(VNTB) - Điều đầu tiên mà những người này cần nhớ là đảng, nhà nước và
chính phủ Việt Nam không làm gì ra tiền. Nhà nước đi vay tiền của nước
ngoài, về lý thuyết là để phục vụ cho các nhu cầu phát triển của người
dân Việt Nam, họ chỉ là người thay mặt người dân Việt Nam đi vay nợ mà
thôi.
“Tôi có vay đâu mà trả?”
Một
câu hỏi khiến nhiều người dân Việt Nam (và cả một số đại biểu quốc hội)
quan tâm là: Nợ công của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu? Cùng với nó là
các câu hỏi như: Nợ công của Việt Nam được quản lý và sử dụng như thế
nào? Phương án trả nợ ra sao? Nếu vỡ nợ thì chính phủ sẽ giải quyết như
thế nào? Cuộc sống của người dân khi đó sẽ đi về đâu? ...
Cho
dù các quan chức cao cấp của Việt Nam ra sức trấn an dân chúng rằng, nợ
công vẫn ở mức an toàn (50-60% GDP) nhưng theo các chuyên gia kinh tế
thì nợ công Việt Nam đã vượt ngưỡng an toàn từ lâu và đã vượt quá 100%
GDP. Theo tiến sĩ Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh
tế quốc dân Hà Nội thì “Nợ công Việt Nam nếu tính cả nợ doanh nghiệp
nhà nước với nợ đọng xây dựng cơ bản thì đã trên 100% GDP năm 2012,
tương đương khoảng 180 tỉ USD. Số nợ này gấp khoảng bốn lần thu ngân
sách của VN mỗi năm”.
Những
người dân Việt Nam không quan tâm đến chính trị thì cho rằng nợ công
nhiều hay ít không ảnh hưởng đến họ và việc trả nợ đã có đảng và nhà
nước lo (!?). Một tin không mấy vui dành cho họ là trung bình mỗi người
dân Việt Nam (từ lúc mới ra đời cho đến lúc nằm thở bằng bình ô-xy ở
bệnh viện) đều mang món nợ công là khoảng 30 triệu đồng(theo cách tính
của nhà nước Việt Nam)!
Những người này sẽ bảo: “Tôi làm gì có tiền mà trả? Tôi có vay đâu mà trả? Mà tôi không trả thì đã sao?”.
Vậy
sự thật là như thế nào? Điều đầu tiên mà những người này cần nhớ là
đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam không làm gì ra tiền. Ngay cả lương
của họ cũng lấy từ ngân sách quốc gia, tức là từ tiền thuế của người
dân mà có. Nhà nước đi vay tiền của nước ngoài, về lý thuyết là để phục
vụ cho các nhu cầu phát triển của người dân Việt Nam, họ chỉ là người
thay mặt người dân Việt Nam đi vay nợ mà thôi. Vì vậy toàn thể người dân
Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ là hoàn toàn đúng và không thể khác
được.
Nếu
có người cho rằng tôi không có gì để trả, thì khi đó con cháu họ sẽ
phải trả bằng cách phải đóng thuế nhiều hơn và nhận mức lương ít đi so
với nhu cầu của cuộc sống. Bạn nói tôi không có tiền để nộp thuế. Không
sao, nhà nước có muôn nghìn cách để móc túi bạn mà cách đơn giản nhất là
tạo ra lạm phát, tức là làm cho đồng tiền mất giá đi. Bạn vẫn sẽ nhận
lương 3-4 triệu/tháng như trước nhưng giá trị thực của đồng lương đó chỉ
còn 1-2 triệu vì giá cả ngoài thị trường đã tăng lên gấp đôi.
Nếu
cuối cùng, vì người dân không còn gì để nộp cho nhà nước để trả nợ nữa
thì vỡ nợ cấp nhà nước sẽ xảy ra. Chuyện này không có gì mới và lạ. Năm
1997 một loạt các nước vùng Đông Nam Á đã vỡ nợ trong đó có cả Hàn Quốc,
Thái Lan. Mới nhất là ngày 31/7/2014 , Argentina một quốc gia Nam Mỹ đã
vỡ nợ lần thứ hai, sau khi mất khả năng thanh toán 1,5 tỷ USD trái
phiếu quốc gia cho cho hai quỹ đầu tư của Mỹ.
Giả
sử Việt Nam rơi vào tình trạng vỡ nợ thì điều gì sẽ xảy ra? Theo chuyên
gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì: “Nếu Việt Nam vỡ nợ, tất nhiên hệ số
tín nhiệm của tín dụng đối với Việt Nam sẽ rất là thê thảm, trong trường
hợp nhà nước muốn vay tiền chỉ số tín dụng từ BB sẽ rơi xuống B- và
xuống hơn nữa... như thế làm sao Việt Nam có thể tồn tại trên thị trường
tài chính quốc tế. Những chuyện ấy sẽ làm cho một nước không thể ngóc
đầu lên nổi. Chúng ta đã thấy chuyện đó xảy ra rồi, thí dụ bên Argentina
vỡ nợ lần thứ hai kéo theo bao nhiêu hệ lụy của nền kinh tế”.
Như
vậy cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ không thể vay được tiền của ai nữa kể
cả từ Quĩ Tiền tệ Quốc tế, cho đến khi khả năng trả nợ được phục hồi.
Trái phiếu của Việt Nam khi đó chỉ còn là đống giấy lộn.
Số phận quỹ hưu trí?
Chuyện
vỡ nợ công của Việt Nam không còn là chuyện giả tưởng nữa mà đang có
nguy cơ lớn trong những năm sắp tới. Sự vỡ nợ của các Quĩ bảo hiểm xã
hội (tức là Quĩ Hưu trí của người lao động) liên tục được đưa ra và cảnh
báo là có thể vỡ sớm hơn so với dự báo. Lý do là có nhiều doanh nghiệp
hoạt động èo uột dẫn đến việc nợ đóng tiền cho Quĩ bảo hiểm xã hội. Ông
Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã
“bày tỏ sự lo lắng về hoạt động đầu tư, tăng trưởng quỹ BHXH, vì nguồn
quỹ này chủ yếu cho ngân sách Nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ
(73,41%), các ngân hàng thương mại Nhà nước vay chỉ chiếm (24,72%).
Như
vậy nếu nhà nước vỡ nợ công thì các Quĩ Hưu trí này cũng vỡ nợ theo.
“Sổ hưu” của các cán bộ và quân nhân ăn lương nhà nước, khi đó cũng
không còn. Không hiểu khi đó đại tá-giáo sư Trần Đăng Thanh sẽ ăn nói
thế nào để thuyết phục các đảng viên yên tâm và tiếp tục đồng lòng cùng
chính phủ chống lại nguy cơ “diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù
địch”?
Một
bản tin cũng đáng chú ý trên báo Pháp Luật Thành Phố là “Bạc Liêu: Nguy
cơ không còn tiền để chi lương”. Điều khiến chúng ta giật mình là tỉnh
Bạc Liêu, một miền quê trù phú với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, có
công tử Bạc Liêu ăn chơi nổi tiếng Sài thành thuở trước, mà giờ đây
cũng gay go như vậy thử hỏi những nơi khác sẽ như thế nào?
Nếu
không có những thay đổi đột biến và sâu rộng về thể chế chính trị thì
sẽ không có cách gì cứu vãn được tình thế. Vì chính trị là quyết định
tất cả. Người dân Việt Nam sẽ phải trả giá đắt cho sự bàng quan và thờ ơ
của chính họ đối với các hoạt động chính trị của nhà nước và các tổ
chức đối lập, dân chủ. Người dân luôn trông chờ và hy vọng vào sự thay
đổi và sự tử tế của chính quyền, đây là một sai lầm nghiêm trọng vì một
chế độ độc tài toàn trị chỉ luôn vơ vét và làm giàu cho chính họ và thân
tộc họ chứ không bao giờ họ vì dân vì nước.
Mặt
khác vì tâm lý chờ đợi và cam chịu, ngại thay đổi nên người dân Việt
Nam đã không dành sự quan tâm cần thiết và đúng mức cho các tổ chức
chính trị dân chủ đối lập. Sai lầm của người dân ở đây là họ vẫn
cố gắng tưới nước cho một gốc cây đã mục ruỗng thay vì dành một chút
thời gian để chăm sóc cho những hạt giống mới đã đâm chồi nảy lộc. Một
gốc cây mục không thể nào sống lại được, trong khi những hạt giống đã
nảy mầm nếu được nuôi dưỡng tốt thì không mấy chốc sẽ lớn mạnh và khi đó
người dân sẽ có quyền lực chọn những giống cây thích hợp và mạnh khỏe
nhất để dùng vào việc gây dựng lại cơ đồ.
Giải pháp tránh vỡ nợ
-
Để tránh vỡ nợ công thì cách tốt nhất là chính quyền cần hạn chế vay
mượn nước ngoài tối đa. Vay ít thì trả ít, nguy cơ vỡ nợ vì vậy sẽ được
giảm thiểu.
-
Muốn tránh vay nợ nước ngoài nhiều thì chính quyền phải tăng thu ngân
sách bằng biện pháp chống thất thu thuế. Muốn chống thất thu thuế thì
đầu tiên phải chống được tham nhũng (cứ một đồng bị tham nhũng thì ngân
sách nhà nước sẽ mất đi mười đồng, thậm chí hàng trăm đồng từ tiền
thuế). Thứ hai là phải chống được buôn lậu. Thứ ba luật pháp phải nghiêm
minh và bình đẳng với mọi thành phần kinh tế. Nhà nước sẽ kiên quyết
xóa bỏ mọi ưu đãi và đặc quyền, đặc lợi dành cho các tập đoàn và các
doanh nghiệp nhà nước, kể cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).
Nhà nước sẽ tư hữu hóa mọi ngành nghề kinh tế và tạo ra một bộ luật kinh
tế chung cho tất cả mọi thành phần với tất cả sự ưu đãi và dễ dãi để
người kinh doanh yên tâm đầu tư các dự án dài hạn. Nhà nước không có
chức năng kinh doanh mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ trọng tài và giữ cho
các hoạt động kinh tế và xã hội được ổn định và đảm đảo an sinh xã hội.
-
Chính quyền Việt Nam phải cắt giảm tối đa bộ máy công chức và những
người hưởng lưởng từ ngân sách. 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô
về” phải cho nghỉ việc. Trả các hội đoàn ăn lương ngân sách về cho xã
hội dân sự như Hội nhà văn, Hội nhà báo, Hội nông dân, Hội phụ nữ… Các
hội này phải tự thân vận động và sống bằng sự đóng góp của các hội viên.
Nhà nước không có trách nhiệm và không nên nuôi cơm các hội này. Các
đảng phái và tổ chức chính trị cũng phải tự thân vận động, tồn tại và
phát triển bằng chính năng lực của mình.
-
Việt Nam là một nước đang phát triển vì vậy rất cần nhiều nguồn vốn để
xây dựng hạ tầng cơ sở và phục vụ dân sinh. Việc vay mượn nợ công là
điều vẫn phải làm trong nhiều năm tới. Để tránh thất thoát và tham nhũng
trong việc đầu tư và giải ngân các nguồn vốn vay này thì tiêu chí minh
bạch và công khai cần phải đặt lên hàng đầu. Tất cả các dự án đầu tư
công đều phải được thông báo rộng rãi từ trước khi đấu thầu một thời
gian đủ dài để mọi doanh nghiệp có thể nghiên cứu và tham gia. Việc đấu
thầu phải diễn ra công khai minh bạch, dưới sự giám sát của người dân và
báo chí. Một ủy ban độc lập của quốc hội sẽ quản lý và giám sát quá
trình đầu tư công này.
-
Quĩ Hưu trí (Quĩ bảo hiểm xã hội) là một vấn đề rất quan trọng cho sự
ổn định của đất nước vì nó liên quan đến lương hưu của hàng triệu người …
hưu trí. Bất cứ sự đổ vỡ nào của Quĩ Hưu trí đều gây ra những hệ lụy
nghiêm trọng cho đời sống xã hội. Vì sự quan trọng đó mà không thể để
“việc quản lý và sử dụng Quĩ Bảo hiểm Xã hội là trách nhiệm của tổ chức
…bảo hiểm xã hội”. Quĩ Hưu trí phải do một Ủy ban độc lập của Quốc hội
quản lý và giám sát. Việc dùng tiền của Quĩ hưu trí để đầu tư phải rất
thận trọng, công khai và đảm bảo an toàn một cao nhất…
Tác giả: T.D.- D.H.L.
Nguồn: Việt Nam Thời Báo 10.06.2016