình rằng: “Đảng
Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ
của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây
dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng.”
Điều lệ còn cho phép: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là
một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai
trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị -
xã hội.”
Rõ ràng là đảng đã tự biên tự diễn, để một mình một chợ múa gậy vườn hoang, tự tung tự tác muốn làm trò gì thì làm.
Nhân dân đã bị gạt sang lề đường làm khách coi tuồng.
Cái đảng của 4.5 triệu đảng viên, thiểu số trong 90 triệu dân của Việt
Nam này còn tự ý áp đặt chủ nghĩa ngoại lai Cộng sản Mac-Lênin vào đất
nước rồi bắt toàn dân phải chấp nhận.
Họ tự ghi vào trong Điều lệ: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước
Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không
còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối
cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng
tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của
dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật
khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương
lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng
của nhân dân.”
Viết như thế là đánh lận con đen, lạm dụng nhân dân cho mục đích riêng
của những người Cộng sản. Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam bây giờ, ở
Thế kỷ 21 là Tự do, Dân chủ, Công bằng và Bình đẳng, có toàn quyền làm
chủ đất nước và quyền tự quyết định vận mệnh chính trị cho mình và cho
con cháu mình.
Nếu đảng nghi ngờ nguyện vọng đích thực của dân là tuyên truyền hay âm
mưu của cái gọi là “diễn biến hòa bình” hay của “các thế lực thù địch”
chống phá đảng thì thử để cho Liên Hiệp Quốc tổ chức thăm dò ý dân có
Quốc tế kiểm soát xem đảng thắng hay dân thắng?
Nhân dân Việt Nam, sau hơn 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng
Cộng sản chủ động và làm tan hoang đất nước để chia rẽ dân tộc, chưa hề
bao giờ đồng ý cho đảng đảng đem Chủ nghĩa phá sản Mác-Lênin và tư
tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh vào Việt Nam.
Đảng đã tự “rước voi về dầy mồ” dân tộc rồi còn cưỡng chế các thế hệ
người Việt phải thờ cúng đống giẻ rách đã bị nhân loại vứt vào sọt rác
và lên án, như đã minh thị tại Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa
Cộng sản ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Tại Đài này, 2 thông điệp “để tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản” và “để lịch sử về sự tàn bạo của cộng sản sẽ được dạy cho các thế hệ tương lai” đã vang vọng cùng hàng trăm ngàn vong linh người Việt Nam đang vất vưởng nơi này.
Những người nắm quyền ở Việt Nam không do dân bầu mà do đảng chỉ định để
bảo vệ quyền lợi phe nhóm là chính. Và vì đảng chi phối và kiểm soát
mọi sinh hoạt của Quốc gia nên tam quyền phân lập gồm Lập pháp, Hành
pháp và Tư pháp chỉ có trên giấy mà thực tế thì không.
Bằng chứng đã ghi trong Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp 2013: “Quyền lực
nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ
quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp.”
Tuy nói “phân công” và “phối hợp” nhưng không được “độc lập” mà phải
“thống nhất” trong tay đảng nên đảng có tiếng nói và quyền quyết định
trong cả 3 ngành.
Bằng chứng đảng vừa là công tố vừa là quan tòa được coi là bình thường
trong hệ thống tòa án ở Việt Nam. Đối với các vụ án xét xử những người
bất đồng chính kiến thì các bản án được quyết định trước đã làm lu mờ
vai trò bào chữa của các Luật sư.
Ai lãnh đạo ai?
Vì vậy, sự kiện Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ
tướng mới cũng không làm thay đổi sự tiếp nhận trong nhân dân. Mọi người
đã sống quen với lề lỗi cũ, việc cũ và chính sách cũ nên có thay ngựa
giữa đường cũng không ai quan tâm.
Lãnh đạo chủ chốt mới đều là Ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của nhóm
19 người Khóa đảng XII. Họ được đặt dưới quyền điều khiển của Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng, người có nhiều quyền lực nhất Việt Nam trong 4
“lãnh đạo chủ chốt”.
Nhưng ai ở Việt Nam cũng biết ông Trọng là người cực kỳ bảo thủ, giáo
điều và thân Trung cộng, nước láng giềng không được lòng dân Việt Nam.
Ông còn là người cầm đầu nhóm chống đổi mới chính trị để bảo vệ lâu dài
quyền và lợi cho đảng.
Tuy nhiên, nhiều đảng viên, kể cả một số lãnh đạo đã “tự diễn biến” và
“tự chuyển hóa” để cho phép mình không nghe và làm theo đảng nữa.
Ông Trọng lên án họ là thành phần suy thoái tư tưởng và mất đạo đức cách
mạng. Oái oăm thay, họ lại là “một bộ phận không nhỏ” trong số 4.5
triệu đảng viên. Vì vậy ông đã ra lệnh cho Ban Tuyên giáo của đảng, Tổng
cục Chính trị của Quân đội và Lực lượng Công an phải tăng cường giáo
dục, tuyên truyền và ngăn chặn tình trạng suy thoái tư tưởng nghiệm
trọng đang lan nhanh trong cán bộ, đảng viên.
Tình trạng này được ông Trọng và nhiều lãnh đạo cao cấp nhìn nhận đang
đe dọa sự sống còn của đảng. Nhưng đảng lại đổ lỗi cho “diễn biến hòa
bình” và “các thế lực thù địch” là thủ phạm tạo ra tình trạng này để làm
suy yếu đảng, trái với sự thật là đảng đã mất niềm tin trong đảng viên
và nhân dân.
Người mới - việc cũ
Vì vậy, dù tân Chủ tịch Quốc hội, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh ngày
12/04/1954 tại Bến Tre (miền Nam) là người có nhiều kinh nghiệm trong cả
3 lĩnh vực đảng, hành pháp và lập pháp, nhưng bà cũng sẽ chẳng làm được
gì khác hơn người tiền nhiệm Nguyễn Sinh Hùng.
Trước ông Hùng là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nhiệm kỳ
2006-2011), kế nhiệm ông Nguyễn Văn An (2002-2006), và trước ông An là
Nông Đức Mạnh (Quốc hội IX) cũng chẳng làm nên cơm cháo gì.
Cơ chế này, dù có quyền lực cao nhất ghi trong Hiến pháp, cũng không
vượt qua khỏi ngưỡng cửa Bộ Chính trị nên Quốc Hội đã bị lên án là bất
lực hay bù nhìn. Bằng chứng như các Đại biểu không dám tranh luận về
Hiệp định Biên giới Đất liền Việt-Trung (30/12/1999) và Hiệp định Phân
định Vịnh Bắc Bộ với Trung Hoa (25/12/2000). Nhân dân cũng đã chỉ trích
Quốc Hội không dám ra Nghị quyết lên án Tàu cộng đánh chiếm Quần đảo
Hoàng Sa năm 1974 và xâm chiếm 7 đảo và bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa
năm 1988.
Và cuối cùng, Quốc hội gỗ đá này cũng không dám thảo luận việc đảng và
nhà nước đã tiêu phí hàng tỷ dollars để phiêu lưu vào dự án tiếp tục
thua lỗ Bauxite ở Tây Nguyên, do áp lực của Tàu cộng, dưới triều đại hai
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh.
Hơn thế nữa, hầu hết Đại biểu Quốc hội là đảng viên nên ai cũng phải làm
theo lệnh của đa số trong Bộ Chính trị. Cơ chế này, dù ít người nhưng
lại tự cho mình quyền sinh sát cả nước nên hóa ra, dù chỉ có 19 mạng,
hay ít hơn như các khóa đảng trước, mà mọi quyết định của thiểu số vẫn
có thể chi phối 90 triệu dân và 4.5 triệu đảng viên.
Vì vậy Quốc hội khóa XIV, sẽ bầu ngày 22/05/2016 tuy có 500 Đại biểu,
nhưng không ai muốn đặt hy vọng nhiều vào họ vì tất cả đều do “đảng cử
dân bầu” như 13 khóa trước đây.
Nhưng khi Quốc hội mới vẫn sinh hoạt như cũ, vẫn một mực cúi đầu nhận
lệnh từ Bộ Chính trị thì bà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ
Chính trị, sẽ làm được gì hơn người tiền nhiệm Nguyễn Sinh Hùng?
Hơn nữa, Quốc hội mới sẽ vắng bóng nhiều người tự ứng cử có máu mặt và
nổi tiếng trong xã hội nhưng không được lòng đảng. Số 162 người tự ứng
cử trong tổng số 1.146 ứng cử viên đã lọt qua vòng hiệp thương thứ nhì
đang bị loại dần tại các cuộc “đấu tố” của cái gọi là “hội nghị lấy ý
kiến cử tri tại nơi cư trú” hay “nơi làm việc”
Nạn nhân đợt đầu gồm có nhà thơ Bùi Mình Quốc, hai luật sư trẻ Võ An
Đôn, Nguyễn Anh Tuấn, ca sĩ Mai Khôi (tên thật là Đỗ Nguyễn Mai Khôi),
ca sĩ Lâm Ngân Mai, và kỹ sư Nguyễn Trang Nhung v.v...
Trường hợp tự ứng cử của tiến sĩ tranh đấu nổi tiếng Nguyễn Quang A đang
được người nước ngoài và giới Ngoại giao Quốc tế ở Hà Nội theo dõi.
Nhưng lấy kinh nghiệm tại các cuộc “đấu tố” để loại bỏ những người đảng
không ưa thì không hy vọng gì tiến sĩ Nguyễn Quang A sẽ được để cho ra
tranh cử.
Bằng chứng là ông A đã tố cáo bị vu khống ngay tại nơi ông cư ngụ. Ông cho biết ngày 21/03/2016) “Tổ
trưởng tổ dân phố số 13, Phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội đã phát tán
tập tài liệu nói xấu tôi cho các cử tri thuộc tổ dân phố số 13”.
Trong trường hợp tiến sĩ Nguyễn Quang A được tranh cử thì cũng không
chắc sẽ thắng vì kinh nghiệm thất bại cay đắng của Tiến sỹ Lê Kiên
Thành, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn trong cuộc bầu cử Quốc hội
khóa XIII năm 2011 đã chứng minh như thế.
Là một kỹ sư hàng không ông Thành không những chỉ là con của một Công
thần hàng đầu của đảng mà còn là doanh nhân có tiếng tại Sài Gòn với
chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Thái
Minh. Ông cũng là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ
Chí Minh nhiệm kỳ IX. Thế mà ông vẫn bị cho rớt đài vì ông đã nhiều lần
lên tiếng phê bình phải trái với đường lối cai trị độc tài và chính
sách kinh tế nửa mùa của đảng.
Trần Đại Quang đến Nguyễn Xuân Phúc
Người thứ hai mới của nhà nước CSVN là Chủ tịch nước, Đại tướng Công an
Trần Đại Quang, sinh ngày 12/10/1956 tại Ninh Bình (miền Bắc). Ông
Quang, khác với người tiền nhiệm Trương Tấn Sang, là một chuyên viên
ngành an ninh, chuyên sâu trong lĩnh vực tình báo và an ninh nội bộ là
tiêu chuẩn hàng đầu để ảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng.
Dù ông có học vị Giáo sư, Tiến sỹ luật nhưng chắc gì ông sẽ làm hay hơn
những người tiền nhiệm chỉ biết “ngồi chơi xơi nước” như Trương Tấn
Sang, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết và Lê Đức Anh?
Có chăng là với ưu điểm của một người trẻ và am hiểu về an ninh và tình
báo như Chủ tịch Nhà nước Nga, Vladimir Putin, tuy quyền hành không
bằng, có thể ông đã được bố trí để thay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
sau này.
Chức vụ sau cùng trong chuỗi lãnh đạo mới là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh ngày 20/7/1954 tại xã Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam.
Tiểu sử phổ biến nói ông là “Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa X, XI, XII;
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII.
Trước khi giữ chức Phó thủ tướng (từ tháng 7/2011), ông từng kinh qua
nhiều vị trí như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó tổng
thanh tra Chính phủ; Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.”
Như vậy sự sắp xếp theo vùng miền trong guồng máy cai trị cao nhất của
Việt Nam như một truyền thống bất di dịch đã giải quyết xong cho trong
ấm ngoài êm.
Nhưng khi bắt tay vào việc, liệu ông Nguyễn Xuân Phúc, người từng giữ
chức Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống Tham nhũng do ông
Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, có chống nổi tham nhũng trong guồng máy nhà
nước không?
Nhiều đại biểu Quốc hội khen nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm
được nhiều việc, nhưng vẫn than phiền ông chưa cương quyết tối đa trong
công tác diệt tham nhũng. Những Đại biểu này nói tham nhũng là tệ nạn
nghiêm trọng nên cần phải động viên cả hệ thống lãnh đạo của đảng và nhà
nước cùng kiên quyết vào cuộc thì may ra mới giải quyết được.
Họ cũng ta thán ông Dũng để lại nợ công nhiều quá khiến mỗi người dân phải gánh nợ trên 1,000 Dollars.
Nhiều đại biểu Quốc hội hy vọng ông Phúc sẽ làm khá hơn ông Dũng trong 2
lĩnh vực khó khăn này, nhưng có 2 đại biểu đã tặng ông Phúc một số bài
toán nan giải.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đơn vị Sài Gòn) nói trước diễn đàn Quốc Hội ngày 1-4-2016: “Tại
sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước
ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con
cháu mình ra định cư ở nước ngoài?”.
“Không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an
toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất
nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy cũng biết!”
“Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do
dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với
nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam,
nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”
Người thứ hai là Đại biểu Lê Văn Lai, đơn vị Quảng Nam, cùng quê hương với Thủ tướng Phúc.
Ông nói: ”Tôi rất ngạc nhiên khi mà trong tất cả báo cáo của Chính
phủ, các cấp liên quan hữu quan đánh giá biển Đông của chúng ta là đảm
bảo chủ quyền an ninh quốc gia. Trong khi đó người ta biến từ đảo ngầm
thành đảo nổi, người ta xây sân bay, người ta kéo pháo hạm, người ta đưa
máy bay tiêm kích, người ta o ép dân, cướp bóc, thậm chí là giết dân,
người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyền như vùng nhận dạng
phòng không, như dùng các chuyến bay cắt ngang sân bay… Tôi cố gắng ép
suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc
gia, nói thật với các đại biểu tôi ép không nổi”.
Vị Đại biểu nghỉ hưu sau khóa XIII nói tiếp với giọng tha thiết: “Không
biết khi nào chúng ta đánh giá xâm phạm chủ quyền quốc gia là những
hành vi nào, hệ lụy nào, hành động nào, trong khi đó trước đây người ta
xâm phạm chúng ta với tần suất 20 năm một lần. Năm 1956 lấy Đông Hoàng
Sa, 1974 lấy Tây Hoàng Sa, năm 1988 lấy đảo Gạc Ma, năm 2014 kéo giàn
khoan vào biển Đông và sau đó tần số dài hơn, nhanh hơn, trong vòng cứ
một vài năm lại có hành động xâm lấn. Nên chúng ta cứ ngồi đây đánh giá
là chúng ta bảo đảm chủ quyền quốc gia, liệu điều đó đúng không?”. (báo Năng Lượng Mới - PetroTimes)
Như vậy liệu bà tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông tân Chủ
tịch nước Trần Đại Quang và tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có giải được
những bài toán này từ nay cho đến hết nhiệm kỳ (2016-2021) không?
Hay các ông bà sẽ “theo gót những người đi trước” để ngồi đó chờ lệnh từ
ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tất cả mọi thứ quyền nhưng
chưa bao giờ dám hành động khi chạm đến vấn đề “nhạy cảm với Bắc Kinh”.
-/-
(04/016)