Mẹ Nấm (Danlambao) - Sáng ngày 6/4/2016, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tiếp cận thông tin với 88% số phiếu đồng ý. Báo đảng cũng cho hay: “Luật
cũng quy định những thông tin công dân không được tiếp cận gồm: Thông
tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh
vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa
học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Chỉ khi những
thông tin này được giải mật, công dân mới được tiếp cận.”
Từ xưa đến nay, điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự minh bạch và công
khai của một chính phủ chính là quyền tiếp cận thông tin của công dân,
nói nôm na là Quyền Được Biết.
Khi người dân có quyền được biết các thông tin liên quan đến đất nước
một cách minh bạch thì việc thâu tóm, độc quyền thông tin dẫn đến cung
cách quản lý sai trái và xa hơn tham nhũng sẽ được giảm thiểu đi rất
nhiều.
Với những quy định phủ đầu nhằm chặn đứng Quyền Được Biết của công dân
Việt Nam như biểu quyết của quốc hội vừa thông qua ngày 6/4/2016 cho
thấy: Vai trò của nguồn cung cấp thông tin gần như kiểm duyệt hết mọi lĩnh vực mà đảng muốn.
Tôi còn nhớ, việc in áo phản đối chủ trương khai thác bauxite - khẳng
định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bị xem là “xâm phạm lợi ích nhà
nước”.
Việc yêu cầu Bộ Y tế minh bạch chất lượng vaccine Quinvaxem và có cơ
quan giám định độc lập trước tình trạng quá nhiều trẻ sơ sinh chết sau
khi tiêm mũi 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng quốc gia cũng là
“xâm phạm lợi ích nhà nước”.
Luật Tiếp cận thông tin mới còn quy định:
“Công dân cũng không được tiếp cận thông tin nếu việc tiếp cận gây
nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh
quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức
khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản
của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc
họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc
nội bộ.”
Không có giới hạn cho cái gọi là “bí mật công tác”, “các cuộc họp nội bộ của cơ quan”..
Ai đóng thuế vào ngân sách để duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước mà luật lại ra quy định không được tiếp cận thông tin?
Tôi đọc các bản tin trên báo đảng, không thấy nói đến việc công dân có
quyền yêu cầu các cơ quan công quyền cung cấp thông tin liên quan đến
hoạt động và kết quả hoạt động.
Điều nguy hiểm nhất ở đây là khi báo đảng đề cập đến việc “trên thế giới đến nay có khoảng 100 nước ban hành luật riêng quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân”
để làm ví dụ minh hoạt cho tiền đề “Việt Nam có dân chủ” như nhiều nước
trên thế giới. Trong khi thực tế luật được ban hành lại đánh tráo khái
niệm giữa quyền tiếp cận thông tin liên quan đến nhà nước và vùng ngăn
cấm thông tin mà công dân cần phải biết.
Có thể thấy ở đây, với áp lực chứng minh dân chủ nhân quyền có tồn tại ở
Việt Nam, chính phủ hiện tại đang ban hành những điều luật giới hạn
quyền tự do cơ bản của công dân được luật pháp quốc tế quy định một cách
khá tinh vi.
Quyền Được Biết là quyền tự do hiển nhiên mà mọi công dân ở các nước
tiến bộ luật pháp công nhận. Tuy nhiên ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của
đảng chuyên chính độc tài, tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an
ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực
khác... bỗng nhiên trở thành vùng cấm theo Luật tiếp cận thông tin.
Giới hạn các vùng cấm thông tin bằng Luật tiếp cận thông tin liệu có
đồng nghĩa với việc sẽ mạnh tay trấn áp và phủ đầu hết tất cả những cá
nhân, tổ chức dân sự độc lập muốn thực hiện vai trò quản lý, giám sát
các cơ quan công quyền được vận hành từ tiền thuế là ngân sách nhà nước?
Bạn sẽ bảo vệ Quyền Được Biết của mình hay im lặng đồng ý chấp nhận những vùng cấm mà đảng cầm quyền lập ra nhằm bảo toàn vị trí độc tôn của họ?!
Bạn sẽ bảo vệ Quyền Được Biết của mình hay im lặng đồng ý chấp nhận những vùng cấm mà đảng cầm quyền lập ra nhằm bảo toàn vị trí độc tôn của họ?!
07.04.2016