Phạm Trần (Danlambao) - ...Tại
sao một đảng cầm quyền của công nhân và nhân dân lao động vô sản mà có
nhiều kẻ xấu nhưng giàu có đến thế? Ai trong dân mà không chảy nước mắt
khi nhìn thấy những túp lều xiêu vẹo thiếu mái che mưa nắng ở một đất
nước đã có những xa lộ cao tốc và dinh thự sang trọng chọc trời? Và đã
có mấy lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN biết được những trẻ em và người
già vô sản đã tìm được của cải gì đáng giá cho một bát cơm giữa bãi rác
Nam Sơn? Hay đã có mấy cán bộ lãnh đạo đã phải sống với ô nhiễm do các
bãi rác lộ thiên gây ra cho người dân. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
và những kẻ còn to mồm ca tụng chiếc bánh vẽ vô sản hãy đi thăm dân ở
những vùng sâu, vùng cao và vùng hải đảo xem đảng CSVN có còn xứng đáng
là đội ngũ tiên phong nữa không?...
*
Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhét đầy miệng dân những chiếc bánh vẽ
“vô sản” để cho cán bộ làm giàu nứt mắt. Chuyện này không mới nhưng vì
đảng tưởng dân chưa biết nên cứ vẽ voi đánh lừa mãi.
Trước hết, hãy nói về những chuyện không thật ghi trong Điều 2 Hiến pháp năm 2013:
“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả
quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai
cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”
Thực tế không phải như vậy vì nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không
có pháp quyền. Nó cũng không phải của dân, do dân và vì dân mà là của
riêng đảng, do đảng lập ra để cai trị dân và vì đảng mà phục vụ.
Nếu có thượng tôn pháp luật từ trên xuống dưới trong hệ thống đảng và
nhà nước thì xã hội Việt Nam đã tốt đẹp gấp vạn lần hơn bây giờ. Tệ nạn
tham nhũng chưa biến thành quốc nạn. Các vụ khiếu kiện đông người cũng
bớt xảy ra thường xuyên. Các nhóm lợi ích đang xâu xé ngân sách, rút rỉa
các dự án kinh tế cũng khó mà tồn tại trong guồng máy nhà nước như ngày
nay. Anh ninh xã hội và an toàn lưu thông cũng bớt gánh lo cho dân.
Nếu đã có pháp quyền thì làm gì có những vụ mua quan bán tước, chạy chức
chạy quyền, mua bằng, bán chỗ như Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã
than?
Ông nói: “Cách đây vài chục năm, lãnh đạo ta đã nói là giặc nội xâm,
quốc nạn rồi. Khi có quyền mà không kiểm soát dễ sinh ra hư hỏng. Tham
nhũng là một bệnh, lãng phí cũng lớn lắm. Có những con số thống kê lãng
phí còn lớn hơn cả tham nhũng”.
“Giờ điều quan trọng là làm sao cho cán bộ công chức phải trong sạch.
Nghị quyết Trung ương 4 cũng chính là mong muốn chống cho được lợi ích
nhóm cục bộ trong cán bộ Đảng viên. Giờ về nhà đi ra ngoài thấy cái gì
cũng phải tiền, không tiền là không trôi, rất là khó chịu. Tham nhũng
lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng nhiều như gãi ghẻ, rất khó chịu. Chạy
chỗ nào cũng thấy phải có tiền”. (Trích báo Người Lao Động online, 27/09/2013)
Bà Nguyễn Thị Doan, khi còn là Phó Chủ tịch nước cũng đã phải thốt lên sau chuyến đi công tác địa phương về: “Tôi càng đi càng thấy buồn, người ta ăn của dân không từ một thứ gì”.
Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN đã không thành công khi thi hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4/Khóa đảng XI về: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, (ban hành ngày 16/01/2012).
Công tác phòng, chống tham nhũng không những dậm chân tại chỗ mà còn
được báo cáo “vẫn còn nghiêm trọng” tại nhiều cuộc họp của Ban Thanh tra
Chính phủ và của Ủy ban Chỉ đạo phòng, chống Tham nhũng do Tổng Bí thư
Trọng đứng đầu. Vì vậy đảng tiếp tục hứa trong Nghị quyết của Khóa đảng
XII ngày 28/01/2016 là sẽ: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững
mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ
thống chính trị vững mạnh.”
Hứa chung chung như thế cũng đã có từ thời Tổng Bí thư đảng khóa VI
Nguyễn Văn Linh (năm 1986), trước những 5 Khóa khi ông Trọng lên cầm
quyền từ khóa đảng XI năm 2011. Chuyện xây dựng, chỉnh đốn đảng vì vậy,
vẫn xưa như trái đất.
Đến đảng khoá XII tháng 01/2016, Nghị quyết của Đại hội XII lại tiếp tục làm những việc còn bỏ dở từ trước là: “Tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ.”
Tại Hội nghị Trung ương 2, khóa XII, tháng 03/2016, Ban Chấp hành Trung ương lại tiếp tục cam kết: “Tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; giữ vững bản chất cách mạng trong
sáng của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến
lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng…”
Vì vậy, điều được Hiến pháp 2013 khoe “quyền lực nhà nước thuộc về
Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp
nông dân và đội ngũ trí thức” là không căn cứ.
Hai giai cấp công nhân và nông dân, những người đã cả đời hy sinh, nếu
may mắn sống sót cũng chỉ còn da bọc xương, không được hưởng gì trong
guồng máy nhà nước và trong tầng lớp cai trị của đảng.
Họ là thành phần đã bị thiệt thòi trong chiến tranh và tiếp tục với số
phận hẩm hiu trong thời bình. Họ đã bị đảng CSVN lợi dụng xương máu
trong 30 năm chinh chiến. Đến khi thành công, thống nhất đất nước, họ
lại bị đảng đày sang lề đường để cho tầng lớp lãnh đạo được thênh thang
tận hưởng bổng lộc của những hy sinh xướng máu đó đem lại.
Còn đội ngũ trí thức, ngoại trừ thành phần tay sai ăn cơm đảng, số còn
lại đã bị đảng coi thường và xếp ngang hàng với tầng lớp bần cố nông vô
học. Tệ hại hơn, nhiều người trong số họ đã bị đảng xếp vào thành phần
phản động, phản cách mạng, hay kẻ thù của nhân dân để bị ngồi tù hay bị
cô lập.
Sụ lạm dụng này đã thể hiện đầy đủ trong phần chính của Điều 4 Hiến pháp 2013 viết rằng: “Đảng
Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là
đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu
trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả
dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng
tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Có ai cho phép đảng làm “đội tiên phong” đâu. Đảng đã tự khoác chiến áo
“đại diện” để tự tung tự tác, tự ý áp đặt chủ nghĩa ngoại lai Mác-Lênin
và tư tưởng Cộng sản của ông Hồ lên toàn xã hội.
Thế rồi, đảng còn mị dân khi cả gan tự cho mình quyền “đại diện chủ sở
hữu” đất đai của Quốc gia, như ghi trong Điều 53, Hiến pháp 2013: “Đất
đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển,
vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu
tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện
chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Như thế thì có phải nhân dân, tầng lớp vô sản đã bị sử dụng làm con tốt thí để bảo đảm quyền được “ăn hết” cho đảng không?
Và cũng là nhân dân, lực lượng lao động rường cột đã và đang xây dựng và
bảo vệ Tổ Quốc có được hưởng gì với mồ hôi và nước mắt của mình đã đổ
ra?
QUỐC HỘI CỦA AI?
Tiêu biểu cho quyền lợi của dân là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, mới
được bầu lại ngày 22/05/2016. Nhưng cả hai cơ quan này đều do đảng kiểm
soát từ chuẩn bị bầu cử đến việc chọn lựa ứng cử viên qua 3 giai đoạn:
nơi cư ngụ, chỗ làm việc và cuộc họp cuối cùng gọi là “hiệp thương” do
Mặt trận Tồ quốc của đảng ở các cấp trực thuộc tổ chức.
Bằng chứng nhân dân đã không hào hứng tham gia bầu cử bằng việc chịu mưa
nắng hàng giờ để đón Phái đoàn của Tổng thống Mỹ, Barack Obama đến thăm
Việt Nam từ ngày 22 đến 25/05/016. Hàng chục nghìn người dân, có cả các
cụ già, thiếu nữ và trẻ em đã xếp hàng hai bên đường ở Hà Nội và Sài
Gòn để chào đón ông Obama thay vì đến phòng phiếu.
Dù vậy, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia vẫn khoe sáng 8/6/2016: “Tổng
số cử tri cả nước 67.485.480 cử tri, tổng số cử tri đã tham gia bỏ
phiếu 67.049.200 cử tri, đạt 99, 35%. Nhìn chung tỷ lệ cử tri tham gia
bỏ phiếu rất cao trên 90%.”
Tất nhiên dân phải đi bầu để bảo vệ miếng cơm manh áo và cuốn sổ Hộ khẩu.
Tuy nhiên sự hụt hẫng của bầu cừ cũng được ông Phúc nói với báo chí: “Về
cơ cấu kết hợp, dân tộc thiểu số thiếu 4 người so với dự kiến; phụ nữ
thiếu 17 người so với dự kiến; ngoài Đảng giảm 4,2 so với khóa XIII (21
đại biểu ngoài Đảng đắc cử); trẻ tuổi cao hơn 21 người so với dự kiến;
tái cử bằng số dự kiến, nhưng giảm 1,1 so với khóa XIII; tự ứng cử giảm
0,4% so với khóa XIII.” (VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), 08/06/2016)
Vẫn theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, số ứng viên tự ứng cử lần này là 317 người, nhưng chỉ có có 2 người trúng cử.
Nhiều người tự ứng cử nổi tiếng đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền đã bị loại ngay từ vòng đấu tiên.
Bản tin VOV cũng cho biết: “Có 496 người trúng cử, thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu tối đa được bầu, trong đó 95,8% số đại biểu là đảng viên.”
Như vậy thì Quốc hội là của dân hay của đảng?
Nếu chỉ của đảng như đã chứng minh bấy lâu nay thì nền dân chủ được gọi
là “vô sản” của ai, hay chỉ là của riêng đảng đội lốt nhân dân?
Lập luận trái chiều của báo Quân đội Nhân dân ngày 19/05/2016 là một bằng chứng. Báo này viết: “Nền
dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, cho
nên, nó chỉ có thể được thực hiện bằng con đường thiết lập quyền lãnh
đạo của giai cấp vô sản đối với toàn bộ xã hội thông qua đội tiền phong
là Đảng Cộng sản. Chỉ có giai cấp vô sản và Đảng tiên phong của mình,
với cơ sở xã hội rộng lớn là quảng đại quần chúng nhân dân lao động mới
có khả năng thiết lập được nền chuyên chính vô sản, vừa bảo đảm dân chủ
và lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng lao động, vừa triệt tiêu mọi
khả năng phục hồi chế độ bóc lột và nô dịch...”
Ngặt nỗi, tầng lớp vô sản nhân dân trong chế độ của nhà nước Việt Nam
lại không được quyền làm giầu và sống giầu như các đảng viên, nhất là
các cấp có chức có quyền.
Người dân Việt Nam sống trong chế độ Cộng sản ở miền Bắc trước 1975 và
hiện nay trên cả nước luôn luôn là thành phần bị cai trị bởi những kẻ
độc tài đội lốt dân chủ. Người dân tuy có tiếng là chủ nhân của đất nước
nhưng mọi thứ quyền đều nằm gọn trong tay đảng cầm quyền. Chủ nhân thật
sự đã biến thành đầy tớ cho kẻ đầy tớ nhảy lên lãnh đạo.
Người dân, chủ nhân của đất nước, muốn có dân chủ phải xin cán bộ đảng,
là đầy tớ của mình ban cho nên tình trạng nhiễu nhương này đã đẻ ra
nhiều tệ nạn trong hệ thống cầm quyền.
CÁN BỘ HAY QUAN?
Bằng chứng cán bộ, đảng viên của đảng Cộng sản cầm quyền, bao gồm cả cấp
lãnh đạo, đã mất phẩm chất và bị nhân dân xa lánh đã được ông Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng nói tới trong diễn văn tại Hội nghị bàn về công tác
dân vận ngày 27/05/2016.
Ông nói: “Ngoài những khó khăn khách quan, chúng ta cũng phạm phải
một số sai lầm, khuyết điểm. Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền
khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, và cả trong các tổ
chức chuyên trách công tác vận động quần chúng. Không ít cơ quan chính
quyền không tôn trọng ý kiến của dân, không làm công tác vận động quần
chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Một bộ phận cán bộ,
đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa
sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh
đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán,
thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc
quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu
tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm tổn thương thanh
danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.” (trích trang báo điện tử Danvan.vn)
Những khuyết tật của cán bộ được ông Trọng nêu lên không mới. Tình trạng
cán bộ xa dân, coi dân như những con mòng để rút tỉa, là thành phần
phải phục vụ nhu cầu của cán bộ đã có từ lâu rồi. Khuyết tật kinh niên
này đã được đảng nói tới từ khoá đảng VI thời ông Nguyễn Văn Linh qua
đến thời Tổng Bí thư khoá 7 Đỗ Mười rồi qua khoá VIII thời Lê Khả Phiêu,
tiếp tục chuyển qua thời ông Nông Đức Mạnh trong hai khoá IX và X. Cho
đến bây giờ, chúng lại bò qua tay ông Trọng từ khoá đảng XI.
Có khác chăng là càng ngày càng tinh vi, phức tạp và tráo trợn hơn nên ông Trọng phải nói thẳng: “Trong
khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết
yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ
lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí
có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ
của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ
vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ
hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của
nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất.
Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết
thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu
về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô
nghĩa và không có sức thuyết phục.”
Ông Trọng đã dám nói ra những sự thật ít khi được công khai dưới thời
các Tổng Bí thư tiền nhiệm, nhưng tại sao việc kê khai tài sản của cán
bộ, nhất là cấp lãnh đạo lại không tìm ra của cải do tham nhũng mà có?
Nhân dân đã thường xuyên bàn tán về các trường hợp cán bộ cấp trung mà
có tiền tỷ tậu nhà lầu, mua xe hơi và gửi con ra nước ngoại du học. Lại
có cả những trường hợp đảng biết phải “làm gì ngoài luồng”, một cán bộ
trưởng phòng mới giầu có nứt mắt như thế nhưng vẫn không thể tìm ra manh
mối?
Điều này, chính ông Trọng cũng biết khi ông bảo: “Có người còn ăn
chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có
quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn
vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và
tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải
là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm
tin của dân đối với Đảng. Chúng ta không thể xem thường những biểu hiện
này.”
Nhưng “chúng ta” là ai? Tất nhiên là có cả ông Tổng Bí thư. Tại sao ông chưa chỉ thị điều tra cho ra trắng đen?
Ông Trọng còn tiếp tục vạch áo cho dân xem lưng: “Nhiều năm qua,
những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều
hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng
không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của
nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không
gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ
chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng
và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ.
Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng
chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công,
ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính. Điều nghiêm
trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị
những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống
ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên.”
Như vậy thì đảng đã rách chưa? Tại sao một đảng cầm quyền của công nhân
và nhân dân lao động vô sản mà có nhiều kẻ xấu nhưng giàu có đến thế?
Ai trong dân mà không chảy nước mắt khi nhìn thấy những túp lều xiêu vẹo
thiếu mái che mưa nắng ở một đất nước đã có những xa lộ cao tốc và dinh
thự sang trọng chọc trời?
Và đã có mấy lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN biết được những trẻ em và
người già vô sản đã tìm được của cải gì đáng giá cho một bát cơm giữa
bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội)?
Hay đã có mấy cán bộ lãnh đạo đã phải sống với ô nhiễm do các bãi rác lộ
thiên gây ra cho người dân Hà Nội (hai xã Phùng Xá và Hữu Bằng (huyện
Thạch Thất), hay tại nhiều nơi ở Sài Gòn?
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những kẻ còn to mồm ca tụng chiếc
bánh vẽ vô sản hãy đi thăm dân ở những vùng sâu, vùng cao và vùng hải
đảo xem đảng CSVN có còn xứng đáng là đội ngũ tiên phong nữa không?
09.06.2016